Monday 16 April 2012

GIÁM ĐỊNH CÁC VĂN BẢN CHÍNH TRỊ, XÃ HỘI, VĂN HÓA (Đông A)


Đông A

Dân Luận
Thứ Ba, 17/04/2012

Đây là những lời lẽ của "giám định viên tư pháp về văn hoá thành phố Hồ Chí Minh" (chức danh thì dài nhưng... hoàn toàn vô danh) đánh giá những bài viết trên blog của chị Tạ Phong Tần:

"... Tạ Phong Tần đã không ngần ngại thực hiện một cách ngạo mạn tinh thần, thái độ, tư tưởng chống Cộng (cụ thể là chống Đảng CS, phỉ báng chế độ), bênh vực cho những sai trái của những người có cùng tổ chức, chí hướng, mục đích chống phá Cách Mạng; vận động tuyên truyền chiến tranh tâm lý nhằm lật đổ Chế độ, xuyên tạc, thoá mạ sự lãnh đạo của Đảng CSVN; nhân danh công lý, nhân danh người mộ đạo kính Chúa yêu nước trá hình làm công dân lương thiện, nhà báo tự do để tiến hành các hoạt động gây nguy hại đến an ninh quốc gia và đời sống yên bình của nhân dân, vi phạm các quy định của pháp luật về thông tin, báo chí.
Không một ý kiến phản biện hợp tình hợp lý, có tính xây dựng, nội dung các bài viết đầy rẫy những luận điệu xuyên tạc, những tàn dư phản động được cóp nhặt, nắn nót cùng những mánh khoé chữ nghĩa dùng để đả kích, tấn công vào Chế độ, Nhà nước XHCN, Đảng CS, phục vụ tối đa cho lợi ích của các thế lực thù địch đang hàng ngày phá hoại sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam.
Tạ Phong Tần là một người hoạt động chống phá có ý thức, có động cơ chính trị rõ ràng, lập trường kiên định và có tính chuyên nghiệp cao với đầy đủ lòng thù hận, sự can đảm, cũng như tính hung hăng, cùng một hệ thống ngôn ngữ chống Cộng cao sang lẫn hèn hạ, đê tiện, kể cả sự bẩn thỉu chợ búa được ứng dụng linh hoạt trong cách dùng từ nhằm hạ bệ đối phương - dù đó là một Chủ tịch nước, một cán bộ cao cấp, hay một anh công an, một anh dân phòng.
Tạ Phong Tần thể hiện mình như một hoạt náo viên khả ố về chính trị, cố tạo ra kiểu dáng, điệu bộ lẳng lơ và đẳng cấp chống Cộng, kể cả khổ nhục kế, để tự rao bán mình theo kiểu "Sơn Đông mãi võ" cho bọn phản động hải ngoại trước thương điểm của mình hầu mưu tìm địa vị, tiếng tăm và cả bạc tiền nhằm thoả mãn dục vọngsự thèm khát gớm ghiếc của bản thân. Một "chấm mút" thứ cặn bã được thải ra từ dạ dày của ngoại bang để được vinh thân phì sa cùng thân phận tay sai, tôi tớ. Một loại ruồi nhặng vo ve bên lỗ huyệt tanh rữa của chế độ Sài Gòn trước 1975 sau khi được bọn tàn quân lưu vong khai quật lại..." (Kết luận giám định số 60/KLGĐTP, ngày 21/11/2011)

Chưa cần biết đến các bài viết của blogger Tạ Phong Tần, chỉ cần đọc những chữ bôi đậm ở trên, độc giả không thể không đặt câu hỏi về tính khách quan và độc lập của người giám định, thậm chí có thể nghi ngờ rằng người giám định có tư thù cá nhân với blogger Tạ Phong Tần.

Có nhiều vụ xét xử ở tòa phải giám định các văn bản chính trị, xã hội, văn hóa. Các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa thường không có tiêu chí minh bạch để xác định văn bản có nội dung như thế nào là vi phạm pháp luật, và trong nhiều trường hợp kết luận về các văn bản đấy phụ thuộc vào ý chí của cơ quan giám định hay cá nhân và tổ chức khác. Vậy phiên tòa cần thiết phải tranh tụng như thế nào để có thể xác định được một văn bản chính trị, xã hội, văn hóa có vi phạm pháp luật hay không?

Theo tôi, luật sư cần yêu cầu các bước sau:

1. Yêu cầu triệu tập giám định viên để tranh tụng, chất vấn và loại bỏ các đánh giá chủ quan. Ví dụ như đánh giá "không trong tinh thần xây dựng" là đánh giá chủ quan, và cần chất vấn giám định viên xác định tiêu chí như thế nào là "tinh thần xây dựng" và "không trong tinh thần xây dựng". Điểm quan trọng hơn nữa là triệu tập giám định viên là để xác định danh tính người chịu trách nhiệm giám định, có ý nghĩa tăng cường trách nhiệm của người giám định hơn trường hợp giám định vô danh. Mỗi giám định viên đều có gia đình, người thân của mình, áp lực xã hội đánh giá bản giám định sau phiên tòa có thể tạo ra những gánh nặng phê phán nhất định lên giám định viên và thành viên gia đình, và ít nhất sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định cho các giám định viên khác trong tương lai, bởi vì đó là gánh nặng khôn gánh trước xã hội và lịch sử.

2. Luật sư nên chuẩn bị trước bản trưng cầu ý kiến giám định của các nhân vật hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa về các văn bản đấy. Ví dụ trưng cầu ý kiến một số cá nhân có tên tuổi nào đấy về văn bản "không trong tinh thần xây dựng" chẳng hạn. Nếu các cá nhân này đều nhận định văn bản đấy không phải "không trong tinh thần xây dựng", mà ngược lại trong tinh thần xây dựng, thì công bố trước tòa, bất kể tòa có chấp nhận đánh giá đấy hay không. Có bản trưng cầu ý kiến như vậy ít nhất sẽ tạo những áp lực xã hội nhất định, bất kể áp lực đấy có làm thay đổi phán quyết hay không.

3. Điều quan trọng không phải là làm thay đổi phán quyết của tòa án so với bản cáo trạng. Điều quan trọng là làm cho công luận thấy được phiên tòa đấy là phiên tòa như thế nào và trách nhiệm của mỗi thành viên tham dự phiên tòa trước công luận và lịch sử.

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats