Saturday 7 April 2012

KIẾN THỨC NÀO ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHUNG CHO XÃ HỘI NGÀY NAY (TS.LS Lưu Nguyên Đạt)


Luu Nguyen Dat TS.LS.
March 31, 2012 | One Bình Luận

I. Bản Chất và Trạng Thái của Kiến Thức
Về mặt bản chất, chúng ta có thể phân loại kiến thức có tính chất lý thuyết [1] hay thuần lý khác với kiến thức thực tế/thực dụng [2] có thể phối kiểm với đời sống; cũng như phân biệt giữa kiến thức phán đoán thể chất và sự kiện [3] và kiến thức ứng tác [4] tìm cách gia công luyện tập và chế biến.
Kiến thức có thể thu thập bằng giáo huấn, với các phương pháp khoa học và kỹ thuật tân tiến; hay bằng khả năng trực giác qua tín ngưỡng, truyền thống [cha truyền con nối] và kinh nghiệm bản thân dưới dạng kiến thức quy nạp.
Bất cứ kiến thức nào cũng có giá trị hiện hữu của nó, tùy thuộc vào môi trường và thời điểm phát khởi hay ứng dụng. Nhưng chắc chắc, loại kiến thức vô dụng [5] biết để biết, để làm cảnh sẽ khác với kiến thức suy đoán, tìm tòi, nghiên cứu [6] hay phân tích [7], cũng như khác với kiến thức siêu thoát của bậc tu sĩ, khác với sáng kiến của chuyên gia chế tạo, vì bản chất của các kiến thức này đều có tác dụng tích cực, cải tiến, hướng thượng, vượt thoát bế tắc, khó khăn.
Kiến thức không những bộc phát bằng tri năng và kỹ thuật mà còn nhờ vào bản năng khôn ngoan, tinh tú, lựa chọn cái đúng, gạt bỏ cái sai. Do đó, kiến thức cần chính xác, có phẩm chất và tác dụng chân phương. Đi ngược lại căn bản khả vọng đó, sự hiểu biết sai quấy trở thành tri năng bất chính, thành nguỵ học, nguỵ ngôn, nguỵ trí thức.
Vậy kiến thức khôn ngoan ngoài mẫu mực đạo đức chức nghiệp còn có tính cách cân nhắc cho hợp thể, hợp thời, cho hài hoà môi sinh, tiết kiệm và hữu hiệu. Do đó sáng kiến đôi khi cần được đo lường, kiểm điểm bằng trí lực cảnh giác, khiêm nhường, thận trọng. Đã là sáng kiến thì phải sáng suốt, thông thái trọn vẹn, không mù quáng, không thiển cận, có khả năng nhận thức rõ rệt. Đôi khi trí tuệ chỉ là lương tri thông dụng, khả thi, khả chấp, miễn có khả năng cải hoá, khai triển và tạo dựng phúc lợi cho mình, cho người.
Về trạng thái ứng dụng trong đời sống xã hội tân tiến, kiến thức dưới dạng thông tin thuật dụng đã khai thác tín hiệu một cách toàn diện, trong mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục.
Xã hội sử dụng Kỹ thuật thông tin [gọi tắt là xã hội thông tin] nhằm đa dạng hoá kiến thức chuyên ngành điện toán khi ứng dụng tri lực trong đà tiến hoá toàn cầu. Kỹ thuật thông tin [8] vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh sáng tạo kiến thức ở mức độ kết sinh nhân văn và khoa học tổng hợp.
Xã hội thông tin [9] là giai đoạn tiến hoá tập thể sau xã hội kỹ nghệ [10] với đà cải tiến kiến thức quản trị công cũng như tư, nhất là về mặt quản trị kinh doanh, quân sự và văn hoá một cách đột biến, nhanh chóng. Ta chỉ cần nói tới phát minh và tác dụng của điện thoại, điện toán, mạng lưới truyền thông, truyền hình mỗi lúc cấp tiến, phổ quát, gắn liện vào đời sống và kiến thức nhân loại cũng đủ thấy xã hội thông tin ngày nay không thể giật lùi, mà chỉ còn cách tiến hoá phục vụ nhân sinh, tự phát, tự cường, tự kiểm.

II. Một Xã Hội Trọng Kiến Thức Mới là Một Xã Hội Có Kiến Thức
Muốn trở thành một xã hội kiến thức,[11] trước tiên xã hội đó phải biết trọng kiến thức, đặt tri năng ở vị trí cần thiết của mọi sinh hoạt kinh tế, chính trị, quản trị kinh doanh, an ninh quốc phòng, tạo dựng xã hội, đầu tư dân sự, phát huy tiến bộ, cải tiến tương lai.
Một xã hội còn lệ thuộc vào giáo điều Stalin-Mao-Hồ, coi trí thức không bằng cục phân xã hội chủ nghĩa, thì làm sao thoát khỏi cảnh ô uế môi sinh, sa đoạ tư tưởng, bôi bẩn nhân cách, đưa tới hiệu ứng chế độ tự hủy.
Với những nỗ lực tranh đua vật chất, tham nhũng, lường gạt, làm giả, ăn bẩn thì xã hội chủ nghĩa này trông mong gì ở khả năng kết sinh sáng tạo, ở cơ hội phát triển, hội nhập tiến bộ khu vực, cập nhật văn minh nhân loại trên toàn cầu? Sự lỗi thời, suy thoái ngược chiều của nhà nước CSVN, của nhân dân là hậu quả tất nhiên của một chế độ tham lam, thiển cận. Của chính sách ngu dân, bày xảo quyệt kìm hãm đại chúng trong tăm tối, ngu muội để dễ bề cai trị, khai khẩn, trục lợi cho đại gia đảng phiệt.
Việt Nam muốn trở thành một xã hội thuần kiến thức, trên căn bản tự tin, tự trọng, phải phục hồi khả năng trí tuệ ngay trong tầm tay mình, ngay trong khả năng bộc phát, ngay trong lý trí tự quyết, tự tạo của toàn dân, của hội đoàn chuyên nghiệp, của cơ sở sáng tạo dân sự, sau khi gạt bỏ mọi uy hiếp, bóc lột, kìm kẹp của chế độ cộng sản gian tà ngày nay.
Để củng cố xã hội kiến thức, Peter Drucker [12] tạo dựng khái niệm về “nhân công có kiến thức” bằng cách chủ trương công nghiệp thời nay phải đặt trên căn bản kết sinh kiến thức.[13] Giới lao động chân tay sẽ giảm dần để chuyển thành nhân công trí não, ứng dụng kiến thức và kỹ thuật vào nghề nghiệp để thực hiện công tác giao phó một cách nhanh chóng, hữu hiệu, tinh vi hơn.
Nhân công có kiến thức là vốn liếng đầu tư để gặt hái phúc lợi chung. Sứ mạng quản trị vốn liếng xã hội này đặt trọng tâm vào cách thức phân phối nhân lực một cách hợp lý trong môi trường sinh hoạt thuận lợi, khuyến khích tự do sáng tạo hơn là kìm kẹp, kiểm soát quá đáng. Nhân công được tạo luyện thuần thục phải được tín nhiệm, tôn trọng và đối đãi đúng mức.
Cai trị và quản trị thành đạt ở mức độ đầu tư nhân sự, ở khả năng tôn trọng đối tác và ở triển vọng phục vụ đối tượng giao tế, dù đó là khách hàng, dù đó là dân. Phúc lợi của tập thể phải đi đôi với quyền lợi cá nhân. Trách nhiệm phải bổ túc cho quyền thế.
Công nghiệp có kiến thức tác động hữu hiệu; quản trị có kiến thức phối hợp cơ sở kinh doanh một cách thuận tiện, sung túc; công quyền có kiến thức và trách nhiệm bảo trọng toàn năng dân lực phục vụ môi sinh, khai triển đời sống đầy đủ, điều độ. Tổng hợp các sinh lực trên phải được coi như một mẫu mực kiến trúc xã hội cần thiết, mà chìa khoá của công thức tiến triển là sự hiện hữu luân phiên, tái tục của kiến thức ứng dụng vào từng môi trường sinh hoạt, mà cứu cánh là phẩm giá nhân cách và phúc lợi của con người phục thiện.

III. Thực Hiện Dân Chủ Trong Xã Hội Kiến Thức Điện Tử
Ngày nay hầu như trên khắp thế giới, hệ thống mạng lưới, máy toán điện tử đã trở thành những diễn đàn độc lập, những hội trường thiên đỉnh [14] trao đổi kiến thức dồi dào và từ đó tiếp nối với những kênh tin tức đa dạng, liên đới toàn cầu.
Sự phát động của xã hội kiến thức bằng kỹ thuật thông tin dần dần gây ảnh hưởng kết nối hội nhập dân sự [15] về nhiều mặt:
Tham gia trực tiếp sinh hoạt cộng đồng ở cấp địa phương, quốc gia, toàn cầu;
Thảo luận, thuyết trình;
Trưng cầu dân ý; Thỉnh nguyện thư;
Đôn đốc áp lực quần chúng;
Giáo dục quần chúng/Kiến thức mở, tiếp kiến;
Sáng tạo, giải trí v.v.
Ngược lại một chính quyền dân chủ chân chính cũng có thể tiếp nhận và phối hợp với kênh tin tức, hệ thống truyền thông trên mạng công quyền để:
quảng bá trên mạng chính sách quản trị đất nước;[16]
Thi hành chính sách bạch hoá công quyền phục vụ công dân.[17]
Tuy nhiên thành quả hợp tác về mặt kiến thức truyền thông giữa công quyền và toàn dân còn đòi hỏi nhiều yếu tố tiên quyết như:
Thành tâm sáng suốt của chính quyền biết đầu tư vào chính sách công quyền quảng đại, chân chính, theo phương thức chính danh, chính nghĩa;
Kỹ thuật dụng cụ điện thoại, điện toán và các chương trình kết nối tín hiệu cần được phổ cập, quảng bá rộng rãi tới đa số quần chúng. Giới kinh doanh và cả chính quyền cần hợp tác để cung cấp phương tiện hội nhập kỹ thuật ngay tầm tay của quần chúng, coi phương tiện kỹ thuật không là xa xỉ phẩm, mà chỉ là thứ công ích phổ thông [18] như điện, nước , đường xá, di chuyển công cộng.
Thêm sáng kiến đối thoại, trưng cầu dân ý, kết ước cộng đồng, sáng tạo kinh doanh, kết sinh toàn lực quốc gia, đại chúng.
Chỉ khi nào thông tin và kiến thức liên kết mật thiết với trí tuệ và tâm thức đại chúng để trở thành một khối trí tuệ tân nhân bản thì lúc đó cuộc cách mạng thông tin điện tử mới đạt tới tuyệt đỉnh văn minh của nhân loại.
Trước khi đạt tới thời điểm đó, một số ý niệm liên kết cần được bổ xung. Đó là vấn đề quyền lợi và trách nhiệm hội nhập truyền thông mở rộng, song song với nhân quyền trong xã hội kiến thức điện tử.

IV. Quyền Lợi và Trách Nhiệm Hội Nhập Truyền Thông Mở Rộng: Nhân Quyền Trong Xã Hội Kiến Thức Điện Tử
Trào lực truyền thông điện tử qua các kênh kinh doanh điều nghiên truyền thông và hệ thống mạng lưới điện tử tư nhân đã tự ban cho mình quyền lực thứ năm trong hệ thống quốc gia, sau quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và quyền tự do báo chí.
Truyền thông liên mạng là một hệ thống mở, hầu như ai cũng có quyền tham dự, hội nhập, nếu có phương tiện và có khả năng sử dụng. Riêng trong hệ thống truyền thông điện tử, tin tức, bài vở trên mạng đa số được cung cấp miễn phí, phổ biến cởi mở, không hạn chế về lượng cũng như về nội dung, địa hạt. Giới tham dự chỉ cần biết sử dụng máy toán điện tử/computer, dưới nhiều dạng chế tạo khác nhau như loại máy điện toán đặt trên bàn,[19] đặt trên đùi,[20] sách điện tử di động [21] liên kết với điện thoại, máy chụp hình, quay phim, v.v.
Do đó, giới đối tác điện tử [22] có thể dễ dàng trở thành độc giả, khán thính giả, nhà phê bình, phản hồi, tái tác, đạo diễn, tác giả liên tạo v.v.
Với số lượng tham dự cao và tác dụng đa diện, truyền thông điện tử đang có triển vọng tăng trưởng phẩm giá của cuộc sống toàn diện.[23]
Do đó, xã hội liên mạng chủ trương bảo trọng những nguyên tắc căn bản như sau:
quyền và khả năng tiếp cận liên mạng. [24] Đây là sự ứng dụng của quyền tự do hội họp, một cách thuận hành, không bị cấm đoán, không bị cưỡng ép.[a] Chính quyền, hội đoàn và các cơ sở kinh doanh, truyền thông có bổn phận thực thi các thủ tục pháp định bảo vệ người dân thi hành quyền tự do hội họp, tiếp cận bằng cách cấm đoán, giải trừ mọi trở ngại can thiệp, sách nhiễu của lực lượng công quyền hay các đảng phái đối nghịch.[b] Đồng thời, người trong mạng cũng có quyền từ chối, không tham dự những mạng lưới có tích cách quấy nhiễu, tiêu cực, hạ cấp. Nhóm liên mạng có bổn phận chỉ để thành viên biết xuất mạng, rút tên ra khỏi nhóm và danh sách điện thư.[25][c] Gần đây có thảm trạng gây ra bởi một số tin tặc [26] đột nhập mạng lưới tư cũng như công để chiếm đoạt thông tin, mật mã, bí mật quân sự, sáng chế kinh doanh, danh sách ngân hàng…, gây tổn hại bất thường, nhất là khi tin tặc lại do chính các công quyền chủ xướng, tổ chức, cài nhập.
quyền và khả năng phát biểu trên liên mạng nhằm thi hành và bảo trọng quyền tự do ngôn luận, như một quyền căn bản bất khả tước đoạt. Quyền hội họp và quyền tự do ngôn luận phải có tính cách liên đới ở bình diện cá nhân hay tập thể. Khi cá nhân và đảng phái chính trị được bảo vệ, thì tiếng nói của họ cũng phải được bảo vệ, không bị cấm đoán, hay hạn chế.Ngược lại, quyền tự do ngôn luận, cũng như quyền phát biểu trên mạng cũng phải tôn trọng tư quyền và công quyền của người khác, tránh cảnh phát ngôn bừa bãi, hay cố tình mạ lỵ, xuyên tạc sự thật, gây hoang mang, thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho tha nhân, cho cộng đồng. Như vậy, quyền lợi và trách nhiệm là hai mặt của cùng một vấn đề nhân quyền, cùng một tác động thi hành, cùng một yêu sách bảo trọng.
quyền và khả năng sáng tạo trên toàn cõi liên mạng: Với số lượng kiến thức mở, mỗi lúc mỗi hoàn chỉnh, bổ túc, cập nhật, bất cứ ai cũng có thể vào truy cập thông tin trên liên mạng, nơi những kho tàng tri thức điện tử để ứng dụng và phát minh thêm, rồi chia sẻ với người khác. Mọi chính sách hay biện pháp ngăn cản trào lực sáng tạo trên phải bị bác bỏ hay chống đối mãnh liệt, nhằm bảo vệ chức năng tiến hoá của kiến thức điện tử, của hệ thống liên mạng đa dạng, đa năng.
quyền và khả năng chia sẻ, chọn lựa, tin tưởng tri thức trên liên mạng, sẵn có trên các diễn đàn và cở sở điều nghiên, tồn trữ tài liệu mở rộng cho quần chúng phải được duy trì, bảo trọng. Như vậy, phải cấp bách cảnh báo, bác bỏ mọi dự tính hạn chế, cấm đoán, gây khó khăn cho việc luân lưu, chọn lựa tin tức để tùy nghi trọng đãi tri thức một cách công bằng, hợp lý.

Tạm Kết Luận
Chúng ta dần dà phải coi truyền thông liên mạng như một thực thể, một công ích không thể thiếu sót, như chúng ta đã từng dùng điện thoại, máy phát thanh, máy truyền hình và các phương tiện truyền thông, giải trí khác. Không có cách nào đi ngược lại với đà tiến hoá trên. Cá nhân, tập đoàn, giới kinh doanh và công quyền nên hợp tác chặt chẽ để bảo vệ và phát huy nguồn sinh lực đó, mà kỹ thuật và sáng tạo, gắn liền với vận mệnh con người ngày nay.
Kiến thức và kỹ thuật điện tử là những cơ hội chuyển lực, là những cánh cửa của trí tuệ, của tự do và nhân quyền, mở rộng tiếp dâng sức sống kỳ diệu cho nhân loại. Nhưng sự ứng dụng sai lệch của những khả năng trên cũng có thể khơi mào những triển vọng chiến tranh, những mưu kế phá hủy thịnh vượng, tiêu diệt nhân cách và có thể đi tới xoá bỏ cõi sống trên trần gian này.
Tương lai của kiến thức điện tử, huy hoàng hay khủng khiếp, đương nằm trong tay và tâm thức của con người.

Trân trọng,
TS-LS. Lưu Nguyễn Đạt


[1] theoretical knowledge
[2] practical knowledge
[3] knowledge of facts
[4]knowledge of process
[5]useless knowledge
[6] research
[7] analysis
[8] information technology
[9] information society
[10] industrial society
[11] knowledge society]
[12] Peter Ferdinand Drucker (November 19, 1909 – November 11, 2005) was an influential writer, management consultant, and self-described “social ecologist. See the concept of “Knowledge Worker” in his 1959 book The Landmarks of Tomorrow.
[13] intellectual competency symbiosis
[14] virtual agoras
[15] the growth of knowledge societies could potentially influence civic engagement. See UNESCO World Report Building Knowledge Sicieties.
[16] the move towards egovernance, used for the dissemination of information and the provision of routine administrative services.
[17] Internet thereby serves as an aid to good governance by increasing government transparency, efficiency, and customer-oriented service delivery.
[18] utilities
[19] desktop computer
[20] laptop
[21] Tablets PC/iPads
[22] electronic actant population
[23] quality of life
[24] Ability to Connect
[25] unsubscribe from mailing list
[26] Hackers
.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats