Sunday, 21 May 2023

KHI NÀO GIỚI QUAN CHỨC TRỞ THÀNH "MỤC TIÊU HỢP LÝ" TRONG XUNG ĐỘT VŨ TRANG QUỐC TẾ? (Nguyễn Quốc Tấn Trung / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Khi nào giới quan chức trở thành “mục tiêu hợp lý” trong xung đột vũ trang quốc tế?

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG

May 18, 2023 . 12:37 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/05/khi-nao-gioi-quan-chuc-tro-thanh-muc-tieu-hop-ly-trong-xung-dot-vu-trang-quoc-te/

 

Giới hạn phạm vi giết chóc là xây dựng hình ảnh một cuộc chiến chính nghĩa.

 

Hình : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/05/Putin-in-war.jpg

 

Cho đến thời điểm hiện tại, khó ai có thể tiếp tục tranh cãi về việc Nga có đang thực hiện một cuộc xung đột vũ trang (armed conflict) đầy đủ và toàn diện tại Ukraine hay không.

 

Lý luận về một “chiến dịch quân sự đặc biệt” (special military operation) của Kremlin chứa đựng hai hàm ý, một là về phạm vi và thời gian từng được kỳ vọng của xung đột, hai là về tham vọng đế quốc của Putin. [1] Tuy nhiên, sau hơn một năm chiến sự diễn ra gần như trên mọi mặt trận, cùng với việc Nga đã vận dụng toàn bộ khí tài từ tối tân đến xưa cũ nhưng vẫn không tránh khỏi con số thương vong ngày một tăng cao, dường như ngay cả giới lãnh đạo của Nga cũng phải dần thừa nhận rằng họ đang trong một cuộc xung đột vũ trang thật sự. [2]

 

Như vậy, dù muốn hay không, các chiến dịch quân sự do nước này phát động cũng buộc phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của nhóm nguyên tắc chiến tranh bên trong hệ thống pháp luật nhân đạo quốc tế (international humanitarian law). Chúng ta cũng có thể gọi nó là pháp luật về xung đột vũ trang quốc tế (law on international armed conflict - LIAC).

 

Thêm vào đó, thông tin về việc Nga tìm cách ám sát Tổng thống Ukraine Zelensky, hay ngược lại là Nga cáo buộc Ukraine tìm cách ám sát Tổng thống Putin bất hợp pháp dẫn chúng ta đến một câu hỏi pháp lý mà người đọc có thể chưa từng nghĩ tới:

 

Pháp luật quốc tế “cho phép” sự giết chóc trong chiến tranh đến mức độ nào? Và các lãnh đạo dân sự có thể được xem là mục tiêu quân sự hay không?

 

 

Pháp luật về xung đột vũ trang quốc tế quy định thế nào?

 

Trước khi thảo luận chi tiết về vấn đề xem xét và lựa chọn “mục tiêu quân sự hợp lý” trong chiến tranh (legitimate targets), chúng ta cần hiểu bản chất của hệ thống pháp luật về xung đột vũ trang này.

 

Cho đến thời điểm hiện tại, dù khái niệm chiến tranh nói chung là một khái niệm không được chào đón nhưng hoạt động chiến tranh (tức hành vi tấn công, giết hại và tiêu diệt các mục tiêu quân sự giữa các quốc gia với nhau) vẫn được xem là hợp pháp bởi pháp luật quốc tế.

 

Vì sao lại có sự nghịch lý như thế? Là bởi vì jus in bello (luật quy định về các hoạt động chiến tranh) được phân tách rạch ròi với jus ad bellum (luật về tính chính danh của chiến tranh). [3]

 

Các nhà lập pháp quốc tế hy vọng rằng dù một chiến tranh có diễn ra một cách hợp pháp (như chiến tranh vệ quốc) hay bất hợp pháp (như chiến tranh xâm lược), hay có bản chất như thế nào đi chăng nữa (nói ngắn gọn là trong tầm điều chỉnh của jus ad bellum) thì các hoạt động quân sự diễn ra trong quá trình này đều nằm trong một giới hạn nhất định (tức hợp pháp theo quy định của jus in bello).

 

Luật khoa đã có bài viết Tại sao chiến tranh không nên là “còn cái lai quần cũng đánh”? của tác giả Bùi Công Trực. Người viết cho rằng đây là cách tiếp cận hợp lý khi nói về sự cần thiết của giới hạn phạm vi giết chóc trong chiến tranh:

 

‘[...] pháp luật nhân đạo quốc tế, hay luật chiến tranh, ra đời với mục tiêu quan trọng nhất là biến chiến tranh thành một “sân chơi chết người” nhưng “có kiểm soát”.

Đúng là trong đó, những người tham chiến hoàn toàn có thể bị tước đi sinh mạng, và nói một cách vô cảm là bị tước đi sinh mạng một cách hợp pháp. Song việc thừa nhận luật chơi đầu tiên này cũng giúp “sân chơi” đặt ra các giới hạn khác, như việc không thể tước đi sinh mạng của thường dân, hay không thể tước đi sinh mạng của người tham chiến bằng những loại vũ khí cấm.’ [4]

 

Như vậy, có thể thấy pháp luật quốc tế thật ra cũng “thực dụng” chứ không như người ta hay tưởng tượng, tức là thừa nhận một số hành vi giết chóc trong chiến tranh để giới hạn thiệt hại của chiến tranh.

 

Thật vậy, chiến tranh đến cuối cùng chỉ là giải quyết xung đột chính trị. Nếu xung đột có thể giải quyết trong phạm vi thiệt hại nhỏ nhất và nhanh chóng nhất, không có lý do gì loài người lại để sự chết chóc lan rộng mà không cần phân biệt đối tượng là ai.

 

 

Không thể tấn công thường dân, nhưng còn quan chức thì sao?

 

Khi nói về luật xung đột vũ trang và khái niệm “mục tiêu hợp lý”, chúng ta thường nhớ đến nhất hai khái niệm chủ đạo là thường dân (civilian) và người tham chiến (combatant).

Thường dân là nhóm được bảo vệ. Người tham chiến là nhóm có thể tấn công và tiêu diệt. Trong phạm vi bàn luận về những tranh cãi xoay quanh vấn đề “ám sát Putin bất hợp pháp” ở phần đầu, pháp luật chiến tranh nói gì về giới quan chức?

 

Cụ thể, trường hợp các lãnh đạo đảng phái chính trị, các vị trí dân cử, các nhân vật giữ vai trò nguyên thủ nhưng lại được xem là lãnh đạo tối cao của quân đội một quốc gia (như tổng thống, chủ tịch nước…) thì sẽ vận dụng khung pháp lý như thế nào?

 

Câu trả lời là mỗi đối tượng kể trên đều có khung pháp lý riêng đi kèm các thảo luận, tranh cãi khác nhau.

 

Đối với các chức danh đứng đầu nhà nước, lý thuyết công pháp quốc tế có hai cách tiếp cận chính là: thẩm quyền trong chuỗi mệnh lệnh quân sự (operational chain of military command) và vai trò tham chiến thực tế (combatant function). [5]

 

Từ đó, có một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh vào khả năng can thiệp quân sự thực tế của các quyết định trong hoạt động chiến tranh.

 

Do vậy, họ cho rằng bộ trưởng bộ quốc phòng - người trực tiếp nắm giữ các thông tin quân sự quan trọng nhất và được cho là người có ảnh hưởng lớn nhất đến những quyết định cuối cùng trên chiến trường - sẽ là nhân vật cấp cao có thể trở thành mục tiêu hợp lý trong chiến tranh. Việc sử dụng các loại khí tài, kế hoạch quân sự để tiêu diệt nhân vật này được cho là hợp pháp.

 

Tuy nhiên, đại đa số các học giả cho đến giờ vẫn cho rằng thẩm quyền trong chuỗi mệnh lệnh quân sự của bộ trưởng bộ quốc phòng không thể vượt qua nguyên thủ, người đứng đầu nhà nước, vốn sẽ là chốt chặn cuối cùng của bộ trưởng bộ quốc phòng trong các quyết định vĩ mô và có tính nguy hiểm cao độ (như sử dụng vũ khí hạt nhân). Vì thế, không thể bỏ qua nguyên thủ như là một mục tiêu quân sự hợp lý.

 

Ngoài ra, pháp luật quốc tế cũng thường dựa vào cách mà chính pháp luật một quốc gia xây dựng và quy định khung thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia để xác định việc họ có là mục tiêu quân sự hợp lý được hay không.

 

Tại Hoa Kỳ, hiến pháp quốc gia này xác nhận tổng thống là tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang. Như vậy, tổng thống sẽ được xem là mục tiêu quân sự hợp lý. [6]

 

Tương tự, hiến pháp nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ghi rõ chức danh chủ tịch nước sẽ có thẩm quyền tuyên bố tình trạng chiến tranh và ra lệnh tổng động viên. [7] Trên thực tế, bản thân người nắm giữ chức danh này cũng là người đứng đầu của Quân ủy Trung ương của đảng lẫn nhà nước Trung Quốc (The Central Military Commission) - các cơ quan lãnh đạo mọi hoạt động quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. [8] Chủ tịch của nhà nước Trung Quốc do đó cũng được xem là một mục tiêu quân sự hợp lý.

 

Với những dẫn chứng trên, có thể nói cả Tổng thống Nga lẫn Tổng thống Ukraine đều là các mục tiêu quân sự có thể bị tấn công và tiêu diệt.

 

Trong hiến pháp Ukraine, dù “Verkhovna Rada” (Quốc hội Ukraine) có thẩm quyền tối cao trong các quyết định quân sự trọng yếu nhất (ban hành tình trạng chiến tranh, điều động quân đội trong và ngoài nước, v.v.) thì tổng thống vẫn được xác lập là tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang. [9]

 

Hiến pháp Nga quy định điều gần như hoàn toàn tương tự. [10]

 

Tới đây, chúng ta đã hiểu cơ bản cách tiếp cận của pháp luật quốc tế về vai trò và tư cách của nguyên thủ quốc gia trong một cuộc xung đột vũ trang như chiến tranh Nga - Ukraine hiện nay. Song nếu muốn mở rộng thêm nữa, các chức danh dân sự khác như bộ trưởng bộ nội vụ, bộ trưởng bộ ngoại giao, bộ trưởng bộ tư pháp hay lực lượng an ninh, cơ quan cảnh sát khác thì sao?

 

Đối với những chức danh này, câu chuyện trọng tâm nằm ở vấn đề cơ bản mà chúng ta đã nói đến ở trên: Họ có tham chiến hay không?

 

Xét về lý thuyết, ngay cả các nhân viên của cơ quan tình báo nói chung (không kể lực lượng tham chiến) cũng đều được xem là nằm trong nhóm “thường dân” và được bảo vệ khỏi khả năng bị tấn công tiêu diệt theo nguyên tắc của pháp luật quốc tế về chiến tranh.

 

Nhóm an ninh - công an đôi khi được xem là một phần của lực lượng vũ lực quốc gia.

 

Tại Columbia, cả quân đội và cảnh sát đều được ghi nhận là lực lượng an ninh nằm dưới sự kiểm soát của bộ quốc phòng. Hiện thực nói trên được lực lượng vũ trang đối lập (Revolutionary Armed Forces of Colombia - FARC) sử dụng để lý giải cho việc họ tấn công cả cảnh sát và các đồn cảnh sát như một mục tiêu quân sự bình thường.

 

Điều này tương tự với cách các lực lượng đối lập trên thế giới như Mặt trận Dân chủ Quốc gia (National Democratic Front) tại Philippines và Quân đội Giải phóng Kosovo (Kosovo Liberation Army) cho rằng cảnh sát luôn có thể được sử dụng như một công cụ vũ lực thay thế cho quân đội, và vì vậy là sẽ trở thành đối tượng bị tấn công.

 

Cách lý luận này cũng có thể bị lạm dụng ở Việt Nam khi mà các chức danh của lực lượng công an, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và phương thức điều hành, v.v. thật ra không khác với quân đội cho mấy.

 

Tuy nhiên, theo pháp luật quốc tế, nhiệm vụ chính của lực lượng an ninh vẫn là giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ đời sống dân sự khỏi tội phạm. Trừ khi có bằng chứng rõ ràng chứng minh được lực lượng này đang được một chính quyền sử dụng cho các chiến dịch quân sự cụ thể, nếu không việc tấn công các nhóm này đều sẽ bị xem là vi phạm pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang.

 

Trong môi trường chính trị quốc gia bình thường, khó có thể bàn cãi về việc tất cả các chức danh lãnh đạo đảng phái đều cần phải được xem là “thường dân” và không thể bị xem là mục tiêu quân sự, trừ khi họ đồng thời kiêm nhiệm một chức danh quân sự nào đó trong chính quyền.

 

Tuy nhiên, đối với các nhà nước độc đảng, nơi mà thẩm quyền chính trị của đảng tác động trực tiếp đến lực lượng vũ trang, thì nhiều học giả đưa ra các đề xuất khác nhau.

 

Nổi tiếng nhất trong số đó là quan điểm của Christopher Greenwood về chiến dịch quân sự tại Iraq vào năm 1990-1991 và chiến dịch mở rộng vào năm 2003. [11] Theo ông này, vì tính chất quân sự hóa cao của hệ thống chính trị đảng Ba'ath (đảng cầm quyền tại Iraq) và ngược lại là tính chất chính trị hóa cao của quân đội Iraq, nên các quyết định quân sự của nhà nước Iraq không thể nói là không có sự tham gia của những lãnh đạo đảng.

 

Đây sẽ là một cân nhắc cho thực tế tại Việt Nam, vì Quân ủy Trung ương của Việt Nam là cơ quan lãnh đạo về mặt đảng đối với quân đội nhưng lại không phải một thành phần của bộ máy nhà nước. Dù chức danh chủ tịch nước của Việt Nam được hiến pháp xác định là thống lĩnh lực lượng vũ trang nhưng bí thư Quân uỷ Trung ương mới là người có thẩm quyền tối cao, vì đảng lãnh đạo toàn diện quân đội. [12] Thẩm quyền trong chuỗi mệnh lệnh quân sự tại Việt Nam chắc chắn không dừng lại ở chức danh chủ tịch nước.

 

                                                        ***

Xét tổng quan, pháp luật về xung đột vũ trang quốc tế không phải là một hệ thống pháp luật mà mọi người cần biết tới trong những thời điểm bình thường.

 

Tuy nhiên, ở những thời khắc sống còn như cuộc chiến chống xâm lược mà người Ukraine đang đối diện, hiểu biết cơ bản về pháp luật chiến tranh, pháp luật nhân đạo quốc tế là cách để quốc dân xây dựng hình ảnh chính nghĩa đúng đắn, cung cấp đầy đủ thông tin cho quốc tế, và bảo đảm rằng tính chính danh của mình không bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tấn công bằng thông tin giả.

 

Bài viết này hy vọng cung cấp được một vài thông tin hơi xa lạ nhưng cần thiết trong việc xây dựng một khung kiến thức nền về pháp luật liên quan đến xung đột vũ trang.

 

-----------

Chú thích

 

1. Gorobets, K. (2022). Russian “Special Military Operation” and the Language of Empire. Opinio Juris. https://opiniojuris.org/2022/05/24/russian-special-military-operation-and-the-language-of-empire/

 

2. Ilyushina, M. (2022, December 22). Putin declares ‘war’ – aloud – forsaking his special euphemistic operation. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/world/2022/12/22/putin-war-ukraine-special-operation/

 

3. International Committee of the Red Cross. (2015, January 22). What are jus ad bellum and jus in bello? International Committee of the Red Cross. https://www.icrc.org/en/document/what-are-jus-ad-bellum-and-jus-bello-0

 

4. Bùi Công Trực. (2023). Tại sao chiến tranh không nên là “còn cái lai quần cũng đánh”? Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/03/tai-sao-chien-tranh-khong-nen-la-con-cai-lai-quan-cung-danh/

 

5. Dr Agnieszka Jachec-Neale. (n.d.). Targeting State and Political Leadership in Armed Conflicts. Scholarship@Vanderbilt Law. https://scholarship.law.vanderbilt.edu/vjtl/vol51/iss3/18/

 

6. Presidential Authority as Commander in Chief of the Air Force. (1947, August 26). https://www.justice.gov/file/20626/download

 

7. The National People’s Congress of the People’s Republic of China. (n.d.). http://www.npc.gov.cn/zgrdw/englishnpc/Constitution/2007-11/15/content_1372966.htm

 

8. Xem [7]

 

9. Constitution of Ukraine. (1996, June 28). Refworld. https://www.refworld.org/pdfid/44a280124.pdf

 

10. Chapter 4. The President of the Russian Federation | The Constitution of the Russian Federation. (n.d.). (C)2001 Garant-Internet,www.garweb.ru. http://www.constitution.ru/en/10003000-05.htm

 

11. Chapter 4 Customary international law and the First Geneva Protocol of 1977 in the Gulf conflict. (1993). Taylor Francis. https://www.taylorfrancis.com/chapters/edit/10.4324/9780203992548-5/chapter-4-customary-international-law-first-geneva-protocol-1977-gulf-conflict-christopher-greenwood

 

12. Toàn văn Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. (2013, November 28). Người Lao Động. https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/toan-van-hien-phap-nuoc-chxhcn-viet-nam-201311281149826.htm

 

 

------------------------------------------------------

LIÊN QUAN

 

“Tội ác chiến tranh” của Nga tại Ukraine: Ai có thẩm quyền xét xử?

Những nguyên tắc pháp lý và định chế quốc tế có thể đối phó với tội ác chiến tranh.

Luật Khoa tạp chí         Vincente Nguyen

 

 

ICC ra lệnh bắt giữ Putin: Năm câu hỏi có thể bạn đang thắc mắc

Nền tảng quan trọng cho cuộc chiến pháp lý chống lại hành vi xâm lược của Nga.

Luật Khoa tạp chí                 Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

 

Phân tích pháp lý: Ukraine muốn loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an LHQ

Ràng buộc trách nhiệm giải trình đối với quốc gia sử dụng quyền phủ quyết.

Luật Khoa tạp chí            Nguyễn Quốc Tấn Trung

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats