Friday, 12 May 2023

THI ĐUA ĐANG PHÁ NÁT XÃ HỘI (Thái Hạo)

 




Thi đua đang phá nát xã hội   

Thái Hạo

11-5-2023  21:15   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02BRxHUWJGFwX3Y17HicTrnUZNp6tYDF3NbrNyYv8RvCpQpXbkEHAQsHhtW4EgweSBl&id=100059910855657

 

Hãy hình dung, trong một trường học, hiệu trưởng căn cứ vào việc giáo viên nào thu được nhiều tiền “ủng hộ” hơn sẽ được đánh giá cao hơn, cuối năm lấy đó làm tiêu chí xét danh hiệu thi đua – cũng tức là thi đua gắn chặt với quyền lợi của mỗi người về mọi mặt, từ vật chất, thăng tiến, đến cả sự yên ổn, an toàn.

 

Nó sinh ra điều gì? Thay vì ủng hộ là một hình thức tự nguyện, dưới áp lực thi đua nó bị biến dạng thành ép buộc bằng nhiều phương cách. Ủng hộ mà có “chỉ tiêu” và “mức tối thiểu”. Miệng nói “tự nguyện” nhưng em nào không nộp thì bị nhắc khéo cho đến công khai chê trách, mỉa mai, thậm chỉ dùng đến các thủ đoạn bất minh để thu được càng nhiều càng tốt. Nó biến nhà giáo thành người xấu khi nào không hay; phá vỡ tình thầy trò, làm hỏng đi sự kết nối lành mạnh giữa phụ huynh và giáo viên, gây ra những bức xúc ngầm, không còn sự tôn trọng và lòng yêu mến nữa, mà thay vào đó là coi thường, khinh ghét.

 

Đến lượt mình, giữa các giáo viên với nhau cũng nổ ra một cuộc chạy đua ngầm, sinh ra cạnh tranh, tị hiềm, đấu đá, ghen ghét, phá vỡ quan hệ tốt đẹp giữa các đồng nghiệp.

Môi trường giáo dục, đến đây, bị băng hoại.

 

Vì sao mà có cái gọi là thi đua? Một xã hội không lấy tự do cá nhân và khai phóng tinh thần làm nền tảng để phát huy sức sáng tạo, lòng nhân ái và vẻ đẹp tâm hồn một cách tự nhiên thì nó buộc phải thay bằng một phương thức khác: tranh giành. Thi đua thực chất là đặt sự vận động của xã hội trên nền của sự hơn thua giữa các cá nhân chứ không phải ở mục đích tạo ra giá trị bằng việc phát triển năng lực nhiều mặt của con người.

 

Những cái chỉ tiêu như tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh khá, học sinh trung bình, tỉ lệ lên lớp, v.v., đã biến môi trường giáo dục thành một cuộc chạy đua thành tích. Mà thành tích thì có nhiều cách để đạt được, như “chấm thoáng”, cho điểm khống, văn mẫu, mớm đề, nhận xét “tốt cả”… Thành ra, cuối năm học, lớp nào cũng 100% tiến tiến, học sinh giỏi nhiều hơn học sinh khá. Cả lớp được giấy khen nhưng những có em dù học lớp 8 rồi vẫn chưa biết viết!

 

Vẫn là thi đua. Bộ giao chỉ tiêu cho Sở, Sở giao chỉ tiêu cho Phòng, Phòng giao chỉ tiêu Trường, Trường giao chỉ tiêu cho Lớp… Cứ thế, một cuộc đua được khởi động, và tất cả đều phải chạy. Chạy bằng mọi cách có thể. Bảng thành tích long lanh nhưng thực chất thì không bao giờ tương xứng với nó.

 

Chính cách đánh giá, xếp loại hàng năm giữa tỉnh này với tỉnh khác, giữa trường này với trường kia dựa trên các con số được ấn định mang tính thành tích này là nguồn cơn của những giả dối và hư hỏng. Hãy hình dung, vì Sở giáo dục đánh giá năng lực của hiệu trưởng dựa trên số giải học sinh giỏi mỗi năm, mà không ai lại muốn mất ghế cả, thế là hiệu trưởng ép giáo viên dạy ngày dạy đêm, nhồi nhét học sinh như những con gà công nghiệp, và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn để mời giáo sư về luyện thi. Những chuyện “đi đêm” và tiêu cực đủ trò không phải là hiếm mà báo chí đã nhiều lần phanh phui, ngay cả ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

 

Bởi vì thành tích trong thi đua sẽ quyết định “sinh mệnh chính trị” của người đứng đầu nên làm dối, làm láo, cho đến sử dụng các cách thức vô đạo và phạm pháp để đạt được mục đích là chuyện tất yếu sẽ xảy ra.

 

Thi đua, vì thế, không những không kích thích tư duy lành mạnh và óc sáng tạo vô tận cũng như cảm thức đạo đức lành mạnh; mà ngược lại, bật một hệ điều hành khác hẳn: mánh khóe và thủ đoạn.

 

Chính ở đây mà nó [thi đua] phá hủy từng con người, biến họ thành những kẻ xấu từ trong động cơ cho đến việc làm; gây thành những môi trường ngột ngạt, gian dối, tiểu xáo, kèn cựa, đấu đá…, làm mục ruỗng xã hội từ bên trong bởi sự xuống cấp trông thấy mỗi ngày trong nhân tính.

 

Giáo dục chỉ là một minh họa cho tất cả, chứ không phải duy nhất.

 

Một học sinh đến trường là để có cơ hội phát huy tư duy và mỹ cảm, để học được những năng lực thiết thực cho cuộc sống cá nhân của mình, nhưng, lại bị đẩy vào một cuộc chạy đua phi lý với người khác. Dần, các em quên mất mục đích của việc đi học, chỉ còn lại những hiếu thắng hay nỗi sợ hãi bởi hơn thua. Những em có tố chất tốt thì bị biến thành công cụ cho cuộc chạy đua của thầy cô và nhà trường, những em kém hơn thì được tiếp sức bởi đủ các trò gian dối để người lớn đối phó với nhau. Trẻ em bị chính nền giáo dục phá hỏng.

 

Thi đua có nguồn gốc sâu xa trong cách tổ chức và quản lý xã hội. Khi mảnh đất tự do không còn thì phải thiết kế một động cơ khác để xã hội vận động. Ở đó, lòng tham, sự tranh giành, tính hiếu thắng trở thành “nguyên khí”. Và cũng ở đó, mỗi người sẽ vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân. Trong nỗ lực tự vệ bằng thành tích thi đua, họ đồng thời phải tìm cách triệt hạ người khác, hay ít nhất là bước lên đầu nhau mà sống.

 

Trong một bộ khung luật pháp tiến bộ, mỗi người được tự do tuyệt đối để sống với sở thích, đam mê và thiên hướng của mình. Đây chính là lý do vì sao các nước phương Tây lại phát triển không ngừng với đầy rẫy các phát minh, sáng chế, các thành tựu mọi mặt về khoa học, nghệ thuật… Họ không có thi đua, không ai phải thi đua với ai để tồn tại cả. Trong tinh thần thượng tôn pháp luật, họ chỉ cần đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Và ở đó con người được sống thật, nghĩ thật, làm thật, tạo ra giá trị thật. Đến đây, nó thúc đẩy xã hội đi lên bằng cách tạo ra sản phẩm vật chất và các thành tựu văn hóa.

 

Ngược lại, trong một xã hội thi đua, ngoài bản báo cáo thành tích luôn đẹp như mơ, thì tất cả đều nhạt nhòa, xám ngắt, nó hủ bại từ bên trong cho đến ngày cuối cùng để hiện nguyên hình là một đống đổ nát.

 

Thi đua là con đẻ của nỗi sợ hãi tự do.

 

Chừng nào bộ máy với động cơ thi đua chưa được thay bằng con người cá nhân với sự tôn trọng tự do của nó, chừng đó một tương lai về những điều tốt đẹp còn mãi chỉ là mơ ước.

Bình Luận từ Facebook

 

 

.

265 BÌNH LUẬN  

 

Nguyễn Đình Cống

Khổ nỗi, Thi đua do Hồ Chủ tịch phát động từ năm 1948 (nhằm diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm). Mà đã do Hồ Chủ tịch vạch ra thì không ai dám phê phán, Thế rồi chính quyền cộng sản nâng lên thành Luật, xem thi đua là động lực để phát triển xã hội. Đó là một nhận thức nhầm lẫn quá tai hại. Thực tế hiện nay thi đua mang lại lợi ít, hại nhiều, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Thế mà từ trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ không một ai dám mở miệng phê phán những mặt trái của thi đua, không một ai dám đề nghị bỏ thi đua. Vì sao vậy. Phải chăng họ không thấy mặt trái của thi đua, họ không chịu nghe những phản biện, họ không quan tâm ..., hay là họ sợ bị quy kết là phần tử chống đối. Dù cho là không thấy hoặc sợ mà không dám đụng đến một phong trào có nhiều tác hại như thi đua thì chỉ là loại người a dua, có nhân phẩm quá kém.

 

Hớn Chiêu Tuyết Mai

Từ năm 1949 trở đi, VNDCCH nay là CHXHCNVN đã có thơ lột trần bản chất chế độ rồi:
"Chú phỉnh tôi rồi, chính phủ ơi,
Chiến khu năm ấy, chú khiên rồi;
Thi đua chi nữa, thua đi mãi,
Kháng chiến bây giờ khiến chán thôi."






No comments:

Post a Comment

View My Stats