Monday, 22 May 2023

BÊN LỀ HỘI NGHỊ G7, BỘ TỨ GIÁN TIẾP TỐ CÁO TRUNG QUỐC GÂY RỐI Ở ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG (Trọng Nghĩa / RFI)

 



Bên lề hội nghị G7, Bộ Tứ gián tiếp tố cáo Trung Quốc gây rối ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 21/05/2023 - 14:04

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230521-b%C3%AAn-l%E1%BB%81-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-g7-b%E1%BB%99-t%E1%BB%A9-gi%C3%A1n-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%91-c%C3%A1o-trung-qu%E1%BB%91c-g%C3%A2y-r%E1%BB%91i-%E1%BB%9F-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-th%C3%A1i-b%C3%ACnh-d%C6%B0%C6%A1ng

 

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật Bản), vào hôm qua 20/05/2023, lãnh đạo 4 nước trong nhóm Bộ Tứ QUAD, một liên minh không chính thức giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, đã họp bàn về hợp tác trong nhóm. Trong một bản thông cáo công bố sau cuộc họp, nhóm Bộ Tứ đã chỉ trích Trung Quốc nhưng không nêu đích danh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a82cffea-f754-11ed-8472-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-05-20T122441Z_1523969280_RC2C21AX18C3_RTRMADP_3_G7-SUMMIT.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Anthony Albanese của Úc, Fumio Kishida của Nhật Bản và Narendra Modi của Ấn Độ - lãnh đạo bốn nước Bộ Tứ QUAD - họp bên lề thượng đỉnh G7, Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/05/2023. REUTERS - JONATHAN ERNST

 

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, tổng thống Mỹ Joe Biden và các thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản, Narendra Modi của Ấn Độ, và Anthony Albanese của Úc không không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng quốc gia khổng lồ vùng châu Á rõ ràng là mục tiêu của bản tuyên bố kêu gọi “hòa bình và ổn định ở khu vực hàng hải Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

 

Văn kiện này ghi rõ: “Chúng tôi kiên quyết phản đối các hành động gây bất ổn hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc biện pháp ép buộc”, một ám chỉ rõ ràng về các hành động mà Trung Quốc tiến hành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bị các nước phương Tây coi là nguồn gốc gây bất ổn.

 

Tuyên bố nói thêm: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc quân sự hóa các khu vực tranh chấp, việc sử dụng tàu ​​quân sự hoặc tàu cảnh sát biển một cách nguy hiểm và nỗ lực gây bất ổn cho các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác”. Đoạn tuyên bố này rõ ràng chỉ trích các hành vi của Bắc Kinh như bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và biến những nơi đó thành tiền đồn quân sự, và quấy nhiều tàu thuyền nước khác hay các hoạt động thăm dò khai thác của nước khác trong các vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình, nhất là ở Biển Đông.

 

Các nước QUAD cũng tuyên bố ủng hộ việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với điều kiện là các dự án này không áp đặt các khoản nợ quá nặng đối với các quốc gia thụ hưởng. Tuyên bố này cũng gợi lại những lời chỉ trích nhắm vào các dự án phát triển do Trung Quốc tài trợ ở châu Á hoặc Thái Bình Dương.

 

Trong số các dự án được nhóm QUAD bảo vệ có việc phát triển mạng lưới cáp ngầm ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hoặc hỗ trợ cuộc chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

Các nhà lãnh đạo QUAD cũng cho biết "quan ngại sâu sắc" về các hành vi đàn áp của tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện, và lên án các vụ phóng tên lửa và tiếp tục chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TRUNG QUỐC - QUAD

Những hành động của Trung Quốc khiến nhóm QUAD đoàn kết hơn

MỸ - NHẬT - ẤN ĐỘ - ÚC

Thượng đỉnh QUAD vì một khu vực « Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở »

HOA KỲ - QUAD - TRUNG QUỐC

Trung Quốc, trọng tâm của thượng đỉnh QUAD

 

=======================================================

.

.

Biden họp ‘Bộ Tứ Kim Cương’ bên lề G-7

Người Việt

May 21, 2023

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/biden-hop-bo-tu-an-do-duong-thai-binh-duong-ben-le-g7/

 

HIROSHIMA, Nhật (NV) – Tổng Thống Joe Biden trấn an các nhà lãnh đạo thế giới rằng Mỹ sẽ không vỡ nợ trong cuộc họp với lãnh đạo Úc, Nhật, và Ấn Độ, ba nước cùng với Mỹ thuộc nhóm “Squad” (gọi là Bộ Tứ Kim Cương), hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Năm, sự kiện bị thay đổi lịch trình vội vàng do ông Biden phải bay về Washington DC để thảo luận vấn đề nâng trần nợ, theo AP.

 

Với hy vọng ngăn chặn một hậu quả có thể rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, ông Biden bắt đầu ngày thứ ba tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G-7 ở Hiroshima, Nhật, năm nay bằng các thông tin ngắn về những cuộc thảo luận nhằm nâng giới hạn nợ liên bang. 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/TS-biden-the-four-1536x1024.jpeg

Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ Kim Cương bao gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ gặp nhau tại hội nghị G-7 ở Nhật. (Hình: Kenny Holston/Pool/AFP via Getty Images)

 

Ban đầu, bốn quốc gia này dự tính họp tại Sydney, Úc, vào tuần tới, với chủ đề chính là thách thức các hoạt động của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

 

Tuy nhiên, cuối cùng họ phải gặp nhau bên lề sự kiện G-7, vì ông Biden cần trở lại Washington DC vào Chủ Nhật để hoàn tất các thỏa thuận nhằm nâng trần nợ trước ngày 1 Tháng Sáu, khi chính phủ Mỹ có thể không còn tiền chi tiêu.

 

Ông Biden cho biết ông cảm thấy các cuộc thảo luận với đảng Cộng Hòa đang có những tiến triển. 

 

Giới truyền thông ghi nhận có dấu hiệu cho thấy sẽ có phiên đàm phán mới ở Washington DC khi họ nhìn thấy thực phẩm được đưa vào phòng họp trong tòa nhà Quốc Hội sáng Thứ Bảy, 20 Tháng Năm. Tuy nhiên, một giới chức giấu tên nói rằng có lẽ không có cuộc họp nào được tổ chức vào ngày hôm đó cả.

 

Chuyến đi bị rút ngắn của ông Biden tô đậm thêm tình hình căng thẳng cơ bản trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Đó là khi ông nỗ lực khẳng định với thế giới rằng Mỹ đang giành lại vị thế dẫn đầu toàn cầu, thì vào những thời điểm quan trọng, các vụ lộn xộn do đảng Cộng Hòa cản đường xảy ra.

 

Cho đến hôm Thứ Bảy, 20 Tháng Năm, ông Biden hầu như không xuất hiện trước công chúng tại G-7, bỏ qua những tuyên bố quan trọng trước công chúng và rời đi sớm trong bữa tối của các nhà lãnh đạo hôm Thứ Sáu, 19 Tháng Năm. Thay vào đó, ông dành thời gian nghe các phụ tá ở Mỹ báo cáo về các cuộc đàm phán trần nợ.

 

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia, thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo thế giới gây áp lực với ông Biden về thế bế tắc ở Washington DC. Còn bà Karine Jean-Pierre, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, khẳng định rằng không có gì phải hoảng sợ, ít nhất là ở thời điểm này.

 

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Biden có cuộc hội đàm với ông Anthony Albanese, thủ tướng Úc, thay cho chuyến thăm Úc bị hủy bỏ. Giới chức Mỹ cho biết chuyến thăm sẽ được sắp xếp lại, đồng thời ông Biden cũng mời ông Albanese đến thăm Washington DC.

 

Các nhà lãnh đạo cùng nhau ký một thỏa thuận tăng cường quan hệ đối tác trong việc phát triển các nguyên liệu thô sử dụng trong kỹ thuật năng lượng sạch, khi mỗi bên đều muốn tìm cách khỏi phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Bộ Tứ Kim Cương cũng đưa ra tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực không gian, thương mại, và quốc phòng.

 

Trong cuộc họp vào buổi tối với ba nhà lãnh đạo thế giới, ông Biden lặp lại lời xin lỗi vì chuyển cuộc họp sang Nhật. 

 

Ông Biden cũng không thể dự hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương ở Papua New Guinea vào Thứ Hai, 22 Tháng Năm. Thay vào đó ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, sẽ thay thế vị trí của ông. Đáng lẽ đây là chuyến thăm Papua New Guinea đầu tiên của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm.

 

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tích cực mở rộng ảnh hưởng tại các quốc gia thuộc khu vực này, nơi sở hữu các tuyến đường vận chuyển quan trọng.

 

Tại Hiroshima, ông Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác thông qua khuôn khổ chung về việc cải thiện khả năng phục hồi kinh tế, thừa nhận rằng giao thương cấp độ cao với Trung Quốc có thể là một mối nguy hơn là cơ hội. Tuy nhiên, G-7 khẳng định chỉ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro, chứ không phải tách khỏi Trung Quốc về mặt giao thương. (MPL) [đ.d.]

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats