“CHỐN
VẮNG” CỦA DƯƠNG THU HƯƠNG
Từ hơn mười năm trước, qua một người Pháp gốc
Việt, tôi đã được nghe kể về tiểu thuyết “Chốn vắng”.
Theo người kể lại thì đó là cuốn tiểu thuyết
hay nhất của Dương Thu Hương. Sau đó có vài người quen khác đã đọc cuốn tiểu
thuyết này, cũng đều có cùng quan điểm như bà người Pháp gốc Việt kia.
Tôi và chị Hương có một vài kỉ niệm đẹp, mà
tôi đã kể ở đâu đó. Từ khi chị chuyển sang tị nạn tại Pháp, mặc dù có thể chị
không còn nhớ tôi, nhưng tôi vẫn thường xuyên cập nhật thông tin ít ỏi về chị
khi có cơ hội. Vài lần bạn bè văn chương rôm rả bàn về giải Nobel và nhắc đến
người nọ người kia, tôi đều khẳng định, nếu có nhà văn Việt Nam nào hiện nay
nhiều cơ hội nhận giải Nobel nhất, thì đó là Dương Thu Hương (chị Hương vẫn giữ
quốc tịch Việt Nam). Chỉ một mình Dương Thu Hương.
Khi đó tôi chưa đọc “Chốn vắng”.
Tôi không có cơ hội chúc mừng chị Hương khi Viện
Hàn lâm Pháp trao giải danh giá cho chị. Không có gì thuộc về cuộc sống này, kể
cả việc đi vệ sinh, lại nằm ngoài chính trị (Từ giấc mơ mỗi nhà có một hố xí
hai ngăn, đến các loại toilet có thể ngồi uống trà hiện nay, không đơn thuần chỉ
là sự thay đổi về công nghệ, mà là một cuộc chuyển đổi con đường phát triển).
Vì thế đừng ai định lấy lý do chính trị để “dìm hàng” giải thưởng Cino del
Duca. Làm như vậy chỉ chứng tỏ duy nhất một điều là họ đang đố kị. Nó chắc chắn
danh giá hơn hàng ngàn lần thứ giải thưởng tặng cả mớ theo kiểu bốc thăm nhận
thịt chia mô trên lá chuối thời bao cấp! Người Việt mình thật khó lớn và nó biểu
hiện trước hết ở tính đố kị. Nhưng sự bé mọn cũng còn tìm thấy cả ở không ít những
lời tung hô đầy tính vụ lợi!
Tôi thể hiện lời chúc mừng Dương Thu Hương
theo cách của mình: Tìm đọc “Chốn vắng”.
“Chốn vắng” là cuốn sách thứ ba của chị Hương
mà tôi đọc, sau “Hành trình ngày thơ ấu” và “Những thiên đường mù”. Ấn tượng về
hai cuốn trước cùng một số truyện ngắn, vốn khá dai dẳng trong tâm trí tôi, lập
tức bị “Chốn vắng” xóa tan. Cốt truyện của “Chốn vắng” hóa ra rất đơn giản
(nhưng cực kỳ đắc địa cho việc triển khai một ý đồ lớn): Bôn là chồng cũ của
Miên, lấy nhau bằng tình yêu hẳn hoi, dù không được thử thách, như bất cứ mối
tình nào thời đó. Rồi thì người đọc sẽ thấy Bôn chiến đấu không khác gì một anh
hùng, cực kì có tình có nghĩa với đồng đội. Nhưng do thất lạc sang Lào, nên anh
bị coi là người chết trận. Sau một thời gian nhận giấy báo tử chồng đủ dài để
không ai có thể chê trách, Miên tái giá với Hoan, một người đàn ông hoàn hảo cả
về hình thức lẫn tính cách. Chúng ta tạm chưa cần biết Hoan là ai, có cuộc đời
thời trẻ éo le ra sao. Chỉ biết rằng, anh sinh ra trên đời là để dành cho Miên.
Cặp đôi hoàn hảo này chỉ tìm thấy nhau sau khi trải qua muôn vàn tai ương, mà
nguyên nhân gốc không hẳn chỉ là do chiến tranh. (Nhân vật Hoan gánh theo sứ mệnh
làm chứng cho một xã hội mà Dương Thu Hương mơ tưởng, đồng thời ở phía ngược lại,
tố cáo một xã hội nửa bóng tối, nửa ánh ngày, nửa hoang dã, nửa mafia, nơi thần
thánh trà trộn lẫn ma quỷ, thậm chí thần thánh tìm thấy nơi trú ngụ là ma quỷ…
nát vụn về đạo đức. Cái địa ngục trần gian ấy, theo tác giả, là kết quả của cuộc
hôn phối giữa truyền thống chả ra gì mặc dù luôn được tung hô và thứ ý thức hệ
tăm tối! Nếu có một chút cảm giác tác giả viết cho “bõ hờn”-chữ của Hoàng Ngọc
Hiến-thì là ở những phần mô tả này. Tuy nhiên chúng rất ít trong “Chốn vắng” so
với “Những thiên đường mù”).
Cuộc sống của Miên và Hoan là cuộc sống mà bất
cứ ai cũng thèm khát, cũng mơ ước nhưng đa phần không chạm tới được. Họ có với
nhau một đứa con trai đẹp như thiên thần. Họ đích thực là CON NGƯỜI giữa thế giới
nửa người nửa thú, nửa người nửa ma-ngòi bút của Dương Thu Hương rất ghê gớm,
đáng sợ và đáng nể khi dựng lên cái đối cảnh ấy.
Nhưng cái Thiên đường ấy của họ sụp đổ tan
tành trong phút chốc, vào hôm Bôn, hóa ra không chết trận, trở về, còn hơn cả
việc người chết đội mồ sống lại. Anh không thẳng đường đến túp lều tối tăm, chung
chạ của mình, mà dạt ngay vào cái tổ ấm của Hoan và Miên. Tại đây, sau cơn sốc
khủng khiếp khi đối mặt với “cái hồn ma” có hơi thở “như thoát ra từ địa ngục”,
ý thức về bổn phận làm vợ của Miên, nỗi sợ trước truyền thống đã ăn sâu từ muôn
đời trước, khiến chị đi đến quyết định quay lại sống với Bôn, cũng coi như đó
là cách chị bù đắp cho thiệt thòi của người đã cống hiến phần đời đẹp nhất cho
Tổ quốc. Khi quyết định như vậy chị đứng ở hai tư cách: Người vợ cũ và NGƯỜI HIẾN
TẾ, tuẫn nạn vì đạo đức. Cuộc sống sau đó của Miên với Bôn, đúng là chỉ có
Dương Thu Hương mới đủ táo tợn, đủ bất chấp mọi cấm kị về ngôn từ, phong tục… để
gây cảm giác ghê rợn như những gì bạn đọc nhận thấy. Cuối cùng, sau muôn vàn điều
oái oăm mà người đọc yếu về thể trạng khó mà chịu đựng nổi để không nôn ọe,
Miên cũng có thai với Bôn trong tình huống anh tìm đến sự hủy hoại toàn diện.
Chị đẻ ra một cái quái thai do Bôn nhiễm chất đọc hóa học. Cú sốc đó khiến chị
thức tỉnh và quyết định vùng dậy, xác định quyền của mình, phá bỏ tù ngục, dẫm
dưới chân mọi thứ đạo đức, truyền thống, để tìm lại cái Thiên đường đã bị chính
chị từ bỏ. Chị thuyết phục được cả Hoan và Bôn để cuối cùng Bôn cùng về ở trong
căn nhà của chị, nhận sự chăm sóc của chị, như một người ruột thịt.
Ngày ngày chứng kiến cảnh Hoan và Miên hạnh
phúc, trong khi mình chả khác gì một thứ “thằng ở”, Bôn quyết định phải giết
Hoan. Miên, lúc này đang mang cái thai bảy tháng của Hoan, sau khi được Soan
thông báo việc Bôn mượn súng săn của chồng, đã linh cảm chính xác điều khủng khiếp
sắp diễn ra. Chị quyết định vượt qua một quãng đường đồi với thời gian ngoài sức
tưởng tượng của chị, kịp cứu cả Bôn-khỏi tội sát nhân và Hoan, khỏi cái chết bi
thảm, với cái giá đành chịu mất hai ngón tay. Mọi người đều biết rõ kẻ thủ ác,
nhưng không ai đủ can đảm/ không ai nỡ nói ra. Sự đồng lõa tập thể này sẽ còn
là vấn nạn của xã hội. Chứng kiến cảnh vợ phải đẻ non, Hoan nung nấu ý nghĩ trả
thù bằng cách tố cáo Bôn, bắt anh ta mục xương trong tù. Nhưng anh chấp nhận lời
cầu xin của Miên: Tha thứ cho Bôn.
Cái cuộc sống tiếp theo của họ sẽ ra sao khi
Bôn cảm thấy rất rõ anh đang ở một nơi không có người-chốn vắng, tùy vào hình
dung và sức chịu đựng của mỗi bạn đọc.
Trong “Chốn vắng”, ngoài thủ pháp kể chuyện
xen lẫn các hồi ức của nhân vật, khiến văn bản trần thuật có chút bí ẩn, nhiều
lớp chiều sâu, đa thanh… còn lại không có tí gì gọi là “cách tân” về hình thức,
theo đòi hỏi của khá nhiều người trẻ hiện nay. Nhưng sự ám ảnh, gợi bạn đọc đến
những suy tư ngoài văn bản thì kéo dài suốt cả 568 trang sách. Cái tài của tác
giả là không ngớt xô bạn đọc đến trước các tình huống ngột ngạt, báo hiệu sự bế
tắc khiến độc giả nhiều phen phải nín thở. Những trang phân tích tâm lý không
chỉ sắc như dao cạo, rất đáng sợ, soi vào tận thẳm sâu mỗi cái vực tâm hồn con
người, mà còn cực kỳ tinh tế.
Dương Thu Hương không tỉa tót, mài giũa các
chi tiết, không tạo ra những thứ đầy chất thơ, không lịch sự chiều theo nhu cầu
nhấm nháp thẩm mỹ của bạn đọc, mà luôn khiến họ phải bàng hoàng, phải vật lộn với
các lựa chọn thẩm mỹ và đạo đức.
Dương Thu Hương quả là có biệt tài trong việc
dựng nên hình ảnh tuyệt mỹ gắn với phụ nữ. Miên, Soan, người mẹ, người chị của
Hoan, người đàn bà không biết mặt xóm Chài và kể cả cô gái khuyết tật người Lào
mà anh từng sống chung nhiều năm trong câm lặng, mỗi người một vẻ, mỗi người một
hoàn cảnh sống, một tính cách, nhưng đều hiện lên rực rỡ, tinh khiết, thơm tho,
đầy tính cứu rỗi. Họ đều là tượng đài của cái đẹp. Họ rất đàn bà, rất con người
khi khát khao tình dục, khát khao sinh nở, khát khao được hy sinh cho chồng
con. Nhưng họ đích thực là những nữ thần tình yêu, những nàng công chúa trong cổ
tích còn sót lại hoặc tái thế.
Những nghi ngờ về “tính ác, sự vô cảm’ của tác
giả, như nhiều ý nghĩ quen thuộc dành cho bà, hóa ra là do họ ác ý tưởng tượng
tượng ra. Trong “Chốn vắng” có rất nhiều “vàng ròng” còn lại mãi mãi, sau sự
tàn phá ghê tởm của chiến tranh, của chính trị bá đạo, của những dẫn lối mù
quáng, của thói ích kỉ, hèn nhát lẩn sâu trong truyền thống. Đó là tình đồng đội.
Đó là lòng trung thành với bản thân. Đó là sự thượng tôn phẩm giá, trong mọi
hoàn cảnh. Đó là lòng trắc ẩn thánh thiện… Mối tình Xá chột với Soan, đẹp một
cách tự nhiên, chất phác, giống như phụ bản sắc sảo làm bừng sáng thêm mối tình
Hoan-Miên, nhưng không chỉ như vậy, bản thân nó là một nét đẹp đích thực của đời
sống nguyên bản thường nhật, một đời sống chưa bị thứ nhân danh văn minh làm
cho nham nhở, đồi bại.
“Chốn vắng” cho ta nhiều suy tư về sứ mệnh của
văn học trong thay đổi nhận thức và xã hội. Hóa ra văn học không phải là sự bịa
tạc mang tính thủ pháp chỉ để tạo ra khoái cảm thuần túy cho nghệ sỹ, mà là
chính cuộc sống được tái tạo bằng ngôn ngữ và lương tâm, vì cuộc sống và lương
tâm; là máu cùng nước mắt được dùng làm mực; là sự cộng hưởng tiếng nói, tiếng
thở, tiếng kêu gào vì đau thương giữa nhà văn với nhân quần. Sự hấp dẫn và
thành công của “Chốn vắng”, xét cho cùng, là nó hoàn toàn tự do khi thể hiện những
điều bình thường nhưng lớn lao đó. Ngoài giá trị nghệ thuật, thứ nghệ thuật vực
dậy, nâng đỡ phẩm giá và vực dậy, nâng đỡ chính con người, “Chốn vắng” cũng tiện
thể đưa ra thông điệp bất tuân quyền lực, bất tuân các giáo huấn nhàm chán và dối
trá, bất tuân sự hủy diệt. Nó đưa ra tuyên ngôn về thứ văn học phá tan mọi tù
ngục, bóc trần cái ác, bóc trần sự giả trá, truy đuổi thói hèn mạt đến tận
cùng.
Dương Thu Hương, với “Chốn vắng”, em xin được
cảm ơn và chúc mừng chị!
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10226975975202945&set=a.10213683197371807
Bìa sách “Chốn
Vắng”
.
No comments:
Post a Comment