Vì sao cái ác lên ngôi ở Việt Nam?
Hiếu
Chân/Người Việt
January 21, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vi-sao-cai-ac-len-ngoi-o-viet-nam/
Tin tức dồn dập về các vụ giết người tàn bạo ở
Việt Nam gần đây khiến người đọc tức thở. Nhiều người không tin được trong thời
đại văn minh lại còn diễn ra những chuyện giết người, hành hình theo kiểu trung
cổ như đóng đinh vào đầu. Đáng sợ nhất, hầu hết nạn nhân là con cái, là người
thân của thủ phạm, nhiều nạn nhân là trẻ em không dám và không thể phản kháng.
Vì sao tội ác lan tràn như vậy?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/A1-Cai-ac-len-ngoi-1068x985.jpg
Bản tính tự nhiên của
con người là hiền lành; cái ác là do giáo dục, do môi trường sống tạo nên.
Trong hình, một người chạy xe xích lô đợi khách bên tấm áp phích có chân dung
Vladimir Lenin tại Hà Nội hôm 25 Tháng Mười, 2017. Đảng Cộng Sản cầm quyền đang
dung túng cái ác, lũng đoạn xã hội bằng một hệ thống sâu rộng, từ giáo dục đến
luật pháp. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)
Vụ mới nhất là một nữ sinh đại học ở Bà Rịa-Vũng
Tàu đầu độc cha ruột rồi đổ xi măng giấu xác. Trước đó vài hôm, ở huyện Thạch
Thất, Hà Nội, có vụ tên Nguyễn Trung Huyên, 30 tuổi, đóng chín cây đinh vào đầu
bé ĐNA, 3 tuổi, là con riêng của tình nhân Nguyễn Thị Luyến; sau khi đã ba lần
bạo hành cháu bé đến mức phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Những tội ác này xảy ra giữa lúc công luận
chưa hết bàng hoàng trước vụ cháu Vân An (8 tuổi) ở Sài Gòn, bị tình nhân của
cha là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) đánh đến chết, cùng với sự
tòng phạm của cha ruột là Nguyễn Kim Trung Thái.
Đây mới chỉ là những vụ gần nhất, gây rúng động
dư luận vì được báo chí tường thuật cặn kẽ; còn rất nhiều những vụ tương tự
nhưng ít được nói tới. Chỉ cần vào Google tìm cụm từ “bạo hành trẻ em” ta sẽ có
ngay 42 triệu kết quả trong vòng 0.48 giây đồng hồ.
Người đọc bàng hoàng, phẫn nộ vì sự tàn bạo dã
man của những kẻ thủ ác đối với những người ruột thịt của mình; có người gọi bọn
chúng là “ác quỷ hiện hình.” Các nhà văn – vốn nhạy cảm trước những thảm cảnh
xã hội – lập tức lên tiếng. Nhà văn Nguyễn Một ở Sài Gòn than thở: “Tôi cứ tưởng
tượng quỷ dữ đầu trâu mặt ngựa, hóa ra nó mang gương mặt con người khi hiện
hình đóng đinh vào đầu đứa trẻ. Tôi bẻ bút..!”
Rất nhiều người lên mạng xã hội đòi loại bỏ những
kẻ thủ ác ra khỏi xã hội để chúng không còn tác oai tác quái được nữa, và cũng
để ngăn chặn những tội ác tương tự trong tương lai. Nhưng trừng phat, kể cả bằng
án tử hình, cũng chỉ là giải pháp cuối cùng, bất đắc dĩ và thường không có nhiều
tác dụng răn đe. Cái cần suy nghĩ là, do đâu mà những kẻ vô nhân tính này – khi
sinh ra cũng là người như chúng ta, thậm chí có kẻ còn được học cao, giàu có và
có địa vị xã hội – đã trở thành quỷ dữ như vậy. Nếu không nhận ra và giải quyết
tận gốc thì hiện tượng bạo hành, giết người dã man sẽ tiếp tục diễn ra và không
ai có thể sống yên bình.
***
Mạnh Tử – nhà triết học lớn của Trung Hoa thế
kỷ thứ 3 Trước Công Nguyên, một trong những ông tổ của Nho Giáo – cho rằng
“Nhân chi sơ tính bản thiện,” bản tính tự nhiên của con người là hiền lành; cái
ác là do giáo dục, do môi trường sống tạo nên. Mẫu thân của ông Mạnh, lúc đầu sống
gần chợ, sau phải dời nhà đi nơi khác vì không muốn con tiêm nhiễm thói hư tật
xấu của nơi buôn bán lọc lừa.
Theo cách hiểu như vậy, nền giáo dục Việt Nam
đã thất bại hoàn toàn trong việc chuẩn bị cho trẻ em lớn lên thành con người
nhân hậu; thậm chí đã là một tác nhân chính nuôi dưỡng và tôn vinh cái xấu, cái
ác. Những hành vi độc ác mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, có thể nói không
sợ quá lời, chỉ là những hậu quả sinh ra từ một nền giáo dục và một môi trường
xã hội đã suy đồi tới tận cùng.
Nền giáo dục Cộng Sản đặt nền tảng trên lòng
thù hận, coi hận thù là động lực tâm lý đầu tiên để dẫn tới đấu tranh cách mạng
(?). Nếu có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu nội dung giáo dục trong nhà trường
Việt Nam, sẽ dễ dàng nhận ra quan điểm “đấu tranh” thấm nhuần trong mọi cấp lớp,
mọi bài giảng trong các môn học về xã hội. “Sống là tranh đấu!” Bài quốc ca mà
học sinh phải hát khi chào cờ đầy hình ảnh khát máu: “Cờ in máu chiến thắng
mang hồn nước… Đường vinh quang xây xác quân thù…”
Lịch sử của dân tộc bị đơn giản hóa, không còn
là lịch sử vận động của nền văn minh mà chỉ là một chuỗi những cuộc chiến tranh
chống xâm lược với những trận đánh đẫm máu; kho tàng văn chương Việt Nam không
có gì khác hơn là những tác phẩm biểu hiện lòng căm thù của nhân dân lao động bị
bóc lột đối với bọn phong kiến, địa chủ và cường hào ác bá. Ngay cả “Đoạn Trường
Tân Thanh,” hay “Truyện Kiều” – tác phẩm văn chương lớn nhất thời cận đại –
cũng bị giải thích là “lời tố cáo” chế độ phong kiến bất nhân, đại diện bởi những
Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư… chà đạp lên những số phận tài sắc như Thúy
Kiều…
Phần lớn môn lịch sử trong nhà trường hiện nay
là lịch sử “đấu tranh cách mạng, xóa bỏ thực dân phong kiến” của đảng Cộng Sản
Việt Nam với những “anh hùng” bịa đặt hoặc bóp méo, những trận chiến núi xương
sông máu; toàn bộ cái gọi là “văn học cách mạng” mà học sinh phải học phải thi
chỉ tập trung vẽ ra cái gọi là tội ác dã man của kẻ thù đối lập với tinh thần
chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ Cộng Sản.
Với lá đảng kỳ in hình búa liềm, đảng Cộng Sản
chỉ đề cao “bạo lực cách mạng.” Không có gì khác. Không có bóng dáng của lòng
nhân. Tình yêu, tình đồng loại giữa con người và con người gần như không được đề
cập tới trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Thứ tình cảm mà đảng muốn học sinh
thấm nhuần chỉ là “tình đồng chí.”
Tôi nhớ đầu thập niên 1980, chính phủ CSVN muốn
“cải cách” giáo dục tiểu học; những người biên soạn chương trình và sách giáo
khoa muốn thay thế những bài giảng sắt máu hận thù bằng những câu chuyện ca ngợi
tình nghĩa gia đình giữa ông bà, cha mẹ, con cái, bạn hữu, hàng xóm láng giềng…
nhưng đáng buồn là sau thời gian nghiên cứu, họ không tìm ra những tác phẩm có
nội dung như vậy trong “văn học cách mạng.”
Nhóm biên soạn đề nghị lấy chuyện Lưu
Bình-Dương Lễ từ kho tàng cổ tích đưa vào giảng dạy để giáo dục học sinh tiểu học
về tình bạn, trong đó Dương Lễ vì tình nghĩa sâu nặng với bạn mà bí mật cho vợ
là nàng Châu Long đến giúp đỡ, khuyên nhủ Lưu Bình chí thú học hành, sau này đỗ
đạt thành người. Tuy nhiên, đề nghị của nhóm biên soạn đã bị ông Lê Duẩn – khi ấy
là tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam – bác bỏ với lý do câu chuyện này trái
ngược với quan niệm của đảng về người phụ nữ! Cho đến nay, trong chương trình
tiểu học dường như vẫn chưa có bài giảng nào về tình bạn – một tình cảm căn bản
của con người.
***
Giáo dục nuôi dưỡng lòng căm thù, nhưng giáo dục
chỉ là một bộ phận, một mảnh trong toàn bộ hệ ý thức Cộng Sản chủ nghĩa được thực
thi từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước. Cốt lõi của hệ tư tưởng
Cộng Sản là học thuyết đấu tranh giai cấp – cuộc chiến triền miên giữa người
giàu và người nghèo, giới chủ và thợ thuyền, địa chủ và tá điền, người dân bị
áp bức và tầng lớp thống trị thực dân phong kiến bóc lột.
Cuộc đấu tranh, theo quan điểm của Lenin, tất
nhiên sẽ dẫn tới chiến thắng của “giai cấp vô sản;” người vô sản sẽ giành được
quyền cai trị xã hội, sẽ sử dụng “chuyên chính vô sản” để trấn áp các giai cấp
thù địch, xây dựng một “xã hội mới không có người bóc lột người.”
Nhưng đó là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian
khổ – cho đến cuối thế kỷ 21 này không biết có đạt được không, như lời ông Nguyễn
Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam. Một điều kiện quan trọng: “Muốn
có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa,” tức là phải có những
thế hệ người Việt biết căm thù và đấu tranh, biết tôn thờ và hy sinh cho đảng.
Bên ngoài cánh cổng trường, cuộc đấu tranh
giai cấp diễn ra liên tục, nhiều khi đẫm máu, tác động không ít đến tư tưởng và
tình cảm của con người. Cuộc cải cách ruộng đất 1953-1956 ở miền Bắc phá hủy
hoàn toàn nền móng đạo đức của xã hội Việt Nam khi con trùm quần lên đầu cha, vợ
đấu tố chồng, hàng xóm láng giềng vu cáo hãm hại nhau theo chỉ đạo của đảng. Rồi
cải tạo công thương nghiệp, công hữu hóa tư liệu sản xuất hủy hoại cơ sở kinh tế
của xã hội, buộc con người dính chặt vào cơ chế bao cấp “sổ gạo, tem phiếu” của
nhà nước Cộng Sản, rồi trấn áp “bọn phản cách mạng” trong các vụ án Nhân Văn
Giai Phẩm, rồi các chiến dịch tuyên truyền căm thù “đế quốc Mỹ và bè lũ tay
sai”… tất cả đều gieo vào tâm lý người dân một lòng căm thù sục sôi, từ đó động
viên họ đi vào chiến trường miền Nam, chiến đấu và hy sinh cho tham vọng quyền
lực của đảng và các quan thầy ở Liên Xô, Trung Quốc.
Những chiến lược chiến thuật đấu tranh tàn bạo
đó được lặp lại khi Cộng Sản chiếm được miền Nam năm 1975 và kéo dài đến tận
bây giờ, khi đảng Cộng Sản không ngừng đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa
mà họ vu vào tội chống đảng, chống chính quyền. Điều khó hiểu là ngay cả những
người xuống đường biểu tình biểu thị tình yêu nước trước hành vi xâm chiếm lãnh
thổ của Trung Quốc, tưởng niệm các tử sĩ đã ngã xuống trong các trận hải chiến
Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988, biên giới phía Bắc 1979… cũng bị các lực lượng
an ninh của chế độ đánh đập dã man, bị coi như kẻ thù cần phải tiêu diệt!
Xã hội tự do, nền giáo dục “nhân bản, dân tộc,
khai phóng” của miền Nam vĩnh viễn đóng lại từ sau ngày thất thủ Sài Gòn Tháng
Tư, 1975, thay bằng nỗi hận thù, cưỡng đoạt, đàn áp và giả dối. Hàng triệu người
đã bỏ nước ra đi tìm đường sống giữa hai bờ sinh tử; hàng triệu người khác vẫn
đang tìm cách ra đi vì không thể có cuộc sống yên bình trong một xã hội thiếu vắng
tình nhân ái.
***
Trở lại những câu chuyện bạo hành tàn ác ở
trên, nhiều người lý rằng các cháu bé bị ngược đãi chẳng qua chỉ vì cha mẹ ly
hôn, “là nạn nhân trực tiếp và đầu tiên của các cuộc hôn nhân tan vỡ” như lời
Trung Tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, nói với báo Tuổi
Trẻ. Có thể gia đình tan vỡ là một lý do, nhưng không giải thích được hiện tượng
con giết cha ruột, hay cảnh sát đánh nghi phạm đến tàn tật như trường hợp anh
Lê Chí Thành, một cựu đại úy cảnh sát rất khỏe mạnh, chỉ sau mấy tháng tạm giam
với tội chống người thi hành công vụ bỗng thành phế nhân, đôi chân bị liệt do bị
các đồng đội cũ tra tấn, hay trường hợp các thanh niên đi lính nghĩa vụ bị cấp
trên đánh chết như Nguyễn Văn Thiên ở Gia Lai, Trần Đức Đô ở Bắc Ninh và Hoàng
Bá Mạnh ở Hải Dương mà truyền thông đưa tin gần đây.
Có người quan niệm cái ác thời nào cũng có
nhưng ngày nay truyền thông phát triển, nên cái ác cái xấu của người Việt mới bị
phơi bày trên báo đài, mạng xã hội. Nhưng những người có tuổi, trải đời thì hầu
như đều nhận định xã hội ngày nay đã suy đồi tới mức thê thảm so với ngày xưa;
giềng mối văn hóa đạo đức đã sụp đổ khó mà cứu vãn nổi. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở
Cà Mau – cây bút được hâm mộ nhất ở trong nước hiện nay – than thở dường như
con người đã tiến hóa quá xa từ con thú để bây giờ quay ngược lại, từ người xuống
thành con thú!…
Cũng có người cho rằng xã hội nào cũng có người
hiền kẻ ác; ngay cả xứ văn minh giàu có như Mỹ thỉnh thoảng cũng có chuyện học
sinh xách súng vào trường học thảm sát thầy cô giáo và bạn bè đó thôi; đâu có
thể nói giáo dục của Mỹ đề cao bạo lực. Quả thật bạo lực hay tội ác thì xã hội
nào cũng có vì loài người vẫn chưa phải là thần thánh. Nhưng nên phân biệt hành
vi giết người lúc bốc đồng của một số cá nhân có thể có vấn đề về tâm lý với hiện
tượng thủ ác có tính hệ thống, phổ biến và được “tôn vinh” bởi một thế lực cầm
quyền đề cao bạo lực, đàn áp thay cho đối thoại và bao dung.
Trong lúc các vụ án bạo hành trẻ em gây chấn động
công luận trong nước, người ta không khỏi ngạc nhiên và bất bình khi thấy nhà cầm
quyền Cộng Sản trao Huy Chương Bạc cho diễn viên Hồng Quang Minh, tức Minh Béo
– kẻ đã phạm tội “ấu dâm,” “lạm dụng tình dục” và bị tù giam ở Mỹ cách đây chưa
lâu. Một tòa án ở Thủ Đức mới đây tuyên phạt Lê Duy Hiến, 74 tuổi, đảng viên đảng
Cộng Sản, cựu sĩ quan cấp tá trong quân đội, phạm tội dụ dỗ bé gái 13 tuổi vào
nhà để quan hệ tình dục làm bé gái này mang thai, mức án chỉ bốn năm tù do bị
cáo “có công cách mạng.” Nên để ý ở các nước văn minh, ấu dâm là trọng tội đại
hình, kẻ thủ ác không chỉ bị án tù dài mà còn bị cả xã hội ghê tởm.
Những ví dụ kể trên cho thấy, đảng Cộng Sản cầm
quyền đang dung túng cái ác, lũng đoạn xã hội bằng một hệ thống sâu rộng, từ
giáo dục đến luật pháp, chỉ để phục vụ cho việc duy trì quyền lực tuyệt đối của
họ, cho dù phải đẩy xã hội tới bờ vực nguy hiểm. Lâu dần hệ thống đó bào mòn
căn tính thiện lương của con người, thủ tiêu lòng nhân ái, làm gia tăng tính
man rợ mà những tội ác đang diễn ra ngày càng nhiều là hậu quả nhãn tiền, không
thể tránh né được. Cho dù ngày mai chế độ Cộng Sản sụp đổ, một thể chế chính trị
khác thay thế thì chưa chắc cái ác sẽ bị tiêu trừ, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn
nhưng con đường đi tới một tương lai yên bình đòi hỏi phải thay đổi tận gốc cái
thể chế chính trị dung dưỡng và tôn vinh cái ác. [qd]
No comments:
Post a Comment