Tuesday, 17 April 2012

ĐẠI HỌC FPT MUỐN GÌ KHI RA ĐỀ THI "TRINH TIẾT" ? (TS Đỗ Thị Vân Anh)



Ts Đỗ Thị Vân Anh
Cập nhật lúc 18h56" , ngày 16/04/2012

(VnMedia) - “Với đề thi “trinh tiết”, vô hình chung các thí sinh đều phải đảm bảo nhìn thấy điều đó trong sách báo hoặc nhìn thấy trong cuộc sống mới được làm đề thi này. Vậy mục tiêu của đại học FPT là gì? Là đào tạo ra các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ - Thông tin?”, Ts Đỗ Thị Vân Anh, chuyên gia xã hội học chia sẻ.

ĐH FPT vừa tổ chức kỳ thi sơ tuyển cho gần 7.500 thí sinh tại 8 điểm trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong đề thi có một câu hỏi tự luận về “trinh tiết” đã gây tranh cãi cho nhiều giới. VnMedia giới thiệu bài viết của TS. Đỗ Thị Vân Anh, chuyên gia xã hội học về đề thi “trinh tiết” của Đại học FPT.

Một số năm trở lại đây, đại học FPT đã nổi tiếng về sự mong muốn thành một mô hình trường đại học hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Chương trình đào tạo chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại. Đại học FPT còn đặt mục tiêu “sẽ trở thành trường đào tạo Công nghệ Thông tin tốt nhất Việt Nam và xa hơn là trong khu vực” (TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT). Và với một mô hình trường hiện đại như vậy, đại học FPT cũng nổi lên với những câu chuyện khá “hiện đại”.

Cách đây vài năm, chúng ta đã phải “ngỡ ngàng” khi chứng kiến màn múa gần như khỏa thân của hai nam sinh viên trong ngày kỷ niệm 20 năm thành lập tập đoàn FPT. Mặc dù, Ban tổ chức đã giải trình về sự cố này hoàn toàn không nằm trong kịch bản, nhưng dù sao nó cũng đã diễn ra và diễn ra đúng vào ngày trọng đại của công ty.

Cách đây vài tuần, cư dân mạng lại được “sốc” với clip bài thuyết trình rất “đặc biệt” của TS kinh tế Lê Thẩm Dương tại viện Quản trị kinh doanh FSB - đại học FPT. Bài giảng đã gây ra rất nhiều tranh luận về một phong cách giảng dạy suồng sã kết hợp với những câu văng tục và liên hệ thực tế bằng chuyện phòng the, trai gái.

Cách đây vài ngày, mọi người lại tiếp tục “bất ngờ” với đề thi “trinh tiết” trong kỳ sơ tuyển đợt I năm 2012 cho 7.500 thí sinh tại 8 điểm thi. Như vậy, không biết vô tình hay cố ý, đại học FPT luôn có sự cố hoặc là có duyên với những vấn đề “nhạy cảm” và đang “nóng” ngoài xã hội.

Riêng đối với đề thi này, rõ ràng là có chủ đích. Bởi đề thi đã phải được duyệt qua Hội đồng tuyển sinh của nhà trường. Vậy mục tiêu của đại học FPT là gì? Là đào tạo ra các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ - Thông tin?. Vậy những chuyên gia đó ngoài việc phải có kiến thức về khoa học kỹ thuật thì cũng phải am hiểu về xã hội? Và phải đúng là vấn đề nhạy cảm như “trinh tiết” của phụ nữ?.

Luận giải về đề thi lạ đó, Phó hiệu trưởng Phong nói: "Nhiều khảo sát cho thấy một tỷ lệ không nhỏ học sinh cuối cấp THPT đã quan hệ tình dục. Các em sắp bước vào lứa tuổi được xã hội, luật pháp công nhận là trưởng thành, bắt đầu phải làm quen với việc chịu trách nhiệm cho mỗi hành động và cuộc sống của mình. Có một cơ hội để các em suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này và trình bày tự do quan điểm của mình là điều không tồi”.

Quan điểm của đại học FPT đã trở thành là một thách thức lớn với thí sinh. Nhất là những vấn đề quá tế nhị mà theo truyền thống của Việt Nam là rất ngại nhắc đến. Vậy mà trong vòng 60 phút, các thí sinh (hầu hết là tuổi mới lớn), không kể nam hay nữ, tự nhiên phải tưởng tượng ra, rồi phải ngồi phân tích, bóc tách vấn đề.

Đã thế lại còn bắt các thí sinh “củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo và quan sát của bạn trong cuộc sống". Như vậy vô hình chung các thí sinh đều phải đảm bảo nhìn thấy điều đó trong sách báo hoặc nhìn thấy trong cuộc sống mới được làm đề thi này.

Bàn luận về đề thi, các ngôn từ không đảm bảo tính văn bản: “thì coi như”, “cái màng trinh”, “có còn trinh”. Chính cách sử dụng “văn nói” đó nên khi đọc đề thi chúng ta có cảm giác như là đang bàn một câu chuyện suồng sã với nhau ngoài xã hội.

Quả thật, câu chuyện này đang được quan tâm và bàn nhiều ngoài xã hội vì nó xuất phát từ một số hệ lụy mà nữ giới phải gánh chịu. Nhưng bàn nhiều không có nghĩa là nó diễn ra nhiều. Và có phải quá vội vàng khi bắt các thí sinh phải quan tâm chuyện quá tế nhị đó ngay từ khi tuyển vòng đầu tiên vào trường hay không?

Kết quả cuối cùng, khi chấm bài thang chấm đưa ra sẽ dựa vào những tiêu chí nào? “Các em suy nghĩ nghiêm túc” và “trình bày tự do quan điểm của mình”. Vậy đại học FPT đánh giá thế nào là “nghiêm túc”, nếu thí sinh lập luận rằng: “quan hệ tình dục trước hôn nhân là tốt vì như vậy mới tìm được sự hòa hợp, hiểu nhau hơn… và sau này cuộc sống mới có hạnh phúc” có phải là “nghiêm túc” không? Hay phải: “nhất định phải hoàn toàn giữ gìn trinh tiết đến tận khi kết hôn mới đúng là phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam” thì mới thực sự là “nghiêm túc”.

Những thí sinh ủng hộ cho việc “giữ gìn trinh tiết” đạt điểm tốt hay ủng hộ việc “không nên quá khắt khe và quan tâm đến chữ trinh tiết” đạt điểm tốt. Đương nhiên, nếu thí sinh “trình bày tự do quan điểm của mình” thì sẽ có hai luồng suy nghĩ: ủng hộ và không ủng hộ. Lúc đó đại học FPT sẽ làm gì? Cho nhóm ủng hộ trượt hay ngược lại? Còn nếu không cho nhóm nào trượt mà chỉ cần biết xem các em suy nghĩ thế nào về vấn đề trinh tiết thì cuối cùng để làm gì? Và rồi quan điểm về chữ Trinh của thí sinh để mang lại tiêu chí gì mà FPT cần? Để sàng lọc ra những thí sinh có lập trường hay không vào đại học FPT? Và đây là tiêu chí cần cho một chuyên gia về công nghệ thông tin?

Như vậy, có thể khẳng định rằng đại học FPT nắm bắt rất nhanh thời cuộc bằng cách đánh vào điểm nóng của xã hội khi mà chuyện lộ hàng trở thành thứ để câu khách, để đánh bóng tên tuổi. Chỉ có điều là điểm nóng đó lại không phải là phát triển công nghệ mà lại là điểm không sáng gì của xã hội Việt Nam.

Đại học FPT đã lộ hàng!.

---------------------------------

Sáng 8/4, ĐH FPT tổ chức kỳ thi sơ tuyển cho gần 7.500 thí sinh tại 8 điểm trên toàn quốc. Đề thi tự luận trích dẫn những câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thể hiện hai cách nhìn đối lập về trinh tiết. Một theo quan điểm khá thoáng: "Xưa nay trong đạo đàn bà/Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/Có khi biến có khi thường/Có quyền, nào phải một đường chấp kinh". Và một theo quan điểm truyền thống "Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu".

Từ cách mào đề trên, ĐH FPT yêu cầu thí sinh thể hiện quan điểm về việc người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ còn trinh hay không? Trong 60 phút, thí sinh được yêu cầu viết một bài luận để phát triển quan điểm về vấn đề này. Đề thi này của FPT sau đó bị lộ ra ngoài và đã gây lên nhiều ý kiến trái chiều.

Tùng Nguyễn

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats