Thursday, 4 May 2023

TƯƠNG QUAN GIỮA HIẾN PHÁP và LUẬT PHÁP TRONG MỘT CHẾ ĐỘ PHÁP TRỊ NGHIÊM CHỈNH (Đào Tăng Dực)

 



Tương quan giữa Hiến pháp và luật pháp trong một chế độ pháp trị nghiêm chỉnh

Đào Tăng Dực

03/05/2023

https://baotiengdan.com/2023/05/03/tuong-quan-giua-hien-phap-va-luat-phap-trong-mot-che-do-phap-tri-nghiem-chinh/

 

I. Trong bài bình luận trước đây, tôi có nhận định rằng sự vắng bóng của “một định chế tối cao độc lập hầu phán xét về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật của lập pháp hay một tác động của hành pháp” là một khuyết điểm then chốt trong bản Hiến Pháp 2013. Hôm nay tôi xin trình bày về một khuyết điểm then chốt nữa trong bản Hiến pháp 2013 của CSVN.

 

Thật vậy, một nguyên tắc nền tảng của luật Hiến pháp là: mọi sắc luật của Hiến pháp phải tuân thủ khắc khe Hiến pháp và không được vi hiến bằng cách xóa bỏ một nhân quyền hay dân quyền khắc ghi trong hiến pháp đó.

 

Đây chính là nguyên tắc CSVN thường xuyên vi phạm và cũng là khuyết điểm then chốt thứ nhì của Hiến pháp 2013. Thủ thuật đơn giản là CSVN áp dụng mọi mánh khóe dung túng cho Quốc Hội bù nhìn ra những sắc luật vi hiến ngang nhiên, và chính quyền, qua guồng máy cai trị và công an tận trung với đảng, áp đặt các sắc luật này trên nhân dân.

 

Tức dưới chế độ CSVN trên thực tế, luật rừng của Quốc hội CSVN và Điều Lệ của đảng CSVN cao hơn hiếp pháp.

 

II. Như vậy, CSVN sử dụng những thủ thuật nào để đạt được mục đính này?

 

Các thủ thuật của CSVN bao gồm:

 

1. Đánh cắp và bóp méo khái niệm: Hiến pháp 2013 xây dựng trên căn bản đánh cắp khái niệm và bóp méo ý nghĩa của khái niệm “Pháp trị” của các quốc gia dân chủ chân chính tây phương. Khái niệm Pháp Trị (tức rule of law) được đánh cắp nhồi nắn thành Pháp Chế xã hội chủ nghĩa (tức socialist rule of law). Bỡi vì được lồng vào nội dung “xã hội chủ nghĩa” nên đảng viện dẫn nội dung này để không tuân thủ tất cả những quy luật bình thường trong một nền dân chủ pháp trị hầu thực thi một chế độ độc tài đảng trị chuyên chính.

 

2. Sử dụng vô trách nhiệm các khái niệm “Theo quy định của luật” và “do luật định”: Đánh cắp cũng từ các bản Hiến pháp dân chủ khác, Hiến pháp 2013 thường sử dụng các cụm từ “theo quy định của luật” hoặc “do luật định”. Tuy nhiên lại sử dụng một mánh khóe rẻ tiền để lừa gạt nhân dân:

 

– Theo quy định của luật pháp hay do luật định hoàn toàn không có nghĩa là Quốc hội có thể ra luật vô điều kiện. Trái lại các sắc luật của Quốc hội phải nằm trong phạm vi của Hiến pháp và không thể ngang nhiên vi hiến bằng cách tước đi hoặc giới hạn một nhân quyền do Hiến pháp quy định.

 

3. Ngang nhiên bất tuân các mệnh lệnh minh thị của Hiến pháp 2013 mà đảng cảm thấy đe dọa quyền lực độc tôn của mình: CSVN hoàn toàn phớt lờ một khía cạnh trong luật Hiến pháp. Đó là các điều khoản của Hiến pháp còn là những mệnh lệnh Quốc hội phải tuân thủ và hoàn tất theo thời gian hiến định hoặc trong thời gian hợp lý. Phớt lờ “mệnh lệnh” của những điều khoản của Hiến pháp tự nó là một sự vi hiến nghiêm trọng mà không một chính quyền dân chủ hiến định pháp trị và đa nguyên nào dám làm, trừ các chế độ độc tài như CSVN.

 

4. Cố tình áp dụng các sách lược “ngu dân” và “ngu hóa hàng ngũ đảng viên”: Sách lược cố tình không những “ngu dân” mà còn “ngu hóa cả hàng ngũ đảng viên” hầu ngang nhiên vi hiến, thi hành các chính sách độc tài đảng trị với sự đồng thuận của hàng ngũ đảng viên.

 

– Hậu quả là Phần lớn nhân dân và cán bộ không hiểu rằng Hiến pháp không những là: (1) nguồn gốc và khung sườn của mọi luật pháp mà chính Hiến pháp cũng là (2) luật pháp cần phải tuân theo nữa. Nhân dân không cần chờ Quốc Hội CSVN ra luật rồi, mới được hưởng những nhân quyền khắc ghi trong Hiến pháp 2013

 

III. Đảng CSVN làm thế nào để lồng vào Hiến pháp nội dung “xã hội chủ nghĩa” hầu độc tài hóa Hiến pháp 2013?

 

Nội dung “xã hội chủ nghĩa” bàng bạc trong Hiến pháp 2013 nhất là qua các điều sau đây:

 

Điều 4:

 

“1.Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

 

Điều này ngang nhiên vi phạm tất cả mọi quyền tự do dân chủ của những công dân VN và mọi công ước quốc tế về nhân quyền và dân quyền, kể cả những quyền được khắc ghi trong Hiến pháp 2013 qua các điều 14 đến 43.

 

Điều 8:

 

“1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”.

 

Mỉa mai thay, nguyên tắc Tập Trung Dân Chủ của Lê Nin là một nguyên tắc nội bộ của một đảng CS Đệ Tam Quốc Tế Độc Tài, sao có thể hiến định hóa trong một văn kiện cao quý của dân tộc. Điều này hạ thấp thẩm quyền của Hiến pháp như luật tối cao của dân tộc và nâng cấp Điều Lệ đảng CSVN lên tầng cao hơn cả Hiến pháp. Đây là một sỉ nhục quốc thể cho dân tộc VN.

 

IV. Quốc Hội CSVN đã sử dụng các cụm từ “theo quy định của luật” hoặc “do luật định” sai lầm và vi hiến trong những trường hợp nào?

 

Trong trường hợp sau đây:

 

Điều 27 ghi rõ về quyền bầu cử và ứng cử:

 

“Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.

 

Tuy nhiên Luật BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN ngang nhiên tước đi quyền chọn lựa đại biểu qua lá phiếu của mình bằng cách minh thị trao quyền chọn ứng cử viên cho Mặt Trận Tổ Quốc là một ngoại vi và cánh tay nối dài của đảng. Đây là một sắc luật vi hiến trắng trợn nhưng vì không có một tương quan nghiêm chỉnh giữa Hiến pháp và các sắc luật và không có một định chế độc lập, công minh hầu tài phán về tính hợp hiến hay vi hiến của một sắc luật, mà đảng CSVN tác yêu tác quái không giới hạn.

 

Thêm vào các điều tệ hại trên thì CSVN có thói quen phớt lờ mệnh lệnh minh thị của Hiến pháp 2013 mà không ai phản đối vì CSVN cai trị không đối lập và báo chí bị kiểm soát tuyệt đối.

 

Hai trường hợp dưới đây là những vì dụ điển hình:

 

– Luật biểu tình

 

Điều 25

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

 

Lập hội và biểu tình là những nhân quyền trọng yếu. Quốc hội CSVN cứ chần chừ mãi đến hôm nay, cả thập niên vẫn không chịu ra luật, phớt lờ một mệnh lệnh trọng yếu của Hiến pháp.

 

Thêm vào đó, điều 119 ghi rõ:

 

Điều 119

1. “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.

 

2. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.

 

Cho mãi đến hôm nay, Quốc hội CSVN cũng chưa ra luật thành lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp này.

 

V. Nếu như nêu trên, Hiến pháp 2013 tự nó đã là một bộ luật rồi, mà thậm chí còn là bộ luật nền tảng tức cao hơn những sắc luật khác của Quốc hội CSVN nữa, vậy thì những điều gì trong Hiến pháp 2013 đã là những quyền lợi và trách nhiệm nền tảng của công dân VN mà không cần chờ đợi Quốc hội ra luật?

 

Có thể nói vắn tắc là toàn bộ bản Hiến pháp 2013 là một bộ luật nền tảng khổng lồ. Tuy nhiên nhân dân chỉ cần tuân thủ những điều khoản thể hiện tính tuân thủ công bằng và lẽ phải của nhân loại văn minh và vứt vào thùng phân lịch sử những rác rưới dơ bẩn của Pháp chế xã hội chủ nghĩa.

 

Tóm lại, một cách cụ thể tất cả mọi nhân quyền khắc ghi đều có hiệu lực lập tức và nhân dân Việt đều hưởng được những nhân quyền nền tảng này (từ điều 14 đến điều 43 là những quyền được khắc ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các công ước Quốc Tế nhân dân đều được hưởng thụ.

 

Ngược lại, toàn dân đều có quyền phớt lờ và bất tuân mọi thủ thuật cản trở rẻ tiền của CSVN cả trong lẫn ngoài hiến pháp, nhằm giới hạn các nhân quyền căn bản như Điều 4 Hiến pháp, Điều 8 về khái niệm Dân Chủ Tập Trung ngu xuẩn của Lê Nin, khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa” què quặt, khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và tất cả những điều khoản của Hiến pháp 2013 đi ngược với công bằng, lẽ phải và những quy luật nền tảng của một bản hiến pháp dân chủ nghiêm chỉnh.

 

VI. Cuối cùng, đối diện với một chế độ độc tài như thế, công dân Việt Nam gương mẫu phải làm gì?

 

Hiến Pháp 2013 của CSVN mà Nguyễn Phú Trọng xưng tụng là nền tảng tinh thần của đảng và dân tộc thực sự là một âm mưu lừa gạt khổng lồ của đảng CSVN mà ngày hôm nay, với sự bùng nổ của tin học, trở nên một trò lừa gạt rẻ tiền.Chúng ta cần phải liên tục vạch trần âm mưu này trước nhân dân và sau khi độc tài CSVN cáo chung, sẽ cùng nhau xây dựng một bản hiến pháp dân chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên cho dân tộc.










No comments:

Post a Comment

View My Stats