Monday, 22 May 2023

G7 KÊU GỌI TRUNG QUỐC ÁP LỰC NGA, TÔN TRỌNG ĐÀI LOAN và THƯƠNG MẠI CÔNG BẰNG (Người Việt)

 



G-7 kêu gọi Trung Quốc áp lực Nga, tôn trọng Đài Loan, và thương mại công bằng

Người Việt

May 21, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/g7-keu-goi-trung-quoc-ap-luc-nga-ngung-chien-ton-trong-dai-loan-va-thuong-mai-cong-bang/

 

HIROSHIMA, Nhật (NV) – Bảy quốc gia giàu có nhất thế giới kêu gọi Trung Quốc gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình, theo AP trích dẫn các tuyên bố của Hội Nghị Thượng Đỉnh G-7 tại Hiroshima, Nhật, hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Năm.

 

Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G-7 nhấn mạnh họ không muốn làm tổn hại đến Trung Quốc và đang muốn xây dựng mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh. 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/TS-g7-photo-1536x1004.jpeg

Các nhà lãnh đạo G-7 và Liên Âu chụp hình lưu niệm tại Hiroshima, Nhật. (Hình: Stefan Rousseau – Pool/Getty Images)

 

Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc gây áp lực buộc Nga ngừng các hành động gây hấn và rút lui khỏi Ukraine hoàn toàn, ngay lập tức, vô điều kiện. Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc ủng hộ nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.”

 

G-7 khẳng định rằng việc hợp tác với Trung Quốc là cần thiết, vì vai trò và quy mô kinh tế toàn cầu của quốc gia này. Tuy nhiên, họ bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về tình hình ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh mở rộng hiện diện quân sự và đe dọa sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.

G-7 kêu gọi “giải pháp hòa bình” trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Đài Loan, nói rằng các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không có “cơ sở pháp lý.”

 

Bên cạnh đó, G-7 thống nhất bày tỏ lo lắng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm Tây Tạng, Hồng Kông, và Tân Cương, nơi cưỡng bức lao động là vấn đề muôn thuở.

 

Đồng thời, tuyên bố chung cũng phủ định cáo buộc rằng G-7 muốn ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nỗ lực nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và bảo đảm khả năng tiếp cận ổn định các nguồn khoáng sản quan trọng chiến lược và các nguồn tài nguyên khác không phải để phá vỡ quan hệ giao thương với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, G-7 khẳng định sẽ chống lại các hình thức “ép buộc kinh tế,” những hành động xấu xa như chuyển giao kỹ thuật bất hợp pháp hoặc tiết lộ dữ liệu mà chính quyền và các công ty Trung Quốc thực hiện

 

Trước các thông điệp của G-7 đưa ra, Bắc Kinh bày tỏ phản ứng giận dữ.

 

Hôm Chủ Nhật, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cáo buộc G-7 dùng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc để tấn công, bôi nhọ, và can thiệp trắng trợn vào nội bộ nước này. Bắc Kinh tuyên bố cực lực phản đối các điều này, đồng thời sẽ có những hành động phản kháng với nước chủ nhà Nhật và các bên liên quan khác. 

 

Ngoài Nhật là nước chủ nhà, G-7 năm nay bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý, và Liên Âu, cùng một số quốc gia khác được mời. (MPL) [đ.d.]

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats