Thursday 12 April 2012

LÊ DUẪN - MỘT NHÂN VẬT CẦN ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ ĐÚNG (J.B Nguyễn Hữu Vinh)


J.B Nguyễn Hữu Vinh
07/04/2012

Một ngày kỷ niệm về Lê Duẩn, cố TBT Đảng CSVN, người mà đời mình đã có một thời gian dài ám ảnh khi nghe đến tên ông ta. Hôm nay, kỷ niệm ngày sinh của ông ta lần 105 mà không thấy ‘đảng ta’ hô hào tuyên dương gì nhiều lắm như xưa nay thường có. Đọc bài viết trên mạng này để tưởng nhớ đến tuổi thơ của mình.

----------------------------------------

Lê Duẩn – một nhân vật cần được đánh giá đúng

Lê Duẩn (7/4/1907—10/7/1986)

Hôm nay kỷ niệm lần thứ 99 ngày sinh Lê Duẩn (7/4/1907—7/4/2006), và cũng là năm thứ 20 Lê Duẩn đi tìm cụ Các Mác, cụ Lê Nin. Một nhân vật đã có một thời gắn liền với một giai đoạn Lịch sử Việt Nam, giai đoạn những người cộng sản cho là Giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, vì Chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn “quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội”.

Trên báo điện tử VietNamNet của đảng, có hai bài viết liền để ca ngợi Lê Duẩn, đọc hai bài báo, tôi nghĩ rằng: Để được khách quan trong cách nhìn nhận và đánh giá một nhân vật thật công bằng, cần có một diễn đàn theo đúng lời “căn dặn” của Tổng Bí thư Nông đức Mạnh đó là “Tôn trọng ý kiến khác biệt”. Có vậy, cái nhìn mới đa chiều để có cơ sở đánh giá. Tiếc thay, trên báo đảng, những ý kiến khác biệt, đồng nghĩa với sổ đen, đồng hành với Công an và những điều lạ lùng hiếm thấy trên thế giới.

Thời kỳ Lê Duẩn

Với mọi người trẻ tuổi, tôi không hiểu họ nghĩ gì về nhân vật này (Lê Duẩn). Còn thế hệ chúng tôi, những người được sinh ra, được sống dưới những tháng năm đầy “ơn mưa móc” của “đồng chí Lê Duẩn”, đứng đầu tập đoàn đảng cộng sản, là những năm tháng để lại nhiều dấu ấn, nhiều nỗi kinh hoàng.
Những năm tháng đó, dù có kể lên đây, chắc nhiều độc giả không thể nào tin nổi, nhất là những độc giả trẻ tuổi hoặc những người sống ở nước ngoài. Những chi tiết tôi kể dưới đây, nó rời rạc, nó không văn hoa, nhưng nó là một chùm những sự thật được ghi lại lộn xộn về một thời — Thời kỳ Lê Duẩn.

Về vật chất

Đó là thời kỳ tất cả gắn liền với chữ “khẩu” nghĩa là cái miệng. “Hộ khẩu”, “nhân khẩu”… Đảng cầm rất chắc cái miệng, cái bụng của người dân, có thể tống vào đó đủ các thứ hầm bà lằng từ khoai lang mốc, sắn lên nấm xanh, đến củ dong riềng, sau nữa là bo bo… nghĩa là những thứ đảng thấy có thể tống vào bụng ông chủ của mình. Nhứng tháng năm đó, các nhà khoa học của nhà nước còn luôn khẳng định: Ngô bổ hơn gạo, vì vậy nhân dân cố gắng ăn ngô, khoai, sắn… Cả làng, cả nước lo miếng ăn từng ngày. Đầu óc người Việt tập trung nhiều nhất cho chữ “ăn”. Mỗi tháng, người cán bộ được năm lạng thịt, bốn lạng đường, 13 cân gạo qui ra thành 5 cân gạo mốc + nửa cân đá sạn (Một số cán bộ lương thực đã trộn sẵn vào để cho nó nặng thêm). Có một nguời đã nhắn trên báo: Đề nghị các chị ở Lương thực, lần sau có trộn sạn thì nên trộn sạn đen, để chúng tôi còn có khả năng nhặt.
Con người luôn có tâm hồn và bộ dạng lả lướt, dù không phải là nghệ sỹ hay thi sỹ, mà chỉ vì đói. Các trường Đại học hằng năm chiêu sinh muộn, chỉ vì chưa có lương thực. Những sinh viên đến nhập trường phải mang theo ba tháng lương thực cho nhà nước vay. Báo hại những gia đình suốt đời ăn đong chạy được mấy tháng gạo toát mồ hôi. Cả đất nước ăn bo bo hàng ngày, ăn hạt nào ra nguyên hạt ấy, báo hại mấy ông nông dân dọn nhà vệ sinh hàng ngày è cổ ra gánh đổ ruộng, khi ruộng khô, một lớp bo bo san đều trên mặt đất.
Còn cái mặc, cán bộ được cấp tem phiếu, mỗi năm được phiếu mua 5 mét vải. Có tem là một chuyện, còn có vải bán hay không là chuyện của nhà nước có làm ơn đưa vải về bán hay không. Trẻ con đến người lớn, chuyện mặc áo của nhau là chuyện quá bình thường, dù chỉ là manh áo rách vá lại. Nông dân được phiếu mua 4 mét một năm. Báo hại mấy chị em hay ngâm bùn ngoài ruộng, tối về phải trùm bao tải để tiết kiệm áo quần.
Trong lịch sử của đảng bộ địa phương chúng tôi, còn ghi lại tội ác của đế quốc phong kiến bằng cách: Một cán bộ ngồi gỡ từng miếng vá trên cái váy đụp của một bần cố nông, đếm được gần một trăm mảnh vá, đó là bằng chứng tội ác của chủ nghĩa đế quốc, phong kiến. Nay do ơn đảng, ơn bác nên bây giờ vá vài chục miếng ở cái quần đùi có gì đâu là ghê gớm.
Ở nông thôn, chuyện nằm màn là điều xa xỉ, còn chăn, đã có đống rơm, mùa đông mang đổ và một góc nhà, tối chui vào đó ấm chán. Mùa hè, con người có thể vạ vật đâu cũng xong. Nhưng mùa đông, đó là một nỗi kinh hoàng. Những khuôn mặt trẻ em tái tê, bầm tín vì giá rét. Những cụ già lập cập người ta tính tuổi bằng mùa đông, thường hỏi nhau: Có qua được mùa rét này không?. Đi đôi với nhà cửa, ruộng vườn trống huơ trống hoác, vật liệu, xi măng, sắt thép là những mặt hàng chiến lược. Ai xây được cái nhà xí, cái chuồng lợn, lập tức có cán bộ vào hỏi hóa đơn mua ở đâu, và một chuyên án về tội tham ô của nhà nước đã bắt đầu.
Câu nói: “Ăn mày là ai, ăn mày là ta — đói cơm, rách áo hóa ra ăn mày” không đúng với xã hội lúc đó. Cả xã hội đói cơm, cả đất nước rách áo. (Trừ các cán bộ trung cao cấp ăn tiểu táo, trung táo, đại táo) nhưng cả đất nước thấy ít có ăn mày, chỉ vì không thể phân biệt được ai là ăn mày, ai là không.
Cái đói khát, rách rưới biến con người trở nên ti tiện, hèn nhát và nhục nhã. Nhiều gia đình hăng hái làm cơ sở cho Công an bắt rượu lậu, bắt những người làm bánh đa, bánh ướt… vì phá hoại chính sách lương thực, bất kể đó là họ hàng, anh em, không kể chi tình họ hàng, tình làng nghĩa xóm. Chỉ vì được thưởng cho thỉnh thoảng một vài cân gạo hoặc một tí vật chất nào đó, cái đói đã buộc họ bán rẻ lương tâm mình cho quỷ dữ ở cái thời “lương tâm coi rẻ hơn lương thực, chân lý, chân giò cũng thế thôi”.
Có những nam sinh viên, đến các trường đại học khác chơi với bạn gái, lợi dụng sơ hở, trộm luôn quần lót bạn gái về nối thêm hai miếng vải cắt từ quần dài rách để làm quần đùi, cái rét, cái thiếu thốn đã làm tha hóa đạo đức và liêm sỷ của họ.
Nhưng cách quản lý cái khẩu có tác dụng quan trọng cho đảng, đó là không ai dám mở mồn kêu ca. Nếu có những câu nói không vừa tai đảng, bất cứ là ở bến xe, ga tàu hay trên đường, có ngay những công an chìm mời về đồn làm việc. Nếu có hành động nào đó không chấp hành chính sách, bị cắt sổ gạo, thì đó là một tai họa mà người ta lo hơn cha chết. Câu nói “Mặt cứ ngơ ngẩn như mất sổ gạo” là điển hình của thời kỳ Lê Duẩn này.

Về tinh thần

Điều người dân sung sướng nhất là được đảng bao cấp cho cả tư tưởng. Một ngày làm việc với tinh thần “Ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm cả nhà lo việc nước” (Có lẽ cần mở ngoặc điều này kẻo nhiều người khó hiểu: Ban ngày cán bộ chỉ lo chiều nay có gì ăn hay không, do vậy tranh thủ đi xếp hàng trong giờ làm việc để mua than, mua củi, mua gạo, mua rau, mua mùn cưa… Còn tối đến, khi vòi nước công cộng đã đỡ người dùng, chảy nhỏ giọt được một ít thì cả nhà lo đi xếp hàng gánh nước).
Sau một ngày lao động mệt nhọc, cứ 5 giờ sáng, loa phóng thanh hát vang hết bài ca “Toàn Việt Nam đón chào ngày mới, Hồ Chí Minh sáng ngời gương đấu tranh…” rồi “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước hẹn…”. Tất cả nhân dân có cả một điểm để ngắm, đó là hào quang của đảng vinh quang và bác Hồ vĩ đại. Khẩu ngữ khi bắt đầu câu nói hoặc viết là: Ơn đảng, ơn chính phủ. Một câu chuyện học sinh học lớp 5, khi được hỏi: Em cho biết, nhờ đâu vượn người biến thành người? đã trả lời: Thưa cô, nhờ ơn đảng và ơn chính phủ là câu chuyện của thời kỳ này.
Tất cả ruộng vườn, cuộc sống tâm hồn, suy nghĩ, tài sản, thân xác… là của đảng. Người dân không được giấu đảng bất cứ điều gì, bất kể cán bộ nào, dù ở xã, huyện, tỉnh, là công an, anh bảo vệ, chị quét rác… đều có thể tra hỏi, khám xét và bắt nhân dân phải khai thật những điều riêng tư.
Cơ quan nhà nước được làm mọi thứ nhưng không bao giờ sai. Những công nhân, nông dân đã có hẹn hò đi chơi với nhau, nếu có ai báo cáo tổ chức, thì y như rằng đó là một trọng tội nếu đã có gia đình, và sẽ phải cưới bằng được, nếu chưa có gia đình. Nhiều anh chàng thanh niên đã ngậm đắng nuốt cay cả đời chỉ vì một phút lơ đễnh để cán bộ nhìn thấy, hoặc cô gái báo cáo với tổ chức khi ngồi chơi trong chỗ tối. Anh ta sẽ đối diện với cái án kỷ luật: Hoặc bị đuổi khỏi biên chế cơ quan, hoặc cưới dù không yêu, không thích.
Nói đến chuyện này, tôi nhớ có một lần được người bạn dạy đại học xây dựng (ĐHXD) kể về một sinh viên học Đại học đang làm đồ án tốt nghiệp, được một cô giáo yêu quí vì cô cũng đã quá nhiều tuổi. Cô thường cho tí mì sợi, tí rau… dần dần cô rủ anh chàng lên đồi ngồi chơi. Đang khi cô trò tâm sự ngây ngất, một đoàn người ập lên “bắt quả tang”, cô xin họ cho không lập biên bản. Hai hôm sau, cô yêu cầu anh đi lên tổ chức làm đăng ký, nếu không thì cậu về quê. Năm năm trời công cha, cơm mẹ, nếu về quê thì chỉ có nước chết, vậy nên anh ta có vợ. Hiện đang là giáo viên ĐHXD.
Tất nhiên, chuyện quan hệ tình cảm là chuyện cấm ngặt nghèo đối với nhân dân và cán bộ, còn các đồng chí lãnh đạo, mà cụ thể là đồng chí Lê Duẩn kính mến thì khác, năm 1986, khi đồng chí đã 79 tuổi và đi theo cụ Các Mác, cụ Lê Nin… thì con của đồng chí mới 4 tuổi. Nghe đâu đồng chí có đến 4 bà vợ, và con út của đồng chí, lại chính là cháu ngoại của cụ Hồ Việt Thắng, một người bạn chiến đấu của đồng chí Lê Duẩn. Người đã từng là con tốt thí trong cải cách ruộng đất. Nhưng hình như đây là chuyện bí mật quốc gia hay sao đó, không được phổ biến.
Tất cả mọi người, từ khi lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay là nhờ ơn đảng. Cơm họ ăn, áo họ mặc, không khí họ thở… tất cả là của đảng ban cho. Vì vậy nên “Đảng bảo đi là đi, đảng bảo thắng là thắng” — Tố Hữu đã tổng kết thành thơ. Dù không thắng, nhưng đảng bảo thắng thì phải nói thắng.
Họ không cần thiết được biết nước người như thế nào, ở nước ngoài, bọn tư bản chỉ có xấu xa và tội ác, thương cho nhân dân những nước đó. Họ chỉ cần biết là mai đây, khi xây dựng thành công thiên đường xã hội chủ nghĩa (XHCN), thì nhân dân làm chủ chính đất nước mình. Thế là nhân dân cứ “ngồi mơ nước Nga”.
Đảng chỉ có một lợi ích duy nhất là lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ông Hồ Chí Minh đã nói thế. Hình như vì đảng không kiếm ra chỗ đứng và vị trí độc lập để kiếm lợi ích cho mình nên cố giữ bằng hết cái lợi ích của nhân dân là vì vậy.

Lê Duẩn trong lòng nhân dân

Trong nhân dân, một thời hình ảnh Lê Duẩn được coi là lãnh tụ tài ba trong chiến tranh, nhờ bộ máy tuyên truyền của đảng bằng cách thầm thì, truyền miệng nên hình ảnh anh Ba Duẩn được đánh giá cao. Nhưng sau 1975, khi đất nước đã qua bom đạn để thống nhất, hình ảnh của anh được nhân dân có thời gian kiểm chứng và đánh giá lại.
Một đất nước chìm vào nghèo đói, lũng đoạn và không lối thoát. Một miền nam “phồn vinh giả tạo” tuy giầu có nhưng bị đảng đánh tan tành. Đưa miền Nam, Sài Gòn kịp tiến theo miền bắc XHCN xơ xác và tiều tụy. Và kết quả là một cuộc “bỏ phiếu bằng chân” vĩ đại trong lịch sử VN được lặp lại lần thứ hai. Hàng triệu người cắn răng dứt bỏ quê hương chôn rau cắt rốn của mình, quyết thoát khỏi thiên đường hạnh phúc XHCN. Phó mặc số mệnh cho biển cả, hải tặc và bao nhiêu những điều nguy hiểm phía trước, để lại đồng chí Lê Duẩn và đồng đạo của đồng chí phía sau.
Câu chuyện dân gian này khá phổ biến trong giai đoạn đó: Một lần ngồi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Ba Duẩn than rằng: Anh Tô ạ, bây giờ vượt biên nhiều quá mà ta đã đóng cửa kỹ lắm rồi, nếu mở ra, chắc chỉ còn anh với tôi. Anh Tô trầm ngâm rồi đáp lại: Chắc chỉ còn anh thôi, tôi cũng phải đi. Cái thời mà nếu cột điện có chân nó cũng bỏ đi là thời Lê Duẩn.
Cũng chuyện dân gian thời ấy, một lần, vợ anh Ba Duẩn gọi điện báo cho công an đến bắt khẩn cấp một người lừa đảo. Công an được lệnh đến bắt ngay trong chớp mắt. Sau đó phục tài chị Ba nên đến hỏi để học kinh nghiệm: Sao chị Ba biết ngay là nó lừa đảo? Chị ba trả lời: Tôi biết ngay, nó vào đây xin cơm ăn, lại nói là bạn học của anh Ba. Mà anh Ba nhà tôi có học lớp nào đâu mà có bạn học chớ.
Đó là chuyện dân gian, còn đây là chuyện thật 100%. Năm 1986, anh Ba Duẩn chết, chỗ tôi ở gần một đơn vị quân đội, ngày hôm sau ông Trung tá, người miền Nam tập kết đến phổ biến tình hình và khen ngợi: Biểu dương tinh thần các đồng chí, đất nước ta vừa có đồng chí Tổng bí thư qua đời. Các đồng chí đã giữ được sư nghiêm túc, không như nhân dân dưới Hà Nội, một số người đã nhảy ra khu tập thể vỗ tay hò reo khi nghe loa truyền thanh thông báo cái chết của đồng chí Tổng bí thư.
Đồng chí Tổng Bí thư, lãnh tụ của Đảng đã sống trong lòng nhân dân như thế đó qua những gì tôi chứng kiến. Đọc những dòng của Lê Kiên Thành trả lời báo chí kiểu “mẹ hát con khen” rằng anh Ba không có một cuốn sách nào viết về ông ấy. (ý rằng anh Ba khiêm tốn chứ không như ông Hồ, có cả vạn quyển sách viết ca ngợi). Và nhà báo Lương Bích Ngọc đề nghị làm một bảo tàng Lê Duẩn.
Đó là cái quyền của đảng cộng sản hiện nay, khi họ đang có đầy đủ trong tay súng và tiền của nhân dân. Nhưng những người dân Việt đã quá ngán với những bảo tàng như hàng hà sa số Bảo tàng Hồ chí Minh trên đất nước này. Những quảng trường hoành tráng nơi nơi như Quảng Trường Hồ Chí Minh trên thành phố Vinh – Nghệ An. Một sự lãng phí vô cùng tiền bạc và công sức của nhân dân Việt Nam.
Thử hỏi những bảo tàng đó với một khối lượng ghê gớm tiền của, một đống con ông cháu cha vào ngồi gãi ghẻ, ăn lương, có mấy người dân bước đến đó làm gì, nếu không phải là những cô cave tìm nơi vắng vẻ ban đêm đưa khách qua dù ở đó, nếu không phải là những con nghiện tìm đến chỗ chích choác mà thôi.
Tất nhiên, một bảo tàng lớn về Lê Duẩn cũng có thể được xây theo ý đảng. Chẳng có gì khó hiểu vì có dự án, có công trình thì hầu bao của cán bộ sẽ đầy hơn, sẽ có những Bùi Tiến Dũng, những Nguyễn Việt Tiến khác kiếm ăn ở các công trình đặc biệt này mà không sợ bị kiểm tra, bị phát hiện. Sẽ có những cô gái chân dài được bao nuôi nhà, xe và mọi thứ, chỉ để cán bộ cao cấp giải sầu.
Hai mươi năm không có Lê Duẩn là hai mươi năm nhân dân được “cởi trói” đổi mới.
Xin hãy để cho nỗi đau của dân tộc tôi được hàn miệng theo thời gian.

Việt Nam 7/4/2006

N. D. Việt

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats