Wednesday, 18 April 2012

BLOGGER, BẠN LÀ AI , LÀM GÌ ĐỂ ĐẾN NỖI "THÂN TÀN MA DẠI" ? (Ngô Văn)



Ngô Văn
18/04/12 9:05 PM

Nhưng họ sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vì chính nghĩa và công lý, vì những người cùng khổ bị áp bức mọi bề, vì họ bất nhẫn trước những bất công và tội ác lan tràn. Họ khao khát có ngày sẽ được cùng với đồng bào mình hít thở không khí tự do, phẩm giá mỗi người được tôn trọng, mà chẳng cần phải báo công.

Báo Dân trí Chủ Nhật ngày 15/4/2012 có tin: Blogger Điếu Cày sắp ra tòa vì chống phá Nhà nước. Sau đó đọc bài viết “Cần mua bảo hiểm loại dịch vụ viết blog” của Người Buôn Gió, đăng ngày 15/4/2012, tôi thích ý kiến này: “Viết blog cá nhân, thực ra chỉ giải tỏa bức xúc, dăm ba bạn bè liên kết tự sướng với nhau. Làm được cái gì mà gớm đến mức lật đổ chế độ?”.

Câu nói “thẳng thừng” ấy là câu trả lời cho những nghi kỵ không đáng có và để bạch hóa vấn đề có phải “Blogger, mối nguy hại cho an ninh quốc gia?”.
Có lẽ có, hiểu theo nghĩa nó phanh phui những ẩn khuất trong “hậu trường”, dù là hậu trường chính trị, tôn giáo, xã hội, văn hóa văn nghệ, đời sống…, nó góp phần làm sáng tỏ chân lý, dù chẳng mấy ai ưa, đưa người ta tiếp cận với sự thật, dù phũ phàng. Và ít nhiều nó có ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng những người yêu chân lý, công bằng, nhân quyền, dân chủ và tự do.

Nhưng với chính sách “trấn áp” quy mô và có định hướng, dù phải “đạp trên luật” bằng những hành vi phi lý, bất nhân và đê tiện, Nhà cầm quyền lộ rõ dã tâm sẵn sàng triệt hạ những gì “cản bước tiến” của họ.

Thế nên cần có cái nhìn đúng đắn để khỏi rơi vào “ảo giác” khi thấy một sự dữ, sự xấu cá biệt bị loại trừ hoặc một sự thành công nhất định nào đó liền vội đi đến kết luận “thành công, thành công, đại thành công (!)”. Vì thực tế cho thấy, khi giải quyết xong một vấn đề này, liền nảy sinh những vấn đề khác, có khi còn trầm trọng hơn nữa.

Những diễn biến xã hội vừa qua cho thấy, khi một “bạo chúa” ngã gục, lập tức một bạo chúa khác lại xuất hiện.
Nói thế không phải nhằm làm “cụt chí anh hùng”, nhưng cần cẩn trọng khi nhận định tình hình, để vừa khỏi rơi vào “ảo giác” thành công, vừa thoát được sự bi quan làm tê liệt ý chí, vừa tránh được thái độ cay cú, hận thù, không có tính thuyết phục lại còn phản chứng. Mọi bước tiến tiến bộ đều có sự “chậm rãi” đặc trưng của nó, cổ nhân có câu “dục tốc bất đạt”.

Nếu tin rằng sự thật, chân lý là bất biến, thì dù người ta có che đậy bằng mọi cách, thì đàng sau những gì che đậy đó chính là sự thật, là chân lý; dù có nhắm tịt mắt, có cố bưng bít, sự thật chân lý vẫn có đó; dù có bỏ vào cối giã nhuyễn và đem thiêu, cái còn lại chính là sự thật, chân lý. Các Blogger không phải là chân lý mà là những người gióng lên tiếng chuông chân lý, phá tan sự tĩnh mịch của đem tối, thức tỉnh lương tâm con người. Điều đó làm tan vỡ kế hoạch của Nhà cầm quyền, vốn ghét sự thật và chân lý, đang cố “ru ngủ và tạo ảo giác” cho người dân, thế nên họ “bị vạ lây”.

Nếu tin rằng sự thật, chân lý là bất biến, tự nó có một sức mạnh, như người Công giáo tin có Chúa ở cùng họ, đang hoạt động trong lịch sử và đang chiến đấu cùng họ để giải thoát họ, các Blogger không hẳn là những “con chiên”, càng không phải là những nhà tu hành. Nhà tu hành chân chính thì chỉ có một thân một mình, chẳng có gì để so đo tính toán vụ lợi , để lưu luyến, để mất mát, để di hậu, có chăng là họ chỉ có mỗi bản thân, có niềm tin với những xác tín tôn giáo của họ, rằng họ đang làm đúng và đang hoành dương đạo pháp, thế thôi, chết cũng được!.

Còn các Blogger, họ là những người bình thường, có vợ con, có công ăn việc làm, có tương lai với những bổn phận và trách nhiệm phải chu toàn. Cơm áo gạo tiền ư?. Nặng lắm. Tương lai ư?. Quan trọng lắm. Một đời sống bình an và hạnh phúc ư?. Hằng cầu mong như vậy!. Thế mà họ dám “hạ thấp và đánh đổi” những giá trị ấy với công việc “dở hơi” họ đang làm. Đau khổ không?. Có, nhiều lắm. Bị dằn vặt không?. Thường xuyên. Có khi nào chao đảo không?. Cũng có lúc. Nhưng họ sẵn sàng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vì chính nghĩa và công lý, vì những người cùng khổ bị áp bức mọi bề, vì họ bất nhẫn trước những bất công và tội ác lan tràn. Họ khao khát có ngày sẽ được cùng với đồng bào mình hít thở không khí tự do, phẩm giá mỗi người được tôn trọng, mà chẳng cần phải báo công. Họ biết cách nhìn thế giới trong chân lý, chân lý có khả năng giải thích ý nghĩa cuộc sống mà không để cho những sự dữ như tấm màn đen tối bao trùm, ngăn cản không cho thấy ánh sáng ban ngày.

Những đóng góp mà các Blogger, do lòng hăng say và sự theo đuổi lý tưởng, đã dấn thân cống hiến cho xã hội nhằm xây dựng một xã hội nhân bản và có tình người hơn, đã khơi lên niềm hy vọng kiến tạo một tương lai công lý và hòa bình. Đó là một “nghĩa vụ lương tâm”, không một quyền lực nào có thể khống chế, hoàn toàn vô vị lợi, họ chẳng mong nhận được một sự tín nhiệm và sự khích lệ từ bất cứ tổ chức nào để làm sáng tỏ chân lý, đòi hỏi công bằng, phẩm giá con người được tôn trọng, bảo vệ người thấp cổ bé miệng. Họ chỉ mong được sự đồng cảm và đồng thuận trong tinh thần tự do, tôn trọng và liên đới!.

Ngô Văn

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats