Dư âm ‘cấu trúc an ninh mới’ của Putin
Hiếu Chân/Người Việt
June
25, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/du-am-cau-truc-an-ninh-moi-cua-putin/
Chuyến
công du ngắn ngủi của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đến Bắc Hàn và Việt
Nam có khả năng làm thay đổi môi trường an ninh ở Đông Á và lựa chọn của Hà Nội.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/A1-Putin-an-ninh-1536x1024.jpg
Ông
Tô Lâm (phải), chủ tịch nước Việt Nam, tiếp ông Vladimir Putin, tổng thống Nga,
đến Hà Nội hôm 20 Tháng Sáu. (Hình minh họa: Kristina Kormilitsyna/Pool/AFP via
Getty Images)
Tổn
thất khủng khiếp trên chiến trường Ukraine đã buộc ông Putin phải muối mặt cầu
viện ông Kim Jong Un, chủ tịch Bắc Hàn – một nhà độc tài bị cả thế giới xa
lánh. Đổi lấy việc Bình Nhưỡng cung cấp đạn pháo và hỏa tiễn cho quân đội đang
kiệt quệ của Nga, ông Putin đã phải ký kết hiệp định phòng thủ chung Nga-Bắc
Hàn, theo đó Nga sẽ hỗ trợ Bắc Hàn chống lại xung đột vũ trang của một nước thứ
ba, ám chỉ Nam Hàn, Nhật hoặc Hoa Kỳ. Hiệp định cũng mở đường để Nga cung cấp
cho Bắc Hàn công nghệ tân tiến về vũ khí nguyên tử và hoả tiễn đạn đạo – thứ mà
ông Kim đang rất cần cho tham vọng biến Bắc Hàn thành cường quốc nguyên tử.
Ký
kết hiệp định phòng thủ chung với Bắc Hàn, cung cấp cho Bình Nhưỡng công nghệ
vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo, ông Putin đã hủy hoại mối quan hệ Nga-Nam
Hàn. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga đã ký kết với Nam Hàn “Thỏa thuận hợp
tác về quân sự, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng và hậu cần” được Quốc Hội hai
nước phê chuẩn năm 1997. Thỏa thuận này đặt cơ sở pháp lý cho sự hợp tác và đầu
tư của Nam Hàn giúp nước Nga phục hồi và phát triển kinh tế sau thời Xô Viết.
Các tập đoàn điện tử và xe hơi của Nam Hàn như Samsung, Hyundai đã đóng vai trò
quan trọng trong việc giúp cải tiến và phát triển các công ty Nga. Điểm mấu chốt
trong thỏa thuận hợp tác Nga-Nam Hàn là Nga phải chấm dứt viện trợ quân sự và hợp
tác với quân đội Bắc Hàn.
Bằng
chữ ký ở Bình Nhưỡng hôm 19 Tháng Sáu, ông Putin đã xé bỏ thỏa thuận đó. Seoul
rất thất vọng và tức giận. Phản ứng đầu tiên của Nam Hàn là xem xét viện trợ vũ
khí cho Ukraine chống Nga. Cho đến nay, Nam Hàn không viện trợ vũ khí cho
Ukraine mà chỉ “bán” đạn pháo cho Hoa Kỳ để Mỹ cấp cho Ukraine theo kế hoạch của
Washington.
Hiệp
định Nga-Bắc Hàn gây bất mãn sâu sắc ở Trung Quốc – hiện là trụ cột chống đỡ
cho Nga khỏi sụp đổ cả về kinh tế lẫn quân sự. Xưa nay, Trung Quốc vẫn sử dụng ảnh
hưởng của Bắc Kinh lên Bình Nhưỡng để làm quân cờ mặc cả với Mỹ và Tây phương.
Nhưng sự kiện ông Putin thăm Bắc Hàn và ký kết hiệp định cho thấy dường như ông
Kim Jong Un đã bắt đầu giao hảo trực tiếp với ông Putin mà không cần thông qua
ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc. Với một nhà lãnh đạo coi trọng sĩ diện
như ông Tập, hành động của cả ông Putin và ông Kim là khó chấp nhận. Ngoài mặt,
Trung Quốc nói “hoan nghênh” mối quan hệ Nga-Bắc Hàn nhưng trong bụng chắc chắn
họ thấy cay đắng vì bị qua mặt một cách sỗ sàng bất chấp xương máu mà người
Trung Quốc đã đổ ra để xây dựng và giữ vững vương triều họ Kim ở Bình Nhưỡng.
Tham
vọng vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn xưa nay vẫn được Trung Quốc viện dẫn để dọa nạt
Tây phương; nhưng bây giờ, với sự trợ giúp của Nga, con đường trở thành cường
quốc nguyên tử của Bình Nhưỡng sẽ thông thoáng hơn. Hiệp định Nga và Bắc Hàn
cũng cho phép ông Putin bố trí vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Bắc Hàn nhằm răn
đe Nhật và Nam Hàn – điều mà ông Putin đã làm với nước chư hầu Belarus gần đây.
Một Bắc Hàn có kho vũ khí nguyên tử và phi đạn tầm xa ở ngay sát nách là chuyện
Trung Quốc không mong muốn. Xem ra, Bắc Kinh đang phải trả giá cho tính toán
“nuôi ong tay áo” để trục lợi của chính mình.
Hiệp
định Nga-Bắc Hàn vi phạm trầm trọng những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mà
chính Nga đã có thời ủng hộ. Nhưng đáng sợ hơn cả là có hiệp ước phòng thủ
chung với Nga, Bắc Hàn sẽ liều lĩnh leo thang khiêu khích trong cuộc đối đầu
quân sự với Nam Hàn và đồng minh, từ đó có thể dẫn tới khủng hoảng về an ninh ở
Đông Á. Nguy cơ đó đã được ông Kurt Campbell, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ,
nêu bật trong bài phát biểu quan trọng tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại ngày 24
Tháng Sáu vừa qua.
Bị
cô lập, bị cấm vận kinh tế và bị NATO bao vây ở phía Tây, ông Putin đề ra chính
sách “hướng Đông,” tìm kiếm đồng minh ở các nước Đông Á cựu cộng sản như Trung
Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam để lập nên cái mà ông ta gọi là “cấu trúc an ninh mới,
tin cậy được.”
Sau
khi đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ năm trong một cuộc bầu cử mà phe đối lập bị
bóp chết trong trứng nước, ông Putin đã vội vã đi thăm Trung Quốc, Bắc Hàn và
Việt Nam để công bố và cụ thể hóa chính sách “cấu trúc an ninh mới” đó. Không khó để nhìn thấy trong cấu trúc
an ninh mới của ông Putin một “chiến tuyến” rõ rệt giữa khối chuyên chế
Nga-Trung Quốc-Bắc Hàn-Việt Nam với khối dân chủ Mỹ-Nam Hàn-Nhật và
Philippines.
***
Ông
Putin đến Hà Nội ngay sau khi giới lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng Sản Việt Nam
trải qua một vụ xáo trộn nghiêm trọng, các ghế chủ tịch nước, chủ tịch Quốc Hội
đều bị thay người trong một thời gian kỷ lục. Vụ xáo trộn này thực chất là một
cuộc đảo chính không tiếng súng, trong đó thành phần công an lật đổ những kẻ chống
đối để chiếm và củng cố quyền lực tối cao.
Theo
những nguồn tin nội bộ không kiểm chứng được thì cả ông Nguyễn Phú Trọng, tổng
bí thư, cũng đang trong thời điểm “thập tử nhất sinh” do bệnh gan tái phát và chẳng
bao lâu nữa Việt Nam sẽ có quốc tang và quyền lực sẽ tập trung vào tay Đại Tướng
Tô Lâm – cựu bộ trưởng Bộ Công An đang ngồi chờ ở ghế chủ tịch nước.
Vụ
xáo trộn lãnh đạo ở Hà Nội cũng cho thấy sự thắng thế của thành phần “cứng rắn”
trong giới lãnh đạo đảng – tức là những người đề cao vai trò cai trị độc tôn của
đảng, chống lại mọi yêu cầu cải cách chính trị. Những người này đặt sự tồn vong
của đảng, của chế độ toàn trị lên trên yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, làm
cho “dân giàu nước mạnh” như đảng huênh hoang.
Đặt
trong bối cảnh như vậy, cấu trúc an ninh mới mà ông Putin mang tới Hà Nội có ý
nghĩa gì? Vài nhà quan sát cho rằng, Việt Nam chỉ “miễn cưỡng” đón tiếp ông
Putin, tên tội phạm chiến tranh bị tòa án quốc tế truy nã, không thể không mời
ông Putin đến thăm sau khi đã tiếp đón ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, và ông Tập
Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, trong nửa cuối năm ngoái.
Các
nhà quan sát cũng cho rằng, Mỹ và các đối tác Tây phương của Việt Nam sẽ “thông
cảm” cho vị thế nhạy cảm của Việt Nam mà không có các biện pháp trừng phạt dù
trước lúc ông Putin đến, tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đã đưa ra tuyên bố cứng rắn
nhất. Có người khen trong việc mời và đón tiếp ông Putin, Hà Nội đã thể hiện một
lối ứng xử tinh tế và uyển chuyển để không làm mất lòng ai theo chiến lược ngoại
giao cây tre.
Chúng
tôi không thấy như vậy. Nghi thức đón tiếp long trọng, cộng với những lời lẽ
hùng hồn trong tuyên bố chung Việt-Nga có thể thấy cây tre của chính quyền Tô
Lâm đã ngả hẳn vào “cấu trúc an ninh mới” do ông Putin đề xướng. Lối hành xử
“nhất bên trọng, nhất bên khinh” của Hà Nội cũng thể hiện rõ trong cách đón tiếp
các nguyên thủ quốc gia. Cư dân mạng phát hiện, chiếc cầu thang phi cơ đón tiếp
ông Putin và ông Tập Cận Bình ở phi trường Nội Bài được trải thảm đỏ trang trọng
trong khi cầu thang đón ông Biden thì không. Và tất nhiên ông Biden cũng không
được chào mừng bằng 21 phát đại bác như ông Putin và ông Tập dù ông Biden không
lãnh đạo một quốc gia đang tranh chấp biển đảo với Việt Nam như ông Tập mà cũng
không phải là tội phạm quốc tế như ông Putin. Những ai đang nghĩ rằng “Việt Nam
theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không thiên vị bất kỳ cường quốc nào”
(Ian Storey) hoặc “Việt Nam dường như muốn sử dụng quan hệ với Nga để làm đối
trọng với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ” thì nên suy nghĩ lại.
Ông
Tô Lâm và bộ sậu chóp bu của ông ta nhìn thấy ở nước Nga phát xít một hình mẫu
để noi theo cho dù việc đi theo mô hình chuyên chế của Nga, hợp tác sâu rộng với
Nga về quốc phòng và an ninh có thể buộc Việt Nam phải trả giá đắt. Cho đến nay, Việt Nam vẫn dựa vào Mỹ,
EU, Nhật và Nam Hàn để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất cảng nhưng dựa
vào Nga và Trung Quốc tương đồng về ý thức hệ để duy trì chế độ độc tài chuyên
chế.
Ông
Putin vừa lên phi cơ rời Hà Nội thì Việt Nam đón ông Daniel Kritenbrink, phụ tá
ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, dù chuyến công
tác của ông Kritenbrink có thể đã lên lịch rất lâu trước chuyến viếng thăm của
ông Putin.
“Chúng
tôi hết sức tôn trọng Việt Nam. Chỉ Việt Nam mới có thể quyết định làm sao để
giữ gìn chủ quyền và thăng tiến những lợi ích của mình một cách tốt nhất,” ông
Kritenbrink phát biểu tại Hà Nội khi được hỏi về quan hệ Việt-Nga. Quả là một
bình luận tế nhị của một nhà ngoại giao già dặn.
Nhưng
ông Kritenbrink – từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam và có quan hệ gần gũi với các
nhà lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội – không lạ với các tính toán chính trị của Việt
Nam và có tin ông Kritenbrink đến Việt Nam sau khi Washington cảm nhận được cây
tre Việt Nam đã chuyển hướng trong một sự thay đổi đường lối đối ngoại.
Cùng
thời điểm với chuyến công du của ông Kritenbrink, một cuộc Đối Thoại Kinh Tế Đối
Tác Chiến Lược Toàn Diện Hoa Kỳ-Việt Nam (CSPED) đã được tổ chức ở thủ đô
Washington với sự tham dự của nhiều quan chức cao cấp hai chính phủ.
Mỹ có thành công trong việc kéo Việt Nam khỏi khu
vực ảnh hưởng của trục chuyên chế, khỏi “cấu trúc an ninh mới” do Nga chủ xướng
hay không? Không có nhiều hy vọng cho điều đó. [qd]
No comments:
Post a Comment