Monday, 17 January 2022

VỀ MỘT BỘ PHIM BÁNG BỔ VĂN HÓA DÂN TỘC (Hoài Hương - Báo Hồn Việt)

 



Về một bộ phim báng bổ văn hóa dân tộc 

Hoài Hương  -    Báo Hồn Việt

13/01/2022

https://www.honvietquochoc.com.vn/hv161-v%E1%BB%81-m%E1%BB%99t-b%E1%BB%99-phim-b%C3%A1ng-b%E1%BB%95-v%C4%83n-h%C3%B3a-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c

 

Khi một bộ phim Việt mà nội dung chà đạp nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam thì không thể lưu lại trong danh mục phim điện ảnh Việt Nam và cũng xem là một tác phẩm bị hỏng như phế phẩm, cần hủy bỏ, dù đạo diễn hay nhà sản xuất chối bỏ quốc tịch của phim, gắn cho nó quốc tịch nước ngoài.

 

Trong một động thái có thể hiểu là chống đối lại quyết định của Cục Điện ảnh, nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo và đạo diễn Lê Bảo đã chối bỏ quốc tịch Việt Nam của phim Vị (Taste) và chuyển thành quốc tịch Singapore để phim có thể mang đi khắp thế giới, tham dự liên hoan phim quốc tế. Đây là một hành động thách thức của những người sản xuất phim Vị, xem thường những quy định về quản lý, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam theo luật. Rất cần các cơ quan hữu trách có những thiết chế, chế tài đối với họ.

 

Phim bị cấm ở Việt Nam và nước ngoài theo quyết định của Cục Điện ảnh do Cục trưởng Vi Kiến Thành ký ngày 12-7-2021 do phim “không phù hợp với văn hóa Việt Nam: Trong phim có trường đoạn 4 nhân vật nữ là 4 người phụ nữ Việt Nam lao động lớn tuổi (chừng 50 - 60 tuổi) và một cầu thủ bóng đá người Nigeria cùng ở trong một căn nhà, cùng sinh hoạt, ăn uống và cả 5 người đều nude [khỏa thân], có những đoạn nude trực diện quá dài. Phim được Hội đồng Trung ương thẩm định và xếp vào loại phim không thể phổ biến”.

 

Sau khi có quyết định này, một vài ý kiến trong giới truyền thông và một số nhà làm phim trẻ Việt Nam cho rằng Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện có tư duy “bảo thủ, trì trệ, làm cản trở sự phát triển của điện ảnh Việt”. Nhưng sự thật có phải thế không? Liệu có phải kết quả thẩm định đó là sản phẩm của sự “trì trệ, bảo thủ, cản trở” sự phát triển của điện ảnh Việt? Hay đó là quyết định đúng đắn với một bộ phim Việt Nam không có tính nhân văn, phỉ báng, hạ thấp nhân phẩm người phụ nữ Việt, hạ thấp nhân phẩm người châu Phi ở Việt Nam nói chung, ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng?

 

Vị là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Bảo, hợp tác cùng một số nhà sản xuất Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan. Phim dài 97 phút, lấy bối cảnh một khu ổ chuột ở TP.Hồ Chí Minh. Phim là câu chuyện giữa một cầu thủ bóng đá châu Phi người Nigeria với 4 người đàn bà trung niên Việt Nam, họ sống với nhau trong một không gian chật hẹp, bẩn thỉu, hỗn tạp như thuở con người còn ăn lông ở lỗ…

 

Đầu tháng 3-2021, phim giành giải đặc biệt của Ban giám khảo ở hạng mục “Encounters” tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 71- theo kết quả được công bố trên website, fanpage của liên hoan phim. Encounters - Những cuộc gặp gỡ - là hạng mục nhằm thúc đẩy nhà làm phim độc lập sáng tạo về cấu trúc, thẩm mỹ, áp dụng những quan điểm mới trong điện ảnh. Trước khi bộ phim được bấm máy, dự án phim này từng nhận giải “Dự án triển vọng nhất” tại Silver Screen Awards, Singapore. Nhưng cũng phải nói thêm về giải này của phim Vị. Hạng mục “Encounters” có đội ngũ ban giám khảo riêng, không liên quan với ban giám khảo giải chính thức của Liên hoan phim. Giải thưởng ở hạng mục “Encounters” là giải thưởng nhằm thúc đẩy các nhà làm phim khai thác những góc nhìn táo bạo để tạo ra những quan điểm mới trong điện ảnh. Phim Vị tranh giải cùng 11 phim khác, trong đó có 7 phim là tác phẩm đầu tay của các đạo diễn. Giải thưởng của Vị không phải là giải lớn nhất trong hạng mục này, giải cao nhất dành cho phim tài liệu We của nhà làm phim Alice Diop (Pháp). Ngoài ra, còn có các giải cá nhân.

 

Liệu có thể chấp nhận một phim Việt Nam mà trong đó diễn tả trái với thuần phong mỹ tục của đất nước Việt Nam? Phim kể về một anh chàng châu Phi, cầu thủ người Nigeria, bỏ lại cậu con trai mình ở quê hương để đến đầu quân cho một đội bóng đá ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau một tai nạn, anh ta nhanh chóng bị thất nghiệp, không nơi nào nhận làm việc. Không có tiền, không thể trở lại quê nhà châu Phi của mình, anh ta kết bạn và chuyển đến sống cùng 4 phụ nữ trung niên Việt Nam (khoảng 50 - 60 tuổi) và một con heo trong một khu nhà ổ chuột tăm tối, dơ bẩn, nhếch nhác. Tất cả 5 người và con heo sống chung đụng với nhau, họ ăn, ngủ, vệ sinh, làm bếp, làm tình… đều bản năng như thời nguyên thủy, đặc biệt cả 5 người trong mọi sinh hoạt đều nude toàn phần... Những cảnh khỏa thân kéo dài, góc máy nhiều khi khá trần trụi, không che giấu bất cứ một bộ phận nhạy cảm nào của cả đàn ông, đàn bà... Và có trường đoạn kéo dài tới 30 phút.

 

Có lẽ đây là phim Việt Nam lập kỷ lục cảnh nude nhiều nhất, dài nhất và nói thêm là trong bối cảnh tồi tệ nhất.

 

Thiết nghĩ khán giả có văn hóa sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm trước cảnh sống dơ bẩn, nhầy nhụa, sống như bầy đàn nguyên thủy, trơ cảm xúc “người” của những nhân vật “xấu xí”; cảnh cả 4 người phụ nữ trung niên Việt, thân hình xập xệ, cứ thỗn thện, tênh hênh, “hàng họ” bày ra ngồn ngộn, diễu qua trước mắt gần như hầu hết những cảnh trong phim. Hay những cảnh dơ dáy - cảnh anh chàng cầu thủ châu Phi tắm với một người đàn bà, cùng lúc đó, một người đàn bà khác đi vệ sinh với cảnh lau chùi “toang hoang” khá kinh hãi. Rồi cảnh anh chàng cầu thủ giải nghệ châu Phi cân con heo, rồi cân những người đàn bà đó - giống như cân con heo - khiến dù muốn hay không người xem cũng liên tưởng những người đàn bà Việt trong phim cũng như con heo - súc vật.

 

https://www.honvietquochoc.com.vn/images/uploaded/hv161/vi-050302021(1).jpeg

Một cảnh trong phim Vị của đạo diễn Lê Bảo

 

Cảm xúc của người xem có văn hóa, có lòng tự trọng sẽ như thế nào khi trong phim, hình ảnh người phụ nữ trung niên Việt, ở vào thời này, ở một thành phố có tiếng văn minh mà sống như thời nguyên thủy - trần truồng, dơ dáy, bệ rạc, không còn biết đến sự xấu hổ - gọi là tính “người” hay bản năng nhân phẩm “phụ nữ”? Có thể cuộc đời họ đã có nhiều đau đớn, khổ sở, bất hạnh, đầy những sang chấn tâm lý... và với họ không còn gì để mất nhưng không có nghĩa là vì thế mà hạ nhục người phụ nữ xuống tới đáy của cuộc sống như con vật bất tri, bất cảm, bất nhân. Chưa biết nghệ thuật của phim đạt đến mức nào nhưng hình ảnh những người phụ nữ Việt xấu xí, sống nguyên thủy như “thú”... sẽ “được” đi khắp thế giới để chuyển tải thông điệp gì về phụ nữ trung niên Việt đương đại. Thiết nghĩ, câu trả lời thật khó tìm được sự đồng cảm của những người có lòng tự trọng và tự tôn dân tộc.

 

Không chỉ phụ nữ Việt Nam mà trong phim, người châu Phi ở Việt Nam cũng bị hạ thấp nhân cách.

 

Nhân vật người đàn ông trong phim là một cầu thủ châu Phi - người Nigeria. Anh ta đến Việt Nam như đến với miền đất hứa. Nhưng rồi vì một tai nạn mà anh ta phải khép giấc mơ làm cầu thủ. Số phận “đẩy” anh ta “rơi” vào cái ngôi nhà ổ chuột kỳ lạ - một cái khu dân cư ổ chuột lầy lội, ánh sáng lúc nào cũng nhờ nhờ, vừa tối tăm, tù túng, vừa chật hẹp bẩn thỉu và sống như người nguyên thủy, rã rượi, bế tắc với 4 người đàn bà trung niên nhơ nhớp…

 

https://www.honvietquochoc.com.vn/images/uploaded/hv161/phimvi2_qxvq_1000.jpeg

Hình ảnh thô tục trong phim Vị

 

https://www.honvietquochoc.com.vn/images/uploaded/hv161/3_gfws_1000.jpeg

Phim Vị lấy bối cảnh tại khu dân cư ổ chuột ở ngoại ô TP.Hồ Chí Minh

 

Đứng trên quan điểm chính trị ngoại giao, khó chấp nhận một câu chuyện mà nhân vật là người châu Phi da đen đang bị hạ thấp nhân cách con người. Họ từ một đất nước châu Phi xa xôi, vì nghèo mà chấp nhận ly hương, chưa kịp hưởng vị ngọt của một xứ sở phương Đông được mệnh danh hiếu khách, thân thiện, hào phóng, hào hiệp và nghĩa tình, là Việt Nam, là thành phố Hồ Chí Minh thì phải nếm ngay vị đắng của sự sa cơ thất thế không việc làm, không bạn bè, bị hất ngay ra ngoài đường, để rơi vào cuộc sống dưới đáy xã hội đầy bế tắc bên 4 người đàn bà cũng đang trong cuộc sống không lấy gì có ánh sáng hay chút lạc quan cuộc đời.

 

Cái kết của phim, là hình ảnh anh chàng cầu thủ da đen ngồi một mình cô đơn lặng lẽ như ngẫm nghĩ về cuộc đời; và kế tiếp là hình ảnh con chuột thập thò cửa hang rình mồi? Hay anh ta cũng sắp - đang trở thành một con mồi thấp hèn trong tương lai?

 

Ở phương diện ngoại giao, trao đổi văn hóa, giả sử cho Đại sứ Nigeria xem phim Vị, không biết họ sẽ suy nghĩ gì về người Việt? Về điện ảnh Việt? Khi hình ảnh công dân của quốc gia họ được đưa vào phim với sự hạ thấp nhân cách “người” như thế?

 

Để kiếm danh nên bất chấp? Hay ảo tưởng tài năng?

 

Đã có rất nhiều người cho rằng hiện có xu hướng những người làm phim - đa số trẻ ở Việt Nam - muốn được nổi... nhanh bằng cách làm sao phim của họ được nước ngoài chú ý, được lọt vào các Liên hoan phim quốc tế - kể cả bên lề, hay những hoạt động phụ... Và thế là họ đi tìm kiếm những nhà tài trợ nước ngoài cho phim độc lập, sẵn sàng viết một kịch bản, làm phim theo ý các nhà tài trợ đó - mà phần lớn là những kịch bản mang tính phê phán, phản biện xã hội, nói về mặt trái của thể chế, chính quyền hay mặt trái về quyền Con người ở Việt Nam.

 

Với phim Vị, có thể hiểu sao khi nhà sản xuất nói rằng “Phim của chúng tôi không có cảnh nào thô tục, dung tục”? Vậy những cảnh 4 đàn bà trung niên Việt và 1 đàn ông da đen châu Phi từ làm tình đến ăn uống, vệ sinh đều nude toàn phần, đều cùng “quan sát nhau” vì không thể không thấy trong không gian chật hẹp đó. Vậy không biết họ quan niệm “dung tục” là thế nào? Hay đây là sự bệnh hoạn trong tâm hồn đạo diễn và nhà sản xuất? Phải chăng đạo diễn phim đã cố tình trút những bất lực, ẩn ức có phần bế tắc của mình vào khán giả xem phim? Hay vì phim có sự can thiệp của một số nhà sản xuất nước ngoài nào đó mà đạo diễn đã “đánh mất” bản năng văn hóa Việt trong tác phẩm của mình, chạy theo yêu cầu của họ?

 

Một phim mang nhãn “made in Vietnam”, từ bối cảnh, con người, đạo diễn, nhà sản xuất... Vậy thì phim muốn nói điều gì với nước ngoài về xã hội Việt Nam đương đại? Đừng nói phim theo trào lưu “không quốc tịch”, tất cả chỉ dấu của phim Vị ở nước ngoài đều mang “nhãn” Việt Nam. Và một Việt Nam như trong Vị phản ánh được gì về Việt Nam với quốc tế, khi cả phim là một màu tối đen, dơ bẩn, là nhân phẩm phụ nữ Việt bị chà đạp giống như những con thú?

 

Phim cần sự nhân văn và thông điệp về cái đẹp nhưng cả bộ phim này, trong gần 100 phút mà không thấy một chút gì le lói của ánh sáng lạc quan, thông điệp vẻ đẹp cuộc sống. Làm nghệ thuật, cho dù có phản ánh đến tận cùng của cái xấu hay tội ác, cho dù phản ánh những gì tăm tối nhất, lầy lội, tha hóa nhất thì vẫn phải nên có một hình ảnh tượng trưng lấp lánh của ánh sáng chân - thiện - mỹ, là sự nhân văn với số phận con người, là chút tin yêu vào cuộc sống.

 

Nhưng Vị đã không có điều đó. Một phim như Vị không thể tồn tại.

 

HOÀI HƯƠNG




No comments:

Post a Comment

View My Stats