Wednesday, 3 May 2023

'CẤM XUẤT CẢNH' - ĐÒN THÙ CỦA CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI (Hiếu Chân / Người Việt)

 



‘Cấm xuất cảnh’ – đòn thù của chế độ độc tài

Hiếu Chân/Người Việt

May 2, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cam-xuat-canh-don-thu-cua-che-do-doc-tai/

 

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng trong nước, vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm xuất cảnh với lý do “an ninh quốc gia.” Ông A không phải là trường hợp đầu tiên hay riêng rẽ mà “cấm xuất cảnh” là một thủ đoạn đàn áp có tính hệ thống của các chế độ độc tài, cho đến nay chưa được quốc tế quan tâm và phản kháng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/BL-Nguyen-Quang-A-1068x724.jpg

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A tại một cuộc biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc hồi năm 2014. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

 

Theo tường thuật của VOA, RFA, ông Nguyễn Quang A bị công an Việt Nam chặn ở phi trường Nội Bài ngày Thứ Hai, 1 Tháng Năm, khi ông sắp lên máy bay sang Bangkok, Thái Lan. Biên bản về việc tạm hoãn xuất cảnh mà công an đưa cho ông A sau hơn 3 tiếng đồng hồ chờ đợi ghi rằng ông bị tạm hoãn xuất cảnh “liên quan đến an ninh theo quy định tại khoản 9 điều 36 luật xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019.”

 

Ông Nguyễn Quang A, 77 tuổi, là một tiến sĩ về điện tử-viễn thông được đào tạo ở Đông Âu. Trở về nước, ông từng là nhà kinh doanh trong lĩnh vực điện toán, ngân hàng, là người dịch sang tiếng Việt nhiều tác phẩm kinh điển Phương Tây về dân chủ, tự do để góp phần khai sáng cho giới trẻ trong nước. Tháng Chín, 2007 ông cùng một số trí thức có tiếng ở Hà Nội lập ra Viện Nghiên Cứu Phát Triển (Institutes of Development Studies – IDS), một tổ chức độc lập, phi vụ lợi chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế xã hội. IDS có thể coi là “think tank” độc lập đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng chỉ sau hai năm, đến Tháng Chín, 2009, IDS phải tuyên bố tự giải thể để phản đối quyết định số 97 của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong đó quy định các tổ chức nghiên cứu khoa học có ý kiến khác với chính sách của đảng thì không được công bố công khai.

 

Tuy không tiếp tục làm nghiên cứu, ông A vẫn tiếp tục viết bài đăng báo, đăng lên mạng Internet và gửi kiến nghị phản biện các chính sách của nhà cầm quyền về khai thác bauxite ở Tây Nguyên, xây nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận, vấn đề quản lý nhà nước đối với nền kinh tế, về nông thôn và nông dân, thậm chí kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp 1992, đổi tên đảng và đổi quốc hiệu… Năm 2013, ông lập ra Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, một diễn đàn mở có mục tiêu “trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.” Những hoạt động đó làm ông trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền.

 

Vụ cấm xuất cảnh hôm 1 Tháng Năm là một đòn chính quyền độc tài sau nhiều lần câu lưu, bắt giữ và triệu tập thẩm vấn ông. Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch – HRW) nhận định tình trạng cấm xuất cảnh tùy tiện tại Việt Nam cho thấy chính quyền đang “trả thù” những người hoạt động nhân quyền và phản biện chính sách.

 

Theo phúc trình của HRW hồi Tháng Hai, 2022, nhà chức trách Việt Nam đã cản trở một cách có hệ thống hơn 170 nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến trong việc đi lại trong nước và quốc tế, bao gồm cả các vụ chặn giữ ở sân bay và cửa khẩu, từ chối cấp sổ thông hành để họ xuất cảnh hay nhập cảnh.

 

Trước đây, ông Võ An Đôn, luật sư nhân quyền, cùng gia đình bị cấm xuất cảnh đi tị nạn chính trị tại Mỹ sau khi họ đã hoàn tất thủ tục lên máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất. Một số linh mục Công Giáo, mục sư Tin Lành cũng bị ngăn cản, không cho xuất cảnh đi tu học hoặc làm việc ở nước ngoài.

 

                                                             ***

Chính sách “cấm xuất cảnh” là một thủ đoạn mà nhà cầm quyền Hà Nội học được từ đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) đàn anh. Theo phúc trình vừa công bố hồi Tháng Tư vừa qua của tổ chức Safeguard Defenders, Trung Quốc đã mở rộng việc sử dụng biện pháp cấm xuất cảnh (exit bans) dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình, coi đó là một trong những công cụ để siết chặt quyền kiểm soát mọi mặt đời sống người dân.

 

“Từ khi ông Tập lên cầm quyền năm 2012, Trung Quốc đã mở rộng quy định pháp lý về cấm xuất cảnh và tăng cường sử dụng các quy định đó, đôi khi bên ngoài căn cứ pháp lý, đối với tất cả mọi người, từ các nhà hoạt động đến phóng viên ngoại quốc, cho việc đàn áp xuyên biên giới quốc gia và các mục đích cưỡng bức khác,” phúc trình nhấn mạnh. Hồ sơ của Tòa Án Tối Cao Trung Quốc ghi nhận từ năm 2016 đến 2020, số lệnh cấm xuất cảnh được thực thi ở nước này tăng gấp tám lần.

 

Điểm chung của chính sách cấm xuất cảnh, cả ở Trung Quốc và Việt Nam, là ở chỗ đây là đòn trừng phạt phi tư pháp (non-judicial), thực thi bên ngoài phán quyết của tòa án, không có căn cứ pháp luật, không theo một thủ tục minh bạch nào. Những người bị cấm xuất cảnh không phải là tội phạm đã có bản án của tòa, không phải là nghi can của một cuộc điều tra hình sự, không phải là một bên trong tranh chấp dân sự mà phần lớn là các nhà báo, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền và gia đình họ. Lý do cấm họ ra nước ngoài là hết sức mơ hồ, “an ninh quốc gia,” mà công an có thể giải thích rất tùy tiện. Hầu hết những nạn nhân đều chỉ biết mình bị cấm xuất cảnh khi đã đến cửa khẩu biên giới, chuẩn bị rời đất nước. Trong vụ ông Nguyễn Quang A nêu trên, công an Việt Nam còn xé thẻ lên máy bay của ông để ông không thể ra đi mà cũng không lấy lại được tiền vé!

 

Phúc trình của Safeguard Defenders kể chuyện ông Đường Cát Điền, một luật sư nhân quyền có tiếng của Trung Quốc. Vào ngày 2 Tháng Sáu, 2021, ông Đường ra phi trường quốc tế Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đáp phi cơ sang Nhật thăm con gái bị tai nạn phải sống thực vật (into a coma). Khi trình sổ thông hành thì ông mới kinh hoàng được thông báo rằng cảnh sát Bắc Kinh đã cấm ông ra khỏi nước vì lý do “an ninh quốc gia!” Ông Đường không phải là nghi can của vụ án hình sự nào, cũng không liên can tới vụ kiện dân sự nào. Ông chỉ là một luật sư nhân quyền lên tiếng thay cho những người bị áp bức.

 

Một trường hợp khác, mới Tháng Giêng năm nay, là bà Tạ Phương, vợ ông Vũ Miêu, chủ một tiệm sách tư nhân ở Thượng Hải. Sau khi tiệm sách bị đóng cửa năm 2018, gia đình bà sang Mỹ định cư. Đầu năm 2022 bà Tạ trở về Trung Quốc thăm mẹ nhưng khi ra phi trường trở về Mỹ thì bà bị chặn lại. Công an Trung Quốc nói bà chỉ được ra đi sau khi ông chồng bà trở về Trung Quốc để giải thích những bài viết mà ông, đang sống ở Mỹ, đăng lên mạng xã hội. Từ đó, gia đình bà bị chia cắt, mỗi người một nơi.

 

Nhìn chung, đảng CSTQ cũng như đàn em Việt Nam, càng ngày càng sử dụng “cấm xuất cảnh” để bịt miệng các nhà hoạt động, đe dọa phóng viên nước ngoài, doanh nhân ngoại quốc, để buộc thân nhân họ phải về nước “chịu tội” hoặc để kiểm soát các thành phần chống đối chính quyền… Gần đây Trung Quốc còn “cấm xuất cảnh” nhân viên quản lý của các công ty nước ngoài, gây một làn sóng sợ hãi trong giới kinh doanh ngoại quốc ở nước này. “Ai cũng có thể là mục tiêu [của chính sách cấm xuất cảnh],” phúc trình của Safeguard Defenders nhận xét và cho rằng đây là một xu hướng đáng sợ, đang mở rộng nhanh.

 

                                                             ***

Quốc gia nào cũng có những biện pháp bảo vệ an ninh, ngăn cản công dân xuất cảnh trong một số trường hợp đặc biệt khi người đó đang phải thi hành bản án của tòa, đang bị điều tra tội hình sự, hoặc liên can tới các vụ tranh chấp dân sự. Chỗ khác giữa chính sách cấm xuất cảnh của Việt Nam và Trung Quốc so với các nước khác là nó hoàn toàn tùy tiện, không có căn bản vững chắc về pháp lý và đạo lý, đôi khi có mục đích trả thù một cách mờ ám.

 

Khi nói tới vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, quốc tế thường chỉ quan tâm tới những hiện tượng nổi bật như hạn chế quyền tự do tôn giáo, đàn áp biểu tình, bỏ tù người bất đồng chính kiến bằng những bản án phi nhân… nhưng không chú ý tới những đòn thù thầm lặng, được áp dụng rộng rãi mà ít người biết, cấm xuất cảnh là một đòn như vậy. Chưa có quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào lên tiếng phản đối việc đảng cộng sản dùng biện pháp cấm xuất cảnh để dập tắt những tiếng nói đối lập.

 

Phúc trình nêu trên của Safeguard Defenders ghi nhận chỉ trong năm 2015 có tới 14 triệu người Trung Quốc bị cấm xuất cảnh. Không có con số thống kê đầy đủ ở Việt Nam, nhưng chắc chắn số người Việt bị cấm không phải là ít. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải lên tiếng giúp người dân đòi nhà cầm quyền tôn trọng quyền tự do đi lại, minh bạch hóa và chấm dứt những đòn trả thù đê tiện như vậy. [đ.d.]





No comments:

Post a Comment

View My Stats