Thursday, 4 May 2023

TRUNG QUỐC CÓ THỂ CỨU VÃN CUỘC CHIẾN CỦA PUTIN Ở UKRAINE NHƯ THẾ NÀO? (Foreign Affairs)

 



Trung Quốc có thể cứu vãn cuộc chiến của Putin ở Ukraine như thế nào?

Liana Fix và Michael Kimmage  -  Foreign Affairs  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

04/05/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/05/04/trung-quoc-co-the-cuu-van-cuoc-chien-cua-putin-o-ukraine-nhu-the-nao/

 

Dưới đây là phân tích về logic—và hậu quả—của việc Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga.

 

Suốt một năm qua, Trung Quốc đã tận dụng tối đa cuộc chiến chống lại Ukraine của Nga, nổi lên như một trong số ít bên được hưởng lợi từ xung đột. Họ tự xưng là một nhà kiến tạo hòa bình trong khi đạt được đòn bẩy đáng kể đối với Nga. Bắc Kinh là người hậu thuẫn rõ ràng và quan trọng nhất của Moscow trong cuộc chiến, cam kết hợp tác “không giới hạn” với Nga ngay trước khi nổ ra xâm lược vào tháng 2/2022 và giúp nền kinh tế thời chiến của Nga tiếp tục tồn tại. Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Moscow vào Trung Quốc đã mang lại lợi nhuận và hữu ích cho Bắc Kinh – và sự phụ thuộc kinh tế này có thể sẽ tiếp tục và ngày càng sâu sắc hơn. Cam kết của Trung Quốc về “sự đa cực” trong địa chính trị đã khuyến khích nhiều quốc gia phương Nam tránh xa chiến tranh, không sẵn lòng tập hợp lại vì chính nghĩa của Ukraine. Sau khi khoa trương về thành tích giúp hòa giải Iran và Ả Rập Saudi, Trung Quốc hiện đang thúc đẩy “kế hoạch hòa bình” cho Ukraine, một đề xuất hoàn toàn phi thực tế, hầu như chỉ phục vụ cho lợi ích của Nga. (Đáng chú ý, kế hoạch này không bao gồm yêu cầu rút quân đội Nga khỏi Ukraine.) Bất kể sai sót của kế hoạch này là gì, nó vẫn cho phép nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện mình là một nhà trung gian ngoại giao và mang lại cho Trung Quốc một vai trò trong giai đoạn tái thiết Ukraine.

 

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những gì họ đã đạt được với tư cách là một người ngoài cuộc, Trung Quốc có thể sẽ không sẵn sàng đứng ngoài cuộc mãi mãi. Một nước Nga bại trận không có lợi cho Trung Quốc. Điện Kremlin là đối tác quan trọng nhất của Bắc Kinh trong việc phản đối trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Bất chấp nhiều khác biệt, Trung Quốc và Nga đã hợp lực để thúc đẩy một trật tự thay thế, với các quy tắc chiến tranh và hòa bình riêng, các trung tâm tài chính riêng, và các thể chế đa phương riêng. “Sẽ có những thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm qua,” Tập Cận Bình tuyên bố vào tháng 4, khi kết thúc chuyến thăm Moscow. “Và chúng tôi đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi này.” Việc Nga bị sỉ nhục ở Ukraine sẽ làm suy yếu luận điệu này, giúp Mỹ có thêm động lực để tập trung năng lượng và nguồn lực của mình vào việc cạnh tranh với Trung Quốc.

 

Để ngăn chặn kết quả đó, Trung Quốc có thể lựa chọn trao cho Nga một chiếc phao cứu trợ vượt xa hỗ trợ kinh tế và tinh thần thông thường, cung cấp cho đối tác của mình viện trợ quân sự sát thương. Họ có thể làm vậy để kéo dài chiến tranh, ngăn chặn một thất bại của Nga, hoặc để đẩy nhanh chiến thắng của Nga. Viện trợ của Trung Quốc có lẽ sẽ là bí mật – được thiết kế để không bị tình báo Mỹ phát hiện. Thật vậy, việc Trung Quốc giao cho Nga những mặt hàng như súng săn, được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, chính là ví dụ về hỗ trợ bí mật. Hoặc sự can dự của Bắc Kinh cũng có thể được công khai. Thông báo công khai về việc chuyển giao vũ khí sẽ báo hiệu một liên minh chính thức với Nga, và việc Trung Quốc tham chiến sẽ mở ra một chương mới trong các vấn đề quốc tế, biến xung đột ở Ukraine thành xung đột toàn cầu thực sự, và biến quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây trở nên thù địch hơn rất nhiều.

 

Mỹ, nước vẫn luôn theo dõi chặt chẽ Trung Quốc, đã mô tả việc cung cấp viện trợ sát thương cho Nga là một lằn ranh đỏ. Washington đã đe dọa sẽ có những hậu quả nghiêm trọng (có thể dưới hình thức trừng phạt kinh tế nặng nề) nếu Bắc Kinh vượt qua ranh giới này. Các quan chức Mỹ nên kiên quyết và nhất quán trong việc cảnh báo các đối tác Trung Quốc về quyết định hành động nguy hiểm. Nhưng họ cũng nên nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị đe dọa bởi lời nói hoặc bởi những lệnh trừng phạt mới từ Mỹ.

 

Ngoài phản ứng của Mỹ, châu Âu cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự can thiệp có hệ thống của Trung Quốc vào cuộc chiến. Bất chấp chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 4, việc Trung Quốc mong muốn tiếp cận nền kinh tế châu Âu vẫn là một đòn bẩy chính cho các quốc gia EU. Ngay cả khi Trung Quốc tin chắc rằng họ không thể hàn gắn quan hệ với một nước Mỹ thù địch, họ vẫn biết rằng mình còn nhiều thứ để mất ở châu Âu. Để thành công, người châu Âu sẽ phải nói rõ với Trung Quốc rằng bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào dành cho Nga cũng dẫn đến một phản ứng thống nhất và gay gắt từ châu Âu. Mỹ và châu Âu nên nhắc nhở Trung Quốc rằng việc họ tham chiến sẽ không làm giảm sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine. Ngược lại, sự gia nhập của Trung Quốc sẽ chỉ thúc đẩy thêm viện trợ từ phương Tây, làm tăng chi phí và rủi ro cho tất cả các bên.

 

.

NHỮNG TOAN TÍNH CỦA TRUNG QUỐC

 

Trung Quốc có ba lợi ích lớn liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Đầu tiên là ngăn chặn sự sụp đổ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin là một tài sản quý giá đối với Trung Quốc. Nước này đóng một vai trò trong sự kình địch kiểu Chiến tranh Lạnh của Trung Quốc với Mỹ. Họ cũng cung cấp năng lượng giá rẻ và thị trường lớn cho Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn Putin bị thay thế bởi một nhà lãnh đạo ít thân thiện hơn, cũng như không muốn chứng kiến Nga rơi vào bất ổn trong nước do thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine. Trường hợp xấu nhất, sự tan rã của nhà nước Nga, có thể gây hỗn loạn ở biên giới Trung Quốc, cản trở khả năng giao thương của Trung Quốc với Trung Á, Nam Kavkaz, và châu Âu. Dù Putin và Tập có thể không đồng ý về cách kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, nhưng chắc chắn họ đồng ý rằng một thất bại rõ ràng của Nga là điều không thể chấp nhận được.

 

Trung Quốc cũng hiểu rằng cuộc chiến ở Ukraine có những hệ lụy đối với trật tự quốc tế. Nếu cuộc chiến kết thúc theo các điều kiện của phương Tây, với chiến thắng rõ ràng của Ukraine, Mỹ sẽ gọi cuộc chiến là một chiến thắng cho trật tự quốc tế, luật lệ, quyền lực, và sự nhạy bén ngoại giao của mình. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào tham vọng của Trung Quốc về một trật tự toàn cầu mới mang đặc sắc Trung Quốc (hoặc Trung-Nga).

 

Nhưng ngược lại, nếu chiến tranh kéo dài và tiếp tục gây ra lạm phát và mất an ninh lương thực trên toàn thế giới, Trung Quốc có thể coi cuộc xung đột là bằng chứng cho sự thất bại của trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Ba mươi năm sống dưới bá quyền của người Mỹ đã dẫn chúng ta đến thời điểm bế tắc này, Trung Quốc có thể lập luận như vậy, đồng thời tự coi mình là một bên liên quan có trách nhiệm trong trật tự quốc tế thay thế của riêng họ. Nói đơn giản, Trung Quốc sẽ vui vẻ kéo dài chiến tranh chừng nào điều đó còn giúp sự chú ý và nguồn lực của Mỹ dồn vào châu Âu, cách xa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Lợi ích thứ ba của Trung Quốc, có thể không hoàn toàn tương thích với lợi ích thứ hai của họ, là giành được lợi ích đáng kể ở Ukraine thời hậu chiến. Bắc Kinh đã sẵn lòng để Nga, Ukraine, và phương Tây kiệt sức trong những đợt giao tranh, nhưng họ muốn có tiếng nói trong tiến trình hòa bình cuối cùng và bối cảnh kinh tế thời hậu chiến của Ukraine. Trung Quốc đã có quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ với Ukraine ngay trước khi chiến tranh nổ ra, và chắc chắn nước này sẽ đóng một vai trò lớn trong quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Dù Kyiv khẳng định rằng những người ủng hộ họ trong cuộc chiến nên là những người hưởng lợi chính từ các cơ hội xuất hiện trong quá trình tái thiết đất nước, Ukraine cuối cùng có thể quay sang Bắc Kinh để nhờ họ gánh vác những nhu cầu tái thiết to lớn. Kế hoạch hòa bình mà Tập đề xuất gần đây với Putin ở Moscow, dù có khập khiễng đến đâu, vẫn là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mong muốn vừa là người hòa giải vừa là người chơi kinh tế ở Ukraine; họ muốn ngồi vào bàn đàm phán để bất cứ khi nào chiến tranh kết thúc, họ có thể hành động vì lợi ích kinh tế của mình. Trung Quốc sẽ làm những gì có thể để giành được chiến thắng trong hòa bình.

 

.

BỆ ĐỠ CHO PUTIN

 

Tầm quan trọng của ba lợi ích trong cuộc chiến đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không thụ động cho phép các sự kiện ở Ukraine diễn ra ngoài ý muốn của mình. Nói một cách tiêu cực, Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn Mỹ thành công ở Ukraine. Nếu cuộc chiến tiếp tục trở nên tồi tệ hơn đối với Nga, Trung Quốc sẽ tìm cách giúp đỡ Putin. Nói một cách tích cực, Trung Quốc sẽ cố gắng lồng ghép cuộc chiến Ukraine vào tầm nhìn của họ về trật tự khu vực và quốc tế. Một mặt, họ sẽ tìm cách mở rộng quan hệ thương mại với Ukraine và các nước láng giềng của Ukraine, mặt khác, họ lại mở rộng phạm vi hành động mà các cường quốc như Nga có thể thực hiện, vi phạm các quy tắc mà Washington đặt ra.

 

Trung Quốc có thể can dự vào cuộc chiến bằng cách đưa ra một quyết định mạo hiểm: cung cấp cho Nga hỗ trợ quân sự sát thương. Hỗ trợ như vậy có thể được cung cấp một cách bí mật. Nếu sự hỗ trợ này không bị phát hiện hoặc nếu nó không bị vạch trần một cách rõ ràng, Trung Quốc vẫn có thể khoác lên chiếc áo hòa giải ở Ukraine. Khi đó, họ có thể tạo ra sự chia rẽ giữa châu Âu và Mỹ – nếu Washington lên án Bắc Kinh vì đã trang bị vũ khí cho nỗ lực chiến tranh của Nga và thực hiện các biện pháp trừng phạt, nhưng châu Âu từ chối làm theo. Các nước châu Âu, lo sợ sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc, cuối cùng có thể bỏ rơi Washington, làm rạn nứt liên minh xuyên Đại Tây Dương trong quá trình này.

Bất cứ sự hỗ trợ bí mật nào mà Trung Quốc cung cấp cho Nga – bao gồm máy bay không người lái, đạn pháo và đạn dược – sẽ không mang lại chiến thắng cho Nga vì lý do đơn giản là Nga không có con đường nào để giành chiến thắng suôn sẻ ở Ukraine. Sự hỗ trợ của Trung Quốc không thể khắc phục những thất bại của giới lãnh đạo quân sự Nga, tinh thần sa sút của quân đội Nga, và tư duy chiến lược nghèo nàn của Điện Kremlin. Tuy nhiên, sự giúp đỡ vật chất từ Trung Quốc có thể giúp kéo dài chiến tranh, mang lại cho Nga những lợi thế chiến thuật trên thực địa và thuyết phục giới tinh hoa Nga đang lo lắng rằng nước họ có thể tiếp tục chiến đấu. Sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ làm tăng mức độ sẵn lòng kéo dài chiến tranh của Nga, bảo vệ Putin khỏi những tổn thương chính trị mà cuộc xâm lược thảm khốc của ông tạo ra.

 

Giả sử Trung Quốc tiến thêm một bước và công khai tham chiến đứng về phía Nga, không cố gắng che giấu việc chuyển giao vũ khí cho Nga. Một động thái quyết liệt như vậy sẽ tượng trưng cho việc Trung Quốc trực tiếp thách thức Mỹ và Châu Âu, gạt sang một bên mọi đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây. Việc Trung Quốc tham chiến sẽ làm rủi ro đối với Mỹ và châu Âu tăng cao khủng khiếp. Một chiến thắng hoàn toàn, hoặc chiến thắng một phần, của Nga đi kèm sự hỗ trợ công khai của Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc trở thành một nhân tố quan trọng trong bối cảnh an ninh châu Âu rộng lớn hơn. Việc Trung Quốc liên kết với Nga sẽ đòi hỏi các cam kết quân sự lớn hơn dành cho Ukraine từ Mỹ và các nước châu Âu vốn đang phải vật lộn với yêu cầu duy trì nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

 

Sự ủng hộ công khai dành cho Nga rõ ràng sẽ đi ngược lại mọi tuyên bố của các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược của mình, nhưng có thể có một logic chiến lược đằng sau bước đi táo bạo đó. Sự tham gia của Trung Quốc vào cuộc chiến có thể được diễn giải là bước đánh lạc hướng sơ bộ trước một kế hoạch xâm lược Đài Loan sau vài tháng hoặc vài năm. Các nguồn lực mà các cường quốc phương Tây buộc phải chuyển giao cho Ukraine là những nguồn lực mà họ không thể ngay lập tức mang đến cho lực lượng phòng thủ Đài Loan. Hành động tham chiến của Trung Quốc về phía Nga sẽ thu hút sự chú ý khỏi Đài Loan và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong kịch bản này, tình hình trên chiến trường ở Ukraine có thể không quan trọng lắm đối với Bắc Kinh. Trung Quốc chỉ đơn giản hy vọng rằng sự tham gia của họ sẽ khiến phương Tây phải trả giá mà họ chẳng phải gửi một người lính nào đến Ukraine. (Phương Tây đã chứng minh rằng tiến trình của cuộc chiến có thể bị ảnh hưởng mà không cần phải có sự tham gia của những người lính mặc quân phục của họ). Tuyên bố hỗ trợ quân sự trực tiếp và lâu dài của Bắc Kinh dành cho Nga, tự bản thân nó, đã có thể làm xoay chuyển tình thế.

 

Nhưng Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với thảm họa. Nga vẫn có khả năng thua cuộc. Cho đến nay, chiến dịch quân sự của họ đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, và ở mọi khía cạnh, Ukraine đều làm tốt hơn mong đợi. Nếu Trung Quốc can dự vào cuộc chiến, thất bại của Nga sẽ có tác động lên những người ủng hộ nước này. Quả thật, chính mối lo này dường như đã thúc đẩy Trung Quốc đứng ngoài cuộc, các quan chức nước này đã đi đến kết luận rằng sự điên rồ và kém cỏi của Putin có lẽ chỉ xứng đáng với sự hỗ trợ mang tính biểu tượng. Đại sứ Trung Quốc tại EU, Phó Thông, gần đây đã giải thích rằng tình bạn “không giới hạn” của Trung Quốc với Nga “không có gì ngoài lời nói.”

 

Trung Quốc cũng có thể mất đi chính thứ mà họ đã đạt được từ chiến tranh, một vị trí đặc quyền trên toàn cầu. Bằng cách hỗ trợ quân sự cho Nga, Trung Quốc sẽ gia nhập hàng ngũ các quốc gia bị bài xích như Iran và Triều Tiên. Họ sẽ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã thù địch với phương Tây và sẽ phải trả giá đắt về kinh tế. Trung Quốc sẽ không có cơ hội thể hiện mình là một nhân tố của hòa bình quốc tế trong một thế giới đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Hỗ trợ của Trung Quốc sẽ không chỉ báo hiệu sự chấp thuận ngầm đối với nhiều cuộc tấn công của Nga vào dân thường mà còn tạo điều kiện cho những tội ác chiến tranh như vậy. Bằng cách giúp tiến hành cuộc chiến chống lại một quốc gia không từng khiêu khích và từng có quan hệ tốt với Trung Quốc, Tập Cận Bình sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và gieo rắc nỗi sợ hãi cho các quốc gia ở xa Ukraine. Trong lúc tìm cách làm suy yếu phương Tây, ông lại khiến một trật tự quốc tế do Trung Quốc lãnh đạo trở nên khó xây dựng hơn nhiều.

 

.

ÁT CHỦ BÀI CỦA CHÂU ÂU

 

Bất kể rủi ro của việc Trung Quốc tham chiến có thể là gì, Tập sẽ không bị thuyết phục về bất cứ điều gì mà bản thân ông không tin về Nga và Ukraine. Luận điệu của phương Tây sẽ không làm Trung Quốc chệch hướng khỏi ba lợi ích cốt lõi của nước này trong cuộc chiến, và Tập nhận thức rõ rằng ông sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nếu vượt qua lằn ranh đỏ của phương Tây bằng cách cung cấp viện trợ sát thương cho Nga. Các quan chức Mỹ và châu Âu vẫn cần đồng thời đưa ra thông điệp này, nhấn mạnh rằng Mỹ và châu Âu sẽ thúc đẩy một phản ứng toàn diện của phương Tây đối với bất kỳ sự tham gia nào của Trung Quốc vào cuộc chiến. Cùng với các đối tác có cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, họ sẽ hợp thành một mặt trận thống nhất.

 

Đặc biệt, người châu Âu phải thông báo với Trung Quốc rằng việc họ phản đối bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí sát thương nào của Trung Quốc cho Nga là lập trường cơ bản của châu Âu, chứ không đơn thuần là việc các chính phủ tuân theo gợi ý từ Mỹ. Cần phải lặp đi lặp lại rằng cuộc chiến ở Ukraine là mang tính sống còn đối với người châu Âu và việc ngăn chặn sự can thiệp của Trung Quốc là lợi ích cơ bản của châu Âu. Bằng cách nhúng tay vào cuộc xung đột, Trung Quốc sẽ mất châu Âu. Về phần mình, các quan chức Mỹ phải cho Bắc Kinh thấy rõ sự kiên định và quyết tâm cứng rắn của Mỹ trong việc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Thể hiện sự dũng cảm và cam kết với chính nghĩa của Ukraine như vậy sẽ khiến Bắc Kinh hiểu rõ hơn những nguy cơ của việc mở rộng chiến tranh.

 

--------------------------

Liana Fix là Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn “Germany’s Role in European Russia Policy: A New German Power?”

 

Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Ban Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

 

Nguồn: 

 

Liana Fix & Michael Kimmage, “How China Could Save Putin’s War in Ukraine,” Foreign Affairs, 26/04/2023

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats