Sunday, 2 June 2024

HUY ĐỨC (Huỳnh Văn Hoa / Báo Tiếng Dân)

 



Huy Đức

Huỳnh Văn Hoa  |  Báo Tiếng Dân

02/06/2024

https://baotiengdan.com/2024/06/02/huy-duc/

 

LGT từ Tiếng Dân: Vài chi tiết trong bài sau đây của tác giả Huỳnh Văn Hoa về nhà báo Huy Đức không chính xác, chẳng hạn như chỗ này: “Về lại Việt Nam, Huy Đức đầu quân cho báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT)… Kết cục, nhà cầm quyền đã buộc đóng cửa báo SGTT một cách oan ức“.

 

Có lẽ tác giả Huỳnh Văn Hoa nhớ lầm, vì nhà báo Huy Đức bị báo Sài Gòn Tiếp Thị sa thải hồi tháng 8-2009, sau khi viết các bài “Chị Hai Thủ tướng”, “Bức tường Berlin”, “Biên giới tháng Hai”… Sau khi rời khỏi SGTT, gần ba năm sau, tháng 5-2012, nhà báo Huy Đức đi Mỹ du học bằng chương trình học bổng của trường Harvard. Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, ông cho xuất bản hai tập sách “Bên Thắng Cuộc”. Trong khi đó, báo SGTT đến năm 2014 mới bị đình bản.

 

Nói thêm, Tổng biên tập báo SGTT lúc đó là ông Tâm Chánh, đã bị ép phải sa thải nhà báo Huy Đức. Đây là bức điện ngày 28-10-2009 của Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn, nói tới vụ nhà báo Tâm Chánh bị Ban Tuyên giáo Thành ủy mời làm việc. Họ đưa ra 100 bài báo mà họ cho là “có vấn đề”, trong đó có 57 bài của nhà báo Huy Đức. Và họ đã buộc nhà báo Tâm Chánh phải sa thải nhà báo Huy Đức, là người bạn và là đồng nghiệp của mình.

 

Sau đây là bài viết của ông Huỳnh Văn Hoa:

 

                                                       ***

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/06/HD.jpeg

Nhà báo Huy Đức, (thứ tư, từ phải) trong buổi Tọa đàm “Cải cách thể chế và các vấn đề chính sách nổi bật giai đoạn 2016-2020” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông IPS tổ chức chiều 27-12-2020 tại 174 Thái Hà, Hà Nội. Nguồn: FB Trịnh Dũng

 

Tin Osin Huy Đức, tức nhà báo Trương Huy San, bị bắt làm tôi bị sốc và buồn, dù đã biết sớm muộn gì cũng có lúc như vậy.

 

Tôi chơi với Huy Đức đã vài mươi năm, từ lúc anh ấy thành đồng đội của tôi trong nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG). Trước đó Huy Đức là phóng viên khá nổi tiếng mảng nội chính của báo Tuổi Trẻ, rồi có thời gian ngắn làm cho báo Nông Thôn Ngày Nay.

 

Ở TBKTSG, Huy Đức là cây bút chính luận nổi bật nhất. Anh đảm đương việc theo dõi, tường thuật các kỳ họp Quốc hội, các chính sách quan trọng về Kinh tế – Xã hội và phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao. Những bài tường thuật của anh không chỉ miêu tả sự kiện mà luôn kèm theo những ý kiến phân tích, bình luận rất sắc sảo.

 

Trong thời gian làm TBKTSG, Huy Đức cũng đồng thời thu thập tài liệu về những biến cố và nhân vật lịch sử sau năm 1975 ở miền Nam, phỏng vấn rất nhiều quan chức cao cấp đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu, mà anh nói là để chuẩn bị viết hồi ký giúp ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Những tài liệu này là nòng cốt để sau này anh viết ra bộ sách quan trọng “Bên Thắng Cuộc”, gồm hai tập, do Người Việt xuất bản ở California.

 

Tôi cho rằng, đến thời điểm hiện nay, chưa có bộ sách nào về tình hình miền Nam sau năm 1975 có đầy đủ thông tin dữ kiện như sách của Huy Đức, dù cái nhìn của tác giả vẫn dựa trên quan điểm của “bên thắng cuộc” mà không phải ai cũng chấp nhận. Với một nhà báo chuyên nghiệp, viết ra một bộ sách như vậy là đủ để làm nên “sự nghiệp để đời” rồi.

 

Huy Đức làm việc rất chăm chỉ và khi xử lý đề tài anh luôn có những phát hiện mới, thú vị mà các phóng viên thường ít để ý. Anh cũng chịu khó học hỏi đến mức từ một người tiếng Anh “một chữ bẻ đôi không biết” chỉ vài năm đã có đủ khả năng ngoại ngữ để du học bên Mỹ theo chương trình học bổng Humphrey.

 

Ngoài đời, Huy Đức thường chơi với một nhóm sĩ quan an ninh cao cấp gốc Nghệ – Tĩnh ở Sài Gòn; họ thường gặp nhau ăn sáng vài tuần một lần tại một nhà hàng trên đường Sương Nguyệt Anh, quận Nhất. Có thể từ nhóm bạn đồng hương này mà Huy Đức khai thác được nhiều thông tin thuộc loại quý hiếm mà các báo khác không có được.

 

Khi Huy Đức hoàn tất khoá học bên Mỹ và trở về nước sau khi đã xuất bản bộ sách gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, nhiều người đoán rằng chắc chắn anh sẽ bị bắt, song điều đó đã không xảy ra, tôi nghĩ có phần “bảo kê” của nhóm đồng hương Nghệ Tĩnh, thậm chí ở cấp cao hơn.

 

Về lại Việt Nam, Huy Đức đầu quân cho báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), lúc ấy vừa tách ra khỏi nhóm TBKTSG, theo chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của tổng biên tập Tâm Chánh. Nhiều bài của Huy Đức trên SGTT về cuộc chiến tranh biên giới 1979, về nội tình chính trị ở Campuchia, đặc biệt là về tình trạng tham nhũng của gia đình “Ba X” được đông đảo bạn đọc tán thưởng, nhưng cũng làm cho nhà cầm quyền hết sức khó chịu. Kết cục, nhà cầm quyền đã buộc đóng cửa báo SGTT một cách oan ức.

 

Ngoài viết báo, Huy Đức thời gian này còn khởi xướng một chương trình xã hội có ý nghĩa có tên “Nhịp Cầu Hoàng Sa”, vận động tài trợ để xây nhà và hỗ trợ cuộc sống cho thân nhân các tử sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến chống xâm lược Trung Cộng ở Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988.

 

Chơi với Huy Đức khá lâu và khá thân nhưng trong nghề nghiệp, nhiều lúc tôi không tán thành quan điểm của anh ấy. Huy Đức thường đả kích một cách cay độc các nhân vật phản diện, quan chức tham nhũng, lôi cả gia tộc của họ ra để lên án, trong lúc tôi nghĩ vấn đề là hệ thống, không phải cá nhân. Tuy không có mâu thuẫn gì lớn nhưng do khác biệt quan điểm nghề nghiệp, anh đã “unfriend” tôi khỏi trang Facebook cá nhân của anh; sau đó thì tôi sang Mỹ định cư nên không còn gặp nhau nhiều nữa.

 

Từ khi đi Mỹ về, Huy Đức viết nhiều bài hàm ý kêu gọi cải cách hệ thống, nhưng đem cái mô hình dân chủ pháp quyền của Mỹ mà anh học được áp vào thực tế chính trị Việt Nam thì không khớp, không hiệu quả nên các ý kiến của anh “thường rơi vào hư không” như anh viết. Dẫu vậy, anh vẫn kiên trì phản biện.

 

Bài phản biện mới nhất của anh có lẽ là bài “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” đăng trên trang Tiếng Dân ngay sau khi Bộ Công an đưa ra dự thảo quy định kiểm soát việc buôn bán, sở hữu các loại dao có lưỡi dài hơn 20cm. Kiểu “phản biện” thế này thường được gọi là “đối lập trung thành”, phản biện những chính sách cụ thể nhưng vẫn trung thành với chế độ, khác với những người “bất đồng chính kiến”.

 

Nhiều khi Huy Đức phản biện chính sách quá đà, sa vào công kích cá nhân; đây là chuyện người cầm bút khó mà tránh được. Trong bối cảnh phe phái, đấu đá quyết liệt thì khi công kích một người, một nhóm nào đó, người viết đã vô tình hay hữu ý đứng về một nhóm khác, một phe khác, đối lập. Trong bài đoản văn “Những suy nghĩ không rời rạc” đăng ngày 28/05/2024, Huy Đức đã rơi vào tình trạng đó. Từ chỗ phản biện “tinh thần pháp quyền đã chết”, anh rơi vào chỗ phê phán chính sách quản trị quốc gia của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đến đây thì dường như nhà cầm quyền không còn chịu đựng được Huy Đức nữa và họ phải ra tay.

 

Thật ra trong một xã hội pháp quyền thì những cây bút phản biện như Huy Đức chẳng những không bị trừng phạt mà còn được khuyến khích, giống như chiếc xe hơi cần có phanh (thắng) để khỏi rơi xuống vực. Lợi dụng ngòi bút để công kích cá nhân vô căn cứ thì đã có luật chống phỉ báng, chống vu cáo… xử lý, không nên và không thể quy chụp những ý kiến phản biện là “chống phá” để bỏ tù người cầm bút. Tiếc là Huy Đức (và nhiều người khác nữa) đã không được làm việc trong một môi trường tự do như vậy, và anh đã phải trả giá, trước mắt là bị tạm giam và sau này có thể là án tù vì một tội danh nào đó theo điều 331 hoặc 117 bộ luật hình sự.

 

Thôi thì chỗ bạn bè, cầu cho anh tai qua nạn khỏi và mong sớm gặp lại một đồng nghiệp tài năng.

 

.

32 BÌNH LUẬN   

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats