Saturday, 1 January 2022

VÌ SAO THIÊN HẠ DỄ NGỜ VỰC 'NGƯỜI TỬ TẾ'? (David Robson - BBC Worklife)

 


Vì sao thiên hạ dễ ngờ vực 'người tử tế'?

David Robson  -  BBC Worklife

01/01/2022

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-59841308

 

Bạn đã bao giờ gặp người cực kỳ tốt bụng và ngay thẳng về đạo đức - nhưng cũng là người không thể chịu nổi chưa?

 

Họ có thể cố làm bất cứ điều gì có thể để giúp bạn hoặc có một loạt các hoạt động quan trọng, hữu ích làm lợi cho bạn bè và cộng đồng. Tuy nhiên, họ có vẻ hơi quá hài lòng với việc làm tốt của họ và, tuy không có bất kỳ lý do chính đáng nào, bạn nghi rằng có điều tính toán gì đó ở sự hào hiệp của họ.

 

Việc mình có thái độ không thiện chí như thế đối với những người chỉ muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn có thể làm bạn có cảm giác không thoải mái.

 

Tuy nhiên, sự hoài nghi này là hành vi đã được biết và được các nhà tâm lý học gọi là 'coi rẻ người làm việc tốt'.

 

Và trong khi hiện tượng này có vẻ hoàn toàn phi lý, có những lý do tiến hóa thuyết phục để cảnh giác với sự quên mình không cần đền đáp.

 

Với hiểu biết về bản tính nghi ngờ của chúng ta trước các việc làm tử tế không che đậy, chúng ta có thể xác định các tình huống cụ thể khi lòng tốt được hoan nghênh và khi nó bị phản ứng - với các bài học quan trọng cho hành vi chúng ta.

 

Không việc tốt nào không bị trừng phạt

 

Một trong những tìm hiểu sớm nhất và có hệ thống nhất về sự coi rẻ người làm việc tốt đến từ nghiên cứu toàn cầu của Simon Gächter, giáo sư tâm lý học tại Đại học Nottingham, Anh.

Giống như nhiều nghiên cứu về sự quên mình, thí nghiệm của ông được thực hiện dưới hình thức 'trò chơi lợi ích chung'.

 

Người tham gia được chia thành các nhóm, mỗi nhóm có bốn người, và mỗi người được giao một số phỉnh tượng trưng một số tiền nhỏ. Sau đó họ được cho phép đầu tư một phần số tiền đó vào quỹ cộng đồng qua mỗi vòng chơi. Một khi mọi người đã bỏ tiền đầu tư, mỗi người sẽ nhận được 40% tổng số tiền đầu tư mà cả nhóm bỏ ra.

 

Nếu mọi người chơi công bằng, sau mỗi vòng, mỗi người chơi nên có lợi tức đầu tư hợp lý. Tuy nhiên, những người keo kiệt có thể trục lợi bằng cách bỏ ra rất ít và hưởng lợi từ tiền của người khác.

 

Thật dễ nhận thấy là sự bực bội sẽ được tích tụ lại. Do đó, sau 10 vòng chơi, các nhà nghiên cứu cho phép người chơi tùy chọn trừng phạt người khác bằng cách khấu trừ một phần từ khoản thu nhập họ có được.

 

Dựa trên lý thuyết kinh tế kinh điển, bạn có thể cho rằng những kẻ lợi dụng keo kiệt sẽ bị trừng phạt - và thực sự như vậy. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên, những người hào hiệp nhất cũng là đối tượng bị trừng phạt - ngay cả khi họ góp nhiều hơn vào sự giàu có của người khác.

 

Phát hiện này hiện cũng đã được nhận thấy trong nhiều thí nghiệm khác.

 

Ví dụ, trong một trò chơi lợi ích chung tương tự, người chơi được hỏi họ có muốn đuổi các thành viên khác ra khỏi nhóm hay không. Đáng ngạc nhiên, những người hào hiệp nhất bị đuổi khỏi nhóm cũng nhiều như những kẻ lợi dụng nhất. Vậy làm sao đó mà sự ích kỷ và sự quên mình được coi là tương đương nhau về đạo đức?

 

Đáng chú ý, xu hướng này dường như xuất hiện ở độ tuổi nhỏ - khoảng 8 tuổi. Và dù quy mô hiệu ứng có thể thay đổi tùy bối cảnh, nó dường như có ở hầu hết nền văn hóa ở mức độ nào đó - cho thấy đó có thể là xu hướng phổ quát.

 

Có đi có lại và tiếng thơm

 

Để hiểu nguồn gốc của hành vi dường như phi lý này, chúng ta cần xem xét làm thế nào sự quên mình của con người xuất hiện ngay từ đầu.

 

Theo tâm lý học tiến hóa, các hành vi ăn sâu của con người đã tiến hóa để cải thiện khả năng sinh tồn và khả năng chúng ta truyền lại gene sang thế hệ khác.

 

Với trường hợp quên mình vì người khác, các hành vi hào hiệp có thể giúp chúng ta gầy dựng quan hệ tốt đẹp với người khác mà theo thời gian sẽ tạo vốn liếng và địa vị xã hội.

 

"Có danh tiếng tốt có thể đem đến lợi ích như có vị trí trung tâm hơn trong các mối quan hệ xã hội," Nichola Raihani, giáo sư tiến hóa và hành vi tại trường đại học University College London (UCL) và tác giả cuốn 'Bản năng xã hội', nói.

 

Điều này có thể có nghĩa là chúng ta sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn khi cần thiết. "Và nó cũng dẫn đến khả năng sinh sản tốt hơn."

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là tiếng thơm mang tính 'tương quan' - nếu người này được, người khác sẽ mất. Điều này có thể dẫn đến cảm giác cạnh tranh mạnh mẽ, nghĩa là chúng ta luôn cảnh tỉnh trước khả năng người khác vượt lên chúng ta, ngay cả khi họ đạt được vị thế nhờ sự quên mình.

 

Chúng ta sẽ đặc biệt khó chịu nếu cho rằng kẻ khác chỉ quên thân để lấy tiếng, thay vì quan tâm người khác thực sự, vì nó có thể cho thấy tính cách xảo quyệt và lợi dụng nói chung.

Tất cả điều này có nghĩa là sự quên mình có thể khiến chúng ta đang đi dây ẩn dụ. Chúng ta cần cân bằng lòng rộng lượng của mình một cách hoàn hảo, để được coi là có tâm hợp tác và tốt bụng mà không làm dấy lên nghi ngờ rằng chúng ta đang hành động chỉ vì để lấy tiếng, đạt được địa vị.

 

Báo cáo từ các trò chơi lợi ích chung dường như cho thấy rõ như vậy, Raihani nói.

"Khi bạn hỏi đồng đội tại sao họ muốn loại trừ ai đó, họ thường đưa ra những câu trả lời về tương quan như, 'À, thằng đó hả, nó làm chuyện không ai làm - nó làm kiểu đó là để khiến cho tất cả chúng ta trở nên xấu xí'."

 

Các nghiên cứu về mạng xã hội, Raihani nói, cho thấy mọi người có xu hướng ít bị ấn tượng trước hành động quên mình nếu việc đó được thông báo trên Facebook hơn là được giữ im lặng.

 

Nghiên cứu riêng của Raihani về các trang gây quỹ cho thấy có bằng chứng là một số người ý thức về khả năng sẽ có phản ứng thù nghịch trước sự hào hiệp của họ.

 

Phân tích các bài đăng trên BMyCharity, bà thấy thường những người quyên góp nhiều nhất (cũng như ít nhất) sẽ chọn ẩn danh. Họ dường như biết rằng hành động phô trương có thể dẫn đến cảm giác oán giận từ những ai theo dõi trang, vì vậy họ muốn giấu kín hành động của mình.

 

Động cơ sau cùng

 

Ryan Carlson, sinh viên cao học tại Đại học Yale, đồng ý các hành động quên mình thường được đánh giá từ nhiều góc độ bên cạnh sự hào hiệp.

 

"Chúng ta không chỉ trân trọng sự quên mình - chúng ta đánh giá cao sự chính trực và trung thực, đó là những tín hiệu khác về nhân cách đạo đức của chúng ta," ông nói. Do đó, một hành động hào hiệp rõ ràng nhưng dường như được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân có thể khiến chúng ta ghi điểm khá tệ ở những phẩm chất khác.

 

Trong nghiên cứu gần đây, ông đưa cho người chơi các câu chuyện khác nhau và yêu cầu họ đánh giá sự quên mình họ cảm nhận ở nhân vật - với điểm -5 là cực kỳ ích kỷ và điểm +5 là cực kỳ hy sinh.

 

Nhìn chung, người chơi không bận tâm nếu các nhân vật trong các câu chuyện có được lợi ích ngẫu nhiên từ hành động của họ. Chẳng hạn, nếu nhân vật đi hiến máu - hành động hy sinh khiêm tốn - và tình cờ gây ấn tượng với bạn bè, người chơi vẫn đánh giá họ tích cực. Tương tự, nếu nhân vật được lợi từ rắc rối của họ, người chơi không quan tâm - miễn là nó đến tình cờ.

 

Hình phạt sẽ được dùng đến nếu họ được cho biết động cơ ban đầu là có trục lợi. Điều này đảo ngược hành động hào hiệp được cảm nhận từ tốt thành xấu.

 

Mặc dù chắc chắn là họ vẫn làm việc tốt, họ bị coi là ích kỷ.

 

Như Raihani chỉ ra, chúng ta lúc nào cũng muốn đoán lý do hành động của người khác - và chúng ta trừng phạt người khác một cách hà khắc khi chúng ta nghi ngờ động cơ của họ là không trong sáng.

 

Tất nhiên, những nghi ngờ bản năng đó có thể đúng hay không đúng. Chúng ta thường đánh giá dựa trên trực giác hơn là sự thật phũ phàng.

 

Quy tắc sống

 

Những phát hiện này đáng ghi nhớ bất cứ khi nào chúng ta nghi vấn về hành vi của những người xung quanh.

 

Nếu không có bằng chứng rõ ràng cho thấy hành động hào hiệp của họ là vị kỷ, chúng ta có thể nghĩ tốt cho họ bằng cách nghi ngờ, với ý nghĩ trực giác không thiện ý của mình có thể bị thúc đẩy bởi nỗi sợ mất địa vị.

 

Nghiên cứu cũng có thể giúp chúng ta tránh những bước đi sai bất chợt khi chúng ta có hành động hào hiệp.

 

Ít nhất, nghiên cứu cho thấy nên tránh quảng bá ồn ào những việc tốt của mình. "Và nếu mọi người nhắc đến, bạn nên coi nhẹ nó," Raihani nói. Ngay cả khi bạn cho rằng mình chỉ chia sẻ tin vui về điều tốt mình quan tâm, bạn sẽ phạm lỗi về tính khiêm tốn.

 

Và nếu bạn tình cờ được lợi từ việc làm tốt, tốt nhất là hãy thẳng thắn.

 

Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn hoàn toàn trong sáng thực hiện một việc tốt ở cơ quan nhưng vô tình được sếp chú ý mà sau đó đề bạt thăng chức cho bạn. Bạn có thể được nhìn nhận tích cực hơn nếu thừa nhận việc này, thay vì để người khác ngẫm nghĩ bạn có tính toán trước.

 

"Nếu chúng ta tình cờ được lợi từ hành động tử tế, thì nên minh bạch," Carlson nói. Nếu không, có thể trông như thể bạn đang cố tình tận dụng tiếng thơm của mình để đạt địa vị.

Rốt cuộc, cách an toàn nhất để tránh bị coi rẻ khi làm việc tốt là hãy làm những việc tốt nhất một cách hoàn toàn kín đáo. Và nếu người khác tình cờ phát hiện, cho dù bạn cố tìm cách che giấu - tiếng thơm sau đó chỉ đơn giản là phần thưởng.

 

Hơn một thế kỷ trước, Oscar Wilde có câu hay nhất về việc này. "Cảm giác dễ chịu nhất trên đời là làm việc tốt ẩn danh - và có ai đó tìm ra."

 

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.




No comments:

Post a Comment

View My Stats