Friday 20 April 2012

SỨC MẠNH MỚI CỦA RỒNG TRUNG QUỐC (Châu Giang, theo Economist)


Tác giả: Châu Giang theo Economist
Bài đã được xuất bản.: 20/04/2012 02:00 GMT+7

An ninh toàn cầu trong vài thập kỷ tới sẽ tùy thuộc vào việc liệu Trung Quốc có trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang sức ngang tài với Mỹ hay không. Và hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực để sớm biến điều này thành sự thật.

Tại một cuộc họp của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khi phản ứng trước những than phiền về cách hành xử của nước ông trong khu vực đã buột miệng một câu thiếu lịch sự mà giới lãnh đạo cấp cao thường không muốn nói ra. Ông tuyên bố: "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, đó là một thực tế". Trên thực tế đúng là như vậy, và Trung Quốc không chỉ lớn về lãnh thổ và dân số, mà còn lớn về tầm vóc quân sự. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chỉ đạo việc cải tiến lực lượng quân đội có quy mô lớn nhất thế giới. Và đây cũng là một thực tế mà phần còn lại của thế giới phải chấp nhận.

Việc Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình là điều không còn nghi ngờ gì nữa, dù vẫn còn những bất đồng về con số chi tiêu thực sự cho việc này. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc gần như chắc chắn đã tăng hai con số trong hai thập kỷ qua. Theo Viện nghiên cứu SIPRI, chi tiêu quốc phòng thường niên của Trung Quốc đã tăng từ mức hơn 30 tỷ USD năm 2000 lên gần 120 tỷ USD vào năm 2010. SIPRI thường thêm khoảng 50% vào con số chính thức mà Trung Quốc công bố về chi tiêu quốc phòng của mình, vì ngay cả các số liệu cơ bản về quân sự như nghiên cứu và phát triển của nước này cũng đã vượt quá ngân sách. Nếu tính các số liệu dự đoán chi tiêu quốc phòng năm 2012, dựa trên thông báo mới nhất của Bắc Kinh, thì tổng chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt 160 tỷ USD. Mỹ chi tiêu cho quốc phòng nhiều gấp 4,5 lần Trung Quốc, nhưng các xu hướng hiện nay cho thấy chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể vượt Mỹ sau năm 2035.

Toàn bộ số tiền này sẽ thay đổi điều mà Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể làm. Hai mươi năm trước, sức mạnh quân đội Trung Quốc chủ yếu nằm ở số quân đông đảo; nhiệm vụ chính của họ là chiến đấu giáp lá cà chống kẻ thù hoặc xâm chiếm lãnh thổ. PLA hiện vẫn là quân đội có quy mô lớn nhất thế giới, với một đội ngũ gồm 2,3 triệu binh lính. Nhưng sức mạnh quân sự thực sự của Trung Quốc nằm ở chỗ khác. Các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đang có ý định mua cái mà họ gọi là A2/AD hay các năng lực "chống can thiệp/phong tỏa khu vực". Ý tưởng là sử dụng cuộc tấn công chính xác trên thực địa và các tên lửa chống hạm, một hạm đội tàu ngầm hiện đại ngày càng lớn và các vũ khí mạng và chống vệ tinh để hủy diệt hoặc vô hiệu hóa các tài sản quân sự của nước khác ở cách xa.

Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, ý tưởng trên có thể là nhắm mục tiêu vào các nhóm tàu sân bay của Mỹ và các căn cứ quân sự của nước này tại Okinawa, Hàn Quốc và cả ở Guam, đồng thời đặt các mục tiêu này vào thế nguy hiểm. Mục đích có thể là làm cho việc phô trương sức mạnh Mỹ tại châu Á trở nên nguy hiểm và tốn kém hơn, khiến các đồng minh của Mỹ không thể tiếp tục dựa vào đó để ngăn chặn các âm mưu gây hấn hoặc chống lại các dạng sức ép tinh vi hơn. Nó cũng có thể giúp Trung Quốc lặp lại đe dọa tấn công Đài Loan nếu hòn đảo này có ý định chính thức tuyên bố độc lập.
Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự cũng rung hồi chuông cảnh báo tại châu Á và trở thành một trọng tâm trong chính sách quốc phòng của Mỹ. Bản "chỉ đạo chiến lược" mới ban hành hồi tháng 1/2012 của Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã khẳng định điều mà mọi người ở Washington đều biết, đó là: sự thay đổi trong ưu tiên hướng tới châu Á là quá chậm và đang diễn ra. Tài liệu này nói rằng "trong khi quân đội Mỹ tiếp tục đóng góp cho an ninh toàn cầu, chúng ta sẽ cần chuyển trọng tâm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Mỹ đang lên kế hoạch cắt giảm khoảng 500 tỷ USD chi tiêu quốc phòng trong 10 năm tới. Nhưng tài liệu này viết "để răn đe hiệu quả các đối thủ tiềm ẩn và ngăn cản họ đạt mục đích, thì Mỹ phải duy trì năng lực thể hiện sức mạnh trong các khu vực mà khả năng tiếp cận và sự tự do hoạt động của chúng ta bị đe dọa".

Khá rõ điều đó có nghĩa gì. Điên đầu với các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan, Mỹ đã thờ ơ với khu vực năng động kinh tế nhất thế giới. Đặc biệt, Mỹ đã đáp lại một cách không thích hợp trước sức mạnh quân sự và thái độ xác quyết chính trị đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Theo các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, Trung Quốc có tham vọng - và ngày càng có sức mạnh - trở thành một nước bá chủ khu vực; họ đã tham gia vào một nỗ lực kiên quyết nhằm hất cẳng Mỹ ra khỏi một khu vực từng được tất cả các chính quyền Mỹ từ thời Tổng thống Teddy Roosevelt tuyên bố là một lợi ích an ninh sống còn của Mỹ; và họ đang đặt các nước Đông Nam Á vào một vòng ảnh hưởng "mặc định". Mỹ phải phản ứng. Trong một dấu hiệu sớm của sự đáp lại này, ông Obama đã thông báo hồi tháng 11/2011 rằng 2.500 Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đến đồn trú tại Australia. Các cuộc thương lượng về việc tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines cũng đã bắt đầu từ tháng Hai năm nay.

Nguyên tắc "tung hỏa mù"

Trung Quốc khiến các nước khác lo ngại không chỉ vì mức độ tăng cường quân sự của họ, mà còn vì thiếu thông tin về việc họ sẽ sử dụng các lực lượng mới của mình như thế nào và cả việc ai thực sự chỉ huy các lực lượng này. Tài liệu chỉ đạo chiến lược Mỹ cũng nêu rõ lo ngại này. "Sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc phải đi kèm với sự minh bạch hơn trong các ý định chiến lược nhằm tránh gây xích mích trong khu vực".

Về danh chính ngôn thuận, Trung Quốc cam kết cái mà họ gọi như một khẩu hiệu là sự "nổi lên hòa bình". Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của nước này nhấn mạnh cam kết vì một thế giới đa cực dựa trên luật pháp. Họ không đồng tình với các ý kiến cho rằng Trung Quốc đang tự coi mình là một đối thủ cạnh tranh quân sự "gần ngang hàng" với Mỹ.

Tuy nhiên, tại biển Đông và biển Hoa Đông, mọi thứ có vẻ khác. Trong 18 tháng qua, đã xảy ra nhiều vụ va chạm giữa các tàu Trung Quốc và tàu từ Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Philippines liên quan đến các quyền lãnh thổ tại các vùng biển giàu tài nguyên. Một bài xã luận khiêu khích trên Thời báo Hoàn cầu tháng 10/2011 đã cảnh báo: "Nếu các nước khác không muốn thay đổi cách đối xử với Trung Quốc, họ nên chuẩn bị nghe tiếng pháo. Chúng ta cần sẵn sàng cho điều đó, bởi đây rất có thể là cách duy nhất giải quyết các tranh chấp trên biển". Đây tất nhiên không phải là một tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc.

Các quan chức Bộ Ngoại giao khéo mồm hơn có thể bối rối với những lời lẽ khiêu khích của Thời báo Hoàn cầu - tờ tương đương với Fox News ở Mỹ - nhưng quan điểm của họ cũng không xa lắm so với giới lãnh đạo hăng hái mở rộng hải quân. Tuy nhiên, trong một tuyên bố học thuyết công bố năm 2005, cuốn Khoa học về Chiến lược quân sự của PLA đã không nói toạc ra. Dù cuốn sách trên viết "quốc phòng tích cực là đặc điểm chính của chiến lược quân sự Trung Quốc, nhưng nếu một kẻ thù làm tổn hại đến các lợi ích quốc gia của chúng ta tức là kẻ thù đã bắn phát súng đầu tiên", và trong trường hợp này, nhiệm vụ của PLA là "làm mọi cách có thể để chế ngự kẻ thù bằng cách tấn công trước".

Mọi thứ trở nên đáng báo động hơn khi thiếu minh bạch về việc ai thực sự kiểm soát kho súng đạn và các con tàu. Trung Quốc là cường quốc duy nhất mà PLA không là một phần chính thức của nhà nước. Lực lượng này thuộc trách nhiệm của Đảng Cộng sản, và nằm dưới sự chỉ đạo của Quân Ủy trung ương của đảng, không phải của Bộ Quốc phòng. Dù đảng và chính phủ tại Trung Quốc rất thân mật, nhưng đảng có vẻ mập mờ hơn khiến các nước ngoài khó hiểu được những người trung thành và các ưu tiên của PLA nằm ở chỗ nào. Một quan hệ tốt hơn giữa quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc có thể làm sáng tỏ phần nào góc tối này. Nhưng PLA thường trì hoãn quan hệ "quân đội - quân đội" như một sự "trừng phạt" mỗi khi căng thẳng gia tăng với Mỹ liên quan đến Đài Loan. PLA cũng không chắc chắn về những gì Mỹ có thể đạt được nếu quan hệ giữa hai lực lượng vũ trang trở nên sâu sắc hơn.

"Bữa tiệc" của vô số những điều chưa chắc chắn này còn thêm một món, đó là ngay cả khi các nước khác có tin rằng các ý định của Trung Quốc chủ yếu mang tính ôn hòa - trên thực tế một số ý định rõ ràng không phải vậy - thì họ cũng khó có thể đưa ra kế hoạch dựa trên mỗi phán đoán đó. Trong vai trò là nhóm cố vấn có ảnh hưởng tại Mỹ, Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA) đã chỉ ra rằng các ý định của một chế độ chuyên quyền có thể thay đổi nhanh chóng. Bản chất và quy mô của các năng lực mà Trung Quốc đã tăng cường cũng vậy.

Còn tiếp

.
.
.



Trung Quốc bác bỏ việc Manila đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế: China rejects Manila’s move to take sea dispute to ITLOS (Zee News)

Trung Quốc triển khai pháo hạm: China deploys gunboat (Inquirer)

Trung Quốc thử ý chí của Philippines: China tests the will of the Philippines (ATO).

Vấn đề chủ quyền gai góc: Thorny sovereignty issue (BWO).





No comments:

Post a Comment

View My Stats