Wednesday, 26 June 2024

PROJECT 88 : BỘ NGOẠI GIAO MỸ NÂNG HẠNG VIỆT NAM TRONG BÁO CÁO BUÔN NGƯỜI LÀ "VÔ LƯƠNG TÂM" (RFA)

 



Dự án 88: BNG Mỹ nâng hạng Việt Nam trong Báo cáo buôn người là "vô lương tâm"!

RFA
2024.06.26

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/project-88-criticizes-us-upgrading-vietnam-in-annual-human-trafficking-report-06262024073920.html

 

Báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố đã vấp phải chỉ trích của tổ chức Dự án 88 (Project 88), cho rằng Mỹ đã nâng hạng cho Việt Nam với mục đích chính trị và đề nghị minh bạch các tài liệu liên quan đến quyết định này.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/project-88-criticizes-us-upgrading-vietnam-in-annual-human-trafficking-report-06262024073920.html/@@images/0c6b81e3-77e3-4ae5-b4a0-56b44ec3fe72.jpeg

Những người phụ nữ Việt lao động tại Ả Rập Xê Út kêu cứu   (BPSOS/CAMSA International)

 

Hôm 26/6, tổ chức chuyên tập trung vào tình trạng nhân quyền ở Việt Nam gửi thông cáo báo chí cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu 2024, trong đó Việt Nam được nâng lên Cấp 2 (Tier 2) từ Danh sách theo dõi Nhóm 2 (Tier 2 Watch list) trong báo cáo phát hành năm 2023.

 

“Cấp 2” bao gồm các quốc gia chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về xóa bỏ nạn buôn người nhưng “đang nỗ lực đáng kể để tuân thủ.”

 

Trong khi đó, “Danh sách theo dõi Nhóm 2” đề cập đến các quốc gia nơi số lượng nạn nhân ngày càng gia tăng với ít nỗ lực chống lại nạn buôn người. 

 

Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ bày tỏ: 

 

Bộ Ngoại giao nên công bố tất cả các tài liệu nội bộ liên quan đến quyết định nâng hạng của Việt Nam trong báo cáo về Buôn người (TIP) năm 2024 để hỗ trợ cho tuyên bố của mình rằng quyết định này không mang tính chính trị.”

 

 

Quyết định nâng hạng mang tính chính trị

 

Trong phúc trình năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực tổng thể ngày càng tăng so với kỳ báo cáo trước trong phòng chống nạn buôn người, tuy nhiên, Dự án 88 nói rằng trước đó đã cung cấp bằng chứng với thông tin hoàn toàn trái ngược với đánh giá này.

 

Sau khi cung cấp thông tin về thực tế nạn buôn người ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ, Dự án 88 đã công bố báo cáo với tựa đề “Có phải Bộ Ngoại giao giúp Việt Nam trong vấn đề buôn người?” trong đó tổ chức này đã phân tích tài liệu nội bộ của Chính phủ Việt Nam và chỉ ra rằng Hà Nội đã không trừng phạt các quan chức chính phủ liên quan đến nạn buôn người, chính trị hoá việc phòng chống vấn nạn này bằng cách sử dụng đòn bẩy ngoại giao với Hoa Kỳ để nâng cấp thứ hạng TIP của mình, và lừa dối Hoa Kỳ về nỗ lực giải quyết nạn buôn người của mình.

 

Trong buổi họp báo công bố báo cáo về nạn buôn người toàn cầu, khi bị chất vấn bởi Dự án 88 về việc nâng hạng cho Việt Nam, bà Cindy Dyer- Đại sứ lưu động Hoa Kỳ phụ trách Giám sát và Chống buôn bán người giải trình rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường xác định và hỗ trợ nạn nhân buôn người, cũng như tăng cường điều tra, truy tố và kết án những kẻ tình nghi buôn người.

 

Michael Altman-Lupu, nhà nghiên cứu Nhân quyền của Dự án 88, được trích dẫn cho biết:

“Chính phủ Việt Nam đã cố tình đánh lừa Bộ Ngoại giao về quy mô và bản chất của nạn buôn người trong nước cũng như những nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ vấn đề này.

Những lời biện minh mà Bộ Ngoại giao đưa ra để nâng cấp trạng thái TIP của Việt Nam thật buồn cười. Với những bằng chứng do Dự án 88 đưa ra, lời giải thích khả thi duy nhất cho công việc nâng cấp là Bộ Ngoại giao đã chính trị hóa báo cáo TIP để mang lại lợi ích cho Việt Nam.

 

Dự án 88 nói theo tài liệu mà tổ chức này nhận được nhưng RFA không thể kiểm chứng độc lập, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức (Chánh văn phòng Bộ Công an- PV) tuyên bố rằng phía Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã làm việc với Bộ Công an để bao che cho các quan chức này.

 

Vì điều này sẽ phản ánh không tốt về Việt Nam nên ông này khuyến nghị chính phủ “không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào (về vụ việc) để tránh phức tạp.”

 

Tổ chức này cho biết đã trình bày những phát hiện của mình với các quan chức Bộ Ngoại giao, các quan chức đại sứ quán và các thành viên của Văn phòng Giám sát và Chống Buôn bán Người trong Bộ Ngoại giao Mỹ, tuy nhiên, không một quan chức nào chỉ ra những gì, nếu có, đã được thực hiện để điều tra các cáo buộc.

 

Dự án 88 nhận định, dường như tính trung thực của báo cáo TIP đã bị hy sinh như một phần của chiến lược địa chính trị nhằm lôi kéo Việt Nam vào liên minh chống Trung Quốc, báo cáo này chỉ đơn thuần dựa vào các tiêu chí khách quan nhưng đã bị chính trị hóa.

 

"Theo Chính phủ Việt Nam, ‘việc nâng hạng Việt Nam và quyết định trước đó không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Việt Nam khi xếp vào Cấp 3 trong Báo cáo TIP 2022 cho thấy Mỹ coi trọng sự hợp tác tổng thể với Việt Nam’.  

Việc các quan chức Mỹ miễn cưỡng xác minh những tuyên bố trong các tài liệu mà Dự án 88 thu được cho thấy rằng các quan chức Mỹ có thể đồng lõa trong nỗ lực chính trị hóa báo cáo của Việt Nam," thông cáo báo chí của Dự án 88 khẳng định.

 

 

Không cho xã hội dân sự trợ giúp nạn nhân buôn người

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng biện minh cho việc nâng hạng của Việt Nam là Hà Nội đã làm được nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân buôn người. Tuy nhiên, Dự án 88 dựa theo tài liệu mà tổ chức này nhận được cho rằng Thiếu tướng Đặng Hồng Đức đã đề nghị Chính phủ không cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài trực tiếp thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân buôn người ở Việt Nam.

 

Có vẻ như Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các bước để hạn chế các dịch vụ trợ giúp cho nạn nhân buôn người và khả năng các tổ chức quốc tế tiếp cận những nạn nhân này, thay vì mở mọi con đường để bảo đảm nạn nhân nhận được hỗ trợ đầy đủ,” Dự án 88 nói.

 

Theo tổ chức này thì khuyến nghị của ông Đức nhất quán với các chính sách và thực tiễn gần đây của nhà nước đã hạn chế khả năng của các nhóm xã hội dân sự trong việc nhận viện trợ và hoạt động từ nước ngoài.

 

Trong Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị tháng 7 năm ngoái, ban lãnh đạo Việt Nam bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của nước ngoài và các cuộc cách mạng màu, đồng thời ra lệnh cho lực lượng an ninh trấn áp xã hội dân sự và hạn chế hợp tác quốc tế.

 

Phóng viên gửi email cho Quỹ trẻ em Blue Dragon, một tổ chức phi chính phủ chuyên về từ thiện giúp đỡ trẻ em đường phố và giải cứu nạn nhân khỏi nạn nô lệ và nạn buôn người ở Việt Nam, để hỏi về phúc trình của Mỹ, tuy nhiên tổ chức này từ chối bình luận.

 

Câu hỏi cũng được gửi cho Bộ Ngoại giao của cả Hoa Kỳ và Việt Nam về những vấn đề được Dự án 88 nêu ra trong thông cáo báo chí, tuy nhiên chưa lập tức nhận được phản hồi.

 

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats