Wednesday, 3 May 2023

NỖI SỢ NƠI TRƯỜNG HỌC (Thu Hằng / TTXVN)

 



Nỗi sợ nơi học đường    

Thu Hằng   /  TTXVN

Thứ Ba, 02/05/2023 13:18 

https://baotintuc.vn/goc-nhin/noi-so-noi-hoc-duong-20230502131754310.htm

 

Bạo lực học đường là câu chuyện "muôn thuở", các chuyên gia giáo dục, tâm lý đã nói nhiều về biện pháp xử lý, nhưng ngành giáo dục nước ta dường như vẫn chưa dành một sự quan tâm đúng mức.

 

·        Báo động bạo lực lứa tuổi học đường - Bài cuối : Cần có giải pháp kịp thời

·        Báo động bạo lực lứa tuổi học đường - Bài 1: Liên tiếp xảy ra các vụ việc đau lòng

 

Sau mỗi vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận, tôi thường trò chuyện với cô con gái học lớp 9. Trong những câu chuyện ấy, tôi kể với con thời đi học của mình - tệ bạo lực, bắt nạt học đường khá phố biến, nhưng hầu hết chỉ là một số bạn nam "đầu gấu" bắt nạt mấy bạn yếu thế hoặc có những đặc điểm nào đó khác mọi người. Con gái tôi đáp luôn, thời đấy "xưa" lắm rồi, giờ thì bắt nạt đâu chỉ là chuyện đánh đấm của bọn con trai, con gái bắt nạt nhau còn kinh khủng hơn vì không chỉ là đánh đập mà còn bạo lực tinh thần nữa.

 

Bản thân tôi và chắc chắn là rất nhiều bậc cha mẹ đã không khỏi cảm thấy rùng mình nhói đau khi đọc thông tin về những vụ nữ sinh quây đánh bạn, thậm chí lột quần áo, quay video tung lên mạng. Hậu quả của những vụ việc như vậy là không thể đo đếm về sức khỏe thể chất và tinh thần của các nạn nhân, mà đỉnh điểm là bi kịch xảy ra mới đây với nữ sinh trường chuyên Đại học Vinh.

 

Vì sao bạo lực học đường ngày nay khó xử lý như vậy. Nếu như thời tôi còn đi học, xảy ra chuyện bạo lực, bắt nạt thì thủ phạm thường bị mời lên gặp giáo viên, ban giám hiệu, bị mời phụ huynh, kèm một số hình thức kỷ luật.

 

Còn thời nay, câu chuyện bạo lực học đường không "hai năm rõ mười" như vậy. Theo lời kể của con gái tôi và rất nhiều câu chuyện từ các nhóm của phụ huynh và học sinh, thì chuyện bạo lực học đường, trong đó có bạo lực tinh thần, là rất phổ biến ngày nay. Thủ phạm không chỉ là những học sinh "hư", "cá biệt" như trước kia, mà có thể là bất cứ ai, kể cả những học sinh được cho là "ngoan". Nạn nhân cũng có thể là bất cứ ai, chứ không chỉ là những bạn hay bị chế giễu hình thể (body shaming) hoặc tính cách hơi "khù khờ", "khác lạ". Ngày nay, có khi chỉ vì học giỏi, vì gương mẫu, vì được thầy cô quý mến, hay vì được một bạn nam khác để ý, thì một học sinh cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Vấn nạn này đang diễn ra với đủ hình thức, từ kéo bè cánh, tẩy chay, cô lập nạn nhân trong các mối quan hệ; cho đến bóc phốt, bêu xấu, tấn công trên mạng xã hội. Về thể chất, thì hành vi bạo lực có thể là "trấn lột" hoặc hủy hoại đồ dùng học tập; hăm dọa, tấn công về thể xác, tất cả nhằm khiến nạn nhân "sống dở chết dở" nơi học đường.

 

Những hành vi bạo lực thể xác, đặc biệt là việc hăm dọa, tấn công bên ngoài nhà trường khiến cho nạn nhân đau đớn, khiếp sợ, vì nếu tố cáo thì có thể lại bị đánh nhiều hơn. Còn bạo lực tinh thần thì diễn ra phổ biến hơn vì nó "vô hình", âm thầm, không chứng cớ; nạn nhân không bị tổn thương thể chất nhưng lại rơi vào trạng thái bị cô lập, dẫn đến trầm cảm, bế tắc. Nếu các em có tìm kiếm sự can thiệp từ thầy cô và nhà trường thì cũng khó có thể quy về một biện pháp xử lý, hình thức kỷ luật nào. Đó là chưa kể việc cả gia đình và giáo viên còn chưa có sự quan tâm và chia sẻ đối với những vấn đề tâm lý mà nạn nhân đối mặt.

 

Điều đáng nói là hành vi bạo lực tinh thần không chỉ đến từ bạn cùng lớp, cùng trường, mà có khi còn đến từ chính giáo viên qua thái độ trù dập, lời nói gây "sát thương" với học sinh. Việc học sinh bị trù dập, sỉ nhục, chế giễu công khai dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như khiến các em tức giận, sợ hãi, tự ti hoặc tự nghi hoặc về năng lực học tập, năng lực xã hội của bản thân.

 

Bạo lực học đường là câu chuyện "muôn thuở", các chuyên gia giáo dục, tâm lý đã nói nhiều về biện pháp xử lý, nhưng ngành giáo dục nước ta dường như vẫn chưa dành một sự quan tâm đúng mức. Trên thế giới, nhiều nước đã xây dựng và thực hiện thành công các chương trình quốc gia về chống bạo lực học đường. Có thể kể đến như chương trình KiVa của Phần Lan, được triển khai từ năm 2009, dựa trên 3 trụ cột là phòng ngừa, can thiệp và giám sát, nhằm tạo ra một môi trường học đường an toàn. Ở Nga, sáng kiến "tổ hòa giải" với thành phần là cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, cũng làm tốt việc giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ sớm, từ đó ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc. Còn ở nước ta, việc chống bạo lực học đường vẫn diễn ra lẻ tẻ, tùy thuộc vào cách xử lý của từng nhà trường, vào quan điểm, cách ứng xử của mỗi giáo viên chủ nhiệm, mỗi bậc phụ huynh, mà chưa có một chương trình thống nhất, mang tính quy định trên toàn quốc. Chính việc can thiệp, xử lý còn mang tính chất chủ quan như vậy, mà hiện tượng giáo viên thờ ơ, bàng quan với bạo lực học đường còn khá phổ biến.

 

Trong nỗ lực tìm một giải pháp cho bạo lực học đường, thì việc phòng ngừa, can thiệp sớm phải được đề cao, với sự vào cuộc có trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, nhà trường và phụ huynh. Sự can thiệp đó cũng không chỉ hướng đến nạn nhân, mà cả đến thủ phạm, bởi xét cho cùng trong vấn nạn này thì cả hai đều đáng thương. Chắc chắn không một học sinh nào được lớn lên trong sự yêu thương, sẻ chia lại có hành vi bạo lực với chính những người bạn của mình. Để khiến thủ phạm gây bạo lực, bắt nạt thay đổi thái độ và hành vi, thì không chỉ là áp những hình thức kỷ luật. Các em cũng cần được quan tâm, hỗ trợ về những vấn đề tâm lý có thể đang mắc phải, cũng như cần sự kiên nhẫn, bao dung, uốn nắn từ cả gia đình và nhà trường.

 

Trên hết, trước những hệ quả đau lòng của vấn nạn bạo lực học đường, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại những giá trị được giảng dạy trong nhà trường. Đó không nên là nơi nhồi nhét kiến thức, chạy đua thành tích, mà phải là nơi đề cao giá trị "trồng" người, giáo dục nhân cách, nơi mà các em học sinh cảm thấy an toàn, được quan tâm và thấu hiểu. Những giá trị đạo đức, ứng xử trong nhà trường cũng không thể chỉ được truyền dạy một cách khô cứng qua sách vở, mà phải là những bài học thực tế. Học sinh cần học chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng cá tính hay những "màu sắc" khác nhau của bạn bè; được giáo dục tinh thần đoàn kết, kỹ năng giải quyết xung đột và tự kiểm soát thông qua các hoạt động thực tiễn. Và chỉ khi gia đình, trường học là những cái nôi an toàn, đầy yêu thương thì các em mới có thể đi qua tuổi học trò thật vui tươi.

 

Con gái tôi luôn tự hào và biết ơn môi trường nhiều "vitamin hạnh phúc" của ngôi trường nơi con theo học. Con hiểu rằng, những "vitamin" ấy là điều quyết định việc con chưa từng chứng kiến một hành vi bạo lực, bắt nạt, hay những drama tiêu cực nào xảy ra trong trường và lớp mình.

 

Thu Hằng

 

 

=================================

 

Bạo lực học đường - Xin đừng vô cảm

Dư luận những ngày gần đây rúng động trước vụ việc một nữ sinh trường chuyên, xinh đẹp học giỏi đã tự tìm đến cái chết mà nguyên nhân được nghi là do bạo lực học đường. Điều đáng nói, nữ sinh đã nhờ đến sự trợ giúp của gia đình nhưng kết cục vẫn bi thảm. Bạo lực học đường chưa bao giờ hết nóng. Sự việc đau lòng trên tiếp tục là sự hối thúc mạnh mẽ về vai trò của nhà trường và sự đồng hành, tham gia nhiều hơn nữa của phụ huynh để ngăn chặn những nguy cơ bạo lực học đường đối với con trẻ.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats