Saturday, 21 April 2012

HIỂM HỌA CỦA NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN (Nguyễn Gia Thưởng)




Nguyễn Gia Thưởng
Chủ nhật, 22 Tháng 4 2012 00:18

Chính quyền Việt Nam gần đây tuyên bố sẽ xây dựng không những bốn lò điện hạt nhân mà còn thêm mười lò khác, tổng cộng là mười bốn lò. Ðể giải quyết những vụ nợ đã đáo hạn mà không có tiền trả, chính quyền Việt Nam đã buộc phải chấp nhận ký kết những hợp đồng mua lò nguyên tử và rất có thể nhận làm thùng rác chứa những chất thải phóng xạ của những nhà máy hạt nhân của thiên hạ, mặc dù biết rõ là rất nguy hiểm. Họ đang đưa nước Việt Nam vào con đường hủy diệt.

Cho đến nay, những thông tin về hiểm họa hạt nhân ít được nói và cũng ít được biết đến. Nếu có nói đến thì cũng chỉ phớt qua mà thôi, thậm chí còn ca tụng những lợi ích của lò điện hạt nhân và xem đó là phương tiện duy nhất để cung cấp điện năng cho cả nước để phát triển kinh tế.

Ðể hiểu biết tầm nguy hại của lò điện hạt nhân, chúng ta cần tìm hiểu ba vấn đề sau: Phóng xạ là gì và tại sao nó độc hại? Tai sao các lò điện nguyên tử nguy hiểm? Những tai nạn nào có thể xảy ra?

Phóng xạ là gì?

Khoa học cho biết mọi sự vật đều được cấu tạo bằng những hạt nhân nguyên tử rất nhỏ. Phần lớn những nguyên tử này trong thiên nhiên rất là bền. Chúng liên kết với nhau để tạo nên tất cả những loại vật chất.

Ví dụ như nước trong một ly bao gồm những phân tử hydrogen và oxygen. Những phân tử này đã có từ triệu năm nay và sẽ tiếp tục hiện diện trong nhiều triệu năm nữa. Rất có thể những phân tử hydrogen trong ly nước này đã giúp hình thành bộ da của con khủng long trước đây và những phân tử oxygen này nằm trong không khí của con khủng long hít thở.

Vào cuối thế kỷ thứ mười chín, ông Henri Becquerel, một nhà vật lý học Pháp, đã khám phá một số những phân tử không hẳn là ổn định. Có một số chất liệu trong thiên nhiên phát ra phóng xạ, tỉ dụ như chất radium, do bà Marie Curie khám phá vào năm 1898. Khác với những phân tử thông thường, những phân tử phóng xạ không tồn tại lâu dài. Nó chỉ hiện diện trong một thời gian ngắn rồi sau đó nổ tung. Sự nổ tung của những phân tử phóng xạ này rất là nhỏ nên mắt con người không thể thấy được, nhưng khi xảy ra trong cơ thể của mỗi chúng ta nó làm hư hại nặng nề những tế bào.

Khi một phân tử nổ, nó phát ra năng lượng và tia phóng xạ có thể gây tổn hại cho những vật hiện hữu quanh đó. Trong một cơ thể sống, những tế bào bị nhiễm phóng xạ có thể trở nên ung thư tùy theo phản ứng của cơ thể mỗi người.

Làm thế nào chất phóng xạ có thể thấm nhập vào cơ thể chúng ta ? Chúng ta có thể lấy ví dụ chất radium. Radium là một chất có hình dáng cấu tạo như calcium mà cơ thể dùng để biến thành xương và răng, chất calcium cũng hiện diện trong sữa mẹ. Vì vậy khi thức ăn hay thức uống của chúng ta nhiễm radium, cơ thể của chúng ta lầm tưởng radium là calcium và đem chứa vào những nơi nào có calcium trong khắp cơ thể ; kết quả cơ thể có thể bị ung thư xương và ung thư máu.

Ngày nay chất radium trở thành quá nguy hiểm nên người ta đã không dám dùng nó trong những mục đích thương mại. Trái đất này đã có quá nhiều người bị nhiễm radium, như bà Marie Curie (người khám phá ra chất radium) và cô con gái Irène (người tìm hiểu sự nguy hại của radium) chẳng hạn. Chất này đã trở thành một phế liệu nguy hiểm thay vì một nguồn phúc lợi.

Khi một nguyên tử radium nổ, nó không biến mất trong hư vô mà hóa thân thành một loại khí gọi là Radon. Khí Radon cũng chứa phóng xạ, khi vào phổi nó có thể gây ung thư phổi. Những khảo sát về những công nhân làm việc trong các hầm mỏ Uranium tại nhiều quốc gia cho thấy những người tiếp xúc với khí Radon, tỷ lệ ung thư phổi tăng lên một cách mạnh mẽ.

Tóm lại, trong thiên nhiên những chất phóng xạ này tuy rất hiếm nhưng tất cả đều rất nguy hiểm. Mỗi năm, hàng chục triệu người chết vì các chứng bệnh ung thư trong đó có rất nhiều người chết vì nhiễm những chất phóng xạ tự nhiên này.

Bom nguyên tử và các lò điện nguyên tử

Khi một quả bom nguyên tử nổ, hàng tỉ phân tử uranium bị phá vỡ trong một khoảnh khắc, theo tiến trình được gọi là phản ứng phân rã nguyên tử (phản ứng phân hạch hạt nhân). Khối năng lượng phân rã khổng lồ này tỏa ra đủ phá vỡ cả một thành phố lớn. Những trái bom hiện nay có sức tàn phá mạnh gấp nhiều lần so với hai quả bom thả tại thành phố Hiroshima và Nagasaki. Nếu so với những quả bom nguyên tử hiện đại, hai quả bom kia chỉ là những viên pháo nhỏ.

Phản ứng phân rã hạt nhân uranium không những tạo ra năng lượng mà con tạo những chất phóng xạ không hiện diện tự nhiên trong thiên nhiên. Những phân tử phóng xạ là những mảnh vụn của hạt nhân nguyên tử uranium. Chúng là những phó sản của tiến trình phản ứng phân rã. Các loại này được gọi là iode 131, krypton 85, strontium 90, cesium 137, cobalt 60 và nhiều thứ khác nữa. Chúng có thể hủy diệt hàng loạt mạng sống con người. Ðôi khi, nhiều năm sau, mưa hay tuyết đem chúng từ khí quyền thấm vào ruộng đất ; người ta gọi sự kiện này là mưa phóng xạ.

Có nhiều nhà khoa học lo sợ một cuộc chiến hạt nhân sẽ khiến cho quả địa cầu trở thành một nơi không thể sống được vì thức ăn, nước uống và không khí bị ô nhiễm phóng xạ. Những người sống sót sau những vụ nổ bom nguyên tử có thể chết vì bệnh ung thư hoặc các bệnh khác một vài năm sau.

Trong các nhà máy điện nguyên tử, người ta cũng dùng cùng một phương pháp phân rã hạt nhân, nhưng sự kiểm soát rất là gắt gao. Sức nóng tỏa ra khi hạt nhân phân rã dùng để làm cho nước sôi lên. Có thể nói công việc của một nhà máy điện nguyên tử là làm cho nước sôi lên. Hơi nước được dùng để làm cho các máy phát điện hoạt động và từ đó sản xuất ra điện. Sự khác biệt giữa một nhà máy phát điện nguyên tử và một nhà máy phát điện dùng than đá làm nhiên liệu qua phương pháp thu thập nhiệt lực để cho nước sôi lên.
Một lò nguyên tử không thể nào nổ như một quả bom nguyên tử vì những phân tử uranium bị phân rã một cách từ từ và có kiểm soát. Tuy nhiên, tất cả những chất phóng xạ phát ra từ một quả bom nguyên tử đều hiện diện trong lò này. Những phế liệu phóng xạ còn lại được chôn cất dưới lòng đất để cho cho tự hủy trong vòng một vài triệu năm. Trong tường hợp xảy ra tai nạn, động đất hay sóng thần, tất cả những chất độc này có thể sẽ bị thải ra trong không khí hoặc trong nước.

Những phó sản của việc phân rã hạt nhân được đóng kín trong những chùm chứa nhiên liệu uranium. Những chùm này không nguy hiểm trước khi chúng được bỏ vào lò. Chất uranium thực ra không phát ra phóng xạ nhiều. Người ta có thể cầm những thanh uranium với một cặp găng tay mà không sợ bị nhiễm.

Nhưng một khi chùm uranium được lấy ra khỏi lò, nó phát ra những tia phóng xạ cực kỳ mạnh đến độ chỉ cần đứng bên cạnh nó ba mươi giây, nạn nhân sẽ chết ngay sau đó vài ngày. Một khi được đưa vào sử dụng, những chùm này không thể dùng tay người trực tiếp tiếp cận. Người ta dùng những cần cẩu điều khiển từ xa và những nhân viên thao tác phải đứng đàng sau những tấm kính dầy để giữ an toàn. Những chùm này được thả vào những hồ nước to lớn và được di chuyển trong những thùng chứa to nặng từ năm đến sáu chục tấn chì, trong khi đó mỗi một chùm chỉ có chừng hai mươi bảy ký.

Những giác quan của chúng ta không báo động bất cứ một mối nguy nào khi tiếp cận những chất phế thải hạt nhân. Nó có vẻ như vô hại, nhưng trên thực tế rất nguy hiểm. Trong một năm, một lò nguyên tử loại trung bình sẽ tạo những chất phế thải nhiễm phóng xạ hàng nghìn lần nhiều hơn quả bom nguyên tử tại Hiroshima. Những chất liệu phế thải của một nhà máy điện nguyên tử chứa nhiều strontium và cesium hơn hẳn tất cả những lần thí nghiệm vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc cộng lại. Ðây là một con số khổng lồ.

Những khoa học gia thuộc Viện nghiên cứu địa chất học (US Geological Survey), một cơ quan của chính quyền Hoa Kỳ, đã ấn hành năm 1978 một báo cáo quan trọng về những phế liệu nhiễm xạ. Họ tự đặt câu hỏi : "Chúng ta cần bao nhiêu nước để hòa tan những chất thải nhiễm xạ ở một mức độ tập trung chấp nhận được ?". Câu trả lời thật là bất ngờ. Viện nghiên cứu này cho biết phải cần số lượng gấp đôi nước ngọt của cả thế giới, nghĩa là tất cả nguồn nước từ những hồ, những sông ngòi, những băng đá, nước ngầm và độ ẩm của đất cộng lại với nhau và nhân lên cho hai. Đây là số lượng cần để tẩy những phế liệu nhiễm xạ ở một mức độ có thể chấp nhận được. Họ cũng lưu ý là nếu những phế liệu này nhiễm vào thực phẩm, không khí và nước uống, chúng có thể gây nên cảnh chết chóc của hàng triệu nạn nhân vì bệnh ung thư. Lẽ cố nhiên những phế liệu này không nằm rải rác ngoài thiên nhiên, chúng được cất giữ kỹ lưỡng trong những hồ nước bên cạnh nhà máy điện.

Có nên tin cậy hoàn toàn vào kỹ thuật lưu trữ này không? Có quá nhiều rủi ro cho các thế hệ mai sau.

Nhưng tai nạn nào có thể xảy ra ?

Những phế liệu nhiễm xạ của một nhà máy điện hạt nhân quá lớn nên chúng tiếp tục tỏa nhiệt trong hàng trăm năm. Khi được lấy ra khỏi lò, những phế liệu này rất nóng. Vì vậy chúng phải được làm nguội một cách nhân tạo. Trái với sức nóng kiểm soát được của phản ứng phân hạch, nhiệt lượng tỏa ra từ phóng xạ không thể nào kìm hẵm được bằng bất cứ phương pháp gì. Không có gì có thể làm cho nó suy xuyển. Phương cách duy nhất là tìm cách giải nhiệt để cho chúng đừng nóng quá.

Nhiên liệu hạt nhân sau khi đã dùng được lưu trữ trong những hồ nước lớn. Những hồ nước này có hai nhiệm vụ chính: giảm nhiệt chất liệu đã sử dụng và ngăn cản không cho chúng tăng nhiệt, đồng thời được dùng làm lá chắn sinh học bảo vệ những nhân viên làm việc tại nhà máy. Ðã có những cuộc khảo cứu cho thấy những chùm nhiên liệu kéo ra khỏi lò không bỏ vào nước, sẽ tăng nhiệt và chảy nhão ở nhiệt độ 2800°C (5000°F).

Khi nhiên liêu hạt nhân tan chảy, những phó sản của tiến trình phân hạch nằm trong nhiên liệu sẽ được thải ra ngoài không khí dưới dạng khí (gaz), hơi nước và tro bụi. Nếu một số lượng to lớn nhiên liệu tan chảy, phóng xạ sẽ tỏa ra bầu khí quyển và những hệ lụy sẽ rất là thảm khốc. Hàng ngàn người có thể bị chết, hàng chục ngàn người khác được đưa vào bệnh viện và hàng trăm ngàn người có thể bị ung thư trong vòng hai mươi hoặc ba mươi năm sau. Những vùng lân cận nơi xảy ra tai nạn, không ai có thể sinh sống được vì thực phẩm, nước uống, đất đai và nhà cửa bị nhiễm phóng xạ.

Lẽ cố nhiên các chuyên gia và các kỹ sư trách nhiệm đã bố trí rất là kỹ lưỡng để những tai nạn loại này không thể xảy ra. Nhưng không ai làm chủ được những tai nạn thiên nhiên, như tại Three Mile Island (Hoa Kỳ), Tchernobyl (Liên Xô cũ) và gần đây nhất là Fukushima (Nhật Bản), rủi ro đều có thể xảy ra.

Hầu hết những tai nạn xảy ra trong những nhà máy điện hạt nhân nói chung do sự ngưng hoạt động của những ống dẫn nước để giải nhiệt lò hạt nhân. Chính vì thế, việc giải nhiệt là trọng tâm an ninh hàng đầu của bất cứ lò phát điện hạt nhân nào. Vì bất cứ một lý do nào mà nước trong các lò hạt nhân không được giải nhiệt, các chùm uranium sẽ nóng lên và làm tan chảy các vật liệu chung quanh và chất phóng xạ sẽ lan tỏa ra khắp vùng.

Kết Luận

Xây dựng và điều hành một nhà máy phát điện điện nguyên tử tưởng như dễ làm nhưng thực tế không giản dị như vậy. Không phải bất cứ ai cứ bỏ tiền ra thuê người xây dựng và bảo trì một nhà máy phát điện nguyên tử là xong. Vấn đề quan trọng là những di hại của các loại chất liệu phế thải cho những thế hệ mai sau. Không kể những rủi ro xảy ra trong lúc vận hành, các lò điện hạt nhiên đòi hỏi phải giải quyết vấn đề lưu trữ những phế liệu phóng xạ vì chúng có khả năng tác hại đến hàng triệu năm.

Quản lý phế liệu nguyên tử là một vấn đề lớn, có thể nói là nan giải. Nhà máy điện nguyên tử có thể chạy tốt trong vòng nhiều năm, nhưng chỉ cần xảy ra một tai nạn nhỏ thôi cũng đủ hủy diệt tất cả đời sống của cả một vùng. Chính vì tính chất di hại lâu dài của các phế liệu nhiễm phóng xạ và những rủi ro khó tránh được trong việc ngăn chặn tai nạn nếu có xảy ra nên hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ngưng xây dựng và phát triển các lò phát điện nguyên tử, tại một vài nơi người ta còn tìm cách tháo gỡ những nhà máy điện nguyên tử.

Khi quyết định xây mười bốn lò điện nguyên tử, chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đang đưa đất nước vào một ngõ tối và cầm cố tương lai của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Gia Thưởng (Brussels)

------------------------------------------



.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats