Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Ba, 10 tháng 4 2012
Nếu được bình chọn, tôi nghĩ câu nói nổi tiếng nhất ở miền Nam trước năm 1975 sẽ là câu “Đừng nghe những gì Cộng sản nói; hãy nhìn những gì Cộng sản làm”; sau năm 1975, cũng ở miền Nam, là hai câu “Người Việt bỏ phiếu bằng chân” và “Nếu được tự do, ngay cả cột đèn cũng bỏ nước ra đi.”
Câu “bỏ phiếu bằng chân” khá lý thú. Ở các nước dân chủ, người ta bỏ phiếu bằng tay. Ở Việt Nam, khi bầu cử chỉ là chuyện “chọn người xứng đáng thì cho vào hòm”, hình thức bày tỏ chính kiến một cách trung thực và quyết liệt nhất không nằm ở lá phiếu, bất cứ là lá phiếu gì, mà là ở bàn chân, ở cái nơi chúng quyết định hướng tới, dù phải vượt qua trùng trùng nguy hiểm, kể cả nguy cơ mất mạng. Do đó, có thể nói phong trào vượt biên sau năm 1975 mới thực sự là một cuộc trưng cầu dân ý lớn nhất của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Một cuộc trưng cầu dân ý khởi phát và được tiến hành bởi dân chúng.
Mà thôi, tôi không có ý định nhắc lại chuyện cũ. Câu nói “bỏ phiếu bằng chân” sống lại trong ký ức của tôi không phải vì Việt Nam mà vì Trung Quốc. Dĩ nhiên, tôi biết, khái niệm Trung Quốc hiện nay không gắn liền với khái niệm vượt biên. Trước, ngay sau 1949, lúc đảng Cộng sản mới giành được chính quyền ở Trung Quốc, thì có. Đài Loan chính là kết quả của phong trào vượt biên ấy. Nhưng hiện nay, khi Trung Quốc đã tương đối cởi mở, ít nhất về mặt kinh tế và xã hội, và đã rất phát triển, có hy vọng trở thành siêu cường quốc số một của thế giới trong thập niên sắp tới, không có chuyện người dân lũ lượt kéo nhau vượt biên nữa. Chỉ có một số người phản kháng và bị đàn áp xin tị nạn chính trị đây đó. Con số ấy, dù sao, cũng ít. Và dừng lại ở phạm vi cá nhân, chứ không thành phong trào.
Tuy nhiên, đó chỉ là mặt nổi. Ở một khía cạnh khác, các chuyên viên về di trú phát hiện đang bùng nổ một phong trào “vượt biên” mới của người Trung Quốc, lần này âm thầm hơn. Và cũng hợp pháp hơn. Mang nhiều hình thức khác nhau và với nhiều động cơ khác nhau, mỗi năm có hàng trăm ngàn người Trung Quốc tìm cách thoát khỏi đất nước của họ để được định cư ở nước ngoài. Hình thức phổ biến nhất và cũng được nhiều người nói nhất là xin đi du học và khi học xong thì ở lại luôn ở nước ngoài. Còn một hình thức khác nữa, gần đây mới được dư luận chú ý: di dân vì lý do thương mại.
Theo một số cuộc thăm dò ở Trung Quốc, khoảng từ 60 đến 80% những người thuộc loại giàu có nhất ở Trung Quốc với số tài sản từ 1.6 triệu đô la trở lên muốn hoặc đang có dự định xuất ngoại và sinh sống ở nước ngoài. Trong cái gọi là “nước ngoài” ấy, địa điểm được ưa chuộng nhất là Mỹ, và kế tiếp, Canada, quốc gia láng giềng của Mỹ. Con số những người Trung Quốc giàu có xin định cư tại Mỹ vào năm 2011 là 3000 người, tăng gấp bốn lần so với năm 2009. Hầu hết những người này xin định cư theo quy chế đầu tư (EB-5 visa). Điều kiện, theo quy định của chính phủ Mỹ, là phải bỏ ra số vốn ít nhất là 500.000 đô la, một số tiền đủ để tạo ra khoảng 10 công ăn việc làm mới cho công dân Mỹ. Đây chính là cửa ngỏ để các nhà kinh doanh giàu có ở khắp nơi đến Mỹ định cư và làm ăn một cách hợp pháp. Năm ngoái, số người Trung Quốc nộp đơn định cư theo diện này chiếm đến 78% tổng số đơn xin trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.
Ở đây, chúng ta thấy ngay một nghịch lý mà Trung Quốc đang phải đối diện: một mặt, chính phủ Trung Quốc đang nuôi tham vọng vượt qua Mỹ, thay thế Mỹ trong vai trò siêu cường quốc số một trên thế giới, trước hết, trong lãnh vực kinh tế; nhưng mặt khác, giới siêu giàu ở Trung Quốc, những kẻ góp phần chính trong việc tạo nên sự giàu có của Trung Quốc và hưởng lợi nhiều nhất từ sự giàu có ấy lại loay hoay tìm mọi cách để sang Mỹ sinh sống.
Tại sao?
Hầu hết đều trả lời giống nhau: Họ muốn tìm ở Mỹ một điều mà Trung Quốc không có: sự an toàn.
Ở Trung Quốc, dù cực kỳ giàu và sung sướng, người ta vẫn thấy bất an. Bất an không phải vì sợ chính quyền Trung Quốc bắt bớ hay trấn áp như họ vẫn thường làm đối với những người bất đồng chính kiến. Không, giới doanh nhân chả cần biết gì đến chính trị. Họ không chống đối. Thậm chí, phần lớn họ ở vị thế rất thân chính quyền, hưởng nhiều lợi lộc từ chính quyền. Nhưng họ vẫn thấy bất an.
Lý do chính là bất an trước tiền đồ của Trung Quốc. Tiền đồ ấy đầy những rủi ro, xuất phát từ hai vấn đề chính: sự tham nhũng của cán bộ và sự bất mãn của dân chúng.
Sự tham nhũng ở Trung Quốc thì hầu như ai cũng biết. Bản báo cáo của Bloomberg News mới đây càng làm nổi rõ bức tranh tham nhũng khủng khiếp ấy: tổng số tài sản của 70 nhà lập pháp giàu nhất Trung Quốc vào năm 2011 là 89.8 tỉ đô la, nhiều hơn hẳn tổng số tài sản của 535 vị dân cử cấp liên bang của Mỹ; và nhiều hơn hẳn, gấp mười mấy lần, tổng số tài sản của 660 người lãnh đạo cao cấp nhất trong guồng máy chính phủ Mỹ (chỉ trị giá 7.5 tỉ đô la!)
Ở đây, có hai điều cần chú ý: một, đối tượng điều tra của Bloomberg News là các đại biểu quốc hội chứ không phải Bộ chính trị hay Ban chấp hành Trung ương đảng, những người có nhiều quyền lực, và do đó, thường giàu hơn hẳn giới lập pháp; và hai, khác với ở Tây phương, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, tài sản của mọi người, nhất là giới cán bộ tham nhũng, được giấu giếm và ngụy trang dưới nhiều hình thức và tên tuổi khác nhau, do đó, những gì người ta có thể thấy và kiểm kê được, chỉ là một phần nhỏ. Rất nhỏ.
Đáng kể hơn là sự bất mãn của dân chúng. Theo tiết lộ của chính phủ Trung Quốc, trong năm 2011 vừa qua, có ít nhất 180.000 cuộc biểu tình phản đối của dân chúng trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, bình quân mỗi ngày là gần 500 cuộc biểu tình. Xin lưu ý: số lượng các vụ biểu tình càng ngày càng tăng. Năm 1993, chỉ có 8709 vụ; năm 2009, có 90.000 vụ. Từ năm 2009 đến năm 2011, trong vòng hai năm, số lượng các cuộc biểu tình tăng lên gấp đôi. Cũng xin lưu ý là ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, biểu tình bị cấm đoán nghiêm ngặt. Vậy mà người ta vẫn biểu tình. Hơn nữa, còn biểu tình với mức độ rất thường xuyên. Chính vì vậy, nhiều người ghi nhận: ở Trung Quốc, người ta có thể ngửi thấy sự bất ổn ở khắp nơi.
Việc giới nhà giàu Trung Quốc tìm cách xin di trú ở Mỹ, trước hết, xuất phát từ cảm giác sợ hãi trước những bất ổn như thế. Người ta không biết giông bão sẽ ập tới lúc nào. Và lúc giông bão nổi lên, người ta có thể trở thành trắng tay.
Nhà văn Dư Kiệt (Yu Jie), một nhân vật đối kháng và cuối cùng quyết định rời bỏ Trung Quốc để sống hẳn tại Mỹ, đã cho hiện tượng người dân, kể cả giới trí thức và những người giàu có, đang tìm cách định cư ở nước ngoài, là một cách bỏ phiếu:
“Họ đang bỏ phiếu bằng chân” (These people are voting with their feet).
Giống y như ở Việt Nam mấy chục năm trước.
Và hiện nay nữa, không chừng.
***
Chú thích: Toàn bộ số liệu ở trên đều lấy từ bài “Is China really the place to be” của Joel Brinkley, giáo sư báo chí tại Đại học Stanford.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-----------------------------------------
Tin liên hệ
.
.
.
No comments:
Post a Comment