Sunday 22 April 2012

LÁ CỜ VÀNG (Nguyễn Nhân Trí)



Nguyễn Nhân Trí

Tôi là một người vượt biên tị nạn cộng sản. Tôi rời bỏ Việt Nam đã hơn ba mươi năm nay. Tôi gọi tôi là một “người Việt Nam lưu vong” hay là một “người Việt Nam tự do hải ngoại”.

Ở nơi tôi hiện đang sinh sống, lá cờ vàng là lá cờ chính thức duy nhất được nhìn nhận bởi cộng đồng người Việt.


Hơn ba mươi năm nay, tôi thấy lá cờ vàng vẫn còn hiện diện ở những cơ sở, quán xá trong các dịp hội họp, lễ Tết. Người Việt Nam ở đây vẫn làm lễ chào quốc kỳ và hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trong những dịp nầy.

Nhiều người làm điều trên vì đối với họ đó là lá cờ duy nhất của họ bất kể họ đang sinh sống ở đâu. Nhiều người làm điều trên để tưởng nhớ một đất nước đã không còn nữa của họ. Nhiều người làm điều trên để duy trì một hy vọng rằng ngày nào đó bằng cách nào đó họ sẽ trở về lại Việt Nam với lá cờ vàng trong tay.

Tôi làm điều trên với một suy nghĩ khác hơn đôi chút.

Lá cờ vàng bây giờ đối với tôi không phải là lá cờ của một phần đất nước Việt Nam mà tôi đã sinh ra và lớn lên gọi là Việt Nam Cộng Hòa nữa. Đó là vì cái đất nước đó của tôi đã mất rồi. Đó là vì hơn ba mươi năm nay lá cờ vàng đó chỉ còn hiện hữu ở cái quê hương thứ hai của tôi tại đây (và ở những quê hương thứ hai khác của mỗi người Việt tị nạn khác trên thế giới) mà thôi.

Lá cờ vàng bây giờ đối với tôi là lá cờ của những người miền nam Việt Nam đã may mắn sống sót sau khi liều chết ra đi mấy mươi năm trước. Họ đã phải ra đi để trốn khỏi sự kềm kẹp, thù hằn, tàn bạo của đám người tự xưng là giải phóng quê hương. (Trong ngôn ngữ hàng ngày tôi không bao giờ dùng những từ như “sau giải phóng” để nói về thời gian sau tháng Tư năm 75; thay vào đó, tôi dùng từ “sau ngày Sài Gòn thất thủ” hay “sau khi Việt Cộng vào”.)

Lá cờ vàng bây giờ đối với tôi là lá cờ của những người Việt Nam hiện đang sinh sống ở các nước tự do trên toàn thế giới VÀ đã có một quá khứ dính liền đến cuộc đổi đời tàn khốc xảy ra vào một ngày cuối tháng Tư ở Việt Nam mấy mươi năm về trước.

Tôi biết rằng rồi một ngày nào đó thì thế hệ những người vượt biên như tôi sẽ tàn lụn đi. Tuy vậy tôi vẫn hy vọng rằng con cháu họ vẫn sẽ tiếp tục xem lá cờ vàng như là một biểu tượng của xứ sở gốc gác của họ và là một biểu tượng của đời sống tự do mà cha ông họ đã liều thân mang đến cho họ. Tôi cũng hy vọng rằng lá cờ vàng sẽ tiếp tục nhắc nhở thế giới và nhắc nhở những thế hệ sau nầy của người Việt Nam tự do hải ngoại về một giai đoạn đẫm máu và nước mắt của lịch sử Việt Nam.

Hy vọng trên của tôi dựa vào những gì tôi nhìn thấy trong các ngày lễ hội ở California (nơi mà dân số người Việt Nam tự do hải ngoại tập trung cao nhất: nói về dân số thì đó là tại sao có người ví von Cali là “thủ đô” của người Việt Nam lưu vong trên toàn thế giới) và ở nhiều thành phố lớn nhỏ của các quốc gia tự do khác nữa. Lá cờ vàng vẫn là lá cờ duy nhất được cộng đồng người Việt ở những nơi nầy công nhận và tôn trọng.

Trong những ngày lễ hội nầy, tôi thấy các lá cờ vàng tung bay phất phới giữa khắp phố xá. Tôi thấy có những người Việt Nam tóc hoa râm với đôi mắt long lanh đứng thẳng người nghiêm chào khi đoàn diễn hành cầm các lá cờ vàng rực rỡ đi ngang trước mặt họ. Tôi thấy có những thanh thiếu niên, những em bé Việt Nam trong y phục mới toanh hãnh diện giương cao lá cờ vàng sánh bước với những cha chú của họ đi giữa đường phố rợp người. Tôi thấy có những chính trị gia và quan chức người Tây phương đứng trang nghiêm kính cẩn trong lễ thượng kỳ của môt lá cờ mang màu sắc khác hẳn với lá cờ nằm trong danh sách hiện tại được quốc tế chính thức nhìn nhận khi nói đến hai chữ Việt Nam.

Tôi thấy những người trong thế hệ Việt Nam trẻ đã sinh ra, lớn lên và thành tài, thành danh ở hải ngoại vẫn dành một cảm tình và lòng tôn kính đặc biệt cho lá cờ vàng. Những người nầy mặc dù có thể chưa từng sinh sống ngày nào trên quê hương của cha mẹ, ông bà của họ nhưng vẫn hiểu rằng lá cờ vàng mang một giá trị tinh thần sâu đậm đối với gia đình và cộng đồng của họ.

Những điều tôi thấy ở trên cho thấy nếu thế hệ những người vượt biên Việt Nam lưu tâm đến việc bảo tồn lá cờ vàng ở hải ngoại thì điều đó rất khả dĩ. Họ chỉ cần làm cho con cháu họ hiểu được lịch sử của lá cờ vàng đó. Có thể họ chỉ cần đôi khi kể lại cho con cháu họ nghe về những câu chuyện về phần đời của họ trong cuối thập niên 70 sau khi quân đội Bắc Việt xâm chiếm miền nam Việt Nam. Có thể họ chỉ cần giải nghĩa cho chúng hiểu lý do và hoàn cảnh tại sao ngày nay họ sống một cuộc đời lưu vong như thế nầy. Những lời giải thích đơn giản đó tối quan trọng nếu họ muốn các đứa trẻ con cháu của họ nối tiếp những thế hệ sau nầy với một ấn tượng về lá cờ vàng tương tự như họ.

Lá cờ vàng đã và đang tồn tại ở mọi quốc gia tự do hải ngoại trong gần 40 năm nay. Chỉ cần một chút ý thức và công sức bởi “thế hệ thứ nhất” của những người tị nạn, tôi hy vọng rằng nó sẽ vẫn còn tiếp tục tồn tại rất lâu dài hơn nữa.

NNT


---------------------------------------

Hải Triều




 




.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats