Wednesday, 26 June 2024

CHÍNH TRỊ GIA ĐỒNG TÍNH Ở ĐÀI LOAN ĐẠT BƯỚC TIẾN MỚI NHƯNG CUỘC CHIẾN VẪN CÒN DÀI (Tessa Wong / BBC News)

 



Chính trị gia đồng tính ở Đài Loan đạt bước tiến mới nhưng cuộc chiến vẫn còn dài

Tessa Wong

Phóng viên Kỹ thuật số châu Á, BBC News

25 tháng 6 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv22geg0l9ko

 

Dù ở trong một chính trường sôi động như ở Đài Loan, bà Hoàng Thiệp vẫn có sự khác biệt, nhưng không phải do những sợi tóc nhuộm hồng hay tình yêu của bà dành cho cosplay (hóa trang nhân vật).

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/ed50/live/dcccada0-32b7-11ef-a044-9d4367d5b599.png.webp

Bà Hoàng Thiệp là chính trị gia đồng tính nổi bật trong cuộc bầu cử hồi tháng Một

 

Nổi danh với những bài phát biểu đầy máu lửa và quan điểm cấp tiến, nữ chính trị gia 31 tuổi đã làm nên lịch sử khi giành được một ghế trong nghị viện vào tháng 1/2024.

 

Bà trở thành nhà lập pháp đồng tính công khai đầu tiên của Đài Loan.

 

“Tôi nghĩ đây là bước tiến mới cho Đài Loan,” bà Hoàng mới đây đã nói với BBC.

 

 

“Tôi cảm thấy biết ơn việc người Đài Loan sẵn sàng tiến xa đến vậy.”

 

“Đương nhiên, là nhà lập pháp đầu tiên [công khai đồng tính], tôi cũng gánh vác những trách nhiệm nhất định, đó là phải nỗ lực hơn nữa và cho mọi người thấy rằng tôi đang đấu tranh cho các quyền LGBTQ,” bà thêm.

 

Đài Loan là một trong những nơi tiến bộ nhất ở châu Á trong vấn đề quyền của người đồng tính.

 

Trở lại năm 2019, Đài Loan là nơi đầu tiên trong khu vực cho phép hôn nhân đồng giới.

Hòn đảo này hiện cũng đã công nhận các cặp đôi LGBTQ+ quốc tế và cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi.

 

Theo ước tính của các nhà hoạt động, Đài Loan hiện có hơn một chục chính trị gia thuộc cộng đồng LGBTQ+, bên cạnh bà Hoàng.

 

Trong số đó có Ủy viên Hội đồng Thành phố Đài Bắc đồng tính nữ, bà Miêu Bác Nhã.

Bà Miêu và bà Hoàng là hai chính trị gia đồng tính nổi bật nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng Một.

 

Thành viên nội các đồng giới đầu tiên của Đài Loan, và của thế giới, là bà Đường Phượng – người được tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là bà Thái Anh Văn bổ nhiệm chức bộ trưởng Bộ Công nghệ số vào năm 2016.

 

Trong khi có những người mơ tới một tương lai mà tính dục không còn là một chủ đề cần phải thảo luận, một số người vẫn lo ngại về sự trở lại của chủ nghĩa bảo thủ.

 

·        Những cặp LGBT ở Ấn Độ: 'Cha mẹ sẵn sàng giết tôi vì danh dự'

28 tháng 7 năm 2023

·        Tình yêu cặp ba: Các chàng Thái Lan hạnh phúc với mối quan hệ ba bên

15 tháng 2 năm 2024

·        Valentine: Anh, em và ví tiền – Làm sao để ‘sống sót’ qua Lễ tình nhân

 

Chiến thắng của bà Hoàng, người đại diện từ thành phố Cao Hùng của Đảng Dân tiến cầm quyền (DPP), đóng lại nhiều năm thăng trầm trong sự nghiệp chính trị của bà.

 

Sau khoảng thời gian ngắn làm báo và nghiên cứu sức khỏe môi trường, bà Hoàng gia nhập một đảng chính trị cấp tiến nhỏ và giành được một ghế trong hội đồng địa phương thành phố Cao Hùng vào năm 2018.

 

Năm 2019, bà Hoàng trở nên nổi tiếng khi tranh luận trực tiếp với chính trị gia bảo thủ gây tranh cãi, ông Hàn Quốc Du.

 

Trong một phiên thảo luận, camera vô tình ghi lại được cảnh bà Hoàng trợn mắt trước khi đưa ra phản bác sắc sảo.

 

Khoảnh khắc bực tức này đã mang lại cho bà Hoàng sự chú ý của cộng đồng mạng Đài Loan, biệt danh “nữ thần trợn mắt” và lượng người theo dõi mới.

 

Đi kèm với đó là sự soi mói.

 

Một tờ báo lá cải khi đó đã đăng bài về đời sống tình cảm của bà Hoàng, khiến bà phải phủ nhận một số cáo buộc và nói rõ mình là người song tính.

 

Bà nói rằng mình đã bị báo chí thúc ép công khai xu hướng tính dục. Bố mẹ bà Hoàng không biết về xu hướng tính dục của bà cho tới khi đọc báo.

 

Nếu được chọn, bà nói mình sẽ không tiết lộ điều đó.

 

“Tôi chưa bao giờ ngần ngại nói về xu hướng tính dục của mình. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình có nghĩa vụ phải giải thích cụ thể về điều này,” bà nói.

 

“Việc phải thể hiện rằng tôi thuộc nhóm thiểu số tính dục truyền tải một thông điệp rằng người đồng tính là một ngoại lệ, là khác biệt, chứ không còn bình thường.”

 

Bà Hoàng đã chấp nhận vai trò của mình là một người đồng tính công khai của công chúng và đã chia sẻ về trải nghiệm của bản thân trong các cuộc phỏng vấn.

 

Bà cũng đã khẳng định sẽ thúc đẩy xây dựng bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+ trong quá trình công tác tại nghị viện.

 

Nói với BBC, bà Hoàng cho biết một những ưu tiên hàng đầu của bà là đấu tranh cho quyền có con của các cặp đôi đồng giới.

 

Đài Loan đang cân nhắc cho phép các cặp đồng giới tiếp cận biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF).

 

Là người đồng tính duy nhất trong nghị viện luôn có không khí gay gắt của Đài Loan, nơi ông Hàn Quốc Du – người bà Hoàng từng trợn mắt – dẫn dắt, bà Hoàng cho biết đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình bị công kích.

 

“Tôi mường tượng được viễn cảnh khi mà tôi không làm tốt công việc như kỳ vọng, họ sẽ nói rằng nguyên nhân là do tôi là một nhà lập pháp đồng giới… đây là một tình huống phổ biến mà những người nổi tiếng thuộc nhóm thiểu số tính dục phải đối mặt."

 

Theo bà Hoàng, đây là một ví dụ cho một “xã hội không đủ thiện chí”.

 

Đó là lý do vì sao “ngay cả ở Đài Loan, nơi mọi người cho rằng người đồng tính đã rất cởi mở, vẫn còn nhiều người nổi tiếng và các nhà lãnh đạo chần chừ trong việc công khai bản dạng giới của họ.”

 

Bà Hoàng chỉ ra rằng, khác với những người đồng nghiệp “thẳng” thường xuất hiện với “nửa kia”, bà thường xuất hiện trước công chúng một mình.

 

Người yêu của bà Hoàng sợ việc xuất hiện cùng bà sẽ dẫn tới “những ánh nhìn tiêu cực”.

 

Các chính trị gia LGBTQ khác cũng chia sẻ rằng họ đã gặp khó khăn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/0035/live/21115510-32b8-11ef-a044-9d4367d5b599.png.webp

Bà Miêu Bác Nhã là một trong những người đồng tính công khai đầu tiên tham gia chính trị

 

Bà Miêu kể với BBC rằng ở thời điểm mới bước chân vào chính trị, các lãnh đạo cấp cao trong đảng đã khuyên bà “giấu bớt cái chất đồng tính lại giùm”.

 

Họ khuyên bà nuôi tóc dài ra và sử dụng nhiều màu hồng hơn trong các chiến dịch chính trị. Bà Miêu đã từ chối.

 

Theo bà Miêu, cái khó là ở việc thuyết phục cử tri nhìn nhận bà sâu sắc hơn, bên cạnh xu hướng tính dục:

 

“Khi bạn tiết lộ bản sắc của mình, nhận thức của cử tri sẽ tập trung vào xu hướng tính dục của bạn… Nói đơn giản thì bạn đã bị gán mác.”

 

Đó là một cuộc chiến thầm lặng trong một xã hội tưởng như đã chấp nhận cộng đồng LGBTQ.

 

Đài Loan từng có sự chia rẽ sâu sắc về quyền của người đồng tính. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát của chính quyền cho thấy sự ủng hộ gia tăng trong vòng năm năm qua.

 

Khoảng 69% người được hỏi ủng hộ hôn nhân đồng giới và 77% ủng hộ việc nhận con nuôi của các cặp đôi đồng giới.

 

Có hàng chục ngàn người tham dự cuộc diễu hành LGBT Pride thường niên tại Đài Loan. Đây là cuộc diễu hành lớn nhất ở châu Á.

 

Nhiều khách du lịch đồng tính còn đổ xô tới Đài Bắc để hòa mình vào không gian LGBTQ, khiến Đài Bắc được mệnh danh là “San Francisco của phương Đông".

 

Tháng 5/2024, nghệ sĩ giả nữ (drag queen) người Đài Loan tên Nymphia Wind, người chiến thắng chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng RuPaul's Drag Race, đã được Tổng thống Thái Anh Văn tiếp đón tại văn phòng làm việc - một dấu hiệu không chỉ của sự công nhận mà còn cả sự chấp nhận.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/bc7f/live/0fea8120-32b9-11ef-90be-b75b34b0bbb2.png.webp

Tổng thống Thái Anh Văn tiếp đón nghệ sĩ giả nữ Nymphia Wind tại văn phòng tổng thống

 

Mặc dù chính phủ Đài Loan đã dẫn dắt xu hướng này, vẫn còn một số bộ phận trong xã hội chưa chấp nhận cộng đồng LGBTQ, theo các nhà quan sát.

 

Tuy thái độ của những phụ huynh trẻ đang dần thay đổi, “trong xã hội Đài Loan, chúng tôi nghĩ chuyện đồng tính là bình thường nếu rơi vào trẻ con của nhà người ta – miễn là không phải con của mình,” bà Lưu Văn, nghiên cứu viên tại Academic Sinica về các vấn đề dị tính trong cộng đồng nói tiếng Trung, nói.

 

Một số người lo rằng sự bảo thủ dai dẳng sẽ trỗi dậy sau cuộc bầu cử vừa rồi.

 

“Tôi không hoàn toàn lạc quan về tiến trình tiến bộ [của Đài Loan]… chúng tôi không thể tự mãn được bởi vì chúng tôi thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo thủ,” bà Rita Trương, học giả và nhà hoạt động thuộc Hiệp hội Đường dây nóng Đồng tính Đài Loan (TTHA), cho biết.

Đặng Trúc Viên, giám đốc điều hành của Taiwan Equality Campaign, một tổ chức đấu tranh cho quyền LGBTQ tại Đài Loan, nói rằng chủ đề đồng tính luyến ái "vẫn có thể bị các thế lực chính trị bảo thủ lợi dụng".

 

Trong cuộc bầu cử vừa rồi, một ứng cử viên từ Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) đang lên đã chất vấn ngoại hình và giới tính của bà Miêu Bác Nhã.

 

Trong một diễn biến khác, một đảng chính trị nhỏ đã thực hiện một chiến dịch vận động trên một nền tảng phản đối người chuyển giới và một nhóm bảo thủ từng lên tiếng phản đối việc bỏ phiếu cho các nhà lập pháp đồng tính.

 

Ông Kha Văn Triết, lãnh đạo đảng TPP, từng nhận được nhiều sự ủng hộ của giới trẻ trong cuộc bầu cử hồi tháng Một, đã bị chỉ trích vì có những bình luận dường như có xu hướng coi đồng tính luyến ái là một vấn đề về tâm lý.

 

Ông Kha cũng đã thể hiện sự đảo chiều quan điểm về hôn nhân đồng giới và bị cáo buộc làm điều này để kiếm phiếu bầu.

 

Ông khẳng định mình chưa bao giờ phản đối hôn nhân đồng giới.

 

Một nguyên nhân có thể khiến chủ nghĩa bảo thủ gia tăng trở lại là những tiến bộ mà Đài Loan đã đạt được.

 

Bà Miêu nói: "Chính những điều này… sẽ khiến một số ý kiến phản đối trở nên gay gắt hơn."

 

Nhưng bà hy vọng rằng nền dân chủ của Đài Loan có thể vượt qua điều này.

 

“Xã hội Đài Loan rất đa dạng – cởi mở cực đoan và bảo thủ cực đoan có thể cùng tồn tại.”

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/640/cpsprodpb/d88b/live/68759690-32b9-11ef-bdc5-41d7421c2adf.png.webp

Có hàng chục ngàn người tham dự cuộc diễu hành LGBT Pride thường niên tại Đài Loan

 

Trong tương lai, liệu Đài Loan sẽ có một tổng thống đồng tính và trở thành nơi đầu tiên ở châu Á có một nhà lãnh đạo công khai giới tính hay không?

 

Một số người hy vọng đây sẽ không phải là vấn đề gây tranh cãi nữa.

 

"Điều tôi hy vọng là trong tương lai, cử tri Đài Loan sẽ không coi trọng bản dạng giới cá nhân, như việc ứng cử viên là nam, nữ, hay dị tính, là yếu tố quyết định khi bầu tổng thống," bà Miêu nói.

 

Bà Hoàng đồng tình với điều này.

 

Kể từ khi nhậm chức, bà đã ủng hộ nhiều vấn đề khác nhau, chứ không chỉ quyền LGBTQ.

Bà đã lãnh đạo các cuộc biểu tình gần đây về cải cách lập pháp viện, cũng như dẫn đầu một nhóm nghị sĩ xây dựng quan hệ với Hong Kong trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt kiểm soát thành phố này.

 

Bà chia sẻ mục tiêu của mình là để chứng minh "tôi không khác mọi người, tôi vẫn có thể làm việc chăm chỉ trong lĩnh vực công và được công nhận bởi thành quả của mình".

 

Bà Hoàng mơ về một Đài Loan “không còn thứ được gọi là rào cản vô hình và không còn cảm thấy bản thân gặp trở ngại ở mọi nơi chỉ vì bản dạng giới”.

 

----------------

Tin liên quan

·         

Nhật Bản giữ lệnh cấm kết hôn đồng giới nhưng đặt ra vấn đề về quyền

30 tháng 11 năm 2022

·         

“Jimmy in Saigon”: Câu chuyện về một người Mỹ ở Việt Nam

19 tháng 10 năm 2022

·         

Bỏ lệnh cấm tình dục đồng giới - Singapore châm ngòi cuộc chiến mới

23 tháng 8 năm 2022

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats