Chiến tranh Ukraine
có thể vô tình dẫn đến chiến tranh hạt nhân như thế nào?
William M. Moon | Foreign Affairs
Viên
Đăng Huy, biên dịch
Nguyễn
Thế Phương, hiệu đính
Trách
nhiệm lớn nhất của một quốc gia hạt nhân là giữ an toàn cho các đầu đạn của
mình. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khoảng 30% trong số
ước tính 5.580 đầu đạn của Nga đã bị đặt vào tình thế cực kỳ nguy hiểm. Vào đầu
cuộc chiến, những lo ngại rằng cuộc xâm lược có thể làm tăng nguy cơ kích nổ hạt
nhân hoặc nổ do tai nạn tập trung vào rủi ro có thể xảy ra đối với bốn nhà máy
điện hạt nhân của Ukraine và các mối đe dọa của Nga về việc cố ý leo thang xung
đột vượt qua ngưỡng hạt nhân. Nhưng với việc Ukraine càng tìm cách tấn công các
mục tiêu bên trong nước Nga, thì càng rõ ràng rằng việc Nga không sẵn sàng bảo
vệ đầy đủ các kho vũ khí hạt nhân ở phía tây – hiện nằm trong tầm tấn công của
tên lửa và drone của Ukraine và thậm chí là từ bộ binh Ukraine – có thể gây ra
rủi ro khủng khiếp.
Mỗi
tuần, Nga phóng tới 800 quả bom dẫn đường trên không và hơn 500 drone nhắm vào
các thành phố và nhà máy năng lượng của Ukraine. Đáp lại, Ukraine đã bắt đầu
phóng hàng trăm drone mỗi ngày vào các mục tiêu được lựa chọn cẩn thận của Nga.
Ukraine có mọi quyền tự vệ theo cách này và không có dấu hiệu nào cho thấy lực
lượng Ukraine sẽ cố ý nhắm mục tiêu vào các địa điểm lưu trữ đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, do các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine đã đến tận Moscow, nên
rõ ràng là có ít nhất 14 địa điểm lưu trữ hạt nhân của Nga hiện nằm trong tầm bắn
của Ukraine. Ít nhất hai trong số các địa điểm đó cách biên giới Ukraine chưa đến
100 dặm, nằm trong tầm tấn công của các tên lửa gây sát thương mạnh hơn mà
Ukraine đã sở hữu, và năm địa điểm khác nằm cách biên giới chưa đến 200 dặm, gần
hoặc chỉ vượt quá tầm bắn của các tên lửa tiên tiến do phương Tây cung cấp mà
Ukraine đã xin phép sử dụng để chống lại các mục tiêu thông thường ở Nga.
Trách
nhiệm di chuyển các đầu đạn hạt nhân ra khỏi vùng nguy hiểm thuộc về chính phủ
Nga. Nga biết rằng các đầu đạn của họ không nên được đặt ở bất cứ nơi nào gần với
các chiến dịch quân sự thông thường: sau khi Ukraine tiến hành các cuộc tấn
công bằng drone và tên lửa đầu tiên vào Belgorod vào mùa xuân năm 2023, Nga đã
nhanh chóng báo cáo rằng địa điểm lưu trữ Belgorod của họ không còn lưu trữ đầu
đạn hạt nhân – thừa nhận rằng các đầu đạn không nên được lưu trữ ở bất cứ đâu gần
khu vực chiến sự. Nhưng đáng chú ý là không có thông báo nào của Nga về tình trạng
của các đầu đạn mà họ có tại bất kỳ địa điểm lưu trữ nào khác. Có một số lý do
có thể xảy ra đối với sự chểnh mảng rõ ràng trong nhiệm vụ của Nga ở đây: Tổng
thống Nga Vladimir Putin có thể tin rằng việc di chuyển các đầu đạn hạt nhân của
Nga sẽ là một dấu hiệu của sự yếu kém; các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga có thể
không nhận ra những nguy hiểm mà các đầu đạn này có khả năng gây ra; hoặc quân
đội Nga có thể lo ngại rằng phương Tây sẽ hiểu sai việc di chuyển đầu đạn là
chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân, dẫn đến một cuộc tấn công phủ đầu của
NATO.
Quốc
gia có khả năng ảnh hưởng nhiều nhất đến việc quản lý kho vũ khí hạt nhân của
Nga chính là Trung Quốc. Vào tháng 9, Bắc Kinh đã trở thành điều phối viên của
quy trình P5 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, một diễn đàn của năm
quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ban đầu – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ – được
thiết kế để các quốc gia đó có thể cùng nhau thảo luận về trách nhiệm của mình.
Với tư cách này, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể – và phải – dẫn đầu một nỗ lực
tập thể để thuyết phục Nga bảo vệ các đầu đạn dễ bị tổn thương của mình, dựa
trên mối quan hệ song phương đang mở rộng của chính họ với Moscow. Nếu Trung Quốc
không thúc đẩy điều này, nguy cơ các địa điểm hạt nhân của Nga bị vướng vào cuộc
chiến ở Ukraine sẽ chỉ tiếp tục gia tăng, với những hậu quả tiềm tàng thảm khốc
cho cả Nga và phần còn lại của thế giới. Khả năng một drone hoặc tên lửa của
Ukraine tấn công một đầu đạn và tạo ra một vụ nổ phân tán vật liệu phân hạch đã
trở thành một rủi ro lớn. Nhưng đó không phải là rủi ro duy nhất. Nguy hiểm hơn
nữa là khả năng một cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc chiếm đóng lãnh thổ của
Ukraine có thể khiến một địa điểm lưu trữ hoạt động hỗn loạn, cho phép các đối
tượng bất hảo chiếm đoạt các đầu đạn hạt nhân đó – hoặc vô tình thúc đẩy leo
thang hạt nhân của Nga.
Cuộc
chơi hạt nhân
Năm
1991, khi sự sụp đổ của Liên Xô sắp xảy ra, Quốc hội Mỹ đã thành lập chương
trình Giảm thiểu Mối đe dọa Hợp tác (CTR), nhằm mục đích giúp Nga bảo vệ kho vũ
khí hạt nhân khổng lồ của Liên Xô với khoảng 30.000 đầu đạn hạt nhân mà họ được
thừa hưởng. Do các địa điểm lưu trữ này không còn được giám sát bởi nhà nước cảnh
sát Liên Xô, vị trí của chúng không còn là bí mật, chúng có ít hoặc không có
thiết bị an ninh và những người bảo vệ thì không được trả lương. Với sự hỗ trợ
của CTR, Nga đã giảm số lượng đầu đạn và củng cố số vũ khí của mình bên trong
42 cơ sở lưu trữ hiện có vốn được trang bị các tính năng an ninh hiện đại. Các
đầu đạn được bảo vệ tại ba loại địa điểm: 12 địa điểm trung tâm lớn chứa hàng
trăm đầu đạn chiến lược và phi chiến lược; 30 cơ sở lưu trữ nhỏ hơn liền kề với
các căn cứ quân sự, nơi lưu trữ hàng chục đầu đạn có thể được lắp vào tên lửa,
tàu ngầm, tàu hoặc máy bay tại các căn cứ; và ba điểm trung chuyển đường sắt
nơi đầu đạn có thể được chuyển đến và đi từ tàu hỏa sang xe tải. Các đầu đạn của
Nga thường xuyên được di chuyển để bảo trì và kiểm tra an toàn, vì vậy các điểm
trung chuyển này hầu như luôn có đầu đạn ở đó — và các điểm trung chuyển đường
sắt này là nơi đầu đạn dễ bị tổn thương nhất, vì chúng không nằm trong boongke
an toàn và chỉ được bảo vệ bởi lớp vỏ bọc gia cố của xe tải và các toa xe lửa.
Ngay
sau Chiến tranh Lạnh, hầu hết các chuyên gia đều coi mối đe dọa chính đối với
kho dự trữ hạt nhân của Nga là một cuộc tấn công khủng bố tiềm tàng — thậm chí
có thể được thực hiện bởi tối đa 12 kẻ tấn công — hơn là một cuộc xung đột vũ
trang với một quốc gia có quân đội mạnh. Trong suốt 30 năm lãnh đạo nỗ lực song
phương của CTR để bảo vệ các đầu đạn của Nga, tôi đã gặp gỡ hơn 75 lần với các
nhà lãnh đạo của tổ chức trong Bộ Quốc phòng Nga chịu trách nhiệm duy trì và bảo
vệ kho vũ khí hạt nhân của Nga. Tôi đã đến thăm hàng chục địa điểm lưu trữ đầu
đạn hạt nhân của Nga, bao gồm cả những địa điểm ở Belgorod và Voronezh, gần
biên giới Nga với Ukraine. Và đến năm 2008, kho vũ khí hạt nhân của Nga dường
như tương đối an toàn trước các mối đe dọa khủng bố. Các nâng cấp bảo mật đã được
cài đặt tại tất cả các địa điểm lưu trữ đầu đạn và điểm trung chuyển đường sắt.
Mỗi địa điểm lưu trữ được cung cấp ba lớp hàng rào an ninh, cảm biến vi sóng và
cảm biến xáo trộn hàng rào, đèn chiếu sáng, camera video, cổng an ninh mới và
tòa nhà kiểm soát an ninh được trang bị tận răng.
Nhưng
những nâng cấp này không được thiết kế để bảo vệ các đầu đạn khỏi các cuộc tấn
công của một lực lượng quân sự được trang bị vũ khí đầy đủ — và chúng cũng
không thể làm như vậy. Khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, họ
đã mang một cuộc chiến tranh thông thường đến gần các khu vực nơi lưu trữ hàng
trăm đầu đạn hạt nhân. Địa điểm lưu trữ trung tâm Belgorod của Nga, nơi có thể
đã lưu trữ hàng trăm đầu đạn hạt nhân, nằm cách biên giới Ukraine chưa đến 30 dặm
về phía bắc thành phố Kharkiv, nơi Nga gây ra giao tranh ác liệt. Nó cũng nằm
ngay phía nam của khu vực Kursk, nơi lực lượng Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn
công lớn vào Nga vào tháng 8 và nơi giao tranh vẫn tiếp tục cho đến nay. Nga
báo cáo rằng họ đã di chuyển tất cả các đầu đạn khỏi địa điểm này, nhưng không
rõ điều đó được thực hiện trước hay sau khi giao tranh bắt đầu. Di chuyển đầu đạn
hạt nhân trong một cuộc chiến tranh thông thường là hành vi cực kỳ nguy hiểm và
sẽ chứng minh rằng Nga không còn là một cường quốc hạt nhân có lương tâm. Các đầu
đạn có thể đã bị tấn công vô tình bởi drone hoặc tên lửa — hoặc bị tấn công hoặc
đánh cắp có chủ ý.
Địa
điểm lưu trữ chính ở Voronezh, mặc dù ở xa hơn về phía đông, nhưng vẫn cách
biên giới Ukraine chưa đến 190 dặm. Đã có nhiều cuộc tấn công bằng drone cách
đó chưa đến 100 dặm.
Nga
cũng đã vi phạm một nguyên lý quan trọng về an ninh hạt nhân bằng cách tiến
hành các cuộc tấn công chống lại Ukraine từ các căn cứ quân sự vốn đang lưu trữ
đầu đạn hạt nhân, do đó biến các căn cứ đó thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc
phản công. Ví dụ, kể từ tháng 3 năm 2022, Nga đã sử dụng căn cứ không quân
Engels-2 cách Moscow 500 dặm về phía đông nam để tiến hành các cuộc tấn công bằng
tên lửa Kinzhal vào Ukraine. Tên lửa Kinzhal có khả năng kép, nghĩa là chúng có
thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể có hàng chục đầu đạn hạt nhân được lưu trữ
cách sân bay chính của căn cứ Engels-2 chưa đến bốn dặm. Ukraine bị cáo buộc đã
nhiều lần tấn công căn cứ không quân này bằng drone, bao gồm lần gần đây nhất
là vào giữa tháng 9. Nga được cho là đã lưu trữ hàng chục đầu đạn hạt nhân cho
máy bay tầm ngắn tại căn cứ không quân Yeysk, một cơ sở nằm ngay bên kia Biển
Azov từ Mariupol. Hàng chục đầu đạn khác có thể được lưu trữ tại Morozovsk, một
căn cứ máy bay khác cách Luhansk chưa đến 100 dặm, nơi lực lượng Nga đang chiến
đấu với quân đội Ukraine để cố gắng chiếm lại vùng lãnh thổ đã mất. Chiến tranh
càng kéo dài, nguy cơ một hoặc nhiều địa điểm này bị mắc kẹt trong giao tranh
càng cao — một kết quả có thể gây ra hậu quả tàn khốc.
Bom
nổ chậm
Một
cuộc tấn công vào địa điểm lưu trữ sẽ không tự nó khiến đầu đạn phát nổ trong một
vụ nổ hạt nhân. Nhưng nếu một đầu đạn không nằm trong boongke vì nó đang được
di chuyển để bảo trì trong địa điểm lưu trữ hoặc tại một điểm trung chuyển đường
sắt, và nó bị trúng một drone hoặc tên lửa vũ trang, điều đó có thể gây ra một
vụ nổ lớn giải phóng vật liệu phân hạch và khiến một khu vực bán kính vài dặm
không thể ở được trong nhiều năm. Các nhà quan sát quốc tế thậm chí không thể
đánh giá được mức độ thảm khốc của một cuộc tấn công như vậy, bởi vì các báo
cáo của Nga về các sự cố hạt nhân trong lịch sử thường không đáng tin cậy. Và
ngay cả khi một cuộc tấn công không trực tiếp nhắm đầu đạn, nó có thể làm hỏng
hệ thống an ninh hạt nhân hoặc giết chết lính canh, do đó khiến đầu đạn dễ bị
đánh cắp.
Các
đầu đạn hạt nhân đặc biệt không an toàn khi chúng được đặt tại các điểm trung
chuyển đường sắt của Nga. Mặc dù không rõ liệu Nga hiện có đang di chuyển đầu đạn
qua bất kỳ địa điểm nào trong số này hay không, nhưng nếu họ đang làm như vậy,
thì một drone của Ukraine hoặc mảnh vỡ từ máy bay ném bom, hệ thống phòng không
của Nga hoặc tên lửa tấn công có thể dễ dàng bắn trúng nhưng đầu đạn đó. Do Nga
có hàng nghìn đầu đạn trong kho, nên hầu như luôn có một số ít đầu đạn đang được
di chuyển để bảo trì. Ukraine, Mỹ, NATO và các vệ tinh nguồn mở có thể không thể
phân biệt được liệu Nga có đang vận chuyển đầu đạn để bảo trì hay vì lý do an
ninh – hoặc đến một căn cứ quân sự mà từ đó chúng có thể được phóng. Hãy tưởng
tượng nếu Mỹ hoặc Ukraine phát hiện một hoạt động di chuyển đầu đạn bí mật và
giải thích đó là một phần của hoạt động cố ý chống lại Ukraine hoặc một quốc
gia NATO: họ sẽ phải cân nhắc tấn công phủ đầu vào chuyến tàu mang đầu đạn đó.
Ngoài
những rủi ro trước mắt, việc lưu trữ đầu đạn hạt nhân trong vùng chiến sự làm
tăng khả năng tiến hành các hoạt động leo thang của Điện Kremlin. Học thuyết hạt
nhân của Nga cho rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ yếu tố nào trong lực lượng
răn đe của họ đều có thể tạo ra lý do cho việc đáp trả hạt nhân. Không rõ liệu
một cuộc tấn công tình cờ vào địa điểm lưu trữ đầu đạn hạt nhân có vượt qua lằn
ranh đỏ của Nga hay không, nhưng gần đây Putin đã tìm cách thu hút sự chú ý đến
học thuyết leo thang của mình. Trên thực tế, việc các đầu đạn hạt nhân của họ ở
quá gần Ukraine có thể khiến Nga thực hiện một chiến dịch giả mạo nhắm vào các
địa điểm lưu trữ của chính mình để biện minh cho một cuộc tấn công hạt nhân.
Nhưng
có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay do các địa điểm lưu trữ vũ khí hạt nhân của
Nga gây ra là mối nguy hiểm đã được hình dung ban đầu sau khi Chiến tranh Lạnh
kết thúc: đó là nguy cơ đầu đạn có thể bị một nhóm chiến binh nhỏ, bất hảo chiếm
đoạt. Nga vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa nội bộ bao gồm khủng bố, ly khai
và hàng nghìn cựu chiến binh Wagner hiện đang phân tán khắp nước Nga và
Belarus. Các hành động của họ ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm đáng kể mối nguy
hiểm do những mối đe dọa lâu dài này gây ra.
Vào
ngày 6 tháng 8, quân đội Ukraine đã tiến vào lãnh thổ Nga và chiếm được một dải
đất thuộc vùng Kursk — một khu vực nằm giữa hai địa điểm lưu trữ lớn của Nga (ở
Bryansk và Voronezh) vốn chứa hàng trăm đầu đạn. Mối lo ngại không phải là quân
đội Ukraine sẽ làm điều gì đó nguy hiểm với vũ khí hạt nhân được lưu trữ hời hợt.
Nhưng nếu quân đội Ukraine tấn công hoặc đánh đuổi lực lượng an ninh Nga ra khỏi
các địa điểm lưu trữ, các đối tượng bất hảo có thể xâm nhập vào các địa điểm đó
và chiếm đoạt các đầu đạn. Ví dụ, các cựu thành viên của công ty quân sự tư
nhân Wagner có thể muốn sử dụng các đầu đạn như vậy để chống lại Ukraine, hoặc
những người Nga chiến đấu thay mặt Ukraine có thể muốn tấn công một thành phố của
Nga. Một đối tượng người Nga đơn độc có thể tiến hành một hoạt động như vậy cho
dù có hoặc không có chỉ đạo từ chính quyền Nga. Và với việc quân đội đang bận rộn
ở Ukraine, Nga có thể không có lực lượng quân sự sẵn sàng để đối phó với một cuộc
tấn công vào địa điểm lưu trữ hoặc các đoạn hộ tống chở đầu đạn.
Khôi
phục lòng tin
Để
thực sự bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của mình, Nga sẽ cần phải chấm dứt cuộc tấn
công chống lại Ukraine và cuộc xung đột xuyên biên giới ngày càng phức tạp mà
cuộc xâm lược của họ đã tạo ra. Nhưng với việc chiến tranh không có dấu hiệu kết
thúc ngay lập tức, một số hành động có thể phải được thực hiện một cách khẩn cấp.
Trong thời gian tới, các đầu đạn hạt nhân của Nga phải được di dời khỏi bất kỳ
căn cứ nào gần khu vực tác chiến và các căn cứ mà từ đó Nga đang tiến hành các
cuộc tấn công thông thường. Cho đến nay, Nga đã không di chuyển các đầu đạn của
họ ra khỏi vùng nguy hiểm. Nga tin rằng lợi thế của họ về vũ khí hạt nhân phi
chiến lược sẽ giúp ngăn chặn sự leo thang của Ukraine và phương Tây chống lại
Nga. Nhưng trên thực tế, nếu Nga muốn duy trì lợi thế đó, họ phải chấm dứt chiến
tranh hoặc di dời các đầu đạn đến những nơi an toàn hơn. Răn đe hạt nhân không
phụ thuộc vào việc đầu đạn được đặt trên tiền tuyến của một quốc gia. Trên thực
tế, một quốc gia duy trì khả năng răn đe tốt nhất nếu họ cất giữ vũ khí hạt
nhân của mình ở nơi an toàn.
Nga
phải tạo điều kiện thuận lợi ngay lập tức cho việc di chuyển an toàn tất cả các
đầu đạn của họ nằm trong phạm vi 500 dặm tính từ biên giới Ukraine đến các địa
điểm lưu trữ ở phía đông dãy Ural. Trung Quốc, quốc gia đã trở thành đối tác
quan trọng của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đang ở vị thế tốt nhất để gây
sức ép với Nga về điểm này. Họ có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nga bảo vệ các
đầu đạn của họ trong các cuộc thảo luận song phương hoặc trong diễn đàn P5. Cuối
cùng, Trung Quốc không thể coi Nga là một cường quốc hạt nhân hoặc đối tác đáng
tin cậy nếu Nga không thể bảo vệ các đầu đạn hạt nhân của mình tránh xa khỏi
các hoạt động quân sự.
Các
quốc gia khác là thành viên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng
như các thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng có thể gây sức ép với
Nga. Nếu Nga không đồng ý di chuyển các đầu đạn của họ sau khi mối quan ngại
này được P5 và Liên hợp quốc nêu ra, thì các hình phạt nghiêm khắc như việc loại
bỏ tạm thời hoặc vĩnh viễn quốc gia này khỏi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là
điều cần thiết. Là một bên ký kết NPT, Trung Quốc thậm chí có thể ủng hộ một
hành động như vậy: Trên thực tế, Bắc Kinh không thể để xảy ra bất kỳ sự cố hạt
nhân nào liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine, bởi vì điều đó sẽ thu hút nhiều sự
giám sát hơn tới quá trình xây dựng năng lực hạt nhân của chính Trung Quốc. Thế
giới phải thuyết phục Nga rằng họ đang gây nguy hiểm nghiêm trọng đến danh tiếng
của mình như một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm: việc quản lý kho vũ khí hạt
nhân của Nga trong hai năm rưỡi qua rõ ràng vi phạm các trách nhiệm cơ bản của
một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
--------------------
WILLIAM
M. MOON
là cán bộ đã nghỉ hưu tại Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng tại Bộ Quốc
phòng Mỹ. Từ năm 1995 đến năm 2013, ông là Giám đốc Chương trình An ninh Hạt
nhân Nga thuộc Chương trình Hợp tác Giảm thiểu Đe dọa tại Cơ quan Giảm thiểu Đe
dọa Quốc phòng.
Nguồn: William M. Moon, “How
the War in Ukraine Could Go Nuclear—by Accident”, Foreign Affairs,
05/11/2024
No comments:
Post a Comment