Indonesia
trên lộ trình Dân Chủ
25/05/2023
https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-tren-lo-trinh-dan-chu-/7108835.html
Evan Laksmana, một giáo sư Đại học Quốc Gia ở
Singapore nhận xét: “Thời 1950, 60, ở Indonesia ai bị kết tội ‘thân Mỹ’ thì rất
tai hại. Chuyện đó không còn quan trọng nữa. Nhưng bây giờ ai bị gọi là ‘tay
sai Trung Cộng’ thì thậm nguy!”
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-9e8c-08db556f0d62_w1023_r1_s.jpg
Một học sinh cầm chiếc
quạt máy nhỏ để giảm nhiệt mùa hè, Aceh, Indonesia. Tháng Hai năm 2024 tới, dân
Indonesia sẽ đi bầu. Đây là lần đầu tiên các chức vụ tổng thống, đại biểu quốc
hội sẽ được chọn trong một lần bỏ phiếu; sau đó dân sẽ bầu thống đốc và nghị viện
của 38 tỉnh.
Tuần trước, mục này đã kể chuyện dân Thái Lan đang hy vọng phục hồi chế
độ Dân Chủ. Dân Indonesia còn đáng phục hơn nữa: Chế độ Dân Chủ đang tiến những
bước vững vàng.
Người Việt nên học tập gương sáng của Indonesia. Đó là một quốc gia mới
thành hình trong thế kỷ 20, sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa Hòa Lan – trong
khi Việt Nam vẫn tự hào mấy ngàn năm văn hiến. Trong 274 triệu dân có 1,300 sắc
tộc nói 700 thứ ngôn ngữ, rất khó kết hợp với nhau – còn người Việt gần như thuần
chủng, nói cùng một thứ tiếng. Đất nước Việt Nam nối liền một giải gần 2,000
km, dân Indonesia sống trên hàng ngàn hòn đảo; từ Papua đến Aceh xa cách nhau
hơn 5,000 km.
Khi nói đến Indonesia, người mình quen gọi là In Đô, Indo, chúng ta thường
nhớ đến trận sóng thần năm 2004 với 200,000 nạn nhân, đến vùng du lịch Bali, hoặc
khu di tích Phật Giáo ở Borobudur, ngôi chùa rộng lớn nhất thế giới.
Nhưng Indo cũng là quốc gia diện tích rộng thứ tư
trên thế giới; đông dân hàng thứ ba trong số các nước theo chế độ dân chủ; nhiều
tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới, gấp bảy lần Saudi Arabia. Dân Indo 90% theo đạo
Hồi nhưng các tổ chức chính trị và xã hội hoàn toàn không lệ thuộc tôn giáo.
Ngoài ra còn 245 tín ngưỡng khác, đặc biệt là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.
Trong mươi năm vừa qua, kinh tế Indo phát triển nhanh, tỷ lệ tăng trưởng
chỉ thua Trung Quốc và Ấn Độ. Lợi tức bình quân lên đến $4,332 đô la một người,
so với Việt Nam $4,086 vào năm 2022. Indo là nước sản xuất kền (nickel) nhiều
nhất, và sẽ đứng thứ nhì sản xuất cobalt, hai kim loại cấn thiết để chế “pin”
cho xe hơi chạy điện. Indo cùng với Singapore và Malaysia kiểm soát eo biển
Malacca nối Ấn Độ dương và Thái Bình dương, cửa ngõ thông thương giữa châu Âu,
châu Á.
Kể từ khi chế độ độc tài của Tướng Suharto bị lật đổ năm 1998, nền
chính trị ở Indo ổn định nhất, so với các nước dân chủ khác trong vùng Đông Nam
Á như Thái Lan, Malaysia và Philippines. Trong 25 năm họ đã bầu tổng thống năm
lần. Tất cả các vị tổng thống thất cử đã chấp nhận chuyển quyền cho người thắng,
không ai tìm cách ngăn cản. Vị tổng thống đầu tiên không được quốc hội tín nhiệm
nên không tái tranh cử; vị thứ nhì bị quốc hội truất phế; người thứ ba, bà
Megawati bị thua phiếu khi tái tranh cử; người thứ tư làm đủ hai nhiệm kỳ; người
thứ năm là Tổng thống Joko Widodo, thường gọi là Jokowi đắc cử năm 2014, sang
năm sẽ về hưu.
Joko Widodo được dư luận dân chúng và các đảng phái tin tưởng vì ông
khéo thỏa hiệp với bảy đảng khác, tất cả chiếm 81% số ghế trong quốc hội. Trong
năm qua, đã có đề nghị mở một cuộc trưng cầu dân ý xin tu chính hiến pháp để
ông có thể được tái cử, nhưng ông bác bỏ. Ông ví việc tu chính hiến pháp như “một
cái tát vào mặt” dân chúng, khi nói với báo Jakarta Post.
Lựa chọn của ông Jokowi chứng tỏ nền dân chủ xứ Indonesia đã trưởng
thành. Một vị tổng thống được ủng hộ mạnh nhất cũng không muốn xóa bỏ một tập tục
dân chủ, dù chỉ thi hành trong 20 năm. Một chứng cớ cụ thể khác cho thấy
Indonesia đã thay đổi, là không ai nghĩ tới một cuộc đảo chánh, như từng diễn
ra ở Thái Lan năm 2014 và Myanmar năm 2021; mặc dù quân đội đã đóng vai trò chủ
yếu suốt 30 năm thời Suharto.
Jokowi xuất thân từ một gia đình nghèo ở khu nhà “ổ chuột,” ông làm nghề
thợ mộc trước khi bước vào kinh doanh, được bầu làm thị trưởng một thành phố, rồi
làm đô trưởng thủ đô Jakarta.
Ba ứng cử viên nổi bật nhất giành nhau chức tổng thống cho thấy ba
khuynh hướng khác nhau để dân Indo lựa chọn. Hai người đã du học ở Mỹ là Tướng
Prabowo Subianto, đang làm bộ trưởng quốc phòng, từng dự huấn luyện ở Fort
Benning, tiểu bang Georgia; và ông Anies Baswedan, cựu đô trưởng Jakarta, đã lấy
bằng tiến sĩ, với học bổng Fulbright, tại Đại học Northern Illinois. Ông Ganjar
Pranowo, thống đốc một tỉnh ở đảo Java, tốt nghiệp Đại học Gadjah Mada (UGM),
cũng như Tổng thống Joko Widodo.
Tháng Hai năm 2024 tới, dân Indonesia sẽ đi bầu. Đây là lần đầu tiên
các chức vụ tổng thống, đại biểu quốc hội sẽ được chọn trong một lần bỏ phiếu;
sau đó dân sẽ bầu thống đốc và nghị viện của 38 tỉnh.
Tướng Prabowo Subianto, 71 tuổi, là con rể Tướng Suharto, được giới
quân nhân ủng hộ. Ông đã ra tranh cử tổng thống hai lần từ năm 2014; nhưng vẫn
được Jokowi, sau khi thắng phiếu năm 2019, mời cầm đầu bộ quốc phòng. Năm nay,
Prabowo chuẩn bị tranh cử lần nữa. Ông đề nghị bãi bỏ phương pháp phổ thông đầu
phiếu để chọn tổng thống và các thống đốc. Nếu để cho quốc hội và các nghị viện
tỉnh chọn, thì vai trò của các đảng phái và các tập đoàn kinh tế sẽ mạnh hơn.
Những người không theo Hồi Giáo, 13% dân số, và những người Hồi Giáo ôn
hòa tỏ ý lo ngại nếu ông Anies Baswedan lên làm tổng thống. Năm 2017, ông cùng
với một tổ chức Hồi Giáo cực đoan đã tố cáo một vị thống đốc phạm tội phỉ báng
Hồi Giáo khiến ông này, gốc Trung Hoa và theo đạo Thiên Chúa, bị ra tòa, lãnh
hai năm tù. Nhưng ông Anies cũng tỏ ra cởi mở với thế giới bên ngoài. Tốt nghiệp
đại học ở Mỹ, ông đã đi thăm nhiều nước Âu châu khi làm bộ trưởng giáo dục. Sau
khi từ chức thống đốc, ông đã được mời đi diễn thuyết ở Anh quốc và Mỹ.
Ứng cử viên thứ ba, Ganjar Pranowo, không quan hệ đến quân đội và đứng
ngoài các gia đình lớn thường ảnh hưởng mạnh đến chính trị. Ông đang dẫn đầu
trong các cuộc nghiên cứu dân tình, được đảng PDI-P của tổng thống Jokowi đề cử.
Ganjar đã từng biểu tình chống chế độ độc tài Suharto, đắc cử quốc hội năm
2004. Chủ tịch đảng PDI-P từ năm 1999 là bà Megawati Sukarnoputri, con của cựu
Tổng thống Sukarno đã bị Tướng Suharto lật đổ.
Theo truyền thống chính trị ở Indonesia luôn luôn tìm cách thỏa hiệp
các phe phái, ông Jokowi đã họp lãnh tụ các đảng phái để liên kết hai ông
Ganjar và Tướng Prabowo, hy vọng sẽ thu hút được nhiều phiếu của dân chúng hơn.
Trong thời gian làm tổng thống, ông Jokowi chỉ chú trọng việc phát triển
kinh tế, không quan tâm đến quan hệ với nước ngoài, trừ tổ chức Đông Nam Á
ASEAN mà năm nay Indonesia nắm vai chủ tịch. Nhưng địa thế của Indonesia trên bản
đồ Á châu cho thấy nước này sẽ có vai trò quan trọng.
Hiện nay Indonesia vẫn đứng trung lập trong cuộc tranh hùng giữa Mỹ và
Trung Quốc trong vùng này. Trung Quốc là nước giao thương với Indo nhiều nhất;
nhưng cũng là mối đe dọa lớn nhất với những tranh chấp trong quần đảo Trường Sa
mà nhiều hòn đảo Indo cũng nhận thuộc về nước mình. Trong vấn đề này, Indonesia
coi Mỹ là một đồng minh có thể giúp họ đối đầu với Trung Cộng.
Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỷ đô la giúp xây dựng đường xe lửa cao tốc
nối thủ đô Jakarta với thành phố lớn Bandung. Nhưng người dân theo Hồi Giáo ở
Indonesia cũng biết chế độ Cộng sản ở Trung Quốc theo một chủ nghĩa vô thần, và
họ đang đàn áp những người Uyghur theo Hồi Giáo ở tỉnh Tân Cương!
Trong tháng Tám năm ngoái, Indonesia đã cùng thao diễn với Mỹ và 14 nước
khác, tập trung 5,000 binh sĩ. Năm ngoái, Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Indonesia, đề nghị hợp tác trong nhiều lãnh vực, từ
an ninh hàng hải, năng lượng xanh, an ninh tin học và chống khủng bố. Một người
Mỹ rất được dân Indonesia ái mộ là cựu Tổng thống Barack Obama. Ông đã từng sống
ở Jakarta thủa nhỏ, khi bà mẹ của ông tái giá với một công dân Indonesia.
Cuộc bầu cử sang năm ở Indonesia sẽ không thay đổi chính sách ngoại
giao của nước này, là đứng ngoài các cuộc tranh chấp quốc tế. Nhưng dân Indo
cũng biết rằng chơi với Mỹ có lợi hơn. Thời 1978 chính ông Đặng Tiểu Bình đã nhận
xét, “Nước nào thân Mỹ cũng đều phồn thịnh!”
Evan Laksmana, một giáo sư Đại học Quốc Gia ở Singapore nhận xét: “Thời
1950, 60, ở Indonesia ai bị kết tội ‘thân Mỹ’ thì rất tai hại. Chuyện đó không
còn quan trọng nữa. Nhưng bây giờ ai bị gọi là ‘tay sai Trung Cộng’ thì thậm
nguy!”
No comments:
Post a Comment