Saturday, 13 May 2023

ĐỢT NÓNG LỊCH SỬ Ở CHÂU Á : CẢNH BÁO MỚI VỀ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (Thanh Phương / RFI)

 



Đợt nóng lịch sử ở châu Á: Cảnh báo mới về tác động của biến đổi khí hậu

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 12/05/2023 - 15:44

https://www.rfi.fr/vi/khoa-h%E1%BB%8Dc/20230512-a

 

Trong những tuần qua, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và các nước Nam Á hứng chịu một đợt nóng lịch sử, với nhiệt độ tại nhiều nơi đạt mức kỷ lục. Theo dự báo của các nhà khoa học, do tác động của biến đổi khí hậu, các đợt nóng như vậy sẽ xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

 

Kỷ lục liên tục bị phá

 

Ngày 06/05/203, Việt Nam đã ghi nhận một nhiệt độ nóng kỷ lục: 44,1°C tại Thanh Hóa, miền bắc Việt Nam. Nhưng kỷ lục này chỉ tồn tại đúng một ngày, vì chỉ hôm sau, 07/05, tại tỉnh Nghệ An, một trạm khí tượng đã ghi nhận nhiệt độ lên tới 44,2°C. 

 

Trước đó, cơ quan khí tượng của Thái Lan ghi nhận nhiệt độ ở nước này có nơi lên tới 45,4°C, cũng là một kỷ lục. Thời tiết ở Lào cũng nóng không kém với nhiệt độ lần đầu tiên lên tới 43,5°C, được ghi nhận tại thành phố Luang Prabang. Tại Miến Điện, theo báo chí nước này, một thành phố ở miền đông cũng đã ghi nhận nhiệt độ 43,8°C, cao chưa từng có tại nước này. 

 

Đó là ở khu vực Đông Nam Á. Còn tại Nam Á, thủ đô Dacca của Bangladesh, quốc gia từ lâu bị bị những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, cũng đã ghi nhận những nhiệt độ nóng nhất kể từ thập niên 1960. 

 

Theo ông Robert Vautard, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp ( CNRS ), hiện nay ở châu Á đang là mùa khô, trước khi bắt đầu mùa mưa vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, và trong thời gian này thì nắng nóng nhất. Nhưng những nhiệt độ kỷ lục như đã được ghi nhận ở Việt Nam vừa qua rõ ràng là không bình thường. Nhất là vì những kỷ lục đầu tháng 5 là tiếp theo sau một đợt nóng đã kéo dài gần như cả tháng 4.

 

Nguyên nhân: Biến đổi khí hậu

 

Nguyên nhân của sự bất thường đó chính là biến đổi khí hậu. Trong báo cáo gần đây nhất, nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu GIEC đã báo động là với việc nhiệt độ trên Trái đất tăng lên, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra ngày càng nhiều.

 

Trả lời hãng tin AFP từ Hà Nội, chuyên gia về biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy dự báo là kỷ lục về nhiệt độ nóng nói trên rồi cũng sẽ bị phá và theo ông đây là một kỷ lục đáng lo ngại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khí quyển Trái đất ngày càng nóng lên. Kỷ lục này xác nhận các mô phỏng về những hiện tượng thời tiết cực đoan là đúng.

 

Theo các chuyên gia của nhóm GIEC, các đợt nóng dữ dội đang gia tăng trên toàn thế giới. Tác động của các hoạt động của con người lên khí hậu khiến cho những đợt nóng như vậy diễn ra thường xuyên hơn, mạnh hơn và sớm hơn. Họ dự báo là khi nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, “sẽ có thêm 1,7 tỷ người bị những đợt nóng, 420 triệu người bị những đợt cực nóng và khoảng 65 triệu người sẽ bị những đợt nóng bất thường mỗi 5 năm”. Nhiều vùng trên Trái đất sẽ không thể sống được do nhiệt độ quá cao.

 

Một bài báo khoa học đăng trên tạp chí Nature năm 2017 đã thẩm định số ngày mỗi năm khi nhiệt độ bên ngoài vượt quá ngưỡng gây chết người. Trong kịch bản nhiệt độ Trái đất nóng lên 2,6°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vùng ngoại vi Ấn Độ cũng như toàn bộ bờ biển Miến Điện, Thái Lan và gần như toàn bộ Malaysia sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ bên ngoài gây chết người trong hơn 150 ngày mỗi năm từ đây đến 2100. Trong kịch bản nóng lên thêm 4°C, đó sẽ là hơn 250 ngày mỗi năm. Thế mà những nước nghèo này sẽ không có đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để thích ứng với những điều kiện khí hậu cực đoan như vậy. 

 

Thật khó để tưởng tượng hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng bởi những đợt nắng nóng đe dọa tính mạng này có thể tiếp tục sống ở cùng một nơi trong những thập kỷ tới. Ví dụ, ở Bangladesh, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới được công bố năm 2021, đến năm 2050, có thể có gần 20 triệu người phải di cư trong nước do biến đổi khí hậu. 

 

Nguy cơ đối với con người và mùa màng

 

Đợt nóng lịch sử ở châu Á hiện nay đương nhiên là một mối đe dọa đến sức khỏe của người dân, nhất là những thành phần dân cư dễ bị tổn thương nhất, như người già và trẻ em.

 

Cũng như ở những nước khác, nhà chức trách Việt Nam đã khuyên người dân nên ở trong nhà vào những giờ nóng nhất trong ngày, để tránh bị sốc nhiệt. Riêng tại Philippines, nhiều trường đã phải chuyển qua dạy từ xa để bảo vệ sức khỏe của học sinh. Cần phải biết rằng khi nhiệt độ lên tới 45°C, thì nhiệt độ được cảm nhận có thể lên tới 60°! Độ nóng cộng với độ ẩm cao có thể gây chết người. 

 

Nhật báo của Thái Lan Bangkok Post đã lo ngại dự báo là đợt nóng năm nay có thể kéo dài đến giữa tháng 5, và nhiệt độ sẽ tăng quá những giới hạn của khả năng thích ứng của dân cư. Ít nhất một trong các bệnh viện ở thành phố Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, vào đầu tháng tư cho biết đã bị quá tải, do phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị các vấn đề về hô hấp.

 

Đài CNN của Mỹ thì đã báo động là tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, nay là quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo một nghiên cứu gần đây, 90% lãnh thổ của Ấn Độ có thể bị những đợt nóng dữ dội và như vậy sẽ trở thành những vùng “nguy hiểm”. Trước mắt, theo đài CNN, tại Ấn Độ, đã có ít nhất 13 người chết vì nóng vào giữa tháng 4. 

 

Nhưng không chỉ có cơ thể con người, mà theo các nhà khí tượng nông học, cây trồng cũng bị sốc nhiệt, nhất là cây lúa, và như vậy là đợt nóng lịch sử này có thể sẽ làm sụt giảm mạnh sản lượng lúa năm nay ở các nước mà gạo là lương thực chủ yếu, như Việt Nam. Theo giải thích của nhà khí tượng nông học Serge Zaka, nhiệt độ tối ưu để cây lúa tăng trưởng là 30,9°C, các kỷ lục về nóng như đã nói ở trên là cao hơn khoảng 15°C so với nhiệt độ tối ưu cho cây lúa, thế mà ngay từ 35°C, cái nóng đã bắt đầu có những tác hại lên cây lúa. 

 

Nguồn cung cấp điện cũng bị đe dọa

 

Đợt nóng lịch sử tại châu Á cũng đang đe dọa đến nguồn cung cấp điện, chẳng hạn như tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN ngày 10/05 đã báo động là hệ thống điện quốc gia đang chịu áp lực rất nặng do nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài trong mùa hè. Tập đoàn này dự báo nhu cầu tiêu thụ trong 3 tháng tới có thể vượt quá khả năng cung cấp điện. 

 

EVN nhấn mạnh là trong khi đó, mực nước các hồ thủy điện ở miền bắc Việt Nam hiện nay thấp hơn từ 30 đến 40% so với mức trung bình của những năm trước. Mực nước nhiều hồ thủy điện ở miền trung và miền nam cũng rất thấp. Tình trạng này có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện trong thời gian còn lại của mùa khô 2023.

 

Trước nguy cơ thiếu điện, EVN kêu gọi người dân tiết kiệm điện, nhất vào những giờ cao điểm, điều chỉnh máy lạnh ở mức 26°C và tránh sử dụng các máy móc tiêu thụ nhiều điện.

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Báo cáo của nhóm chuyên gia khí hậu LHQ: ''Cẩm nang sống sót cho nhân loại''

Việt Nam nóng kỷ lục, 44,1°C

 

Khí hậu: Nhân loại còn rất ít thời gian để giữ mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats