Sunday 14 May 2023

AI CŨNG MUỐN KIỂM SOÁT BIG TECH và MẠNG XÃ HỘI NHƯNG CÓ LÀM NỔI? (BBC News Tiếng Việt)

 



Ai cũng muốn kiểm soát Big Tech và mạng xã hội nhưng có làm nổi?

BBC News Tiếng Việt

13 tháng 5 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/business-65571393

 

Từ cuối năm nay, Việt Nam sẽ áp dụng phần sửa đổi Luật Viễn thông, buộc người dùng mạng xã hội của cả các nền tảng trong và ngoài nước phải xác minh danh tính của họ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1818A/production/_116089689_mediaitem116088024.jpg

Từ 17/03/2023, luật DSA của EU có hiệu lực, nhằm "chấn chỉnh" các đại gia công nghệ

 

Theo Reuters trích đài báo VN thì mục tiêu của chính quyền là để "hạn chế lừa đảo trực tuyến" nhưng giới chỉ trích nói đây lại là một cách nhằm kiểm soát xã hội.

 

"Có thời điểm cơ quan chức năng xác định được chủ tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật nhưng không truy vết được vì tội phạm sử dụng ứng dụng xuyên biên giới," quan chức Bộ Thông tin & Truyền thông giải thích.

 

"Các tài khoản chưa được xác minh, bất kể trên các nền tảng trong nước hay nước ngoài như Facebook, TikTok, YouTube, đều sẽ bị xử lý."

 

Việt Nam không phải là nước đầu tiên nỗ lực buộc các đại gia công nghệ toàn cầu tuân thủ luật quốc nội hoặc buộc công dân của mình chấp nhận các hình thức giám sát vì mục tiêu công, chống vi phạm pháp luật, theo cách diễn giải của chính phủ.

 

Các quan chức Việt Nam còn cố gắng lập ra các dự án tốn kém nhằm xây dựng nền tảng mạng xã hội nội địa - như Trung Quốc - để giảm đi "quyền lực" của Big Tech (đại tập đoàn công nghệ cao toàn cầu).

 

Nhưng các nỗ lực này, như câu chuyện của mạng Lotus, ra mắt rầm rộ năm 2019, trở thành hiện tượng "sống mòn" năm 2022, theo các báo VN.

 

Bài học lớn hơn là của các nước Anh, Mỹ và cả khối Liên minh châu Âu muốn kiểm soát Big Tech hoặc Pháp muốn lập mạng riêng mà đều chưa đạt kết quả gì đáng kể.

 

Cùng lúc, giới phân tích tin rằng cách tốt nhất cho xã hội là các chính phủ hợp tác với giới công nghệ Big Tech thay vì tìm cách ngăn cản họ.

 

Pháp và EU muốn gì?

 

Từ nhiều năm qua, các quốc gia như Pháp muốn hạn chế điều họ gọi là "cuộc xâm lăng của công nghệ Anglo-Saxon", ám chỉ Anh-Mỹ.

 

Nhưng phải đến tháng 4/2022, khi Pháp làm Chủ tịch luân phiên của EU, khối này mới đề xuất ra được Luật Dịch vụ kỹ thuật số (The Digital Services Act-DSA) cho tất cả các nước thành viên.

 

Cao ủy phụ trách thị trường EU, Thierry Breton (người Pháp) lúc đó đã ca ngợi cột mốc này:

"Đây là lần đầu tiên sau 20 năm, châu Âu đã tìm được giải pháp cho việc quản trị không gian số và thông tin."

 

Nghị sĩ Nghị viện EU từ các quốc gia nhỏ, như Đan Mạch, và lớn như Đức, đều vui mừng trước sự ra đời của DSA với hiệu lực dự kiến bắt đầu từ 17/02/2023.

 

Điều gây tranh cãi là quy chế thực hiện DSA như thế nào ngoài việc tung ra các hình phạt tiền triệu nhắm vào Google, Facebook, Instagram, Amazon...

 

DSA đặt ra mức phạt tới 6% doanh thu toàn cầu của bất cứ đại công ty công nghệ nào, nếu họ vi phạm các quy định nhằm bảo vệ quyền riêng tư, chống nội dụng độc hại, xâm phạm quyền trẻ em, tuyên truyền khủng bố.

 

Các quốc gia thành viên EU sẽ xác định số người dùng mạng xã hội ở nước họ để áp dụng e-Directive của EU phù hợp với tầm vóc của thị trường.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0733/production/_108834810_68769465_115965539763540_476862316135055360_n.jpg

Một quảng cáo của Lotus, mạng xã hội Made in Vietnam, hồi mới ra mắt năm 2019. Sang tới năm 2022 mạng bị coi là "sống mòn" vì thua các nền tảng ngoại như Facebook

 

Theo trang Politico ở Đức, EU có tham vọng thu tiền từ cách buộc các dịch vụ Amazon, Airbnb, eBay, AliExpress và Etsy "thông báo về doanh nghiệp dùng các nền tảng này" để tránh việc kinh doanh sai trái.

 

Luật An ninh mạng Việt Nam: Hỏi nhanh đáp gọn

EU 'sẵn sàng giúp VN' về an ninh mạng

'Luật An ninh mạng, bước lùi lớn cho VN'

 

Vì đã cho các quốc gia thành viên quyền giám sát "ở cấp địa phương", Ủy ban châu Âu sẽ chỉ theo dõi chừng 30 công ty lớn, có hơn 45 triệu người dùng ở EU. Họ cũng bắt các công ty này nộp 0,05% doanh thu toàn cầu để "lấy mỡ nó rán nó" - tiền thu về sẽ dùng vào việc giám sát, thực thi DSA.

 

Tạo ra mạng của chính mình?

 

Cùng lúc, EU tung ra Digital Market Act (DMA) với quan niệm rằng các đại gia công nghệ "lạm dụng vị thế toàn cầu và đồng vốn, số người dùng" làm giảm tính cạnh tranh ở thị trường EU.

 

Thực chất, EU nhân danh "cạnh tranh lành mạnh" để kiềm chế Big Tech từ Mỹ nhằm tạo không gian cho các công ty công nghệ châu Âu vươn lên.

 

Đây không phải là chuyện dễ.

 

Từ 20 năm qua, các công ty như tại Pháp đã cố gắng tạo ra sân chơi riêng nhưng đều thất bại. Dư luận còn nhớ năm 2001, Pháp có mạng kết nối bạn bè Copains d'Avant, nhưng một thống kê năm 2022 nói mạng xã hội phổ biến nhất ở Pháp vẫn là Facebook, và app phổ biến nhất là Whatsapp.

 

Tình hình ở Đức nay tương tự như Pháp, với và mạng "nội địa" Xing (ra đời từ một nền tảng ở Hamburg năm 2003), nay chỉ chiếm 14,7%.

 

Doanh thu bao nhiêu, đếm bằng cách nào?

 

Ở EU, từ tháng 3 tới nay vấn đề lớn nhất là thực hiện kiểm toán. Không công ty Big Tech nào cung cấp cho EU doanh thu toàn cầu của họ để từ đó tính ra mức phạt 6%. EU nói sẽ thuê các 'auditor' độc lập để có số liệu.

 

Nguyên tắc bình đẳng cũng áp dụng cho các Big Tech của Mỹ và Trung Quốc, nhưng gần như ai cũng biết EU không thể chế tài các công ty Trung Quốc.

 

Trong cuộc thi ca nhạc Eurovision năm nay tại Liverpool, các báo Anh cho hay TikTok của TQ là "nền tảng thống trị" với cả ban tổ chức và người xem, nhất là giới trẻ, bất chấp ý muốn của Anh và EU yêu cầu cấm quan chức nhà nước dùng TikTok vì "an toàn mạng" cũng chẳng thể nào làm gì được.

 

Nhiều loại app khác của TQ cũng đang rất phổ biến cả ở Mỹ và châu Âu.

 

Anh và Mỹ muốn kiểm soát?

 

Tuy đã ra khỏi EU sau Brexit, chính phủ Anh vẫn hợp tác với Brussels để ra văn bản mang tên Online Safety Bill (OSB) cùng thời gian với DSA của EU, vào tháng 2/2022.

 

Mục đích chính của OSB là chống nội dung độc hại, khủng bố, bảo vệ trẻ em và bảo vệ nhân quyền nói chung trong không gian mạng. Tuy thế, đến tháng 3/2023, OSB vẫn chỉ tồn tại ở dạng "policy paper" (dự thảo chính sách), vì còn cần nhiều bước đi khác để trở thành luật.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2EFD/production/_113392021_p08kryjl.jpg

Hoa Kỳ từng muốn cấm TikTok, nền tảng có 800 triệu người dung

 

Tại Hoa Kỳ, trái với cách hiểu phổ biến ở châu Âu về "chủ nghĩa đế quốc bằng công nghệ Mỹ", chính phủ Mỹ cũng muốn kiểm soát Big Tech.

 

Một lý do là phe thiên tả coi Big Tech tạo ra "bất bình đẳng" trong cạnh tranh.

 

Các nhân vật thuộc đảng Dân chủ Mỹ, như cựu TT Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đều ủng hộ luật DSA của EU.

 

Chính phủ Mỹ đã soạn ra Luật về Sáng tạo và Sự lựa chọn (American Innovation and Choice Online Act-AICOA) nhưng gặp bế tắc ở Quốc hội.

 

Dù cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lên tiếng ủng hộ, luật chưa được thông qua, tính đến tháng 2 năm nay. Trong bước đi giống châu Âu, Tổng thống Joe Biden muốn dùng Luật bảo vệ cạnh tranh (Anti-Trust Law) để đẩy AICOA qua Quốc hội nhưng sự việc chưa đi đến đâu cả.

 

Các ý kiến phản biện

 

Raphael Reims viết trên trang của Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE), trong bài "Can competition law rein in Big Tech?" rằng các luật nhằm siết chặt kiểm soát của Big Tech đều vấp phải ba vấn đề cơ bản.

 

Một là tính kết nối xuyên quốc gia của các nền tảng mạng xã hội và dịch vụ số - còn gọi là network effects. Một người dùng nay có thể tiếp cận bất cứ app nào, trang mạng xã hội, kênh giao lưu bạn bè, kinh doanh nào, ở bất cứ đâu. Hiệu ứng lan truyền tăng, đem lại lợi nhuận càng lớn và khiến mạng vừa phân tán rộng, vừa liên kết tốt, không tập trung vào một chỗ để kiểm soát.

 

Hai là khi một nền tảng đủ lớn, nó thường cung cấp rất nhiều dịch vụ miễn phí, và người dân sẽ bị hút vào các dịch vụ đó. Không luật pháp nào ngăn cản được họ và việc phạt Big Tech chỗ này, chỗ kia sẽ chẳng giải quyết được gì về cơ bản. Một nền tảng bị cấm sẽ có nền tảng khác thay chỗ ngay. Các kênh như TikTok, Instagram hoạt động "xuyên chiến tuyến": cả Nga và Ukraine đều phải dùng để tuyên truyền cho bên mình trong xung đột hiện nay.

Ba là việc áp dụng các quy định dễ bị cho là không công bằng, thiên vị bên này, chống bên kia.

 

EU từng buộc Google đổi chế độ tìm kiếm của GoogleSearch nhưng các công ty đối thủ nói thế vẫn "chưa đủ", vậy EU sẽ làm tới hay thôi? Một lần khác, EU bắt Microsoft cho ra thị trường Windows 7N mà không được cài đặt trước Windows Media Player trong động thái vô nghĩa với người dùng.

 

Ngay sau khi EU công bố dự thảo DSA, Facebook đã lên tiếng, chỉ cho EU thấy "cần phải hạn chế Apple mới đúng", vì Apple kéo hết tất cả các dịch vụ mạng "về app của mình". Apple từ chối không bình luận.

 

Nếu không cẩn thận, EU sẽ rơi vào thế mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh của các đại gia công nghệ.

 

DSA chưa có cơ chế khiếu nại rõ ràng và như mọi cuộc chiến thương mại, các Big Tech hoàn toàn có quyền kiện lại EU hoặc các chính phủ phạt họ. Ai sẽ là người đứng ra phân xử?

 

Tình hình thực tiễn lại như William Schwatz viết trong bài "The EU's Digital Services Act Confronts Silicon Valley" (15/03/2023), EU một mặt dọa phạt nặng các đại gia công nghệ, mặt khác lại muốn lôi kéo họ vào hợp tác để phát triển ngành truyền thông, thông tin châu Âu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9B12/production/_116089693_vestager.png

Cao ủy EU Margrethe Vestager phụ trách mảnh cạnh tranh

 

EU đã quyết định mở "Đại sứ quán kỹ thuật số" tại Silicon Valley, dưới quyền ông Gerard de Graaf, Giám đốc Kinh tế số của Ủy ban châu Âu, nhằm học hỏi kỹ năng và mời gọi các công ty Mỹ ở vùng Vịnh San Francisco đầu tư vào EU với nhiều hứa hẹn ưu đãi về thuế.

 

Theo ông Schwatz thì các luật của EU nhằm quản trị không gian mạng về mặt nào đó cũng có ích, giúp cho mạng toàn cầu an toàn hơn, dân chủ hơn, nhưng để làm được điều đó, EU cần hợp tác hơn là trấn áp các Big Tech.

 

Ông cũng khuyến khích Hoa Kỳ sớm thông qua luật AICOA và hợp tác với EU để có một cơ chế quản lý quốc tế nào đó.

 

Thực tế là dù dọa phạt, hoặc đã phạt nhiều, chưa chính phủ nào đã dùng mạng xã hội quốc tế mà dám đuổi hẳn một Big Tech ra khỏi lãnh thổ.

 

Ngay cả nước Trung Quốc cấm các đại gia công nghệ vào thị trường của mình nhưng lại thường xuyên dùng các kênh Facebook, YouTube...để tuyên truyền trên trường quốc tế.

 

Vai trò của các Big Tech với kinh tế toàn cầu là không thể thiếu.

 

Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020, các ứng viên Dân chủ có tuổi, Elizabeth Warren và Bernie Sanders đều coi Big Tech là "quá to, quá xấu" và nêu khẩu hiệu "đập vỡ chúng" (break them up).

 

Những ý kiến phản bác lại cho rằng điều đó không khả thi, và tốt nhất là làm sao điều chỉnh để Big Tech trở thành "động cơ tốt" cho xã hội và nền kinh tế.

 

----------------

Xem thêm:

Facebook bị cáo buộc 'vi phạm' Luật An ninh mạng VN

Canada: Microsoft, Facebook hứa giúp chống can thiệp bầu cử

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats