Đừng
để áp lực thi cử làm lùn nền giáo dục
10 Tháng Một, 2022
http://vanviet.info/van-de-hom-nay/dung-de-p-luc-thi-cu-lm-ln-nen-gio-duc/
Cái đề thi này của trường THCS-THPT Trần Cao
Vân (TPHCM) mà mọi người đang chia sẻ kèm theo rất nhiều caption với đủ mọi
cung bậc của sự giễu cợt.
http://vanviet.info/wp-content/uploads/2022/01/viber_image_2022-01-10_08-54-32-572.jpg
Đề thi
“Đem tiền về cho mẹ”, không sao cả, xin được
bàn sau. Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến một chi tiết khác, bé, mà với tôi nó hệ
trọng. Đó là số lần kiểm tra thử/thi thử trong 1 học kỳ. Trên đề thể hiện rằng
đây là đề kiểm tra thử lần thứ 6 trong học kỳ I này.
Chỉ những ai ở trong nghề mới hiểu và cảm được
con số này. Nó là một nỗi ám ảnh, là sự khủng khiếp, là liên tiếp tra tấn. Bạn
sẽ bảo rằng tôi đang nói quá lên. Không đâu. Và xin nói thêm, trường Trần Cao
Vân này không phải cá biệt, nó chỉ là “một nơi như mọi nơi” mà thôi.
Theo đó, nếu một giáo viên dạy trung bình 4 lớp,
mỗi lớp 40 học sinh; mỗi lần thi thử họ phải chấm 160 bài văn. Trong vòng 4
tháng, nếu chỉ với 6 lần thi thử, mỗi người chấm 960 bài thi. Không phải chỉ có
thế, họ còn phải làm đề, đáp án, họp hành – thảo luận, nhập điểm, trả bài, chấm
phúc khảo, báo cáo và chịu sự chỉ trích, v.v. Nó là một núi, có thể đè chết bất
cứ ai làm việc nghiêm túc. Trong khi đó họ vẫn phải dạy học bình thường, vẫn soạn
giáo án, vẫn họp hành, vẫn hồ sơ sổ sách…
Đó là mới nói về phía giáo viên. Học sinh mỗi
kỳ thi thử một môn 6 lần. Các em học 13 môn, tôi cứ cho rằng các em chỉ thi thử
những môn trong tổ hợp xét tốt nghiệp thôi thì cũng phải là 6 môn. Nếu chia
trung bình thì mỗi kỳ một học sinh phải làm bài thi 36 lần! Học vào lúc nào,
“tiêu hóa” kiến thức vào lúc nào? Đọc sách, vui chơi, bạn bè, trải nghiệm… tất
cả chỉ có trong giấc mơ.
Chưa hết, phía trên chỉ là nói về kiểm tra thử/thi
thử, chưa nhắc gì tới kiểm thật/thi thật. Cả kiểm tra thường xuyên và định kỳ,
mỗi kỳ học sinh phải làm khoảng 4-5 bài mỗi môn. Nào là kiểm tra miệng, 15
phút, 1 tiết, kiểm tra học kỳ…
Đáng sợ nhất chưa phải là ở số lượng các lần
thi/kiểm tra, mà là áp lực tâm lý. Thi, thi và thi. Nhận điểm, nhận điểm, và nhận
điểm. Lo lắng, lo lắng và lo lắng. Các em bị những gánh nặng này đè cho ngộp thở.
Từ sự thấp thỏm âu lo, các em đâm ra chán và sợ. Đi học trở thành một nỗi thống
khổ bi ai không sao kể cho hết được.
Có lẽ các bạn đang tự hỏi rằng, vậy tại sao lại
phải thi nhiều đến thế, phải không? Vẫn là chuyện cũ thôi: thành tích. Vấn đề nằm
ở chỗ, ngày nay nêu không tạo ra các áp lực thi cử dạng này thì học sinh không
tự giác học. Chúng quá ngán.
Áp lực được thiết lập, như các vị lãnh đạo trường
học (và cả giáo viên) vẫn luôn nhắc đi nhắc lại mỗi sáng thứ hai chào cờ: “Than
đá vốn xấu xí xù xì và rẻ tiền, nhưng nếu dưới áp lực cực mạnh, nó sẽ biến
thành thứ đáng giá và tuyệt đẹp nhất trên trần thế – Kim Cương”. Công khai
điểm thi thử, thưởng tiền cho học sinh điểm cao, phê bình học sinh điểm thấp, gọi
cha mẹ làm việc… Áp lực trong giáo dục ngày nay là như thế đó.
Việc dùng áp lực tiêu cực và cực đoan như một
“phương pháp” giáo dục không bao giờ nhận được sự đồng tình trong các nền giáo
dục tiến bộ. Giáo dục là khơi dậy, là thắp lên, không phải là bắt ép. Làm sao để
các em ham thích học hành và tự giác tìm tòi khám phá, đó mới chính là sứ mạng
của những người làm giáo dục.
Giảm bớt thi cử, đánh giá linh hoạt, xây dựng
bộ công cụ đo lường khách quan và khoa học là những việc phải làm và có thể làm
ngay. Với tình hình như thế này, trước mắt, việc ban hành một quy định về số lần
thi thử tối đa/kỳ là cần thiết; và theo chúng tôi, nó không thể vượt quá con số
2. Thay vì chủ yếu thắt chặt đầu vào (đại học) thì hãy thắt chặt đầu ra, đồng
thời thực hiện tự chủ đại học một cách hoàn bị.
Các đề thi thử, đơn cử như đề môn văn vừa dẫn,
dù có hình thức “đọc – hiểu” là khá hiện đại nhưng về bản chất vẫn là đề mẫu,
văn mẫu, chấm theo mẫu. Nó không kích thích được tư duy với những câu hỏi rập
khuôn, đơn điệu, và luôn na ná nhau suốt từ năm này qua năm khác; cũng không tạo
nên hứng khởi bởi một lối chấm bài bảo thủ “đếm ý cho điểm” vốn đã tồn tại suốt
mấy thập kỷ nay.
Chúng ta phải nhìn cho ra là tại sao các trường
phổ thông phải “luyện đề” nhiều đến thế, dù các đề ấy luôn lặp lại một điệu như
nhau. Vì trong cách thi cử của ta, khâu làm đề còn rất cứng nhắc, mang nặng
tính “minh họa”, “mớm lời”.
Dạy là phải dạy cách học, cách làm chứ không
phải ban phát kiến thức. Kiến thức tràn ngập trong thời đại thế giới số ngày
nay. Không một nền giáo dục tiến bộ nào lấy kiến thức làm mục đích, thay vào đó
họ dạy cách xử lý thông tin, dạy tư duy, dạy phản biện, dạy cách trình bày… Tóm
lại, dạy học là trao một chiếc chìa khóa để mở vào kho báu, chứ không phải chỉ
là tặng một món đồ trang sức.
Giáo dục phải thay đổi căn bản trong phương
pháp dạy học để có tính khai mở và khai sáng, từ đó kết hợp với cách thức đánh
giá khoa học; rồi thế chỗ cho những kỳ thi liên tu bất tận có tính cưỡng bức
tai hại này.
No comments:
Post a Comment