Thursday, 4 May 2023

PHỎNG VẤN TIẾN SĨ NGUYỄN LƯƠNG HẢI KHÔI (Triều Giang / Cali Today News)

 



Phỏng Vấn Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi

Triều Giang

May 3, 2023

https://www.baocalitoday.com/breaking-news/phong-van-tien-si-nguyen-luong-hai-khoi.html

 

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2023/05/40.png

(Hình từ internet và Ts. NLHK cung cấp)

 

“Việt Nam Sử Lược” và Bi Kịch  Của “Lịch Sử Nông Nổi”

Triều Giang

 

LTG: Trong loạt bài “Ai đang viết sử cho chúng ta?,  chúng tôi đã có dịp giới thiệu ba vị Giáo sư, Tiến sĩ, nhà viết sử; Tường Vũ, Alex Thái, và Trần Nữ Anh, lần này chúng tôi hân hạnh giới thiệu tới quý độc giả một khuôn mặt trẻ khác; Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi là một trong 12 tác giả của cuốn sách sử giáo khoa đầu tiên viết về Việt Nam Cộng Hòa, đã đủ tiêu chuẩn để đưa vào các trường Trung và Đại Học Hoa Kỳ để giảng dậy, “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM (1920-1963)” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam (1920-1963).

 

 Là một trong những người đã thành danh tại Việt Nam, Ts. Khôi theo học và lấy bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản và được qua Hoa Kỳ làm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam với Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ tại Đai học Oregon và làm Thư Ký Thường Trực cho Tạp Chí điện tử Nghiên Cứu Việt Mỹ 

 

Với những kiến thức và kinh nghiệm từ nhiều môi trường khác nhau, Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi đem lại sự phong phú và đa dạng vào những công trình và biên soạn của Trung Tâm, hiện đang có trên 60 thành viên với một chương trình dự kiến xuất bản nhiều chục cuốn sách với quyết tâm thổi một luồng gió mới vào những trang sử đặc quánh những sai sót, một chiều, và thiếu nghiên cứu thấu đáo đã và đang được lưu hành trong hơn nửa thế kỷ qua tại Hoa Kỳ.

 

Mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn đầy lý thú đưới đây:

 

Triều Giang: Xin Ts cho biết vài hàng tiểu sử.

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Xin cảm ơn Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ gốc Việt đã phỏng vấn. Tôi nghĩ mình không xứng đáng để được phỏng vấn vì không có thành tựu gì nổi bật. Tôi sinh ra ở Việt Nam, học đại học ngành văn học và ngôn ngữ, cao học về lý thuyết văn học và tiến sỹ về mỹ học (Aesthetics) ở Nhật Bản. Sau đó tôi đến Mỹ và làm nghiên cứu viên cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại và kinh tế chính trị đương đại. Tôi cũng làm “Managing editor” cho Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ của Trung tâm. Ngoài việc nghiên cứu và phụ trách Tạp chí, tôi cũng cộng tác với một số tờ báo. 

 

Vì sao sinh viên miền Bắc không thích môn sử?

 

Triều Giang: Sinh ra, và sống tại Việt Nam cho tới khi thành danh và sau đó sang Nhật để hoàn thành bằng Tiến sĩ, rồi sang Hoa Kỳ làm việc, xin tiến sĩ chia sẻ những vấn đề sau đây;  trong nhà trường XHCN Việt Nam?

a.     Ts đã được học lịch sử ra sao tại VN? Các bạn học của Ts đón nhận những bài học lịch sử một chiều tại VN ra sao? Chúng tôi có nghe nói phần đông các sinh viên tránh học môn sử? Sự thật ra sao?

b.     Khi nào và trong trường hợp nào Ts hiểu được sử dạy tại nhà trường XHCN VN mang tính cách tuyên truyền hơn là sự thật?

c.      Khi sang Nhật để học và trình luận án, Tiến sĩ xin Ts cho biết Đại học Nhật có dạy về lịch sử VN và đặc biệt về chiến tranh VN hay không? Quan điểm họ ra sao?

d.     Khi sang Hoa Kỳ, Ts nhận xét ra sao về lịch sử Việt Nam và Người Mỹ Gốc Việt đã và đang giảng dạy tại Hoa Kỳ?

 

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Tôi xin trả lời từng điểm trong câu hỏi như sau. 

 

a.               Môn sử trong nhà trường ở Việt Nam là một môn học được dạy theo kiểu truyền thống giáo dục từ thời Nho giáo, tức là thầy đọc trò chép, thầy nói trò nghe. Ở đó sẽ chỉ có câu hỏi để kiểm tra khả năng ghi nhớ của người học chứ không phải để người học tư duy, phán đoán, phân tích về một câu chuyện đã xảy ra. 

Đúng là ở Việt Nam phần đông học sinh phổ thông không thích học môn sử. Tôi nghĩ phần đông học sinh không thích học sử không phải vì nó dạy một chiều. Ở tuổi của các em, các em chưa đủ khả năng để nhận ra vấn đề dạy sử một chiều hay đa chiều. Các em chán sử một phần vì môn này không có tác dụng nhiều tới nghề nghiệp tương lai, một phần vì cách dạy và học của môn này quá chán, như tôi nói ở trên, đọc chép, học thuộc lòng. Vấn đề “dạy sử một chiều” là việc khác. Dạy “đa chiều” mà dạy kiểu “đọc chép” thì các em cũng chán thôi.

Vấn đề lịch sử đa chiều lại gắn liền với cách dạy và học nhắm đến mục đích rèn luyện tư duy phân tích, khoa học, rèn luyện năng lực phán đoán logic. Nếu dạy học sinh phương pháp tư duy khoa học, sưu tập bằng chứng lịch sử một cách đầy đủ rồi phân tích chúng để rút ra các kết luận về lịch sử, thay vì đọc cho các em chép những bài đã được viết sẵn, thì tất yếu dẫn đến cách nhìn đa chiều về lịch sử. Bởi vì thực tế cuộc sống, thời nay cũng như mọi thời, vốn tự thân nó đa dạng, đa nguyên, phức tạp, hỗn độn, không thể quy vào những công thức đơn giản theo kiểu bên này tốt, bên kia xấu, bên này thiện, bên kia ác. 

Gần đây, Bộ Giáo dục Việt Nam công bố chương trình khung môn lịch sử, trong đó có nói đến giáo dục “tư duy sử học”. Giáo dục “tư duy sử học” là con đường đúng, tương tự như các nước tiên tiến đã làm hàng trăm năm nay. Nhưng một khi học sinh đã có “tư duy sử học”, họ sẽ phân tích bản thân bài học chứ không học thuộc lòng chúng nữa. Vì vậy tôi không nghĩ mục tiêu giáo dục “tư duy sử học” ấy sẽ thành công. 

 

b. Tôi không nhớ chính xác thời điểm. Đúng hơn nó là một quá trình. Thời học sinh, tôi cũng giống mọi đứa trẻ khác là học thuộc lòng các bài học, trong đó có các bài lịch sử. Nếu lớn lên không làm nghiên cứu thì sẽ vẫn nhớ lịch sử theo những bài học đó dù không quan tâm đến chúng. Nhưng tôi lại làm nghiên cứu, mà nghiên cứu thì buộc phải làm mấy việc cơ bản như tôi nói ở trên: sưu tầm tư liệu, khảo cứu tư liệu, phân tích khách quan. 

Tôi nghĩ bất kỳ ai ở Việt Nam, nếu làm công việc nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học thì cũng đều thoát khỏi bộ khung lịch sử một chiều trong nhà trường. 

 

C. Tôi thấy Nhật Bản và Hoa Kỳ cho đến gần đây vẫn dạy về lịch sử Việt Nam tương tự như ở Việt Nam. Họ chịu ảnh hưởng của cách kể chuyện của Viện Sử học ở Hà Nội từ những thập niên 1960s trở đi. Tất nhiên, Nhật và Hoa Kỳ khác Việt Nam ở chỗ họ có tự do học thuật. Vì vậy, giữa những người nghiên cứu có tranh luận với nhau. Họ không có một quan điểm chính thống, duy nhất về lịch sử. Họ có thể đào sâu từng hướng nghiên cứu đến mức phát triển thành từng “trường phái”. Vì vậy họ không ngăn cấm những nghiên cứu đưa đến kết quả khảo sát khác với quan điểm “chính thống”. Họ có khả năng thay đổi. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, có rất nhiều thành tựu nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại đưa ra những tri thức mới, khác biệt với cách nhìn trước đây.

 

 

Giáo dục lịch sử miền Bắc và miền Nam khác nhau ra sao?

 

Triều Giang: “Hình thức giảng dạy môn sử của miền bắc qua lời giải thích của TS. không khác mấy với cách thức giảng dạy tại miền Nam tức là dạy học từ chương; thầy cho bài và học sinh học thuộc lòng và trả bài tốt là được. Tất nhiên cũng có những thầy cô có sáng kiến cho học trò hội thảo và cho ý kiến và họ được phép làm việc này cho môn học thêm hấp dẫn. Nhưng ở đây chúng tôi muốn tìm hiểu về nội dung của các bài sử của miền Bắc mang tính cách “Sợi chỉ đỏ xuyên suốt” tức là lịch sử cũng như những sinh hoạt văn hóa khác phải phục vụ cho đảng, cho cuộc chiến tranh Bắc Nam mà đảng chủ trương. Trong hoàn cảnh này thì nội dung của lịch sử được giảng dạy ra sao và điều này có ảnh hưởng gì đối với học sinh, sinh viên không?

 

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Theo tôi hiểu thì câu hỏi này hỏi về lịch sử của “giáo dục lịch sử” và các sinh hoạt văn hóa khác thời chiến tranh Việt Nam. Thời chiến tranh Việt Nam, khi đất nước bị chia làm 2 miền, giáo dục lịch sử và đời sống văn hóa của 2 miền hoàn toàn khác nhau. 

 

Miền Bắc sử dụng giáo dục, trong đó có giáo dục lịch sử, như một công cụ tuyên truyền để thống nhất tuyệt đối về tư tưởng. Các quan điểm khác biệt với quan điểm chính thống sẽ bị phê phán và cấm đoán. Đơn cử, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim không được xuất bản ở Miền Bắc từ 1954 và cả Việt Nam từ 1975 cho đến đầu thập niên 1990s. Năm 1964, khi ở Miền Nam, GS Nguyễn Phương xuất bản “Phương pháp sử học” thì Viện Sử học ở Hà Nội có bài phê phán là chỉ lặp lại những luận điệu “vô sỉ” của Trần Trọng Kim trong “Việt Nam sử lược”, nhưng chỉ lăng mạ như vậy chứ không giải thích “vô sỉ” là gì và như thế nào. Thực ra, ở Miền Bắc đương thời vẫn có tranh luận sử học, nhưng họ chỉ tranh luận những câu chuyện không “nhạy cảm” với chính trị thời đó. 

 

Giáo dục lịch sử ở Miền Nam đương thời thì khác. Miền Nam không đặt ra một câu chuyện lịch sử “chính thống” để bắt nền giáo dục phải đi theo. Không có quan điểm chính thống nên cũng không có kiểm duyệt. Các nhà nghiên cứu được tự do học thuật. Đơn cử, đó là thời kì Việt Nam Cộng Hòa chống lại Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim được dùng trong nhà trường phổ thông và họ vẫn dùng bản in năm 1949 chứ không dùng bản đầu tiên năm 1920. Bản in năm 1949 là bản in mà Trần Trọng Kim đã bổ sung một số sự kiện sau 1920, trong đó có đoạn ca ngợi Đảng Cộng sản Đông Dương đánh Tây. Tức là họ không quan tâm kiểm duyệt những gì có lợi cho phía đối địch. Điều này được dạy trong nhà trường phổ thông của VNCH suốt 20 năm chiến tranh đó. 

 

Các sinh hoạt văn hóa khác cũng vậy. Đương thời, VNCH cũng có kiểm duyệt, nhưng mức độ kiểm duyệt không tuyệt đối như VNDCCH. Đặc biệt, sau khi có Hiến pháp 1967 thì VNCH có thể chế tam quyền phân lập, thành ra những hoạt động cấm đoán của bên hành pháp thường bị các nhánh quyền lực khác hạn chế đi. Chẳng hạn cuối năm 1971, nhà văn Ngô Thế Vinh xuất bản bút kí “Mặt trận ở Sài Gòn”, nói về những ưu tư của người lính VNCH trước thời cuộc, đại ý: người lính thì chiến đấu nơi chiến trường bão lửa, còn Sài Gòn thì sống một cuộc sống sa hoa như không biết gì đến chiến tranh. Bộ Nội vụ VNCH đã kiện tác giả ra tòa vì tác phẩm làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần chiến sỹ. Ở đây có 2 vấn đề: Chính quyền đã kiện tác giả ra tòa dân sự để tòa quyết định chứ không tự tiện truy tố hình sự. Tòa Sơ thẩm Sài Gòn đương thời kết án tác giả nhưng hình phạt chỉ có tính chất tượng trưng là nộp phạt 1 đồng. Tác giả không bị ảnh hưởng gì khác. Điều đó cho thấy VNCH đương thời cũng kiểm duyệt, nhưng các kiểm duyệt này không theo hướng hình sự hóa, và hình phạt chỉ ở mức tượng trưng (1 đồng). Bản thân tác giả cũng không chấp nhận bản án 1 đồng đó mà kiện lại lên Tòa Thượng Thẩm. Tóm lại, mức độ hoàn toàn khác với câu chuyện vụ án Nhân văn Giai phẩm trước đó không lâu cũng như toàn bộ đời sống văn hóa của Miền Bắc đương thời.

 

Viên đá đầu tiên cho lịch sử VNCH

 

Triều Giang:Ts là một trong 12 đồng tác giả của sách sử giáo khoa: “Xây Dựng Một Nước Việt Nam Cộng Hòa 1920-1963” vừa được nhà xuất bản Hawaii University Press xuất bản vào cuối năm 2022, Ts đã phụ trách  chương số 3, tựa đề “Trần Trọng Kim và Việt Nam Sử Lược” Ts cho biết:  sử gia Trần Trọng Kim đã viết trên 20 cuốn sách, tựu trung cho 3 thể loại: Lịch sử, Triết, và Giáo khoa Triết, những tác phẩm này ghi chép tư tưởng Cộng Hòa, từ những năm 1920,  làm nền móng,  hình thành và cách  tổ chức chính trị , xã hội của người Việt tự do trước khi chủ nghĩa CS  được ông Hồ chí Minh du nhập vào VN khoảng giữa thập niên 1940 nó đã chiếm ngự trong xã hội miền Nam VN trong suốt thế kỷ 20 và vẫn được lưu truyền trong cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại tới ngày hôm nay. Theo ý kiến của Ts thì vì sao sử gia CSVN, Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới đã không nhắc tới hay chỉ nói qua loa về thể chế quan trọng và là lý do của cuộc chiến tranh Việt Nam? Đây là sự cẩu thả hay là dụng ý?  

 

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Tôi nghĩ câu hỏi này có 3 ý để trả lời. 

 

Về “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim

“Việt Nam sử lược” được xuất bản lần đầu năm 1920. Đó là thời điểm đặc biệt. Nó là một cuốn sách không dễ đọc với độc giả ngày nay, không phải vì nó khó mà vì nó như một dòng sông chuyên chở những trầm tích lịch sử của giai đoạn đầu thế kỷ 20. Độc giả ngày nay nếu không giải mã những trầm tích lịch sử đó thì chỉ thấy ở đó một cuốn sách nhàm chán, có nhiều lỗi. Đây là một cuốn sách có vị trí quan trọng trong lịch sử tri thức (intellectual history) của Việt Nam.

 

Đó là công trình sử học hiện đại đầu tiên của Việt Nam viết bằng tiếng Việt. “Sử học hiện đại” phân biệt với sử học thời phong kiến ở một điểm: Thời phong kiến Việt Nam đã có nhiều bộ sử, nhưng họ chỉ viết về sử của các triều đại. Họ chưa có ý niệm về lịch sử một “quốc gia”, bao trùm và rộng hơn “triều đại chính trị”. Ở Việt Nam, tư duy về lịch sử Việt Nam với tư cách là lịch sử một “quốc gia” chứ không phải lịch sử của các vương triều cầm quyền bắt đầu xuất hiện vào cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 (1900s), với “Việt Nam quốc sử khảo” của Phan Bội Châu (1909), “Gương sử Nam” (1910) của Hoàng Cao Khải, “Việt sử kính” (1914)  của Hoàng Cao Khải. Nhưng những tác phẩm trên viết bằng chữ Hán (trừ “Gương sử Nam” viết bằng chữ quốc ngữ) và không nghiên cứu một cách toàn diện lịch sử Việt Nam mà bàn về các vấn đề lịch sử mà tác giả quan tâm. 

 

Đến “Việt Nam sử lược” (1920) có các đặc điểm sau đây: viết sử quốc gia chứ không viết sử vua chúa, viết bằng tiếng Việt, nghiên cứu toàn diện lịch sử Việt Nam, có một bộ khung lý thuyết để phân tích lịch sử (thuyết tiến hóa xã hội, nhìn lịch sử như quá trình tiến hóa của mỗi dân tộc), đặt ra các vấn đề lịch sử dân tộc để khảo sát.

 

“Việt Nam sử lược” tạo ra lịch sử 

Cuốn sách này quan trọng còn vì một lý do khác. Nó không chỉ nghiên cứu sử, nó góp phần lớn để tạo ra lịch sử Việt Nam hiện đại. Chỉ cần với một việc là viết ra cuốn sách “Việt Nam sử lược” vào năm 1920, Trần Trọng Kim không chỉ là nhà sử học mà còn là một nhân vật lịch sử. Không cần đến khi làm thủ tướng của Chính phủ Đế quốc Việt Nam từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1945 thì ông mới là một nhân vật lịch sử. 

 

Thế hệ trí thức hiện đại đầu tiên của Việt Nam (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Đông Kinh nghĩa thục, Hoàng Cao Khải…) là thế hệ đi tìm nguyên nhân Việt Nam mất nước. Kết luận của họ là Việt Nam mất nước vì đang ở tình trạng bán khai nhưng phải đối đầu với một nước ở trình độ văn minh cao hơn (Pháp) trong khi không đủ khả năng thay đổi bản thân để tiến hóa như Nhật Bản.

 

Đặc điểm của một nước “bán khai,” theo họ, là người dân chỉ có ý thức về vua chúa, triều đình, chưa có ý thức về quốc gia; người dân chỉ có ý thức mình là thần dân của vua, chưa có ý thức mình là công dân của quốc gia; người dân chưa có ý thức về dân quyền, tức quyền của một công dân, chỉ có tâm lý nô lệ đối với quan lại, vua chúa; người dân chưa có nhận thức về quốc sử, quốc ngữ, quốc văn. Những đặc điểm tinh thần này làm cho Việt Nam yếu hèn, không đủ khả năng sống sót trước thử thách thời đại. Để cứu nước thì việc đầu tiên cần làm không phải là đánh Pháp (bất khả thi) mà là nâng cao trình độ tiến hóa của dân tộc, nói như Phan Châu Trinh là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (làm cho dân giỏi về trí tuệ, mạnh về tinh thần, giàu về kinh tế). Đặt mục tiêu phát triển dân tộc lên hàng đầu thì sẽ loại bỏ nhu cầu đánh nhau với Pháp trong thời gian trước mắt, thậm chí phải hợp tác với Pháp ở một vài phạm vi nhất định.

 

Thế hệ “Đông Kinh nghĩa thục” đã bắt tay vào kiến thiết những giá trị mới nhưng bị đàn áp. Mười năm sau, con đường của Phan Châu Trinh mới được phục hồi với các trí thức của Nam Phong Tạp chí (1917) và Hội Khai trí Tiến đức (1919) trong đó Trần Trọng Kim có đóng góp quan trọng. 

 

“Việt Nam sử lược” ra đời năm 1920 là trong bối cảnh đó. Nó không chỉ là “nghiên cứu về sử”, nó tạo ra lịch sử, vì nó là cuốn sách duy nhất thời đó, được dùng làm sách giáo khoa trong nhà trường thời thực dân, đem đến cho thế hệ mới nhận thức về lịch sử Việt Nam như lịch sử một quốc gia. Từ đó, nó góp phần xây dựng tinh thần quốc gia (nationalism, hay “tinh thần dân tộc” như cách dịch ở trong nước) cho thế hệ thập niên 1920s trở đi. 

 

Khảo cứu về lịch sử đấu tranh sinh tồn của dân tộc, nó cũng là cuốn sách đầu tiên nói về Trung Quốc như là mối đe dọa cho sự tiến hóa và sinh tồn của Việt Nam trong lịch sử cũng như trong tương lai. Chúng ta không thể tìm thấy một nhận thức tương tự như vậy về Trung Quốc trước “Việt Nam sử lược” năm 1920. Còn sau “Việt Nam sử lược”, đối với hầu hết người Việt Nam, dù theo xu hướng chính trị nào, Cộng sản hay Cộng hòa, dù thích hay ghét Trần Trọng Kim, thì nhận thức đó đã trở thành hiển nhiên, cho đến tận ngày nay. 

 

Nó cũng trả lời câu hỏi “Phải làm gì?” của thế hệ 1920s đó. Điều phải làm là học tập, để làm cho quốc dân tiến hóa thành một cộng đồng hùng mạnh, đủ khả năng để làm chủ một quốc gia độc lập trong tương lai. 

 

“Việt Nam sử lược” thời Việt Nam Cộng Hòa 

Tiếp tục truyền thống từ thập niên 1920s, VNCH sử dụng “Việt Nam sử lược” làm sách giáo khoa cho học sinh. Tinh thần cộng hòa trong “Việt Nam sử lược” tiếp tục được duy trì trong nền giáo dục Miền Nam Việt Nam cho đến 1975 và theo cộng đồng tị nạn tới Hoa Kỳ. 

 

Năm 1954 là thời điểm có hai ngã rẽ đối với lịch sử tiếp nhận “Việt Nam sử lược”. Năm 1954, ở Miền Bắc, Trần Huy Liệu phê phán cuốn sách này là “phản động” và đưa ra một mô hình nhận thức lịch sử khác. Không có một văn bản cấm cuốn sách, nhưng trong bối cảnh chính trị ở Miền Bắc thời đó thì không ai dám đọc nó nữa. Khoảng hơn 10 năm trước, một nhà nghiên cứu từng kể trên tạp chí “Xưa và Nay” trong nước về câu chuyện vào cuối thập niên 1950s, thầy ông là GS. Trần Quốc Vượng đã lén lút đem sách này dạy cho ông. Cuốn sách chỉ được tái bản ở Việt Nam từ năm 1991 với hai phần bị kiểm duyệt (Tôi không rõ những bản gần đây có kiểm duyệt không.)

 

Mô hình lịch sử thay thế cho “Việt Nam sử lược” mà Trần Huy Liệu đưa ra là: Trong quá khứ, dân tộc ta đã trở thành một dân tộc tốt đẹp, có đủ các phẩm chất sáng tạo, anh hùng. Thời nay, Đảng Lao động Việt Nam kế thừa tất cả những truyền thống đó. Nước ta lại tiến lên CNXH thì coi như thời đại hoàng kim của dân tộc đã đến. Nói chung, với cách nhận thức lịch sử này, nhu cầu “phát triển dân tộc”, làm cho dân tộc tiến hóa lên một nấc thang cao hơn đã không còn. Khác với Miền Bắc, ở Miền Nam đương thời, với việc duy trì “Việt Nam sử lược” trong nhà trường, nhận thức về nhu cầu “phát triển dân tộc” lên một nấc thang tiến hóa cao hơn vẫn tiếp tục được tiếp nối. 

 

Tất nhiên, “Việt Nam sử lược” vẫn tiếp tục ảnh hưởng ở Miền Bắc sau 1954 bất kể nó không còn được tái bản. Trần Huy Liệu mặc dù phê phán sách này là “phản động”, mấy năm sau đó, khi viết lịch sử cận đại, ông ấy vẫn phải trích dẫn “Việt Nam sử lược”, dù có chỗ thì ghi nguồn, có chỗ không ghi. Cách nhìn về lịch sử dân tộc như là quá trình tiến hóa từ bán khai lên văn minh, rồi từ đó nhận thức về nhu cầu phát triển dân tộc trong hiện tại, từ khi tác phẩm “Việt Nam sử lược” được xuất bản đến nay, luôn luôn còn đó, cho dù bối cảnh chính trị xã hội có khác đi. Kể từ khi Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường (1986) và “hội nhập với thế giới”, cách nhìn này càng sống lại mạnh mẽ ở chỗ này chỗ kia, bất kể người ta có đọc “Việt Nam sử lược” hay không.

 

Cần thể chế dân chủ đủ trưởng thành để bảo vệ tự do học thuật

Cách kể chuyện lịch sử ở Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nơi khác 

 

Về những thiếu sót trong nhận thức về lịch sử thì chúng ta phải hiểu rằng ở mọi nơi, mọi thời, chúng ta đều thiếu sót trong nhận thức ở mọi lĩnh vực, mọi vấn đề, chứ không chỉ đối với một câu chuyện lịch sử cụ thể. 

 

Vấn đề là cần có tự do học thuật. Ví dụ như Hàn Quốc có chuyện kể về phụ nữ “giải khuây” phục vụ cho lính Nhật thời thế chiến II. Hơn chục năm trước, có một nữ học giả Hàn Quốc ở Đại học Quốc gia Seoul thực hiện một loạt những cuộc phỏng vấn với khoảng sáu trăm phụ nữ “giải khuây” còn sống đến thời điểm đó. Bà nhận được một bức tranh rất khác với lịch sử được chính phủ Hàn Quốc tuyên truyền. Chính quyền muốn cấm cuốn sách của bà, nên kiện bà ra tòa vì tội phỉ báng dân tộc. Nhưng tòa án Hàn Quốc thì độc lập với chính quyền, quan tòa của họ cũng đủ năng lực để thẩm định phương pháp làm việc của một công trình sử học. Tòa án tuyên nữ học giả vô tội. Cuộc tranh luận về lịch sử “phụ nữ giải khuây” vẫn tiếp tục chứ không bị bóp chết. Có một thể chế dân chủ đủ trưởng thành để bảo vệ tự do học thuật như vậy thì sẽ giúp giải thoát mỗi người khỏi những màn sương che mờ nhận thức cả về lịch sử lẫn thực tại ngày nay. 

 

Sử gia, nhà sử học, và “sử da” khác nhau ra sao?

 

Triều Giang: Sự thiếu sót này theo ông, nó ảnh hưởng ra sao tới hàng trăm sử gia và tác giả sách báo, phim ảnh với hàng ngàn sản phẩm vẫn như những kẻ mù sờ voi về nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam?

 

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

 Tôi không khảo sát nên không rõ về sự ảnh hưởng này, nếu có. Nhân đây, tôi nghĩ tiếng Việt có khái niệm “sử gia” rất hay. Nó cao hơn khái niệm “nhà sử học”, và khái niệm “nhà sử học” thì cao hơn “người nghiên cứu sử” một bậc. “Sử gia” thường chỉ một người đóng vai trò là một cột mốc phát triển nào đó trong sử học, và thậm chí bản thân họ là nhân vật lịch sử. Trần Trọng Kim là một người như vậy. Còn “nhà sử học” là người có những thành tựu nghiên cứu nổi bật ở một giai đoạn nhất định và có uy tín trong cộng đồng nghiên cứu sử. Còn bất kỳ ai chuyên tâm nghiên cứu sử và có một đóng góp nào đó dù nhỏ thì đều là “người nghiên cứu sử” cả. Vì vậy, với những “sử gia” phát biểu về lịch sử bằng cách “copy and paste” sách vở của người khác mà không có khả năng phân tích những gì mình đọc thì chỉ nên gọi là “sử da” thôi.  

 

Văn học”Tống Nho của thế kỷ 20 của Việt Nam hiện tại

 

Triều Giang: 

Theo giáo sư thì sách “Xây Dựng Một Nước Việt Nam Cộng Hòa 1920-1963” sẽ tạo được những ảnh hưởng gì? Tại sao?

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Sách mới xuất bản nên tôi không rõ sẽ có ảnh hưởng gì. Nhưng tôi biết chắc chắn nó là một cột mốc quan trọng trong học thuật nghiên cứu về Việt Nam hiện đại. Nó là một trong số không nhiều những cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về tinh thần cộng hòa ở Việt Nam. 

 

Triều Giang: Ts đang làm lại Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ (US-Vietnam Research Center) và làm chủ biên cho the US Vietnam Review published online, Ts có thể cho biết mục đích của sự thành lập, hoạt động  và những đóng góp đáng kể của Trung Tâm?

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ được thành lập nhằm khuếch trương nghiên cứu và giáo dục trong ba lãnh vực: Việt nam đương đại, quan hệ Việt-Mỹ, và cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Cho đến nay dù mới thành lập được vài năm, Trung tâm đã xây dựng được hai tạp chí (tờ tiếng Anh “US Vietnam review” và tờ tiếng Việt “Tạp chí nghiên cứu Việt Mỹ) xuất bản online, xuất bản 6 cuốn sách khảo cứu về Việt Nam, tổ chức 2 hội thảo quốc tế và đang chuẩn bị 2 hội thảo khác. Ngoài ra còn tổ chức rất nhiều các hội thảo nhỏ, trao đổi về các vấn đề Việt Nam. Trung tâm có nhiều chương trình nghiên cứu quan trọng, trong đó nổi bật nhất là xây dựng bộ “database of Vietnamese politics” để phục vụ nghiên cứu.

 

Triều Giang: Ts từng dạy học tại Việt Nam, vì sao Ts chuyển sang ngành sử học và chính trị học? 

 Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Tôi dạy “lý luận văn học” (Literary theory) và “mỹ học” (Aesthetics). Tôi chuyển sang ngành sử học và chính trị học cũng chính vì để phục vụ cho nghiên cứu lý thuyết văn học, mỹ học trước đây. 

Đối với lịch sử Việt Nam hiện đại, giới sử học có một bộ khung phổ biến hơn bảy thập niên nay: Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh với giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập, trong cuộc đấu tranh đó có một bên là anh hùng cứu quốc và bên kia là tay sai của giặc ngoại xâm. Người ta xây dựng những cặp đôi “ái quốc / tay sai” như vậy trong lịch sử: Trần Hưng Đạo / Trần Ích Tắc, Quang Trung / Lê Chiêu Thống, Phan Bội Châu / Hoàng Cao Khải. Nhận thức về những cặp đôi đối lập như vậy trong lịch sử mới chỉ được xây dựng từ thập niên 1950s trở đi. Nó được xây dựng để phục vụ cho mục đích tuyên truyền về một cặp đôi “ái quốc / tay sai” mới của thời kì đó. 

Đến giờ, nhiều học giả quốc tế vẫn đang viết như vậy. Họ chỉ tìm những tư liệu phù hợp với bộ khung lịch sử nói trên để viết sử. Khi gặp những tư liệu không ăn khớp với bộ khung này thì họ bỏ qua, cho là một cái gì đó bên lề lịch sử. 

Bộ khung lịch sử đó được dùng để làm bộ khung cho lịch sử văn học nghệ thuật ở Việt Nam. Văn học nghệ thuật thế kỉ 20 cũng có hai nhánh: một bên là văn học nghệ thuật “phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, văn học yêu nước,” và phần còn lại, nếu không phải là phản quốc, phản nhân dân, thì cũng là những thứ bên lề, không đáng phải quan tâm. 

Tinh thần nghiên cứu ấy thực ra cũng phổ biến trên thế giới, ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu chứ không riêng sử học, và ở nước nào cũng có chứ không riêng Việt Nam. 

Từ giữa thế kỉ 20, có một dòng triết học gọi là “chủ nghĩa hậu hiện đại” (postmodernism). Diễn đạt một cách sơ giản thì nó có một luận điểm rất thú vị về phương pháp luận: Những gì bị coi là thứ yếu, bên lề dòng chảy lịch sử lớn, thực ra cũng quan trọng không kém những gì được cho là nằm ở “trung tâm” của bức tranh. Nếu người nghiên cứu biết nắm lấy những gì bị gạt sang bên lề, họ có thể tìm thấy những chiều khác của lịch sử và thực tại. Rốt cục, cái bị coi là “bên lề” của chiều bên kia lại trở thành trung tâm ở một chiều khác của lịch sử. 

Tôi thấy cách nhìn đó của “chủ nghĩa hậu hiện đại” rất ăn khớp với Việt Nam thế kỷ 20 và Việt Nam ngày nay. Khi đọc lịch sử văn học nghệ thuật Miền Nam Việt Nam trước 1975, tôi thấy nó có những giá trị vượt thời gian, vĩnh cửu, và nó không ăn khớp với bộ khung lịch sử “ái quốc / tay sai” chính thống trong nhà trường. Nó thuộc về một bộ khung lịch sử khác, chưa được phát hiện ra. Tôi nghĩ mình phải đi tìm bộ khung lịch sử ấy để có thể giải thích được toàn diện hơn lịch sử sáng tạo tinh thần của Việt Nam thế kỉ 20 và hiểu nguồn gốc của những hiện tượng chính trị xã hội Việt Nam hôm nay và tương lai gần.  

 

Triều Giang: Ts nghĩ gì về nền giáo dục Việt Nam? Đặc biệt về môn sử nói riêng và các môn nhân văn nói chung? Học sinh và sinh viên khi ra trường có được trang bị đầy đủ để trở thành một con người với nhân cách và với khả năng chuyên môn để đóng góp cho gia đình và xã hội tốt đẹp không?

 

 Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Trần Trọng Kim trong “Việt Nam sử lược” 1920 có khảo sát về lịch sử giáo dục của Việt Nam trong quá khứ và cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam mất nước. Trong khi từ thế kỉ 16, 17 ở phương Tây đã xuất hiện cách mạng công nghiệp thì ở Việt Nam người ta vẫn dạy những tri thức Nho giáo thời Tống Nho, những kiến thức chỉ để đi thi, không thể giúp họ giải quyết các vấn đề thực tại. Cho đến khi ông xuất bản “Việt Nam sử lược” năm 1920, Việt Nam đã mất nước 35 năm (1885 – 1920), Nhật Bản đã phát triển thành đế quốc, thì nền giáo dục đó mới được dẹp bỏ hoàn toàn được 2 năm (1918). 

Ngày nay, thế giới cũng đang thay đổi ở mức độ cách mạng. Và nền giáo dục Việt Nam dù không dạy “Tống Nho” thời Tống nhưng đang dạy “Tống Nho” của thế kỉ 20. Nó cũng đang đứng trước bài toán mà Trần Trọng Kim đặt ra hơn 100 năm trước: chúng ta có thích ứng được với thế giới mới bằng nền giáo dục này hay không. 

 Tất nhiên, nhờ có thị trường nên giáo dục Việt Nam ngày nay rất đa dạng. Có một số trường tư đã kịp thời phát triển và có nguồn lực để đuổi theo những chuyển động mới trên thế giới. Có nhiều nhà giáo nỗ lực mang thế giới mới về cho người học. Có nhiều trường công cũng đang cố làm như vậy bằng những chương trình tiên tiến nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều người ở Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng có một vài nỗ lực nhưng chưa thành công. Những nỗ lực này chỉ mang tính biệt lập. Ít ỏi và phân tán, họ không thể thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam với tư cách là một hệ thống. Nền giáo dục Việt Nam vẫn chưa ở trình độ có thể tự thân tiến hóa và phát triển mà vẫn cần có những nhà lãnh đạo giáo dục giỏi, có khả năng xây dựng những nền tảng cơ bản, tạo điều kiện cho sự phát triển ấy.

 

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2023/05/Screenshot-3.png

Hình trái: Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi thăm hàng không mẫu hạm USS Nimitz. Hình phải: niềm vui với gia đình tại  vùng Hoa Thịnh Đốn. 

 

Sử học tại Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật bản có gì khác nhau?

 

Triều Giang: Ts và gia đình từng sống tại VN, Nhật và Hoa Kỳ, Ts có thể so sánh đời sống xã hội của 3 nơi khác nhau ra sao? 

 

 Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi:

Cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam bây giờ đều rất đa dạng nên khó khái quát mỗi nước vào một đặc điểm nào đó để so sánh sự khác biệt. Nhưng tôi có thể so sánh ở phạm vi tôi tiếp xúc và tìm hiểu. 

Xã hội Hoa Kỳ có một đặc điểm là thách thức người khác về mặt trí tuệ. Ví dụ những tờ báo tiêu biểu của họ luôn triển khai tối đa nỗ lực trí tuệ để làm người đọc cảm thấy mình phải đọc nhiều hơn, phải giỏi hơn nữa. Doanh nghiệp hay giáo dục của họ cũng vậy. Xã hội Nhật thì giống xã hội trong “Đạo đức kinh” của Lão Tử hay Thiền tông, tức là họ khách quan một cách tĩnh lặng, trình bày vấn đề như nó vốn có, né tránh áp đặt cái tâm chủ quan của mình lên cuộc sống. 

Hoa Kỳ và Nhật Bản có hai bản sắc khác biệt căn bản ở điểm đó. Nhưng hai bản sắc khác biệt này lại bổ sung cho nhau, cùng đi đến một kết quả là tạo ra sự phát triển không ngừng, cho nên hai nền văn hóa đó rất cuốn hút lẫn nhau. 

Còn Việt Nam? 

Phan Châu Trinh trong “Tỉnh quốc hồn ca” (1907) và sau đó Trần Trọng Kim trong “Việt Nam sử lược” (1920) có lẽ là những người đầu tiên nói rằng đặc điểm xuyên suốt lịch sử về mặt tinh thần của Việt Nam là cảm tính (từ họ dùng là “nông nổi”). 

Ngày nay sau hơn 100 năm nhìn lại, tôi thấy từ “nông nổi” mà Trần Trọng Kim đúc kết từ lịch sử dân tộc vẫn còn nguyên đó. Chúng ta, dù theo xu hướng nào, vẫn đang coi tình cảm là cơ sở cho hành động, hơn là những điều khác. Điều ấy cũng có đem lại những phát triển ở mặt này mặt kia. Nhưng xét lại cả lịch sử thế kỉ 20 thì thấy nó đem lại những thất bại chiến lược nhiều hơn. Tất nhiên, khi tôi nói ra những điều trên, chính tôi cũng chỉ đang nông nổi thôi.

 

Triều Giang: Chân thành cám ơn Ts về cuộc phỏng vấn đầy lý thú này

 

Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi sẽ là một trong hai Diễn giả tại buổi Hội Thảo Giới thiệu hai cuốn sách sử giáo khoa đầu tiên mà ông là một đồng tác giả, tại Thư Viện Thomas Jefferson tọa lạc tại số 7415 Arlington Blvd. Falls Church, VA. 2042 vào lúc 2:30pm tới 5:30pm.

 

Trân trọng kính mời độc giả tham dự để có thể gặp và trao đổi trực tiếp với Gs. Tường Vũ, chủ biên của hai cuốn sách sử này cùng với Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi là một trong hơn 20 đồng tác giả. Xin xem bích chương dưới đây. Vào cửa tự do.

 

https://www.baocalitoday.com/wp-content/uploads/2023/05/unnamed-1.png

Hội Thảo & Giới Thiệu Sách.   Ngày 6 tháng 5 năm 2023 





No comments:

Post a Comment

View My Stats