Sư áo vá Minh Tuệ,
nhà trị liệu xã hội
Thanh Nguyễn
03/06/2024
https://baotiengdan.com/2024/06/03/su-ao-va-minh-tue-nha-tri-lieu-xa-hoi/
Trong bối cảnh các giá trị đạo đức ở Việt Nam bị chao đảo, niềm
tin của con người bị lung lay, sự xuất hiện của sư Minh Tuệ đã và đang tạo ra một
hiệu ứng xã hội vô cùng lớn đối với niềm tin tôn giáo đang bị mai một và là niềm
cảm hứng đối với nhiều tầng lớp dân chúng đang mất phương hướng.
Hàng triệu người dân Việt không phân biệt tôn giáo, vùng miền,
giai cấp, tín ngưỡng… đã và đang theo dõi từng bước chân của sư Minh Tuệ trên
các mạng xã hội, một sự kiện chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Những nơi sư đi qua
trên mọi miền đất nước, hàng vạn người đi theo để chiêm ngưỡng và tỏ lòng cung
kính. Nhiều sư hay người thường đã phát nguyện gia nhập tăng đoàn không chính
thức này. Các ông bà già tuổi cao sức yếu và cả những người bệnh nặng cũng mong
được diện kiến sư bằng mắt một lần trong đời, vì đây là cơ hội ngàn năm có một.
Những nhân sĩ trí thức cũng đã có những cảm nghĩ đặc biệt về
vị sư chân trần này. Nhà toán học nổi tiếng thế giới, , GS Ngô Bảo Châu nói, bản thân ông yêu mến
và kính trọng sư và rằng: “Đám đông đi theo thầy có lẽ không đơn thuần vì bị
kích động bởi mạng xã hội, mà có lẽ, cũng như mình, tin rằng đây là bậc chân
sư”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ
tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã viết trên Facebook:
“Người ta ca ngợi ngài. Ngài vẫn đi.
Người ta chửi rủa ngài. Ngài vẫn đi.
Người ta rải hoa. Ngài vẫn đi.
Người ta rắc gai. Ngài vẫn đi”.
Còn mọi người vẫn tiếp tục sống như đời sống trên thế gian
này hàng ngàn năm nay: Ăn, ngủ, chửi nhau, tranh giành nhau, giết chóc, phản bội,
lừa đảo…
Nhà thơ Đỗ Trung Quân theo dõi từng bước chân của sư Minh Tuệ,
tán thưởng và bênh vực ngài khi Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra văn bản cảnh báo
quần chúng, rằng ngài Minh Tuệ không phải là nhà sư đúng nghĩa. Nhà thơ phản biện:
“Chả lẽ khi xưa Giáo hội Ấn Độ có xét giấy đi tu của tỳ kheo Tất Đạt Đa? Cũng
đi lang thang Không nhà – không chùa. Toàn ngồi gốc Bồ đề, ai cho gì ăn nấy”.
Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, nơi nổi tiếng do nghèo và chiến
tranh, đã đích thân đến để ủy lạo ngài khi chân trần của sư bước trên mảnh đất
lịch sử nhuốm máu này.
Trong một bài giảng cho con chiên của mình, linh mục Phạm
Quang Hồng từ Úc châu nói về cái phần thưởng tâm linh mà sư Minh Tuệ có được,
cái mà không mua được bằng tiền, là nhờ công đức vô lượng.
Linh Mục Giuse Phạm Quốc Văn đặt câu hỏi, điều gì đã làm cho
sư Minh Tuệ cuốn hút và được kính trọng như vậy. Rồi ông trả lời cho giáo dân của
mình rằng đó là do sự khao khát tâm linh. Người ta đã tìm thấy ở ông những gì
mà họ đang khao khát. Ông đã buông bỏ tất cả để được tất cả.
Một nhà tâm lý trị liệu một lúc chỉ có thể giúp cho một cá
nhân, một gia đình hay một nhóm nhỏ. Đằng này, không cần nói gì nhiều, sư áo vá
đã và đang chữa lành cho hành triệu tâm hồn rách nát. Đó là sự nhiệm màu mang
tên đức tin.
Nhà trị liệu giúp thay đổi suy nghĩ của con bệnh, giúp cho họ
suy nghĩ tích cực hơn. Sư Minh Tuệ, bằng hành động của một bậc chân tu đã giúp
cho nhiều người hiểu thế nào là chánh pháp. Cách sư đối diện với khổ đau và vượt
qua đau khổ, đã truyền thông điệp tích cực cho nhiều người.
Tấm gương quyết tâm giữ giới và vượt qua nghịch cảnh của sư
Minh Tuệ đã truyền cảm hứng cho bao người noi theo. Khi suy nghĩ và hành vi thay đổi theo chiều
hướng tích cực, là khi những tổn thương được chữa lành.
Rất nhiều người chồng, người vợ, người con được truyền cảm hứng
để trở nên dễ thương hơn, biết điều hơn. Những người dễ nản chí nay có thêm nghị
lực, nhờ họ quán chiếu những khó khăn thử thách của họ không là gì so với những
chướng ngại mà sư Minh Tuệ đã vượt qua.
Nhiều người đi theo sư Minh Tuệ đã nói, nhờ thực hành mà biết
trân quý từng giọt nước, từng củ khoai, hay cái bóng cây. Con người vì cuộc sống
tất bật mà trở nên thờ ơ, coi thường mọi thứ quý giá. Không rao giảng gì nhưng
bằng hành động, sư đã làm chúng ta yêu quý và trân trọng những gì chúng ta đang
có trong cuộc sống này.
Diễn viên Tina Tình, một người tu tại gia, chia sẻ trên kênh
YouTube của mình rằng, sư là minh chứng bằng xương bằng thịt cho việc tu tập giải
thoát. Hành động của nhà sư nhỏ bé nhưng mang đến một cảm xúc chưa từng có và một
niềm tin mãnh liệt vì lâu nay người ta chỉ dạy công thức làm cái bánh nhưng sư
Minh Tuệ là người đầu tiên làm một chiếc bánh hoàn chỉnh để người đời học theo,
hình dung được nó như thế nào. Thật là vi diệu!
Để trả lời cho câu hỏi, sư đã làm được gì mà mọi người làm um
lên thế, tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nhà sáng lập của Thinking School đã có một phần
trình bày rất thuyết phục trên kênh YouTube của mình. Ông cho rằng đóng góp của
ngài Minh Tuệ là vô cùng lớn. Ngài là một ví dụ thực chứng mạnh mẽ và truyền cảm
hứng về con đường tu học theo lời Phật dạy. Ngài là một bài pháp sống động, cho
thấy càng buông bỏ thì càng tự do. Buông bỏ tận cùng thì Niết bàn hiện ra.
No comments:
Post a Comment