Monday, 15 May 2023

VINFAST CŨNG BLACK SPADE DÌU NHAU VÀO THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHÓA NHƯ THẾ NÀO? (Tiến Nguyễn)

 



Vinfast cùng Black Spade dìu nhau vào thị trường chứng khoán như thế nào?

Tiến Nguyễn 

15/05/2023

https://baotiengdan.com/2023/05/15/vinfast-cung-black-spade-diu-nhau-vao-thi-truong-chung-khoan-nhu-the-nao/

 

Tin cuộc hôn nhân trai tài gái sắc, Vinfast và dìu nhau vào… chợ chứng khoán NYSE làm chấn động dư luận người Việt.

 

Đại khái có hai phản ứng:

 

– Mừng vui, cảm động rưng rưng nước mắt khi thấy gia tài của “cặp đôi hoàn hảo” này có đến 23 tỷ USD… đứng hàng thứ 3 trên thế giới xe điện, chỉ sau Tesla và Li-Auto.

 

– Bĩu môi bảo “bịp”, ”lùa gà” và thả “mặt cười“ he he!

 

Phe 1 bảo phe kia là “ba ///”, “tự nhục”. Phe 2 bảo phe kia là “Vin-nô”, “bò đỏ”.

 

OK!

 

Chúng ta hãy thử xét vấn đề bằng “fact”, số liệu, tài liệu xem nó ra sao, qua trả lời các câu hỏi:

 

1- Black Spade và SPAC là cái gì?

 

2- 23 tỷ USD là “giá” hay “tự ra giá”?

 

3- Các công ty ra thị trường chứng khoán qua con đường sáp nhập kiểu SPAC sẽ ra sao?

 

4- So sánh Vinfast với Rivian và Lucid?

 

 

                                                              ***

 

 

1- Black Spade và SPAC là cái gì?

 

Đại khái có hai con đường để ra IPO. Nó giống như một người muốn… sang Mỹ xin thẻ xanh đinh cư.

 

(1) Tự mình nạp đơn, chờ được phép đến… dài cả cổ, nhận thẻ xanh, bay sang Mỹ.

 

(2) Kiếm chàng trai, cô gái nào đó còn độc thân và đã có thẻ xanh hay quốc tịch, kết hôn, bay sang Mỹ.

 

Đường (2) nó lẹ hơn đường (1)!

 

Vinfast đã thử theo con đường thứ nhất vào cuối năm 2022, nạp hồ sơ cho Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ SEC, với dự định ra thị trường chứng khoán công nghệ Nasdaq.

 

Tuần rồi, ngày 12/5/2023, Vinfast tuyên bố chọn con đường thứ 2, “hứa hôn” với Black Spade Acquisition, tại thị trường NYSE.

 

Black Spade Acquisition, được công ty Black Spade Capital, có trụ sở ở Hong Kong lập ra, với mô hình SPAC, có mặt trên thị trường NYSE từ 16/7/2021.

 

Như thế, SPAC là gì?

 

SPAC là viết tắt của “Special Purpose Aquisition Company”. Còn gọi là “Blank Check Company” (Công ty séc trắng).

 

Một cty SPAC không có sản phẩm nào cả, cũng không kinh doanh gì cả.

 

Mục đích của nó như thể “giữ chỗ trước” ở một thị trường chứng khoán.

 

SPAC phát hành cỗ phiếu, thường là 10USD mệnh giá. Mục dích duy nhất của nó là mua hay hợp nhất với một công ty nào đó có nhu cầu ra thị trường chứng khoán.

 

Nói cách khác, nó đã đặt “cục gạch” để chờ trong thị trường chứng khoán, trong túi có một số vốn nào đó, chờ đến lúc “kết hôn” với “ý trung nhân”.

 

Nhà đầu tư mua cỗ phiếu, số tiền đó được bỏ vào một tài khoản với lãi xuất nhất định, và cổ phiếu được giao dịch, mua/bán trên thị trường như các loại chứng khoán bình thường khác.

Số tiền đó không được làm gì khác ngoài mục đích “kết hôn” ấy, như của “hồi môn” của cô dâu.

 

Ngay từ đầu, nhà đầu tư không biết sẽ bỏ tiền để mua/hợp nhất với công ty nào. Bởi thế nên mới gọi là “blank check”, coi như nhà đầu tư ký ngân phiếu “khống”, chưa có người nhận.

 

Một công ty SPAC có kỳ hạn là hai năm. Trong vòng hai năm đó, ban quản trị tìm kiếm một công ty, một “chú rể” xinh trai, giàu có nhất, có khả năng mang lại “tương lai” lợi nhất cho nhà đầu tư.

 

Quá thời hạn hai năm, nếu như không có ai “hợp ý”, SPAC trả lại nhà đàu tư cả vốn lẫn lời.

Trong trường hợp ban quản trị kiếm ra “chú rể”, thì tuyên bố là sẽ hợp nhất với công ty ABC. Báo cáo cho nhà đầu tư biết “chú rể” như thế, thế này, có bao nhiêu tiền trong tài khoản, có tài sản, nợ nần là bao… điều kiện ra sao v.v.

 

Và hỏi ý các “cô dâu”: chịu không em?

 

Lúc này, nhà đầu tư có hai lựa chọn:

 

– Thôi, “hổng chịu đâu!”, rút vốn về, chỉ ăn một chút lãi thời gian. Bởi thế, nhiều nhà đầu tư dùng SPAC như nhà băng, gởi tiền ăn lãi và đầu tư khi có cơ hội ưng ý.

 

– OK, “em chịu chàng!”

 

Lúc này có hai khả năng:

 

1- Không đủ nhà đầu tư nói OK, số tiền tích lũy không đủ hoặc một lý do nào khác, thì bãi bỏ chuyện “cưới hỏi” này.

 

2- Đủ tiền, điều kiện thuận lợi, được Ủy ban chứng khoán SEC chấp thuận v.v [tất cả quá trình này gọi là de-spac], hai công ty hợp nhất và như thế là ABC đã ra được IPO.

Trường hợp Black Spade & Vinfast thì sự việc như sau:

 

 

Black Spade

 

– Bắt đầu gom vốn từ 7/2021, như thế tới tháng 7/2023 thì đáo hạn. Black Spade tìm ra Vinfast chỉ trước hai tháng trước khi hết hạn hợp đồng với các cổ đông. Để nhây nhưa thì “cô dâu” ế chồng mất.

 

– Cho tới nay, Black Spade có giá trị vốn hóa (market cap = số cỗ phần * giá thị trường cỗ phần) là 218 triệu USD, và số tiền trong tài khoản là 169 triệu USD.

 

– Vinfast tự định giá tri vốn hóa là 23 tỷ USD.

 

Hai bên thỏa thuận hợp nhất trên cơ sở VF 99%, BSplade 1% .

 

Như thế, nhà đầu tư sẽ đọc báo cáo của Vinfast, xem xét tình hình tài chính, kỳ vọng v.v.

Để xem giá trị 23 tỷ USD đó có hợp lý không, có hy vọng tăng thêm để mình có lợi hơn rút tiền về không?

 

Và quyết định Rút lui/đầu tư tiếp như đã đề cập ở trên.

 

Lúc đó cả hai hợp nhất. Cổ phiếu Black Spade sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu Vinfast. Theo tỷ lệ sẽ được tính lại, vì sau khi có người rút lui thì không còn có số tiền mặt 165 triệu USD nữa mà ít hơn.

 

Vinfast chính thức được giao dịch tại thị trường chứng khoán NYSE. Các cổ đông Black Spade trỏ thành cổ đông Vinfast, VinFast có thêm số tiền mặt, không lớn gì, là < 169 triệu USD.

 

 

2- 23 tỷ USD là “giá” hay “tự ra giá”

 

Từ đâu sinh ra có số 23 tỷ USD, bạn hẳn phân vân.

 

Nhiều báo ở VN “phấn khởi”, “tự hào” với con số ấy, nếu so với các hãng xe điện khác thì Vinfast “nhảy một phát” lên hàng thứ ba thế giới, chỉ thua Tesla, Li-Auto.

 

Thế nhưng, 23 tỷ USD là tính trên cơ sở nào?

 

Nếu đọc báo cáo mà Vinfast nộp cho Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ ngày 9/3/2023 thì chỉ thấy các con số như sau: Cho tới cuối năm 2022 thì:

 

– Tổng tài sản (total asset): 4,8113 tỷ USD

 

– Tổng nợ dài hạn (total non-curent liabilities): 3,5597 tỷ USD

 

– Tổng nợ ngắn hạn (total curent liabilities): 2,804 tỷ USD

 

Lấy tài sản trừ nợ nần, ta sẽ có một số âm! Là:

 

– Vốn chủ sở hữu (total equity): -1,553 tỷ USD

 

Nếu tính cả số 2,5 tỷ USD được rót thêm gần đây: Ông Vượng “tặng” 1 tỷ USD, Vingroup tặng 500 triệu USD, cho vay 1 tỷ USD.

 

Như thế Tổng tài sản được cộng thêm 1.5 tỷ USD, nhưng “nợ” lại tăng thêm 1 tỷ USD.

 

Cho dù “nợ người nhà”, Vingroup, nhưng về mặt bảng cân đối tài sản thì vốn chủ sở hữu vẫn là con số âm: -1 tỷ USD.

 

Vậy thì con số 23 tỷ USD từ đâu ra?

 

Tất nhiên đó là con số mà Vinfast TỰ đánh giá chính mình!

 

Như bất cứ một mặt hàng nào trên thị trường, người bán hàng tự định và “rao” giá sản phẩm, người mua sẽ mặc cả, đòi mua theo giá mình lượng định.

 

Cuối cùng thì hai bên “thuận mua vừa bán”, dẫn đến “giá thị trường”.

 

Bởi thế, giá người bán chỉ là giá “kỳ vọng”, chưa phải giá thực.

 

Người mua không hề quan tâm đến chuyện người bán sản xuất mất công sức bao nhiêu, có “tâm huyết” thê nào, có “tự hào dân tộc ra sao” v.v.

 

Họ chỉ cân nhắc từ góc nhìn về nhu cầu của mình, túi tiền của mình và so sánh với sản phẩm cạnh tranh.

 

Người chủ tiệm phở có thể tự hào về bát phở thịt bò Kobe của mình, rao giá 1 triệu đồng một bát. Thế nhưng cuối cùng vẫn là có ai chịu mua với giá đó hay không?

 

Tóm lại, giá trị thị trường của Vinfast sẽ là bao? 23 tỷ USD hay 1 tỷ USD? Đứng hàng bao nhiêu trên thế giới?

 

Điều này chỉ có thể biết SAU khi Vinfast thực sự được giao dịch công khai trên thị trường chứng khoán.

 

Còn như hiện nay, chỉ là “giá kỳ vọng”, chủ quan.

 

 

3- Các công ty ra thị trường chứng khoán qua con đường sáp nhập kiểu SPAC sẽ ra sao?

 

IPO qua con đường SPAC dễ dàng, nhanh hơn bình thường. Thế nhưng, theo nhiều nhà phân tích, nó chứa đầy rủi ro. Nhiều công ty ra IPO bằng con đường này đã thất bại. Một công ty mà người Việt biết đến nhiều là công ty xe Grab. Grap ra IPO cuối năm 2020. Ngày nay, giá cỗ phần chỉ còn 1/4 so với lúc IPO. Nhà đầu tư mất đến 3/4 giá trị.

 

Riêng lãnh vực xe điện thì có các công ty sau đây đã ra IPO qua con đường SPAC: Nikola, Lordstown Motors, Canoo, Faraday Future, Fisker và Lucid.

 

– Tất cả các nhà đầu tư đều gánh lỗ lã vì giá cổ phiếu xuống thảm hại.

 

– Ngoại trừ Fisker và Faraday, 4 công ty kia đều có vấn đề với pháp luật .

 

– Tổng giám đốc Nikola bị truy tố vì tội lường gạt, tòa dự định sẽ tuyên án vào tháng 6 này.

Biểu đồ chứng khoán của các công ty Nikola, Lucid, Faraday, Canoo theo thời gian (xem hình đính kèm). Tất cả gần như giống nhau: Giá khởi đầu luôn khoảng 10USD. Và sau đó chúng cứ giữ nguyên lòng vòng 10USD. Đến khoảng thời “điên cuồng” vì xe điện 2020, tất cả tăng vọt lên đỉnh, một cách chóng mặt. Thế rồi, chẳng bao lâu, chúng ào ào lao dốc.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/05/3-5.jpeg

Ảnh trên mạng

 

Tất cả các công ty này đã mất đi ít nhất là 80% giá trị kể từ ngày ra IPO, tuy đã có lúc, trong cơn sốt xe điện tăng vọt lên. Như Nikola tăng gấp 6 lần, nhưng ngày nay giá chứng khoán của nó chỉ còn là 77 cent thay vì 10 USD như ban đầu.

Có thể thấy rằng, thị trường có thể có những cơn sốt khiến cho các công ty có thể bùng phát lên đỉnh cao, nhưng về lâu dài… hết sốt, giá “thực”, phản ảnh khả năng của công ty, sẽ trở lại!

 

 

4- So sánh Vinfast với Rivian và Lucid

 

Không kể những công ty như Nikola, thuộc loại “đánh quả”, ở Mỹ còn hai công ty có thực chất là Rivian và Lucid. Hai công ty này đều có công nghệ riêng, đã có sản phẩm tung ra trên thị trường và có tiếng.

 

Ngoài ra cũng có kha khá tiền mặt (cash on hand). Đến cuối 2022, Rivian còn 11,5 tỷ USD và Lucid còn 3,91 tỷ USD. Trong khi đó số tiền mặt của Vinfast cuối năm 2022 là 180,9 triệu USD! (xem báo cáo, trang 22 ).

 

Hai công ty này có giá trị vốn hóa [hôm nay 15/5/2023] như sau:

 

Rivian 12,13 tỷ USD và 13,09 tỷ USD, chỉ bằng khoảng một nửa so với con số khủng 23 tỷ USD của Vinfast.

 

Bởi thế, nhà đầu tư tất phải “lăn tăn” suy nghĩ khi chọn mua cổ phiếu của Vinfast với cái giá “kỳ diệu” đó.

_____

 

Tham khảo:

 

– Báo cáo của Vinfast nạp cho SEC

 

– Thông cáo báo chí củ Black Spade

 

– Một số dữ liệu lấy từ đây

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats