Saturday 7 April 2012

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT DI CƯ HIỆN HỮU ĐỂ BẢO TỒN KÝ ỨC LỊCH SỬ (TS Việt Thanh Nguyễn, Kỳ 1)


GS. TS. Việt Thanh Nguyễn (kỳ 1)
Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện)
(VienDongDaily.Com - 04/04/2012)
http://www.viendongdaily.com/gs-ts-viet-thanh-nguyen-ky-1-cong-dong-nguoi-viet-di-cu-hien-huu-j2tpMsQu.htmlĐiểm hạn chế là khi nghiên cứu cộng đồng người Mỹ gốc Á, những học giả người Mỹ gốc Á thường bỏ qua những hoạt động hoặc sự kiện mà không ăn khớp với khái niệm một cộng đồng người Mỹ gốc Á thống nhất.

Là Giáo Sư thuộc khoa Ngôn Ngữ và Văn Chương, khoa Nghiên Cứu Về Hoa Kỳ và Nhóm Thiểu Số tại trường đại học University of Southern California, Tiến Sĩ Việt Thanh Nguyễn vừa giảng dạy, vừa viết truyện ngắn. Truyện của anh đã được đăng ở nhiều tạp chí chuyên ngành như: Manoa, Narrative, v.v., và đã được dịch sang tiếng Việt, Nhật, Tây Ban Nha, và Đại Hàn. GS. TS. Việt đã được mời đi trình bày hội thảo ở Đại Hàn, Đài Loan, Nhật, và Đức.

Tác giả Việt Thanh Nguyễn - ảnh tài liệu

Đọc sách hoặc các bài viết của GS. Việt, người ta dễ dàng lọt thỏm vào trong thế giới của văn chương, của chữ nghĩa, của sự lãng mạn, của lý luận và cảm xúc, của sự cường điệu và trong sáng nghệ thuật. Những đề tài nghiên cứu trong bài viết của anh mang tính học thuật rất cao, nhưng chung quy lại cũng là về cuộc sống con người, đặc biệt là tâm tình người Việt trên đất Mỹ.

Viễn Đông: Giáo sư có thể giải thích về mối liên hệ giữa người Mỹ gốc Á với cộng đồng người Mỹ gốc Á?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Cụm từ “Mỹ gốc Á” nói đến 2 nhóm người: những người sống ở Mỹ có gốc gác Á Châu - là 5% dân số Mỹ, hàng mấy triệu người; và nhóm người công nhận mình là người Mỹ gốc Á Châu. Nhóm người thứ hai này khác là vì: không phải người nào được xã hội nhìn nhận là Mỹ gốc Á cũng tự xem mình là người Mỹ gốc Á. Những người mới sang Mỹ thường vẫn xem mình là người Việt, hoặc Tàu, v.v., trong lúc đó, người xem mình là Mỹ gốc Á là đã trải qua sự thay đổi về mặt ý thức khi họ nhận ra rằng người Châu Á ở Mỹ đã và vẫn đang bị đối xử phân biệt và họ nên đoàn kết lại thành khối cộng đồng người Mỹ gốc Á để chống lại những sự phân biệt này.
Điều quan trọng nhất về tổ chức này là mặc dù các nhóm thiểu số người Mỹ gốc Á rất đa dạng và mang những khác biệt rất lớn về chính trị, về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, v.v., người ta vẫn có thể hợp thành một tổ chức thống nhất. Điều này cho phép người Mỹ gốc Á làm được những chuyện mà khi đứng riêng biệt họ không làm được. Điểm hạn chế là khi nghiên cứu cộng đồng người Mỹ gốc Á, những học giả người Mỹ gốc Á thường bỏ qua những hoạt động hoặc sự kiện mà không ăn khớp với khái niệm một cộng đồng người Mỹ gốc Á thống nhất.

Viễn Đông: Trong trường hợp nào thì nhóm chữ “Mỹ gốc Á” trở thành lời lăng mạ đối với người ta?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Đối với những người không thích bị gọi là Mỹ gốc Á, người ta xem mình là người Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, v.v.. Họ cho rằng họ đến từ một đất nước ở Châu Á nhưng không nhất thiết phải là người Châu Á, và họ cũng không phải người Mỹ. Ví dụ, ba mẹ tôi hồi trước lúc nào cũng nói rằng “Mình là người Việt Nam". Khi ông bà nói đến người Mỹ, ông bà ám chỉ những người khác. Khi nhóm người này chấp nhận mình là người Mỹ, đó là một “thành quả” lớn. Đối với ba mẹ tôi, sau khi đi Việt Nam vài lần, quay trở về, họ nói rằng “Mình là người Mỹ, chỉ có điều trước kia mình không nhận thức được điều này thôi”. Và nhận thức mới này là chuyện thường xảy ra cho tất cả các nhóm dân người Mỹ gốc Á. Đến lúc này, họ xem mình là người Mỹ gốc Việt, hoặc gốc Đài Loan chẳng hạn, chứ chưa phải Mỹ gốc Á.
Bước tiếp theo để trở thành người Mỹ gốc Á thường thấy ở thế hệ những người sinh trưởng ở Mỹ, hoặc những người đến Mỹ lúc nhỏ và lớn lên ở Mỹ, hoặc một số người đến Mỹ lúc đã trưởng thành nhưng nhận ra rằng nếu chỉ là người Mỹ gốc Tàu, gốc Philippines, hoặc gốc Việt Nam thì không đủ để tổ chức các hoạt động vận động về chính trị, văn hóa, xã hội. Do đó họ đoàn kết lại thành khối cộng đồng người Mỹ gốc Á để có thể khai thác tiềm lực của cộng đồng.
Người ta cảm thấy bị lăng mạ khi chính phủ hoặc cơ chế quan liêu phân loại họ theo kiểu họ không thích. Ví dụ họ không có lựa chọn nào khác mà bị bắt buộc phải đánh dấu vào khung “Mỹ gốc Á” trong bảng thống kê dân số. Lịch sử của thống kê dân số cũng đã thay đổi nhiều, bởi vì danh từ dùng để chỉ nhóm người Mỹ gốc Á đổi từ “Oriental” (phương Đông) qua “Mỹ gốc Á”, cho đến ngày nay khi mà ngoài “Mỹ gốc Á” ra người ta còn có các mục nhỏ hơn thích hợp với xuất thân sắc tộc của mình để đánh dấu.

Viễn Đông: Khi các học giả người Mỹ nghiên cứu văn học người Mỹ gốc Á, họ bỏ sót những gì?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Trước kia, học giả người Mỹ không có gốc gác Châu Á chả quan tâm gì đến chuyện người Mỹ gốc Á viết cái gì. Thế rồi phong trào Mỹ gốc Á phát triển vào những năm 60 và 70. Vào những năm 70, có rất ít tác phẩm do người Mỹ gốc Á viết, những năm 80 thì nhiều hơn một chút, những năm 90 thì nhiều hơn nữa. Ngày nay, mỗi năm có hàng tá tác phẩm do người Mỹ gốc Á viết được xuất bản. Bây giờ thì ngay cả những người không phải Mỹ gốc Á cũng đọc sách và các tác phẩm văn học của người Mỹ gốc Á.
Khi văn học Mỹ gốc Á ngày càng phổ biến, có thể thấy rằng các nhà xuất bản và người đọc thường có khuynh hướng tìm kiếm một số câu chuyện nhất định về người Mỹ gốc Á. Ví dụ người ta hay liên tưởng đến cuốn sách Joy Luck Club (Phúc Lạc Hội) của Amy Tang như là tác phẩm tiêu biểu cho văn học Mỹ gốc Á. Vì vậy những người đi sau cũng có khuynh hướng viết những câu chuyện tương tự để được xuất bản, có nghĩa là những chuyện về quan hệ và xung đột giữa mẹ và con gái, những chuyện tồi tệ ở đất nước mẹ đẻ của mình và ca ngợi nước Mỹ tuyệt vời, chuyện cuộc sống cực khổ của người di cư, chuyện đàn ông Châu Á vũ phu như thế nào. Những người Mỹ gốc Việt thì viết về chiến tranh Việt Nam, hoặc cuộc sống người Việt di cư trên đất Mỹ. Những câu chuyện như thế phổ biến và hấp dẫn trên thị trường đối với độc giả không phải người Mỹ gốc Á. Điều này có nghĩa là người đọc sẽ bỏ qua hoặc bỏ sót tất cả những câu chuyện khác về người Mỹ gốc Á. Đối với người viết, khó mà biết được là họ thật sự muốn viết những câu chuyện như thế, hay là họ bị bắt buộc phải viết những chuyện như thế vì biết rằng đó là chuyện người Mỹ muốn đọc.

Viễn Đông: Liệu người Mỹ gốc Á hoặc người Mỹ gốc Việt có thể tự tạo ra trào lưu mới để thay đổi cách tiếp nhận này từ xã hội Mỹ đối với họ?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Tất nhiên rồi. Khi một số đông người Việt di cư qua Mỹ vào những năm 70, họ không phải hứng chịu cảm giác chống đối người di cư Việt Nam và do đó các cộng đồng người Việt bắt đầu được hình thành. Họ nhận ra rằng họ phải tự kể câu chuyện về cộng đồng mình vì nếu không thì xã hội không ai quan tâm - đầu tiên là qua báo chí, phương tiện truyền thông bằng tiếng Việt.
Khi thế hệ trẻ lớn lên vào những năm 90, họ bắt đầu cho ra đời các tác phẩm bằng tiếng Anh. Cả hai luồng thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh đều quan trọng vì chúng tách khỏi cách nhìn cộng đồng người Việt qua lăng kính của người Mỹ.
Ngày nay, chúng ta sống trong thế giới toàn cầu, xuyên quốc gia. Người Mỹ vẫn xem người gốc Á như là người ngoại quốc nhưng họ tiếp nhận ảnh hưởng Á Châu một cách dễ dàng hơn vì văn hóa châu Á đã trở nên phổ biến hơn và quan trọng hơn trong xã hội Mỹ: từ xe hơi, đồ gia dụng, đến phim ảnh. Người Mỹ gốc Á thì không chỉ có thể nói rằng “Chúng ta là người Mỹ” hoặc “Chúng ta là người Mỹ gốc Việt" mà còn có thể nói “Chúng ta có thể làm mọi chuyện bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt". Ngày nay chúng ta có nhạc rap bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nhiều nhà làm phim thì thấy có nhiều cơ hội làm ăn ở Việt Nam hơn ở Mỹ nên họ quay về Việt Nam làm những bộ phim có cả diễn viên Việt Nam và Mỹ, quay ở Mỹ và Việt Nam, v.v.. Những phim này chẳng đả động gì tới chiến tranh hoặc cộng sản mà là về tình yêu, âm nhạc, đánh võ, nhảy múa. Điều quan trọng là thế hệ mới này làm những điều hoàn toàn khác những gì người Mỹ gốc Á trước kia từng làm, hoàn toàn khác những gì người Mỹ nghĩ về Việt Nam, và hoàn toàn khác những gì cha mẹ họ nghĩ.

Viễn Đông: Trong bối cảnh những thay đổi này, giáo sư có thể miêu tả bản sắc văn hóa của người Việt di cư tại Mỹ không?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Bản sắc văn hóa này rất đa dạng, nếu định nghĩa sẽ dễ dàng bỏ sót những điều tế nhị. Tôi cho rằng khi nói về bản sắc văn hóa này chúng ta phải nói đến những điểm chung và những điểm khác biệt. Điểm chung là tất cả người Việt qua Mỹ đều là do hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của chiến tranh: tị nạn chính trị; con cái của người tị nạn; qua các chương trình di cư quốc tế những năm 80 và 90; đi bảo lãnh; sinh viên du học rồi ở lại. Tất cả đều là do tác dụng lan tỏa từ lịch sử chiến tranh và từ mối liên hệ mật thiết về lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ. Đây là điểm chung để từ đó chúng ta nói đến những khác biệt, bởi vì nhiều người từ nhiều thế hệ khác nhau và có những kinh nghiệm khác nhau khi qua Mỹ, họ mang những quan điểm khác nhau.
Theo ý tôi, trong một thời gian dài, vấn đề cộng sản Việt Nam góp phần chính vào việc định nghĩa bản chất văn hóa của người di cư. Nhưng tôi không nghĩ nó còn mạnh mẽ nữa. Ngày nay yếu tố chính trị này có phần đóng góp không đồng đều. Ở một số nơi như Quận Cam hoặc Santa Clara, yếu tố chính trị vẫn là quan trọng, nhưng càng đi xa cộng đồng người Việt, quan điểm của người ta về vấn đề bản sắc văn hóa càng mềm dẻo và mối liên hệ của người ta tới vấn đề bản sắc văn hóa của người di cư cũng trở nên riêng biệt hơn. Trong lãnh vực văn học, một số nhà văn người Mỹ gốc Việt vẫn viết về chiến tranh Việt Nam và kinh nghiệm người di cư, nhưng nhiều người khác chỉ nhắc đến những chuyện này một cách gián tiếp. Đối với họ, Việt Nam vẫn quan trọng, nhưng không phải một Việt Nam bị chi phối bởi chiến tranh và cộng sản.

Viễn Đông: Giáo sư có hài lòng về những phát triển của cộng đồng người Việt?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Tôi nghĩ cộng đồng người Việt vẫn đang đi tới. Có nhiều người tách ra khỏi cộng đồng hoặc gia đình và làm những chuyện rất hay theo ý hướng riêng. Điều này rất tốt vì nó cho thấy là người Mỹ gốc Việt không bị hạn chế bởi sắc tộc hoặc lịch sử chiến tranh của mình. Cũng có nhiều người ở lại trong cộng đồng và họ làm cộng đồng thay đổi theo một cách đặc biệt khác. Bây giờ ở đâu cũng có Little Sài Gòn nhưng chúng không giống Sài Gòn chút nào. Thật ra chúng là những cộng đồng sắc tộc ở Mỹ và chúng đại diện cho những nỗ lực rất thành công của người Việt ở Mỹ trong việc tạo ra một tiếng nói riêng cho mình. Việc các cộng đồng như thế tồn tại mang ý nghĩa tượng trưng cao và mạnh mẽ.
Có người lý luận rằng nhiều người Việt Nam vẫn đang sống trong quá khứ do những kinh nghiệm chiến tranh của họ hoặc vì những gì xảy ra cho họ trước đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể lý luận rằng việc một số nhóm người bám chặt vào những ký ức đó và nuôi sống chúng là điều quan trọng, bởi vì nếu họ không làm như vậy thì không ai làm cả. Nước Mỹ không quan tâm gì đến miền Nam Việt Nam và những gì xảy ra cho nó, chính phủ Việt Nam cũng không quan tâm và muốn tẩy bỏ miền Nam Việt Nam ra khỏi ký ức lịch sử. Vì vậy, một trong những lý do quan trọng nhất cho sự tồn tại của cộng đồng người Việt ở Mỹ chính là để bảo tồn ký ức lịch sử này. Tôi cũng có những cảm xúc xung đột trong vấn đề này bởi vì tinh thần chống cộng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể trở nên nặng nề. Nhưng đồng thời, họ cũng nuôi sống ký ức miền Nam Việt Nam như là một phản biện đối với chính quyền cộng sản Việt Nam. Điều này nhắc nhở chính quyền Việt Nam rằng họ phải nhân nhượng cộng đồng di cư. Có nghĩa là cộng đồng di cư có chút ít quyền lực và thuận lợi trong việc thương lượng với Việt Nam. Tôi cho rằng việc những người Mỹ gốc Việt có thể có những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, văn hóa đối với Việt Nam là một phương tiện mạnh mẽ.

(Còn tiếp ngày mai)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/gs-ts-viet-thanh-nguyen-ky-1-cong-dong-nguoi-viet-di-cu-hien-huu-j2tpMsQu.html
Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện)
.
.
.


No comments:

Post a Comment

View My Stats