Monday 9 April 2012

LỊCH SỬ CẦN LÀM SÁNG TỎ NHỮNG SỰ THẬT (Trần Kỳ Trung)



Trần Kỳ Trung
11/04/2011 19:47

Tôi vừa đọc bài “ CẦN LÀM SÁNG TỎ MỘT SỰ THẬT LỊCH SỬ?” của tác giả Mai Vũ trên trannhuong.com nói về tổ điệp báo A13 làm nổ thông báo hạm Amyot D’invile của Pháp tháng 9 năm 1950 ở ngoài khơi vùng biển Sầm Sơn ( Thanh Hóa). Như tác giả cho biết, thông báo hạm này đúng là bị điệp báo Việt Minh cho nổ mìn nhưng nó không chìm, mà chỉ bị hỏng, đưa về cảng Hải phòng để sửa chữa! Nếu tin này đúng, như vậy chắc gì đã có tấm gương anh hùng nữ chiến sỹ an ninh Nguyễn Thị Lợi, người đưa va ly chứa mìn lên tàu, khi chị đóng vai “ người yêu” của một sỹ quan Pháp.
Yêu cầu của tác giả tôi thấy chính đáng!

Thực tế bây giờ khi đọc lại nhiều tấm gương anh hùng, hành động anh hùng của họ, tôi và tôi tin có rất nhiều người sẽ thắc mắc! Không biết nhân vật đó có thật không ? Vì chúng ta đủ bình tĩnh để suy ngẫm dựa trên chứng cứ khoa học và sự thật.

Một anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Tưởng là thật, nhưng suy nghĩ một chút, thấy chuyện đó quá vô lý. Làm sao có thể xông lên lấp lỗ châu mai...chẳng lẽ trận địa của đối phương chỉ có một lỗ châu mai!!!

Rồi một anh hùng lấy thân chèn pháo! Nghĩ kỹ cũng thấy đó là điều không tưởng. Nếu khẩu pháo nặng hàng tấn , đứt dây lao xuống dốc, một bên là vực sâu ,một bên là vách núi, thì ai có thể cản được khẩu pháo ấy không rơi xuống vực, kể cả những tảng đá to, chưa nói đến thân người!!! nếu như khẩu pháo ấy không rơi xuống vực, chẳng qua đó là sự may mắn, chứ không thể do thân người cản lại.

Đấy là những suy luận mà tôi thấy có lý, chứ chưa kể có những anh hùng thực tế là không có thật, mà bây giờ lịch sử đã trả lại những tư liệu “ không có” cho chúng ta thấy như anh hùng Lê Văn Tám ( trong thời chống Pháp) và Nguyễn Văn Bé ( trong thời chống Mỹ)... Thậm chí đến tấm gương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, trước mũi súng quân thù, qua những thước phim của điện ảnh Nhật quay trực tiếp, cũng không phải như miêu tả của báo chí miền bắc thời đó.

Nếu nhân vật đó không có thật!!! Hành động đó không có thật!!! Mình bị lừa dối. Từ đó suy rộng ra...

Đã bao lần mình cũng bị lừa dối cả về lý tưởng. Cả những hình ảnh mình tưởng đã tin.

Hóa ra đó cũng không phải là hình ảnh thật.

Mà người ta nói, một sự bất tín sẽ dẫn theo ngàn sự bất tin.

Nhân dân sẽ quay lưng, không ủng hộ một thể chế mà giả dối từ cương lĩnh đến hành động, dùng nó để giữ quyền thống trị của mình.

Nhân dân không ủng hộ, thể chế đó không thể tồn tại.

----------------------------------------------

Mai Vũ
Thứ năm ngày 7/4/2011

Chiến công của tổ điệp báo A13 làm nổ Thông báo hạm Amyot Dinville vào tháng 9 năm 1950 tại ngoài khơi Sầm Sơn là một chiến công hiển hách của an ninh Việt Nam. Cùng với nó là sự hy sinh anh dũng của nữ chiến sĩ an ninh Nguyễn Thị Lợi. ý nghĩa lịch sử vĩ đại của chiến công này đã được tuyên dương, ghi công và đời sau sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực để đánh giá nó đúng đắn và toàn diện hơn, cũng như nó mãi mãi sẽ là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho các nhà sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật. Chắc chắn sau này sẽ còn nhiều tiểu thuyết, kịch sân khấu, điện ảnh, hội họa khai thác sự kiện này.

Cho tới nay, tạm tính ta đã thấy: Chiếc va-li-da của Nguyễn Đình Lạp, Câu lạc bộ chính khách của Lê Tri Kỷ, Tiếng nổ ngoài khơi Sầm Sơn của Văn Phan và tôi - Mai Vũ cũng có: Tiểu thuyết tư liệu lịch sử Tổ điệp báo A13 - Nhà xuất bản Hà Nội in 2000.

Trong tất cả các tác phẩm đã kể trên đây, không tác phẩm nào khẳng định hay mô tả Thông báo hạm Amyot Dinville đã bị đánh chìm cùng với hàng trăm tên lính Pháp và hàng trăm tấn vũ khí, khí tài của địch. Bởi vì các tác giả giữ thái độ trung thành với sự thật lịch sử.

Bởi vì trong thực tế, tàu Amyot Dinville có bị đánh mìn thật nhưng nó không chìm mà vẫn chạy về tận Hải Phòng để sửa chữa. Báo chí thời Pháp thuộc có đăng tin và thậm chí còn chụp được cả ảnh tàu đó nữa. Chính vì nó không chìm nên nhà văn Văn Phan chỉ khiêm tốn đặt tên cho tác phẩm của mình là Tiếng nổ ngoài khơi Sầm Sơn. Chính vì nó không chìm cho nên ta không có vật chứng để triển lãm cho chiến công này. Bởi nếu Amyot Dinville còn nằm ngoài khơi Sầm Sơn thì với kỹ thuật hiện đại ngày nay, nó đã được trục vớt mang về triển lãm để giáo dục truyền thống từ lâu rồi.

Cũng may là tới nay những người tham gia sự kiện này như Đại tá Kim Sơn, Trung tướng Chu Duy Kính vẫn còn sống, có thể kiểm chứng ý kiến của tôi qua hai ông.

Như vậy, việc nhà báo Thảo Duyên và nhà văn Nguyễn Xuân Hải nói: Thông báo hạm Amyot Dinville bị đánh chìm với hàng trăm binh lính và vũ khí, khí tài của Pháp như Văn nghệ Công an đã đăng số 249 ra ngày 4-4-2011 là không đúng với sự thật.

Xin góp ý để nhà văn Nguyễn Xuân Hải tiếp cận đề tài và điều tra thấu đáo đến nơi đến chốn. Vì đây là một sự thật lịch sử cần được làm sáng tỏ và trung thực.

Mai Vũ
Chi hội nhà văn công an

--------------------------------

XEM THÊM :



.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats