Saturday, 8 June 2024

SỰ TRỖI DẬY CỦA CỰC HỮU : THÁCH THỨC LỚN TRONG KỲ BẦU CỬ NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU (Thu Hằng / RFI)

 



Sự trỗi dậy của cực hữu : Thách thức lớn trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 07/06/2024 - 14:28

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240607-s%E1%BB%B1-tr%E1%BB%97i-d%E1%BA%ADy-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%B1c-h%E1%BB%AFu-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-l%E1%BB%9Bn-trong-k%E1%BB%B3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-ngh%E1%BB%8B-vi%E1%BB%87n-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Từ ngày 06 đến 09/06/2024, hơn 370 triệu cử tri tại Liên Hiệp Châu Âu đi bầu Nghị Viện Châu Âu, định chế liên quan trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân. Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu, dân túy có thể gây khó khăn trong việc hình thành đa số, lập bộ máy lãnh đạo mới và có thể sẽ làm thay đổi sự cân bằng trong những chính sách hiện nay.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1f4b75bc-24c6-11ef-8334-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2024-06-02T143150Z_1845484119_RC2238A8T7EA_RTRMADP_3_EU-ELECTION-FRANCE-FARRIGHT.webp

Marine Le Pen (T) và Jordan Bardella, hai đại diện của đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc RN, ngày 02/06/2024 tại Paris. REUTERS - Christian Hartmann

 

Nghị Viện Châu Âu là nhà đồng lập pháp, có trọng lượng trong mọi văn kiện của Liên Hiệp Châu Âu. Các ủy viên trong Ủy Ban Châu Âu được nguyên thủ hoặc thủ tướng các nước thành viên chỉ định nhưng cần phải được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn (dự kiến vào giữa tháng 07). Tuy nhiên, theo phân tích của nhật báo La Croix ngày 07/06, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng nếu nhìn vào bối cảnh chính trị hiện nay.

 

Lý do chính là các đảng cực hữu chiếm ưu thế tại nhiều nước trong Liên Âu nhờ « đánh » vào các chủ đề gây bức xúc như người nhập cư, cảm giác bị mất an toàn và đời sống đắt đỏ. Sébastien Maillard, nhà tư vấn đặc biệt tại Viện Jacques-Delors, nhận định : « Nghị Viện Châu Âu sắp tới có thể bị chia lẻ hơn, với một đa số yếu thế hơn ». Nếu như liên minh cánh hữu Đảng Nhân Dân Châu Âu (EPP) vẫn là lực lượng chủ lực tại Nghị Viện, với khoảng 25% số ghế như hiện nay thì một số đảng khác, đặc biệt là các đảng cánh tả, đảng Xanh, đã để mất ghế vào tay các đảng cực hữu.

 

Không chỉ đảng Tập Hợp Dân Tộc tại Pháp, mà các đảng cực hữu ở Ý, Hà Lan, được cho là sẽ thu được từ 18 đến 21% số phiếu. Với tỷ lệ này, các dân biểu cực hữu có thể giữ nhiều vị trí quan trọng như các chức phó chủ tịch Nghị Viện, chủ tịch các ủy ban… Cho đến nay, những vị trí được gọi là « top jobs » vẫn được phân bổ cho ba liên minh đứng đầu Nghị Viện, hiện tại là EPP, S&D (liên minh Tiến Bộ Xã Hội và Dân Chủ) và Renew. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu liên minh cực hữu chiếm vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử lần này ?

 

Tuy nhiên, theo La Croix, viễn cảnh trên vẫn bất định vì phe cực hữu bị chia rẽ. Giữa nhóm ECR (Bảo Thủ và Cải Cách Châu Âu) có các nghị sĩ Ý của đảng Fratelli d’Italia của thủ tướng Giorgia Meloni và nhóm ID (Bản Sắc và Dân Chủ) có nghị sĩ của đảng Tập Hợp Dân Tộc của Pháp tồn đọng nhiều bất đồng sâu sắc. Ví dụ về vấn đề nhập cư, đảng Fratelli d’Italia bỏ phiếu thông qua Hiệp ước Di cư và Tị nạn châu Âu (ngày 10/04/2024), trong khi đảng cực hữu Pháp phản đối. Về hồ sơ chiến tranh Ukraina, đảng Tập Hợp Dân Tộc muốn dỡ bỏ cấm vận đối với Nga, trong khi đảng của thủ tướng Ý ủng hộ hỗ trợ cho Ukraina.

 

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni muốn hình thành một liên minh bảo thủ để phá vỡ đa số cố hữu ở Nghị Viện và tạo một thế cân bằng mới ở châu Âu. Bà đã thu hút được một số nghị sĩ cực hữu Phần Lan, đồng thời sẵn sàng bắt tay với các nghị sĩ đảng Fidesz của thủ tướng Hungary Viktor Orban (hiện không theo phe, nhóm nào) hoặc với các đảng PiS của Ba Lan, Vox của Tây Ban Nha hoặc Reconquête ! của Pháp.

 

Cố vấn đặc biệt Sébastien Maillard của Viện Jacques-Delors lưu ý « nhóm ECR không phản đối Liên Hiệp Châu Âu, nhưng họ muốn quá trình hội nhập không đi xa hơn ». Nhóm ECR có thể trở thành một lực lượng hỗ trợ cho liên minh đa số sắp tới và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm, Ursula von der Leyen, đang tìm cơ hội giữ nhiệm kỳ thứ hai, hiểu rõ điều này. Bà đã liên tục gặp gỡ thủ tướng Ý từ nhiều tháng qua để bày tỏ thiện chí « sẵn sàng làm việc » với các nghị sĩ của nhóm ECR với ba điều kiện : « ủng hộ châu Âu, ủng hộ Ukraina và tôn trọng Nhà nước pháp quyền ».

 

Nước Pháp cũng không tránh được xu hướng lớn mạnh của các đảng cực hữu. Bất kỳ phát biểu, chủ trương nào được tổng thống Emmanuel Macron nêu lên đều bị phe này đả kích và kịch liệt bác bỏ ngay lập tức. Kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu được đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) kêu gọi biến thành cuộc trưng cầu dân ý « ủng hộ » hay « chống » Macron.

 

Trong khi đảng cầm quyền có nguy cơ trượt dốc trong ngày bầu cử 09/06, với khoảng 15-16%, đứng sau đảng RN (khoảng 30% phiếu bầu theo thẩm định của các viện thăm dò), chủ nhân điện Elysée kêu gọi cản đường tiến của cực hữu để bảo vệ một châu Âu hùng mạnh. Thay vì mang di dân, bất ổn… ra dọa như các đảng cực hữu, tổng thống Pháp cảnh báo trong trường hợp phe cực hữu, tuy chỉ là thiểu số, nhưng có khả năng gây bế tắc ở Nghị Viện, thì « sẽ không có một châu Âu có vacxin »« không còn những văn kiện bảo vệ chúng ta ». Ông cho rằng « chưa bao giờ châu Âu lại bị đe dọa như vậy ».

 

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

BẦU CỬ NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU

Hà Lan mở đầu 4 ngày bầu cử Nghị Viện châu Âu 2024

 

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu: Phe cực hữu đang chiếm ưu thế tại Pháp

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats