Saturday, 1 June 2024

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM HỌP VỀ CHỐNG THAM NHŨNG, NÓI 'KHÔNG ĐẤU ĐÁ NỘI BỘ' (BBC News Tiếng Việt)

 



Đảng Cộng sản Việt Nam họp về chống tham nhũng, nói 'không đấu đá nội bộ'

BBC News Tiếng Việt

31 tháng 5 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czvv0lg40kko

 

Hôm 30/5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết định đưa 2 vụ án tại Tập đoàn Thuận An và Phúc Sơn vào diện theo dõi, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo cũng nói rằng công tác chống tham nhũng "không phải là đấu đá nội bộ".

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/4c30/live/45aad140-1ef8-11ef-80aa-699d54c46324.png

Đã có hàng loạt lãnh đạo cấp cao mất chức do chiến dịch "đốt lò"

 

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay.

 

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án tại Tập đoàn Thuận An và Phúc Sơn vào diện theo dõi, chỉ đạo.

 

 

'Không phải đấu đá nội bộ'

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/006f/live/9e2505f0-1e78-11ef-a13a-0b8c563da930.jpg

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

Vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vào ngày 26/2.

 

Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi Hậu "Pháo") - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn.

 

Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn sau đó đã kéo theo nhiều diễn biến chấn động chính trường, bao gồm cả khả năng liên quan đến vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mất chức.

 

Tới ngày 15/4, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) thuộc bộ này đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

 

Vụ án này sau đó đã dẫn tới việc khởi tố Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà và đây có thể là nguyên nhân chính khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mất chức.

 

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

 

Ban Chỉ đạo có thẩm quyền chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý kỷ luật đối với đảng viên thuộc phạm vi quản lý.

 

Theo Quy định 32-QĐ/TW năm 2021 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký, những vụ án do Bản Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là những vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

 

Ngoài ra, ban này còn có nhiệm vụ chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

 

Cũng trong cuộc họp ngày 30/5, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tiếp tục đẩy mạnh phương hướng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và kết hợp chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng, với công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

 

Theo Ban Chỉ đạo, trong năm 2024, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ với 4.211 bị can, truy tố 2.030 vụ với 4.042 bị can, xét xử sơ thẩm 1.686 vụ với 3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.

 

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đánh giá việc kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong thời gian gần đây là một kết quả nổi bật.

 

Cũng cần lưu ý, trong hai lãnh đạo cấp cao nhất mất chức vì chịu trách nhiệm của người đứng đầu, gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì không có ai phải chịu hình thức kỷ luật chính thức của Đảng, cũng không bị kỷ luật về mặt chính quyền hay xử lý hình sự.

 

·        Cán bộ sợ trách nhiệm: hệ quả của chiến dịch 'đốt lò'?

26 tháng 5 năm 2024

·        Chủ tịch nước Tô Lâm: Ghế tổng bí thư có dễ dàng?

25 tháng 5 năm 2024

·        Thượng tướng Trần Quốc Tỏ điều hành Bộ Công an: Em trai ông Trần Đại Quang có thể làm bộ trưởng?

22 tháng 5 năm 2024

 

Các “đại án” gần đây được nhắc tên trong cuộc họp ngày 30/5 nhằm tăng cường công tác điều tra, bao gồm:

 

·        Tập đoàn Thuận An

·        Tập đoàn Phúc Sơn

·        Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

·        Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC)

·        Tập đoàn Tân Hoàng Minh

·        Dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng)

 

Nhiều vụ án trong số này đã khiến các quan chức cấp cao bị kỷ luật và vướng vào vòng lao lý.

 

Nguyên nhân khiến ông Võ Văn Thưởng mất chức được cho là liên quan tới những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn.

 

Tương tự, việc ông Vương Đình Huệ mất chức được cho là do ông phải chịu trách nhiệm người đứng đầu khi trợ lý của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt liên quan tới sai phạm tại Tập đoàn Thuận An.

 

Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mới đây cũng đã bị khởi tố liên quan tới dự án ở Lâm Đồng của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

 

Còn cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đã bị kỷ luật do liên quan tới các sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

 

Thường trực Ban Chỉ đạo khẳng định rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", "tranh giành quyền lực".

 

Đây có thể là phản ứng của Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi có nhiều nhận định của các chuyên gia rằng đấu đá nội bộ trong Đảng đang ngày càng gay gắt trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng 14.

 

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung điều tra và xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến tập đoàn FLC, Công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án Đại Ninh (Lâm Đồng).

 

Vụ việc tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh không được nhắc tới, dù Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam đã yêu cầu hàng loạt tỉnh, thành phố rà soát, cung cấp tài liệu, dự án liên quan tới doanh nghiệp này.

 

·        Cây xanh Công Minh bị điều tra, hé lộ vụ án 'đặc biệt nghiêm trọng'?

8 tháng 5 năm 2024

·        Tập đoàn Thuận An đã làm gì và tại sao 'vào lò'?

17 tháng 4 năm 2024

·        Tập đoàn Phúc Sơn làm gì mà khiến nhiều cán bộ rơi vào vòng lao lý?

20 tháng 3 năm 2024

 

 

Những diễn biến gần đây

 

Đầu tiên là liên quan tới vụ Phúc Sơn.

 

Vào ngày 29/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Duy Thành.

 

Ông Lê Duy Thành đã bị khởi tố, tạm giam về tội “Nhận hối lộ” vào đầu tháng 3/2024, liên quan tới vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn.

 

Vào ngày 23/5, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp hồ sơ các khu đất tại sân bay Nha Trang, bao gồm cả việc bàn giao đất ở sân bay này cho Tập đoàn Phúc Sơn.

 

Trong buổi họp báo ngày 25/5, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cho biết địa phương đã tìm cách liên lạc với Tập đoàn Phúc Sơn để thống nhất việc triển khai ba dự án BT (xây dựng – chuyển giao) trên địa bàn TP Nha Trang.

 

Tuy nhiên, ông Nhân cho biết do Tập đoàn Phúc Sơn đang bị điều tra nên người đại diện của công ty không phản hồi.

 

Ngoài ra, Tập đoàn Phúc Sơn còn 6 dự án khác đang bị chậm tiến độ ở tỉnh Khánh Hòa.

 

Liên quan tới vụ Thuận An, ngày 4/5, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

Tương tự trường hợp của Tập đoàn Phúc Sơn, nhiều gói thầu liên quan tới Tập đoàn Thuận An cũng đang bị chậm tiến độ.

 

Liên quan tới sai phạm tại dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, ngày 28/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Văn Hiệp.

 

------------------

Tin liên quan

·         

Đảng Cộng sản Việt Nam: công tác nhân sự thất bại?

7 tháng 5 năm 2024

·         

Địa chấn chính trị Việt Nam: Dồn dập đến bao giờ?

3 tháng 5 năm 2024

·         

Công an và Quốc phòng: Bộ nào có 'quyền lực chính trị' hơn?

21 tháng 5 năm 2024




No comments:

Post a Comment

View My Stats