Thursday, 4 May 2023

LÁ PHIẾU 'LẠ' CỦA VIỆT NAM Ở LIÊN HIỆP QUỐC NÓI LÊN ĐIỀU GÌ? (Phạm Bá Bình)

 



Lá phiếu ‘lạ’ của Việt Nam ở LHQ nói lên điều gì?

Phạm Bá Bình

04/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/la-phieu-la-cua-viet-nam-o-lhq-noi-len-dieu-gi-/7078687.html

 

Việt Nam lần đầu tiên bỏ phiếu thuận đối với một Nghị quyết mới đây của LHQ, trong đó có đoạn nói về “Nga xâm lược Ukraine”. Tuy nhiên, lá phiếu “lạ” này lại chẳng lạ tý nào đối với giới quan sát, vì Việt Nam hành động y chang Trung Quốc. Chả trách, Phó Đại sứ Ukraine tại Hà Nội Zhynkina không khen mà cũng chẳng động viên lá phiếu “lạ” mà “quen” ấy của Việt Nam!

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-fd9f-08db4b245523_w1023_r1_s.jpeg

Ngày 26/4, một cách bất ngờ, Việt Nam và Trung Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ một Nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc, trong đó có đoạn nói về “cuộc xâm lược quân sự” của Nga đối với Ukraine.

 

Ngày 26/4, một cách bất ngờ, Việt Nam và Trung Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ một Nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc, trong đó có đoạn nói về “cuộc xâm lược quân sự” của Nga đối với Ukraine. Nghị quyết, do 48 quốc gia đề xuất, khuyến khích LHQ và Hội đồng Châu Âu tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp để giải quyết hiệu quả nhiều chủ đề. Trong phần về Ukraine, có đoạn viết về “những thách thức chưa từng có mà châu Âu phải đối mặt, sau hành động gây hấn quá khích của Nga đối với Ukraine và Gruzia”. Nataliya Zhynkina, Tham tán Chính trị Ukraine tại Việt Nam bình luận với truyền thông quốc tế về cuộc bỏ phiếu mới nhất này“Chúng tôi hoan nghênh sự đoàn kết trong việc xác định hành vi xâm lược của Nga đối với Ukraine và Gruzia cùng những thách thức mà hành động đó gây ra đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Điều quan trọng là phải hiểu lý do của một vấn đề để tìm giải pháp thích hợp”. 

 

Nghị quyết A/RES/77/284 được thông qua với 122 phiếu thuận, 18 nước bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống. Lần đầu tiên, tất cả các nước ASEAN đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ Nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine. Khối này từng bị chỉ trích gây chia rẽ, qua vấn đề Biển Đông, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc đảo chính ở Myanmar và gần đây nhất là cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc và Việt Nam cùng theo phe đa số ủng hộ một Nghị quyết của LHQ nêu rõ hành động “xâm lược của Nga ở Ukraine và Gruzia trước đây”. Báo chí nhà nước Việt Nam từ lâu vẫn gọi cuộc xâm lược của Nga là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, giống hệt như cách mà truyền thông Nga và Trung Quốc sử dụng, trong khi đối với các nước phương Tây, đây thực sự là cuộc xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền, có cương vực và lãnh thổ được quốc tế thừa nhận.

 

Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tuần trước, ban đầu đã không được chú ý, do đoạn nói về Ukraine đã bị giảm nhẹ (anodyne), được đưa vào đoạn thứ chín của phần mở đầu. Tuy nhiên, một số “thợ săn tin” đủ nhạy bén để phát hiện ra “sự ám chỉ trong chớp mắt” mà truyền thông suýt bỏ qua không phát hiện ra. Đoạn thứ chín ấy có nội dung như sau: “Cũng thừa nhận rằng những thách thức chưa từng có mà Châu Âu đang phải đối mặt sau cuộc xâm lược của Liên bang Nga chống lại Ukraine, và chống lại Georgia trước đó, và việc chấm dứt tư cách thành viên của Liên bang Nga trong Hội đồng Châu Âu, (chúng tôi) kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu”. Josep Borrell, người đứng đầu Chính sách Đối ngoại của EU, đã ăn mừng cuộc bỏ phiếu trên Twitter của mình và nhắc đến các đối tác quan trọng trong nhóm G20 như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Indonesia. Hành vi bỏ phiếu vừa qua của Việt Nam cũng như bốn nước G20, theo giới phân tích, không báo trước sự thay đổi chính sách đối ngoại trong chương trình nghị sự của nhóm nước này, do mối liên hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ của họ với Moscow.

 

Truyền thông quốc tế không mấy ngạc nhiên đối với năm nước bỏ phiếu chống lần này là Nga, Belarus, Syria, Nicaragua và Bắc Triều Tiên, trước nay họ đều hành động ngược lại với các quan điểm chính trị của phương Tây. Điều thú vị, riêng đối với lá phiếu “lạ” của Việt Nam vẫn được giới quan sát “soi” kỹ hơn. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022, Hà Nội kiên trì đường lối đối ngoại mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh là “không chọn phe mà chọn lẽ phải”. Tuy nhiên, trong hầu hết các lần bỏ phiếu trước đây, Việt Nam hành động không đi đối với lời nói.

 

Cụ thể, lần đầu tiên, ngày 1/3/2022, khi biểu quyết về lên án Nga xâm lược Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của ĐHĐ/LHQ, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng. Lần thứ hai, ngày 24/3/2022, ĐHĐ/LHQ ra nghị quyết yêu cầu bảo vệ thường dân, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng. Lần thứ ba, ngày 7/4/2022, đề nghị khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam bỏ phiếu phản đối. Lần thứ 4, từ ngày 12/10 đến 13/10/2022 (giờ Việt Nam), Hà Nội tiếp tục bỏ phiếu trắng về nghị quyết kêu gọi các nước trên thế giới phản đối việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Lần thứ năm, ngày 23/2/2023, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng giống hệt Trung Quốc về nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi chấm dứt xung đột Nga – Ukraine, trong bối cảnh tròn một năm chiến tranh.

 

Và lần gần đây nhất, ngày 26/4/2023, Việt Nam và Trung Quốc bất ngờ “nhập phe đa số”, ủng hộ Nghị quyết về việc LHQ và Hội đồng châu Âu tăng cường hợp tác các cấp để giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề. Các chủ đề nêu ra khác nhau, bao gồm cả việc công nhận hành động “xâm lược quân sự của Nga đối với Ukraine”. Giáo sư Carl Thayer nói với BBC, cuộc bỏ phiếu này phản ánh sự lựa chọn của Việt Nam trong việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương như một “giàn giáo” để chống lại áp lực từ các cường quốc. Phân tích như thế là vị Giáo sư này mới chỉ đề cập có một nửa của sự thật. Nửa sự thật còn lại từ lá phiếu “lạ” này của Việt Nam chính là “sự đồng điệu” ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi vấn đề giữa ĐCSVN và ĐCSTQ. Dẫu sao, xét đến sự miễn cưỡng được ghi nhận của cả hai ĐCS trong việc tố cáo cuộc chiến của Nga, thì động thái nho nhỏ lần này, tự nó cũng thể hiện một sự tiến triển đáng chú ý. Tiến triển đó là, có thể Việt Nam đang đi tới một nhận thức, cuối cùng thì cũng phải gọi sự vật đúng tên, một cuộc chiến tiêu hao hàng chục vạn sinh mạng của mỗi bên như thế mà gọi là “chiến dịch quân sự” thì không ổn chút nào. Hãy tiến thêm bước nữa, nếu Việt Nam tham gia nhóm quốc gia cuối cùng, nhận ra sự thất bại nhỡn tiền của nước Nga – Putin.

 

Thế nhưng, với sự phản tỉnh muộn màng ấy, Việt Nam cũng khó mà trả được món nợ, cả về tinh thần lẫn vật chất, đối với những người anh em Ukraine từng chung một chiến hào. Một người Việt hiện đang sinh sống ở Ukraine nói rằng ông không quan tâm đến chuyện Hà Nội bỏ phiếu ủng hộ Ukraine hay không: “… bởi vì tiếng nói của Việt Nam không có tác dụng gì. Thậm chí từ đầu cuộc chiến cho đến nay, kể cả khi Việt Nam bỏ phiếu trắng cho đến khi lần cuối cùng này Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ – cứ cho là như vậy – thì Ukraine vẫn không có một bất cứ một phản hồi xã hội nào, các phương tiện truyền thông hầu như không nhắc gì đến Việt Nam bỏ phiếu như thế nào”. Thật là một nhận xét chua chát đối với nền ngoại giao vẫn tự xưng là “sẽ dẫn dắt”, “sẽ là thành viên có trách nhiệm” đối với công việc của thế giới”.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats