Tuesday, 16 May 2023

ÔNG TRỌNG HIỂU GÌ VỀ CHỐNG THAM NHŨNG? (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Ông Trọng hiểu gì về chống tham nhũng?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

14 tháng 5, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/ong-trong-hieu-gi-ve-chong-tham-nhung/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/ra_mat_sach_3-1675316537388.jpg

Sách về chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng vừa xuất bản. ảnh báo Công an nhân dân

 

Vào những ngày tháng cuối cùng của sự nghiệp chính trị, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng muốn để lại dấu ấn như là người “có công chống tham nhũng” ở Việt Nam. Nhưng ông giáo sư, tiến sĩ về xây dựng đảng (?) Nguyễn Phú Trọng hiểu như thế nào về tham nhũng và chống tham nhũng?

 

Ngoài chiến dịch “đốt lò” mà ông ta kiên trì thực hiện đã mười năm, ông còn viết sách để đúc kết, nâng lên thành lý luận về chống tham nhũng cho các đồng đảng của ông nghiên cứu học tập. Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam thậm chí còn đưa sách của ông Trọng vào dạy trong các trường đại học từ năm học 2023-2024. Có điều, qua những ý kiến phát biểu của ông về tham nhũng, hoàn toàn có thể nghi ngờ tầm hiểu biết, tầm nhìn của nhà lãnh đạo đảng CSVN trong lĩnh vực mà ông tự cho mình am hiểu nhất.

 

Theo giới thiệu của truyền thông trong nước, cuốn sách vừa xuất bản của ông Trọng có cái nhan đề dài dòng và lủng củng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, dày hơn 600 trang, tập hợp những bài phát biểu kết luận của ông ta tại 4 hội nghị và 36 phiên họp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ năm 2013 đến 2022. Ông Trọng huênh hoang cuốn sách của ông, lẽ ra chỉ in 200 bản nhưng đã in tới 55,000 bản và dịch ra nhiều thứ tiếng để không chỉ cán bộ đảng viên và dân chúng Việt Nam mà cả người nước ngoài cũng có cơ hội đọc được. Thiệt hết biết!

 

Thôi thì ở hải ngoại chưa có sách, hãy thử xem ông Trọng hiểu thế nào về tham nhũng qua các phát biểu của ông. Báo đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin sáng ngày 13 tháng Năm 2023, ông Trọng tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng của thủ đô Hà Nội. Ở đó, ông phát biểu những ý kiến được cho là tâm huyết nhất của ông về công cuộc “đốt lò” mà ông học được từ ông Tập Cận Bình bên Tàu.  

 

Báo đảng tường thuật: “Liên quan công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho hay …phòng chống tham nhũng không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia mà thể hiện quyết tâm của Đảng vì dân, vì đất nước.” (hết trích)

 

Có đánh nhau trong nội bộ, núp dưới chiêu bài chống tham nhũng để các phe cánh triệt hạ nhau hay không thì thực tế đã chứng tỏ và chúng tôi cũng đã nhiều lần phân tích trên trang báo này.

 

Bài báo viết tiếp: “Theo Tổng Bí thư, một điểm mới được thực hiện trong thời gian qua là đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi. “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng.” (hết trích)

 

Ô hay, cán bộ đảng viên quan chức đã vi phạm, đã nhúng chàm thì phải xử lý theo pháp luật, chứ sao lại “tốt nhất xin thôi”? Nhà nước pháp quyền, không ai được đứng trên pháp luật, là để kiến tạo sự công bằng. Có thứ nhân văn nhân ái nào cho phép “mở đường” cho đám quan chức tham nhũng được hạ cánh an toàn sau khi đã “ăn không từ thứ gì” của dân của nước. Thứ nhân văn đó là nhân văn giả cầy, cốt để che chắn cho đám tay chân chẳng may bị lộ, chà đạp lên pháp luật và công bằng xã hội.

 

Với những cán bộ tham nhũng đã cao chạy xa bay, tờ báo viết, “Tổng Bí thư cho rằng, trốn cũng không được vì Tòa sẽ xử vắng mặt. Khi không còn là công dân mà đã trở thành tội phạm thì các nước không có quyền chứa chấp. Khi đó, theo luật pháp quốc tế, chúng ta có quyền phối hợp với nước đó để bắt về. “Có mà chạy đằng trời, trốn cũng không được. Đấu tranh phải quyết liệt” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.” (hết trích)

 

Có không ít cán bộ tham nhũng thoát được ra nước ngoài, vụ đang nổi bật hiện nay là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giám đốc công ty AIC mà dân chúng đồn là nhân tình nhân ngãi của ông thủ tướng Phạm Minh Chính. Bà Nhàn đã bị một tòa án ở Hà Nội kết án 30 tù giam, nhưng bà Nhàn đang ở đâu thì không biết, Bộ Công an Việt Nam chắc biết rõ nhưng có dám đi bắt bà Nhàn về chịu án không thì chưa chắc. Trước đây, ông Trọng đã sai công an sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về Hà Nội bỏ tù, làm gián đoạn trong quan hệ ngoại giao với Đức và Cộng hòa Czech. Ông có dám liều lĩnh làm một vài vụ bắt cóc như vậy nữa hay không mà mạnh miệng vậy?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/05/maxresdefault-1.jpg

Một trong những “châm ngôn” về chống tham nhũng của ông Trọng được VTV nhấn mạnh.

 

Cũng thời gian này năm ngoái, ngày 23 tháng Sáu 2023, cũng tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng vào dịp các bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị xộ khám vì vai trò quyết định trong đại án tham nhũng “test-kit Việt Á”, ông Trọng nói  ông “không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm, phải ‘cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây”.

 

Một năm sau, nhận thức của ông về tham nhũng vẫn không tiến thêm được chút nào. Ông vẫn chưa biết rằng, trong thể chế độc đảng độc tài của đảng CSVN, tham nhũng đã thành một hệ thống từ trên xuống dưới, không phải là “một vài cành cây sâu mọt” mà là cả thân cây, từ rễ đến ngọn. Muốn diệt trừ nó không khó, nhưng cần phải đào cả gốc, diệt cả rễ chứ không chỉ cắt cành. Khi cái gốc cây vẫn còn thì cắt cành này nó sẽ nảy ra cành khác, có khi còn sâu mọt hơn.   

 

Ông ưu tư sao những kẻ tham nhũng dưới quyền ông không thực hiện “tốt nhất là rút lui” để ông phải “xót xa, nghẹn ngào” khi phải xử lý các đồng chí của ông. Về mặt cảm tính không rõ ông có xót xa nghẹn ngào thật hay không nhưng về mặt lý trí, những ưu tư, nhân văn nhân ái của ông hoàn toàn không phù hợp với cách hành xử của các nhà quản lý xã hội. 

 

Đã là người ai cũng ít nhiều có lòng tham. Những kẻ quyền cao chức trọng – mà quyền lực đó không bị kiểm soát trong các thể chế độc tài – lại càng tham lam, không ai “tự nguyện rút lui” khi vẫn còn có cơ hội kiếm chác. Một thể chế chính trị tốt là có cơ chế kiểm soát để những người có quyền lực không thể tham nhũng biến của công thành của tư, kẻ tham nhũng bị trừng phạt đúng với tội lỗi mà hành vi của hắn gây ra. Không cần cái lò nào cả, cũng không cần ai kêu gọi kẻ hư hỏng phải từ chức. Cái cần thiết là một thể chế đa nguyên, tam quyền phân lập, các nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau và người dân được bầu người đại diện cho họ trong guồng máy điều hành và thực hiện quyền giám sát của họ qua truyền thông độc lập.

 

Chừng nào ông Trọng chưa nhận ra rằng để diệt tham nhũng thì phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” cái thể chế đảng trị cực quyền hiện nay và xây dựng dân chủ thì ông có viết thiên kinh vạn quyển, hàng chục ngàn trang sách thì cũng chẳng có giá trị gì, chẳng qua chỉ là thêm một thủ đoạn ngu dân để kéo dài sự thống trị của cái đảng phản động mà ông cầm đầu mà thôi.

 

Có điều, trong thời đại thông tin ngày nay, thủ đoạn lừa bịp đó không còn dễ nữa ông Trọng à.

 

------------

Đọc thêm:

·        Đằng sau chuyện Nguyễn Phú Trọng ra sách!

·        Việt Nam chống tham nhũng: 10 năm nhìn lại thấy gì?

·        Đôi lời với ông Tổng Trọng: Cắt cành hay đào gốc?

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats