Thursday, 25 May 2023

VIỆT NAM TIẾP TỤC NỀN NGOẠI GIAO 'MỀM MẠI NHƯNG CỨNG CỎI' GIỮA NGA VÀ UKRAINE? (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam tiếp tục nền ngoại giao 'mềm mại nhưng cứng cỏi' giữa Nga và Ukraine?

BBC News Tiếng Việt

23 tháng 5 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4npv0v1nl7o

 

Chỉ trong hai ngày qua, quốc tế đã chứng kiến những chuyển động ngoại giao quan trọng giữa lãnh đạo Việt Nam với Nga và Ukraine.

 

Ông Dmitry Medvedev, Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga đã đến Hà Nội vào ngày 21/5, khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lần đầu gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản.

 

Thế nhưng thông tin chuyến đi chỉ được báo chí Việt Nam đưa tin một ngày sau đó, vào thứ Hai 22/5.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8691/live/033ccb60-f94c-11ed-92cc-b3a9bf1f67e9.jpg

Dmitry Medvedev ,  Phạm Minh Chính ,  Vladimir Zelensky

 

.

Thời điểm 'tế nhị'

 

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai vào ngày 22/5.

 

Chuyến đi của ông Dmitry Medvedev tại Hà Nội bắt đầu từ ngày cuối cùng của Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima khi các nguyên thủ bảy nền kinh tế hàng đầu thế giới có tuyên bố mạnh mẽ lên án Nga và Trung Quốc.

 

Ông Phạm Minh Chính lần đầu bắt tay ông Volodymyr Zelensky vào ngày 21/5.

 

Từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định với BBC News Tiếng Việt thời gian diễn ra chuyến đi của ông Medvedev mang tính "rất tế nhị" :

 

"Chuyến đi của ông Medvedev có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam hiện nay. Việt Nam và Nga là đối tác chiến lược toàn diện. Tôi nghĩ báo chí Việt Nam muốn im lặng trước chuyến đi của Medvedev để có hàm ý đây chỉ là quan hệ nội bộ Việt Nam đối với Nga, không có ảnh hưởng gì với quan điểm Việt Nam tại G7, khi ông Phạm Minh Chính là khách mời, và gặp nhiều nguyên thủ quốc gia bao gồm Tổng thống Zelensky. Tôi thấy báo chí Việt Nam đã rất "tế nhị" để phục vụ cho chuyến đi của ông Phạm Minh Chính tại G7", ông Kim Phúc nói.

 

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Taiwan NextGen Foundation và Pacific Forum cho rằng đưa tin "rầm rộ" về chuyến thăm của ông Medvedev có thể làm tổn hại hình ảnh của Việt Nam tại G7 và đặt ông Chính vào tình thế khó xử trong cuộc gặp bên lề với ông Zelensky.

 

"Khi ông Chính đang ở Nhật Bản và có những cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo G7 và ông Zelensky thì việc đưa tin về chuyến thăm của ông Medvedev sẽ là kém tinh tế, nhất là khi lãnh đạo Việt Nam - thông qua các cuộc gặp tại G7 mở rộng - nỗ lực gia tăng hình ảnh trách nhiệm của Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với chính sách đối ngoại của quốc gia này", ông Sáng nói.

 

Dmitry Medvedev tới HN thảo luận với lãnh đạo VN về Ukraine và kinh tế

'Vị thế Việt Nam' qua lần tham dự Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/cb83/live/44422650-f94c-11ed-92cc-b3a9bf1f67e9.jpg

Chủ tịch Đảng 'Nước Nga Thống nhất', Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 22/5

 

Một ý kiến khác, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland (Úc) cho biết nền ngoại giao Việt Nam gặp "thế kẹt", nên việc báo chí Việt Nam 'giữ kín" nên được hiểu cả ở góc độ ngoại giao "khéo léo" của Việt Nam và thông lệ và quy định liên quan đến hoạt động ngoại giao của Hà Nội.

 

"Có hai điểm tôi muốn lưu ý. Thứ nhất, đây là chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước theo thỏa thuận hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng nước Nga Thống nhất, chứ không phải mới. Do đó, nếu nó diễn ra trùng thời điểm cũng là bình thường."

"Thứ hai, theo thông lệ và quy định liên quan đến hoạt động ngoại giao, mặc dù chuyến thăm của ông Medvedev theo danh nghĩa chính thức với tư cách chủ tịch đảng cầm quyền, nhưng ông ấy không phải là nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ, vì thế sẽ không có thông cáo báo chí chính thức trước chuyến thăm. Ở Việt Nam, mọi phát ngôn hay thông cáo báo chí chính thức về hoạt động đối ngoại sẽ do Bộ Ngoại giao, hoặc Ban Đối ngoại Trung ương thực hiện, và các cơ quan báo chí nhà nước sẽ chỉ đưa tin theo thôi. Do đó, trong trường hợp này, nếu chưa có thông báo chính thức từ Bộ Ngoại giao, hay Ban Đối ngoại Trung ương, thì báo chí không thể đưa tin được", Tiến sĩ Hồng Hải nói thêm.

 

.

Vấn đề Biển Đông

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/08cc/live/78ce2540-f94c-11ed-92cc-b3a9bf1f67e9.jpg

Chủ tịch Đảng 'Nước Nga Thống nhất', Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 22/5

 

Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong những tháng gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc, khi Bắc Kinh ngày càng có những hành động khẳng định quyết đoán trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng.

 

Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được hộ tống bởi lực lượng tuần duyên và gần chục tàu thuyền ngày 10/5 đi vào một lô dầu khí đang được vận hành bởi các công ty nhà nước của Nga và Việt Nam.

 

Trước đó, vào tháng Ba, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền từ tổ chức phi chính phủ South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI), tức Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến thẳng tới các lô thăm dò dầu khí do các công ty Nga điều hành hoặc sở hữu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 40 lần kể từ tháng 12/2022.

 

Biển Đông: VN theo sát tàu TQ gần mỏ dầu do Nga khai thác trong EEZ

Cho tàu tiến gần giàn khoan Nga - Việt, Trung Quốc tăng rủi ro xung đột

 

Tuy nhiên, tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Đảng "Nước Nga Thống nhất" có ngôn từ khá chung chung và ưu tiên cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

 

Chỉ có hai lần từ "an ninh" được đề cập, như hai bên nhất trí hợp tác nhằm "củng cố an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương", hai nước sẽ cùng "ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống".

 

Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng nhận định chuyến thăm của ông Medvedev chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Nga với Việt Nam, hơn là ưu tiên cho các vấn đề an ninh như Ukraine hay Biển Đông. Do đó, những vấn đề "nóng" và "nhạy cảm" như chiến tranh Ukraine hay Biển Đông đều không được đề cập.

 

"Khi Việt Nam đang cố gắng duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc và Nga thì việc đưa tin về các hoạt động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông có thể tạo áp lực vô hình lên phía Nga. Nga hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, song vào năm ngoái, lãnh đạo Nga và Trung Quốc cũng đã tuyên bố mối quan hệ Nga-Trung là "không giới hạn" và cam kết ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế. Hơn nữa, vào thời điểm này, với Hà Nội, buộc Nga phải ủng hộ Việt Nam và lên án Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không phải là lựa chọn khôn ngoan", ông Tâm Sáng cho biết.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải thì chuyến thăm của ông Medvedev diễn ra 10 ngày sau hành động của phía Trung Quốc trên Biển Đông gần các lô dầu khí do các tập đoàn nhà nước của Nga và Việt Nam vận hành, nên chuyến thăm "không mang ý nghĩa" biểu tượng về sự ủng hộ của Nga với Việt Nam, hay phản ứng của Nga với hành động của Trung Quốc.

 

"Theo nhận định của tôi, dù Nga đang phụ thuộc vào Trung Quốc vì cuộc chiến ở Ukraine, nhưng Nga cũng không dễ để Trung Quốc xỏ mũi trong mọi vấn đề. Cuộc chiến do Nga phát động thì cũng sẽ do Nga chấm dứt. Ý tôi là việc làm lành với phương Tây vẫn nằm trong tay Nga, chứ không phải do Trung Quốc quyết định, và các nước phương Tây đã nói sẵn sàng quan hệ bình thường lại với Nga nếu Nga chấm dứt chiến tranh và rút quân khỏi Ukraine."

 

"Vì thế, nếu Trung Quốc làm gì đó quá với Nga, thì Nga vẫn có thể phản ứng lại với Trung Quốc. Nga là một nước lớn, một cường quốc, chứ không phải là một nước nhỏ. Có thể Nga sẽ không phản ứng gì nếu Trung Quốc đụng đến lô dầu khí không liên quan đến lợi ích của Nga, nhưng đụng đến nơi có lợi ích của Nga, tôi nghĩ Nga không đơn thuần là im lặng làm ngơ. Hơn nữa, Nga vẫn cần Việt Nam để có vị trí ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á và ngay bên sườn của Trung Quốc", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nói.

 

Biển Đông: VN theo sát tàu TQ gần mỏ dầu do Nga khai thác trong EEZ

Cho tàu tiến gần giàn khoan Nga - Việt, Trung Quốc tăng rủi ro xung đột

 

 

'Dĩ bất biến ứng vạn biến'

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/10da/live/6dd2f2e0-f94e-11ed-92cc-b3a9bf1f67e9.jpg

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G7 mở rộng vào ngày 21/5

 

Nói về nền ngoại giao cây tre, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đề cập đặc tính "mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường".

 

Báo chí Việt Nam đã gỡ bỏ ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Tổng thống Volodymyr Zelensky, thay vào đó chỉ là hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Đây là một động thái được giới quan sát cho rằng Việt Nam đang không muốn làm mất lòng Nga.

 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, trong bối cảnh ông Medvedev đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam, việc để hình bắt tay giữa ông Chính và ông Zelensky sẽ là tạo ấn tượng không hay về phương diện ngoại giao.

 

"Khi Nga đang cố gắng giảm áp lực từ phương Tây bằng cách thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác năng lượng với Việt Nam thì Hà Nội sẽ được lợi nếu nắm bắt tốt thời cơ này. Việc làm nổi bật sự gần gũi giữa ông Chính và ông Zelensky, dù chỉ qua cái bắt tay trong cuộc gặp bên lề G7, cũng sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến quan hệ Việt-Nga. Tóm lại, Hà Nội vẫn xem trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Moscow và ưu tiên cho lợi ích dài hạn", ông Huỳnh Tâm Sáng nói.

 

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng Việt Nam đang "phân vân đứng giữa hai dòng nước, chọn lấy một dòng hay để nước trôi" vì nguồn vũ khí đang phụ thuộc rất nặng nề vào phía Nga, đến hơn 60%.

 

"Nếu làm phật ý Nga thì Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việt Nam rất khó tiếp cận với nguồn vũ khí tiên tiến của Mỹ, Phương Tây cho dù là của Israel. Việt Nam không thể tách rời Moscow để đi theo Washington, Bắc Kinh, Tokyo... mà phải chọn một vị trí thuận lợi nhất trong điều kiện của mình."

 

"Chính sách ngoại giao của Việt Nam hiện nay theo tôi không phải là ngoại giao cây tre, mà phải nói chiến lược ngoại giao là 'dĩ bất biến ứng vạn biến'. Mỹ và Phương Tây muốn Việt Nam có một thái độ dứt khoát, rõ ràng trong vấn đề đối với Trung Quốc và Nga. Nhưng nếu Việt Nam chọn bên thì ai sẽ bảo vệ cho Việt Nam trong mối quan hệ đan xen giữa các cường quốc?", ông Kim Phúc nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/bb85/live/12680eb0-f951-11ed-92cc-b3a9bf1f67e9.jpg

Chủ tịch Đảng 'Nước Nga Thống nhất', Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev gặp Chủ tịch nước Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng hôm 22/5

 

Nền ngoại giao cân bằng của Việt Nam được các chuyên gia nhận định với BBC là nền ngoại giao vì lợi ích quốc gia dân tộc nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải bình luận, "Tôi cho rằng, Việt Nam là một nước nhỏ và sự ảnh hưởng chưa nhiều, nên cách tiếp cận ngoại giao cân bằng là phù hợp. Ngay từ đầu, tôi vẫn cho rằng Việt Nam đã thể hiện sự không hài lòng với hành động chiến tranh của Nga, nhưng ở vị thế của Việt Nam, Việt Nam cũng không thể làm gì hơn nhất là khi Việt Nam còn phụ thuộc Nga về nhiều thứ. Vì vậy, Việt Nam vẫn giữ quan hệ bình thường với cả Nga và Ukraine là như vậy. Cuộc gặp ngắn của Thủ tướng Việt Nam với Tổng thống Ukraine ở Nhật Bản là một minh chứng cho quan hệ bình thường đó."

 

Một điểm đáng chú ý khác trong tuyên bố từ hãng thông tấn Tass của Nga là phía Nga hy vọng Việt Nam sẽ tham gia "Forum of Campaigners Against Modern Practices of Neocolonialism", một diễn đàn chống chủ nghĩa thực dân mới do Nga đề xuất và ông Medvedev đã trực tiếp chủ trì một sự kiện nhằm thúc đẩy việc thành lập diễn đàn này.

 

"Còn quá sớm để nói Việt Nam có đồng ý tham gia diễn đàn này hay không, và tham gia với tư cách gì. Việc tham gia nó còn phụ thuộc vào phía Nga định nghĩa thế nào là "chủ nghĩa thực dân mới" (Neocolonism) và "hành vi của chủ nghĩa thực dân mới hiện đại" là gì."

 

"Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc trong đó còn có quan hệ chiến lược và mang bản chất chiến lược với cả năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An bao gồm cả Mỹ, Nga và Trung Quốc. Vì thế, nếu diễn đàn này lập ra để chống lại bên này hay bên kia, tôi cho rằng Việt Nam sẽ cân nhắc rất kỹ và sẽ không đơn giản là đồng ý tham gia. Việt Nam đã nói rõ là không chọn phe, và không theo bên này để chống bên kia", Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nhận định.

 

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam 'chọn phe'

 

Dmitry Medvedev tới HN thảo luận với lãnh đạo VN về Ukraine và kinh tế

 

----------------

TIN LIÊN QUAN

 

Dmitry Medvedev tới HN thảo luận với lãnh đạo VN về Ukraine và kinh tế

22 tháng 5 năm 2023

.

Các lãnh đạo G7 phát đi tín hiệu sẵn sàng hậu thuẫn Ukraine trong dài hạn

21 tháng 5 năm 2023

.

'Vị thế Việt Nam' qua lần tham dự Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản

21 tháng 5 năm 2023

.

Các lãnh đạo G7 phát đi tín hiệu sẵn sàng hậu thuẫn Ukraine trong dài hạn

21 tháng 5 năm 2023

.

Các thành viên G7 chọn thế đứng phản đối Trung Quốc 'cưỡng ép kinh tế'

22 tháng 5 năm 2023






No comments:

Post a Comment

View My Stats