Monday 16 April 2012

THĂM MYANMAR THÁNG TƯ (Kami)



Kami
Mon, 04/16/2012 - 08:50

Tháng 03.2012, tôi trở lại Thái lan để chữa bệnh theo hẹn của bác sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lần này có hẹn của mấy người bạn cũ người Myanmar mời tôi sang chơi thăm đất nước của họ, khi họ đã trở thành công dân đất nước Myanmar tự do, được nhà nước Myanmar cho phép hồi hương chấm dứt thời sống lưu vong trên đất Thái lan để tranh đấu cho một nước Myanma dân chủ và tự do. Đất nước và con người Myanmar không xa lạ đối với cá nhân tôi, tôi đã từng đến đất nước Chùa vàng này rất nhiều lần, do đó đối với tôi đất nước này cũng gần gũi như các nước Lào, Campuchia và Thái lan. Cái chung nhất có thể thấy được ở các quốc gia này đó là con người ở những xứ sở này thường thật thà, tốt bụng và hiếu khách. Cũng có lẽ bởi các quốc gia này họ lấy đạo Phật (Phật giáo Nam tông) là quốc giáo, vì Phật giáo có ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách dân tộc, nhân sinh của người dân ở các xứ sở này.

Tôi và mấy bạn người Thái lan ấn định lịch trình cho chuyến đi Myanmar sẽ bắt đầu vào cuối tháng 03.2012, bởi đầu tháng 4.2012 ở Myanmar có cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng các Bang bổ sung đó là điều anh em chúng tôi hết sức quan tâm. Muốn qua chuyến đi này để tìm hiểu về sự thay đổi bất thường về mặt chính trị của đất nước Myanmar, một đất nước cai trị bởi một chính quyền độc tài quân sự trong vòng nửa thế kỷ bỗng chốc đột ngột chuyển hướng có thật sự hay không và lý do vì sao lại có chuyện như vậy? Chính quyền nhà nước Việt nam và Myanmar là các chính quyền độc tài, chỉ khác một đằng là độc tài quân sự và một đằng là độc tài kiểu tinh vi – độc tài toàn trị. Dưới con mắt của người dân Thái lan và Myanmar thì Việt nam được coi là một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, đời sống dân chúng dần được nâng cao, về chính trị thì tuy độc đảng nhưng vẫn có việc tổ chức bầu cử của nhân dân để bầu ra đại biểu của mình ngồi trong Quốc hội. Chứ họ hoàn toàn không biết chuyện bầu cử Quốc hội ở Việt nam là bầu cử giả hiệu, theo kiểu đảng cử dân bầu lấy lệ nhằm lừa bịp dư luận quốc tế.

Cách đây vài năm trong một cuộc gặp gỡ, mấy người bạn Myanmar sống lưu vong ở Thái lan có bảo tôi rằng, họ mơ ước có một ngày đất nước Myanmar của họ sẽ thay đổi để được như Việt nam. Tôi giải thích cho họ về chế độ độc tài toàn trị ở Việt nam nhưng họ và những người bạn Thái lan có mặt không ai tin, có lẽ vì sự thật thà mà hầu hết họ không hiểu được sự ma mãnh và xảo trá của hệ thống chính trị Việt nam. Điều đó chứng tỏ đảng CSVN và chính quyền của họ rất thành công trong việc lừa bịp dư luận quốc tế, cứ xem trong các cuộc hội nghị thượng đỉnh Asean thì vấn đề nhân quyền hay cải cách chính trị họ chỉ nhắc nhở và thúc đẩy Myanmar chứ còn ở Việt nam có bao giờ được nhắc tới.

Trước ngày khởi hành, Min O từ Rangoon hẹn sẽ đón chúng tôi ở Ragoon. Trong số bạn bè người Myanmar của tôi có anh Min O, tên thường gọi là Bird vốn xuất thân là sinh viên, thành viên đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ (Nationality League for Democracy – NLD) của bà Aung San Suu Kyi sang tỵ nạn tại trại tỵ nạn huyện Suonphung, tỉnh Rachaburi giáp biên giới Thái lan – Myanmar. Người đã từng cùng nhóm vũ trang God’s Army gồm 12 người trang bị vũ khí tiến hành chiếm Đại sứ quán Myanmar tại thủ đô Bangkok trong thời gian 06 giờ đồng hồ ngày 01.10.1999, nhằm yêu cầu chính quyền quân sự Myamar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và công nhận kết quả bầu cử năm 1899 mà đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi áp đảo. Cuộc đánh chiếm Đại sứ quán Myanmar tại thủ đô Bangkok này kết thúc khi nhóm vũ trang hạ cờ của nhà nước Manmar xuống và thay bằng cờ của đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ, sau đó nhờ thông qua qua đàm phán với chính quyền Thái lan họ được máy bay trực thăng Cảnh sát Thái lan chở về biên giới Myanmar – Thái lan và trả tự do. Sau này, mặc dù được hưởng quy chế tỵ nạn và được quyền đi định cư ở nước thứ ba, song hầu hết các sinh viên tỵ nạn người Myanmar quyết định ở lại Thái lan để đấu tranh mà theo họ đó là lựa chọn đúng đắn nhất.

Thời gian ở Bangkok, Bird làm nhân viên quản lý cho một nhà máy sản xuất cá hộp mà phần đông là công nhân người Myanmar làm việc và tiếp tục đi học tiếp đại học. Vừa làm việc, vừa học, vừa tham gia công tác tranh đấu vì tự do dân chủ cho đất nước Myanmar một cách bền bỉ, không mệt mỏi hơn 20 năm và công sức của những người tranh đấu như Bird không hề uổng công. Đầu năm 2012, chính quyền độc tài quân sự ở Myanmar đã buộc phải chịu nhượng bộ, nền chính trị của Myanmar đã thay đổi, một chính quyền dân sự dân cử trong sự cạnh tranh đa đảng tuy chưa thật hoàn hảo nhưng là một bước tiến vượt bậc. Mà cuộc bầu cử bổ xung ngày 01.4.2012 là một minh chứng.

Ở Rangoon

Đất nước Myanmar hiện tại quá nghèo khổ dưới sự cai trị của chính quyền độc tài quân sự và chịu ảnh hưởng của hậu quả của các biện pháp trừng phạt của Hoa kỳ và Cộng đồng châu Âu (EU). Trong lịch sử của mình, Myanmar một thời đã là một quốc gia được mệnh danh là hòn ngọc của châu Á, giờ đây có đến Ragoon thì chúng ta mới cảm nhận được sự nghèo khổ của dân chúng, sự trì trệ của nền kinh tế dưới sự cai trị của chế độ độc tài trong nửa thế kỷ. Nhưng thay vào đó là những đôi mắt tràn đầy niềm tin về một tương lai mới của mọi người dân Ragoon nói riêng và Myamar nói chung. Họ tin tưởng việc cải cách chính trị theo con đường tự do dân chủ là vấn đề mấu chốt đưa đất nước Myanmar của họ tiến lên.

Cô Myanmar gái bán hàng ở Rangoon

Hiện tại, Myanmar với dân số khoảng 56 triệu người (hàng 24 trên thế giới) nhưng tổng trị giá GDP (PPP) chỉ đạt khoảng 75 tỷ USD, chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI) là 0,45 xếp hạng 133 tương đương với Việt nam là 0,59 hạng thứ 128. Ai đến Myanmar lần đầu sẽ có cảm giác đây là nước lạc hậu kém phát triển đặc biệt là vấn đề đường xá giao thông. Các trục giao thông chính, tỉnh lộ chỉ có hơn 12% được trải nhựa, còn hầu hết là đường đất đỏ bụi mù mịt, kể cả trong các thị xã hay các điểm du lịch. Tuy vậy ở Rangoon tình trạng đường xá có thể gọi là tốt nhất vì cách đây chỉ vài năm Rangoon còn là thủ đô của Myanmar, một thành phố được thực dân Anh xây dựng với cơ sở hạ tầng khá tốt tuy bị xuống cấp vì không có chi phí bảo trì.

Các bạn Myanmar phấn khởi cho tôi biết Myanmar đặc biệt là Rangoon hôm nay thay đổi từng ngày nếu không nói là thay đổi từng giờ. Bằng chứng là với số lượng khách đến du lịch hay tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng gấp 6-7 lần so với cuối năm ngoái, khiến các khách sạn đều quá tải, không đủ phòng ốc để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trước đây lượng du khách đến Myanmar ước chừng hơn 200 ngàn lượt người/năm nhưng chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2011 đến nay lượng khách du lịch đã đạt tới con số một triệu người. Đó có lẽ là lý do người dân thủ đô Rangoon giờ đây cảm thấy rất sung sướng và vui vẻ, một cô gái bán hàng dọc vỉa hè khu trung tâm Rangoon cho biết doanh số bán hàng của cô giờ đây đã gấp 5-7 lần khi chưa có sự thay đổi của chính quyền quân sự.

Trước đây Myanmar vốn là thuộc địa của Anh, nên người Myanmar biết tiếng Anh và sử dụng trong giao tiếp rất phổ biến, nay thì ngược lại số người giao tiếp bằng tiếng Anh rất hạn chế kể cả giới sinh viên và trí thức. Đáng tiếc nhất là đất nước Myanmar có một tiềm năng du lịch rất lớn nhưng bị lãng quên, người dân ở xứ sở này chưa hiểu và biết cách tổ chức khai thác du lịch. Cho dù điều kiện tự nhiên của Myanma khá tốt, đa dạng với nhiều phong cảnh đẹp, đạc biệt họ có đường bờ biển dài gần 2.000 km dọc theo Vịnh Bengal và Biển Andaman ở phía tây nam và phía nam, chiếm một phần ba tổng chiều dài biên giới nhưng đối với họ các khái niệm resort, bungalows còn hết sức mới mẻ. Đây sẽ là một tiềm năng vô tận về du lịch của đất nước Myanma trong tương lai mà đến nay chưa hề được khai thác, nó cũng là một sự thu hút đầu tư rất lớn trong tương lai.

Đi Naypyidaw

Naypyidaw thủ đô hành chính mới của Myanmar từ năm 2005, đây là một thành phố mới của Myanmar đang được xây dựng nằm ở phía bắc Rangoon khoảng 320 km, có diện tích 7,054.37 km2 và có dân số gần 1 triệu người. Nghe các bạn người Myanmar cho biết lý do dời thủ đô thủ đô hành chính của Myanmar vì ông thống tướng Than Shwe, người giữ chức vụ “Chủ tịch Hội đồng Hòa Bình và Phát triển Quốc gia” khi ấy do tin người xem bói khẳng định rằng phải dời thủ đô thì Myanmar mới có cơ hội phát triển nên đã quyết định dời thủ đô. Việc xây dựng thủ đô Naypyidaw dự kiến bắt đầu từ năm 2003 và dự kiến hoàn tất vào năm 2012, tuy nhiên đến lúc này Naypyidaw còn là một công trường xây dựng ngổn ngang. Quy hoạch của Naypyidaw chắc sẽ rất to lớn vì với hệ thống đường giao thông rộng rãi, các tòa nhà trụ sở của chính phủ rất đẹp, hoành tráng và khá hiện đại, Naypyidaw đã được đánh giá là một thành phố phát triển nhanh hàng thứ 10 trên thế giới.

Trên đường vào thủ đô Naypyidaw

Naypyidaw là thủ đô hành chính do đó trụ sở của các Bộ, Ban, Ngành của chính phủ đều đóng ở đây và do đó dân cư ở đây chủ yếu là công chức, binh lính của chính quyền quân sự. Lý do giải thích cho việc di chuyển thủ đô từ Rangoon tới Naypyidaw được chính quyền công bố là do sự chật chội, giao thông quá tắc nghẽn và đông đúc của thủ đô Rangoon. Hơn nữa việc dời thủ đô về Naypyidaw sẽ tăng hiệu quả hơn cho quân đội trong việc trấn áp các nhóm phiến quân vũ trang đối lập. Nhưng người ta suy đoán rằng việc dời thủ đô từ Rangoon về Naypyidaw nằm sâu trong lục địa hơn 300 km là biện pháp bảo toàn cho sự tồn vong của chế độ độc tài quân sự, vì nó sẽ tránh được một cuộc tập kích đổ bộ của quân đội nước ngoài can thiệp trong tình huống trong nước Myanmar xảy ra một cuộc cách mạng mầu.

Nhưng một điều ngạc nhiên là trong cuộc bầu cử bổ xung ngày 01.4.2011, tại Naypyidaw vốn được coi là căn cứ địa của chính quyền dân sự của tổng thống Thein Sein đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, do Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã chiến thắng 4/4 (100%) khu vực bầu cử. Chúng tôi đến Naypyidaw để biết về thủ đô mới của Myanmar, những ai định đến Naypyidaw để du lịch thì xin khuyên chưa nên đến vì lượng du khách quá ít ỏi và dịch vụ du lịch chưa phát triển nếu không nói là còn quá kém.

Chuyện kinh dị về giao thông ở Myanmar mà ít người biết

Giao thông ở Myanmar quá kém về mặt phương tiện, hiện tại ở Myanmar họ vẫn dùng xe súc vật kéo, xe đạp thồ, xe vận tải để chở khách. Đường xá ở các tỉnh xuống cấp trầm trọng như ở Campuchia những năm cuối thập niên 1980 sau khi kết thúc chiến tranh, luôn ở tình trạng bụi mù mịt, và đầy ổ gà ổ voi hàng chục năm không hề được bảo trì và sửa chữa. Qua chuyến đi Naypyidaw mới thấy hết sự dã man của chính quyền độc tài quân sự ở Myanmar đối với đồng bào của họ. Ngoài việc ngân sách quốc gia Myanmar và các khoản thu từ việc bán tài nguyên như gỗ, khoáng sản, khí đốt… tất cả đều nằm trong tay 7-8 tướng lĩnh cao cấp trong quân đội. Ngân sách quốc gia được chi tiêu tùy ý chủ yếu là đầu tư cho quân đội và tham nhũng. Về giáo dục thì các trường đại học lớn đều bị đóng cửa, số trường còn lại chỉ đào tạo cho các đối tượng là con cái các sĩ quan, viên chức hành chính tốt nghiệp ra để phục vụ cho chính quyền. Đó chính là lý do không có chi phí bảo trì và duy tu đường bộ ở các địa phương.

Cảnh sát giao thông Myanmar đang tiến tới kiểm tra xe

Một chuyện kinh dị được nghe lần đầu tiên chắc còn ít người biết, đó là việc sửa đổi quy định về chiều của phương tiện giao thông đường bộ lưu hành của chính quyền quân sự Myanmar năm 1962 sau một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Ne Win lãnh đạo. Trước đây Myanmar là thuộc địa của Anh do đó phương tiện giao thông chạy theo tiêu chuẩn của Anh, nghĩa là tay lái xe ô tô ở bên phải và xe chạy theo lề bên trái. Vào năm 1962 Tướng Ne Win sau một cuộc đảo chính quân sự đã ra tuyên bố buộc tất cả các phương tiện giao thông chạy theo lề bên phải. Xe ô tô tay lái bên phải chạy theo lề phải đã khó khăn và nguy hiểm, nhưng chưa bắng xe khách cửa lên xuống ở bên tay trái. Với quyết định độc đoán phản khoa học, bất chấp hậu quả của chính quyền độc tài quân sự ở Myanmar này đã khiến tình trạng tai nạn giao thông tăng vọt. Thời đó, khi quyết định mới ban hành số lượng các vụ tai nạn giao thông hàng ngày từ hàng trăm tới hàng ngàn vụ, với số người chết và bị thương lên đến hàng ngàn người.

Lý do dẫn tới quyết định này cũng vì Tướng Ne Win đi xem bói, khi thầy bói phán rằng muốn duy trì quyền lực lâu dài, bền vững khi mà đảng chính trị do Tướng Ne Win hậu thuẫn là đảng phái hữu (phải) thì bắt buộc phương tiện giao thông chạy theo lề phải. Thay đổi như vậy thì trong các cuộc bầu cử đảng cánh hữu do quân đội ủng hộ sẽ luôn giành được thắng lợi. Có lẽ vì như vậy mà cầm quyền trong 26 năm và theo đuổi chính sách xã hội chủ nghĩa. Năm 1974, Myanma lấy quốc hiệu mới là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanma, chính quyèn này tồn tại tới năm 1988 thì bị Tướng Saw Maung tiến hành đảo chính và thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang (SLORC).Từ đó Myanma quay trở lại quốc hiệu Liên bang Myanma.

Vì thế cho đến hôm nay xe ô tô ở Myanmar đủ lại tai lái trái (thuận), tay lái phải (nghịch) lưu thông trên đường, tuy vậy ở Rangoon xe cộ lưu hành tương đối trật tự không có cảnh tắc đường cho dù ở Rangoon chỉ có khoảng 500 cảnh sát giao thông.

Kết

\Hơn một tuần ở Myanmar, trực tiếp cảm nhận được nỗi vui sướng đến nghẹ ngào của người dân nơi đây khi biết kết quả của cuộc bầu cử bổ sung mà đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng 43/45 khu vực bầu cử. Người dân vui sướng một phần cũng vì sự yêu quý, tin tưởng và khâm phục của họ đối với bà Aung San Suu Kyi, nhưng quan trọng hơn đó là sự vui mừng của cả một dân tộc được giải thoát khỏi chế độ độc tài Quân sự trong vòng nửa thế kỷ. Khi nhân dân đã nắm được chiếc chìa khóa Dân chủ – Tự do để mở cánh cổng đưa quốc gia Myanmar của họ thoát khỏi chế độ độc tài chuyển sang thời kỳ mới để đưa đất nước Myanmar vươn lên phía trước tiến tới thịnh vượng và phồn vinh.

Đất nước Myanmar có được kết quả vĩ đại ngày hôm nay không chỉ do sự tranh đấu bền bỉ không mệt mỏi của những con người yêu tự do và dấn thân trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do. Nó cũng không chỉ do sự can trường, chấp nhận hy sinh để đối đầu với chính quyền độc tài quân sự của bà Aung San Suu Kyi cộng với áp lực của cộng đồng quốc tế trên mọi lĩnh vực để buộc chính quyền quân sự Myanmar chịu và chấp nhận cải cách chính trị.

Một phần lớn không thể không nhắc tới đó là các tướng lĩnh quân đội Myanmar, gần nửa thế kỷ đã rút ra cho họ bài học cái giá phải trả của sự mất dân chủ, của chế độ độc tài. Họ đã dũng cảm hy sinh quyền lợi của cá nhân, của nhóm lợi ích và của tập đoàn quân sự, cái mà đã khiến đất nước Myanmar đã tụt hậu khá xa đối với các quốc gia trong khu vực đồng thời cũng là mối đe dọa tiềm ẩn cho những kẻ độc tài tham quyền cố vị bất chấp lợi ích của dân tộc và quốc gia của mình.

Nhưng quan trọng hơn, đến với đất nước Myanmar lần này cá nhân tôi cũng đã rút ra được nhiều bài học về công cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho một đất nước đang chịu sự cai trị của chế độ độc tài như ở Việt nam. Không phải ngẫu nhiên mà đất nước Myanmar đã có sự chuyển đổi chính trị một cách ôn hòa, chậm nhưng chắc chắn. Đó là sự hy sinh quyền lợi của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức vì lợi ích chung của dân tộc của đất nước. Những người tranh đấu ở Myanmar ở các tổ chức khác nhau nhưng họ có một niềm tin, họ sẵn sàng ở lại để tranh đấu bất chấp sự đàn áp của chính quyền độc tài quân sự. Mà điển hình là the lady – bà Aung San Suu Kyi. Cái mà hình như phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam còn chưa có.

Trên đường rời Myanmar bản thân tôi cứ ám ảnh về đảng Liên đoàn quốc gia Dân chủ (Nationality League for Democracy – NLD) của bà Aung San Suu Kyi, một hình thức liên minh dân chủ đấu tranh bất bạo động và các tổ chức đấu tranh vũ trang đối lập ngoại vi của những cá nhân và tổ chức tranh đấu của Myanmar thời gian trước đây. Có lẽ đây là vấn đề mấu chốt, là cái then chốt của sự thắng lợi, đó là sự Đoàn kết mà chúng ta còn thiếu và chưa có như họ.

Ngồi trong xe ô tô, nhìn qua cửa kính chợt nghĩ đến tựa đề ca khúc “Việt nam tôi đâu?” của Việt Khang, lòng thầm nghĩ dân tộc Việt nam mình nếu không có sự thay đổi trong việc tổ chức đấu tranh thì đường về nhà sẽ còn xa.

Measot, ngày 10 tháng 4 năm 2555 (Phật lịch)
© Kami

.
.
.


No comments:

Post a Comment

View My Stats