Monday, 17 January 2022

TUYÊN NGÔN CHO KHOA HỌC XÃ HỘI (Bernard Lahire)

 



TUYÊN NGÔN CHO KHOA HỌC XÃ HỘI 

Bernard Lahire[*]

15.1.22

http://www.phantichkinhte123.com/2022/01/tuyen-ngon-cho-khoa-hoc-xa-hoi.html#more

 

Ngày nay, các khoa học xã hội là chủ đề của những tranh chấp vô bổ, nửa khoa học, nửa chính trị. Để lánh xa điều này, các nhà nghiên cứu phải quay trở lại tham vọng sáng lập mà họ đã có xu hướng bỏ qua: xác định các quy luật, các bất biến, các nguyên tắc, các điều cơ bản... Chỉ có sự thiết lập một chương trình làm việc tập thể và liên ngành mới cho phép tiến thêm một bước, một cách tập thể, hướng tới một ngành khoa học xã hội xứng đáng với tên gọi, bằng cách thiết lập một khung có tính tích hợp và hợp nhất, vượt lên trên các ngành, như các khoa học về sự sống đã làm được.

 

Thật thú vị khi quan sát một sườn dốc chằng chịt, bị nhiều loài thực vật đủ loại phủ kín, trong khi chim hót trong bụi rậm, nhiều loại côn trùng khác nhau bay tứ tung, và những con sâu bò qua mặt đất ẩm ướt, và nghĩ rằng những hình dạng này với sự thiết kế công phu, vốn rất khác nhau, và phụ thuộc vào nhau theo một cách thật sự phức tạp, đều được được tạo ra bởi các quy luật vận hành xung quanh chúng ta. (Charles Darwin, Nguồn gốc các loài, 1859)[1]

 

Sau hơn một trăm năm mươi năm tồn tại, rõ ràng các khoa học được gọi là “nhân văn” và “xã hội[2]” gặp khó khăn để trở thành những khoa học giống như các khoa học khác, khiến cho nhiệm vụ áp đặt sự hiển nhiên của các kết quả hay những thành tựu chính của chúng trở nên khó khăn. Ta có thể quy một phần của trách nhiệm về tình trạng này cho việc xử lý chính trị (xấu) các khoa học xã hội hay cho tính chất muộn mànvà rất hạn chế của việc giảng dạy chúng, và ta sẽ không sai. Nhưng vấn đề trước hết nằm bên trong lĩnh vực kiến ​​thức này.

 

Nếu nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội tin chắc về sự cần thiết phải chặt chẽ trong lập luận và trong cách xử lý bằng chứng và tạo ra những công trình vững mạnh đáng được quan tâm, rất ít người tin rằng một ngày nào đó các khoa học xã hội có thể trở thành các khoa học giống các khoa học khác (đặc biệt các khoa học về vật chất và sự sống), có khả năng tạo ra sự tích lũy khoa học và xây dựng các quy luật chung của sự vận hành của xã hội. Liệu tri thức không có đức tin (khoa học) hay quy luật có thể thực sự mang tính khoa học không?

 

Cộng thêm vào sự mong manh nội tại của các ngành khoa học này, còn có một số nhân tố góp phần làm rối hơn nữa các thông điệp mà chúng có thể truyền đi. Các khoa học xã hội đã để một sự phân công lao động được kiểm soát kém phát triển bên trong chúng, tạo ra vô số các công trình phân tán theo ngành và phụ ngành mà những đóng góp hầu như không có tính tích lũy hoặc kết nối[3]. Cảm giác về sự phân tán các công trình do quá trình chuyên môn hóa quá sâu cũng đã được khuếch đại dưới tác động của sự đa nguyên lý thuyết thường ngăn cản, do sự cạnh tranh giữa các “trào lưu” hoặc “trường phái”, việc xem xét, cả ở đây nữa, cách thức để kết nối các phương pháp tiếp cận thường được xem là đối lập nhau.

 

Về phía xã hội học, chẳng hạn, người ta vẫn tiếp tục đối lập “quan điểm” của Durkheim, Marx và Weber về mặt học thuật; và người ta kéo dài sự đối lập giữa chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cấu trúc phái sinh hoặc kiến ​​tạo và tương tác, khoa học xã hội vĩ mô và vi mô, chủ nghĩa khách quan và chủ nghĩa chủ quan, v.v.Sau cùng, trên hết, chủ đề của các khoa học này - cấu trúc xã hội, quan hệ xã hội hoặc hành vi xã hội - đã khơi dậy sự tò mò ngày càng tăng trong các lĩnh vực lâu nay được coi là nằm bên ngoài lĩnh vực được đề cập: sinh học tiến hóa, tập tính học hay sinh thái học về các hành vi, nhân học thời đồ đá, tiền sử học hay các khoa học thần kinh.

 

Đứng trước sự phân tán và sự ít được tiếp nhận, bên trong cũng như bên ngoài, của những thành tựu của các ngành khoa học này, cần có một chương trình làm việc tập thể và liên ngành để mang lại một khung có tính tích hợp và hợp nhất cho khoa học xã hội. Định hướng nghiên cứu như vậy giả định một sự lao động có tính hệ thống để chiếm lĩnh một cách phê phán và tổng hợp sáng tạo kết quả nghiên cứu từ nhiều ngành, bên trong cũng như bên ngoài lĩnh vực các khoa học xã hội, vốn đều đóng góp vào kiến ​​thức về các hình thái xã hội và hành vi.

 

Tham vọng của những nhà sáng lập

 

Ngay trong chính trào lưu chuyên nghiệp hóa của chúng trong suốt thế kỷ 20, tất yếu đi kèm với một sự tiêu chuẩn hóa-xác lập lề thói các nghiên cứu, các khoa học xã hội dần dần đánh mất tham vọng khoa học của những nhà sáng lập vĩ đại, trong số đó phải kể đến Karl Marx, Émile Durkheim và Max Weber.

 

Mỗi người trong số đó đều tìm cách làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản mà nhân loại phải đối mặt trong suốt lịch sử của mình - phương thức sản xuất, phân công lao động, sự thống trị, các hình thức quan hệ họ hàng, mối quan hệ với cái thiêng liêng, các loại hình tượng (thần thoại, hệ tư tưởng, khoa học, v.v.), v.v.. - và do đó đã không ngần ngại rời bỏ hiện tại để đi sâu vào lịch sử rất dài hạn, so sánh các xã hội rất khác nhau (từ xã hội săn bắn hái lượm đến xã hội tư bản, từ châu Âu và Bắc Mỹ đến Trung Quốc và Ấn Độ, qua châu Phi, Nam Mỹ và Úc), và đặt các câu hỏi về mặt xã hội học tổng quát xuyên suốt tất cả các xã hội loài người được dân tộc học, lịch sử hoặc xã hội học biết đến.

 

Chỉ lấy trường hợp của Karl Marx, ông đã say mê cuốn Nguồn gốc các loài của Charles Darwin, cuốn sách mà ông cho là, “trong lĩnh vực lịch sử thiên nhiên”, đã cung cấp “cơ sở” cho quan niệm duy vật của ông về lịch sử[4], trong khi vẫn chiếm dụng công trình của các nhà sử học (François Guizot, Adolphe Thiers) và các nhà kinh tế học (David RicardoAdam Smith) cùng thời để thực hiện việc phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Và không phải ngẫu nhiên mà “ông Marx sau cùng”, ngày càng bị ảnh hưởng bởi một tâm thế khoa học/libido sciendi, lại đắm mình vào các công trình sử học và dân tộc học tiến hóa vào thời đại của mình: bỏ rơi dự án viết những tập cuối cùng của cuốn Tư Bản Luận mà đáng lẽ ông phải thực hiện, Marx, trong tám năm cuối đời, đã để lại khoảng ba mươi nghìn trang ghi chép về các sách ông đọc, điều này báo trước sự chuẩn bị có thể có về một cuốn về lịch sử rộng lớn của các xã hội con người hơn là chỉ sự nghiên cứu sâu hơn duy nhất về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa[5].

 

Một số người có thể nghĩ rằng đây là những dấu tích của một thời đại không còn lý do để tồn tại, nhưng họ hoàn toàn sai lầm. Các công trình vĩ đại của các khoa học xã hội và nhân văn luôn đề cập đến những vấn đề cơ bản hoặc những điểm mấu chốt liên quan đến các đặc tính của hiện thực xã hội. Các tác giả của chúng đã lấy cảm hứng từ các công trình từ nhiều lĩnh vực kiến ​​thức và thậm chí, đối với một số người, còn mơ ước về sự thống nhất của nhiều ngành trong một “khoa học về con người” hoặc một “khoa học xã hội” lớn.

 

Những gì hiện diện ở Marx, Durkheim và Weber đã được các tác giả như Norbert Elias hay Pierre Bourdieu theo đuổi. Còn về sự nghiệp ấn tượng và tuyệt vời về mặt uyên bác và trong sáng lý thuyết của nhà nhân học xã hội Alain Testart, đã qua đời vào năm 2013, nó là chứng minh rằng chúng ta, ngay cả hiện nay, đồng thời có thể suy nghĩ rộng, sâu và chặt chẽ, về toàn bộ các xã hội con người mà chúng ta có tư liệu. Không quan tâm đến xu hướng thời thượng, Testard đã đấu tranh cho việc phải tính đến, trong khuôn khổ của một xã hội học tổng quát mang tính so sánh, tất cả các xã hội được biết đến thông qua dân tộc học, tiền sử học, khảo cổ học, sử học và xã hội học[6].

 

Cái xã hội vượt lên trên các khoa học xã hội

 

Nhưng các khoa học xã hội đã được cộng nhận (đặc biệt là xã hội học, nhân học và sử học) không phải là những ngành duy nhất quan tâm đến các xã hội và các hành vi xã hội của con người. Sinh học tiến hóa quan tâm đến các đặc điểm xã hội của các xã hội động vật khác nhau, đến nguồn gốc của ngôn ngữ loài người trong tính liên tục của các hệ thống giao tiếp động vật hoặc sự xuất hiện của các quá trình truyền tải văn hóa song song với các cơ chế kế thừa sinh học; tập tính học so sánh cho phép chúng ta nắm được những điểm giống nhau và khác nhau giữa các xã hội động vật về quan hệ giới tính, sự chăm sóc của cha mẹ, sự thống trị, cách “quản lý” các xung đột, hoặc thực tiễn của những sự trao đổi và tương trợ; cổ nhân học và tiền sử học cố gắng tái tạo lại bức chân dung của những hình thái xã hội đầu tiên của các xã hội loài người; tâm lý học và khoa học thần kinh khi nghiên cứu về các hành vi xã hội, tất cả các ngành này đã không ngừng tạo ra kiến ​​thức về loài người, như một loài “siêu xã hội”.

 

Môi trường khoa học mới này, trong đó các khoa học thường được coi là “xã hội” phát triển không phải là một bối cảnh bên ngoài đơn thuần mà chúng có thể chọn bỏ qua. Nó buộc chúng ta phải xác định lại các đối tượng, sửa đổi các khung giải thích thông thường được chấp nhận và trình bày lại các tham vọng của các ngành khoa học này. Công trình của các ngành khoa học khác này giúp biểu lộ những gì là nét đặc thù của loài người, về phương diện xã hội, tinh thần và hành vi. Bằng cách sắp xếp lại các năng lực, hành vi và hình thức của đời sống xã hội đặc trưng cho loài người so với các năng lực của các loài động vật khác[7], bằng cách làm nổi bật các đặc điểm xã hội, sinh học hoặc tâm lý của loài người kể từ thuở sơ khai của loài người, tất cả những kiến ​​thức này góp phần vào sự hiểu biết về các sự kiện xã hội dưới hình thái con người của chúng.

 

Do đó, logic của các chuyên ngành và các chuyên gia bị giam cầm trong lãnh thổ ngành của chúng và thường hơn nữa là phụ ngành, phải được cân bằng bởi lao động của các nhà bác học được cắm chặt vào một thực tiễn khoa học nghiêm ngặt nhưng được động viên bởi một tinh thần tổng hợp, không quan tâm đến các ranh giới giữa các ngành, đến sự phân định theo trình tự thời gian và sự phân chia địa lý thường được chấp nhận, và quan tâm đến việc mang lại câu trả lời cho những vấn đề lớn nảy sinh trong các xã hội loài người.

 

Chính tham vọng này đã thúc đẩy sự ra đời vào năm 2020 của tủ sách Các Khoa học xã hội về sự sống tại NXB La Découverte[8]. Với bộ sưu tập này, việc cần làm là tạo ra không gian để tái cân bằng các năng lực khoa học và do đó hoạt động cho sự ra đời của một quan niệm về nhân loại được nuôi dưỡng bởi nền văn hóa khoa học tiên tiến nhất của thời đại chúng ta. Nhưng công trường cho phép các khoa học xã hội kết nối lại với tham vọng lớn của những người sáng lập phụ thuộc nhiều hơn vào sự lao động tập thể ở quy mô lớn.

 

Sự cần thiết thực hiện sự tổng hợp

 

Để bắt đầu đáp lại thử thách này, một tập thể đã được thành lập vào tháng 6 năm 2020: nhóm “Edgar Theonick[9]”. Cách tiếp cận được trin khai lấy cảm hứng từ một thí nghiệm được thực hiện bởi các nhà toán học Pháp xung quanh nhóm “Nicolas Bourbaki”. Đằng sau biệt hiệu Nicolas Bourbaki, một nhà toán học tưởng tượng, ẩn náu một nhóm các nhà toán học trẻ vốn, vào những năm 1930, đã nhận thấy rằng bộ môn của họ bị phân tán quá nhiều thành các ngành và các ngôn ngữ riêng biệt. Jean Dieudonné đã tóm tắt một cách hoàn hảo, mặc dù quá khiêm tốn, ý định của nhóm khi nói: “Chúng ta đã đến thời điểm cần phải chỉnh đốn lại trong các tài sản đã được tích lũy từ hơn một thế kỷ nay trong toán học. […] Chúng tôi chỉ giới hạn trong việc cố gắng sắp xếp lại các kết quả và các nguyên tắc đã được thiết lập, nói chung từ năm 1800 đến năm 1930. Đây là điều mà nhóm Bourbaki đã cống hiến.” (Nhận xét trong chương trình truyền hình Apostrophes, ngày 12 tháng 6 năm 1987)

 

Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng giữa khoa học cấp đơn (lý thuyết) như toán học và khoa học cấp kép (lý thuyết và thực nghiệm) như khoa học xã hội, lịch sử của các khoa học cấp kép, chẳng hạn như vật lý hoặc sinh học, cho thấy rằng khó khăn không phải là không thể vượt qua.

 

Cho đến nay, các khoa học xã hội đã chống lại những biến đổi của bối cảnh khoa học bằng sự tự giam mình và tinh thần tự bảo vệ theo ngành[10], vốn dựa trên một phối cảnh thuần túy có tính khoa học luận bao gồm suy nghĩ rằng các bộ môn, khi chúng tồn tại ở một thời điểm nhất định của lịch sử, phải phát triển song song các quan điểm theo ngành hoàn toàn tự chủ và khép kín. Tuy nhiên, lịch sử chứng minh rằng xã hội học, nhân học và sử học đã không ngừng phát triển trong các đối tượng cũng như trong các phương pháp của chúng. Đã có lúc xã hội học của Goffman bị coi là một dạng tâm lý xã hội[11], và quan sát dân tộc học bị coi là không phù hợp với mục tiêu của xã hội học. Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, và điều đó đáng được chào mừng.

 

Nỗi sợ hãi bị đè bẹp bởi các ngành mạnh hơn về mặt thể chế cũng là một thực tế mà ta không thể ngây thơ bỏ qua. Lịch sử của các khoa học cho thấy rằng các khoa học có thứ bậc và có quyền lực không đồng đều về mặt học thuật: do đó, vì những lý do lịch sử, vật lý học thống trị hóa học, khoa học vật chất thống trị khoa học sự sống, và toàn bộ các khoa học về vật chất và sự sống thống trị các khoa học xã hội (chính các khoa học xã hội cũng được tổ chức theo cách thức thứ bậc rất chặt chẽ).

 

Nhưng việc bị thống trị, chẳng hạn, bởi sinh học tiến hóa sẽ không ngăn cản các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhận thức về sự tiến hóa của các loài và những hậu quả mà quá trình tiến hóa đã gây ra đối với những gì cấu thành đối tượng trung tâm của họ: hành vi con người và các hình thái con người của cuộc sống xã hội. Các khoa học xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc rút ra tất cả các hệ quả từ các công trình về các vấn đề về hành vi, nhận thức và tổ chức của cuộc sống trong xã hội, được tạo ra bởi các bộ môn bắt nguồn một phần từ khoa học sự sống.

 

Thương tiếc cho triết học xã hội không bao hàm việc từ bỏ mọi chương trình khoa học tổng quát và đầy tham vọng. Tuy nhiên, đáp ứng thách thức của một tham vọng như vậy, đòi hỏi phải đề xuất các đáp án phù hợp với tình trạng tiến bộ khoa học hiện nay. Để không rơi lại vào “lý thuyết thuần túy” (cho dù đó là lý thuyết của các nhà lý thuyết về khoa học xã hội không dựa vào các tài liệu thực nghiệm hay của các nhà triết học xã hội), chúng ta phải tìm cách thực hiện một lao động tổng hợp sáng tạo (lao động tích hợp và hợp nhất) trên cơ sở của những công trình không chỉ mang tính chất tư biện, mà còn được xây dựng về mặt lý thuyết và có cơ sở về mặt thực nghiệm.

 

Và để thực hiện được một công trình tổng hợp như vậy, cần phải khôi phục ý nghĩa cho việc sản xuất ra những tác phẩm thường bị coi thường là “thứ yếu/de seconde main” vốn rốt cuộc đã bị thất sủng, điều có lợi cho các công trình được coi là “đầu tay/de première main”[12]. Mô hình lý tưởng về sự sản xuất tri thức được bảo vệ ngày nay trong các khoa học xã hội là mô hình thủ công, trong đó các nhà nghiên cứu chủ yếu sử dụng dữ liệu thực nghiệm mà chính họ đã tạo ra. Tuy nhiên, sự sùng bái cuộc khảo sát trên thực địa được thực hiện bởi một cá nhân biệt lập (trường hợp của hầu hết các luận án tiến sĩ) hoặc bởi một nhóm nhỏ (trường hợp một số ít các công trình nghiên cứu) tạo thành một trở ngại cho công trình tổng hợp, và cùng lúc, cho một bước tiến thực sự của các khoa học xã hội.

 

Cho dù có một hiệu năng về mặt đào tạo khi buộc những người mới tham gia không chỉ học những sự tinh tế và khó khăn trong việc tạo ra dữ liệu thực nghiệm đáng tin cậy mà còn cả tính phản tư phê phán về bản chất của các dữ liệu đó, nhưng mô hình nghiên cứu “đầu tay” này có thể nhanh chóng trở thành một lực hãm đáng kể đối với kiến​​thức. Bởi vì nếu chúng ta xem xét hiện trạng của kiến ​​thức có ý nghĩa nhất của chúng ta, chúng ta mắc nợ những nhà tổng hợp vĩ đại là Marx, Weber, Durkheim, Mauss, Bloch, Elias, Dumézil, Lévi-Strauss, Bourdieu hoặc Testart, chỉ kể đến một số ít “nhân vật lớn” trong các khoa học xã hội. Nếu Marx đã phải tự mình sản xuất tất cả các dữ liệu làm cơ sở cho các tập khác nhau của cuốn Tư Bản Luận, thì có lẽ ông ấy đã không viết được một phần mười của những tập này. Và còn phải nói gì về một cuốn sách quan trọng như Những hình thức cơ bản của đời sống tôn giáo (Les formes élémentaires de la vie religieuse) mà tác giả (Durkheim) chưa bao giờ gặp một thổ dân Úc?

 

Khi ta xem xét từ một cái nhìn tổng hợp các công trình đa dạng nhất của các ngành khoa học phụ trách các vấn đề có tính chất xã hội, ta bị ấn tượng bởi việc sự phong phú và đa dạng của các sự kiện thực nghiệm được thiết lập và diễn giải, liên quan đến các xã hội, các thời đại hoặc các nhóm, thường che giấu một số lượng tương đối nhỏ các vấn đề được xử lý. Có những quá trình hoặc cơ chế cơ bản, bất kể hình thái xã hội nào, đã được nghiên cứu và đôi khi được các chuyên gia khác nhau không giao tiếp với nhau đặt những tên khác nhau, điều không thể làm cho chúng xuất hiện rõ ràng như vậy[13].

 

Các khoa học xã hội phải huy động mọi thứ, một cách tập thể, để đạt được những gì sinh học hoặc vật lý học, chẳng hạn, đã thành công với Charles Darwin và lý thuyết của ông về sự tiến hóa của các loài bằng sự chọn lọc tự nhiên, hoặc với Isaac Newton và lý thuyết vạn vật hấp dẫn của ông, nghĩa là xây dựng những khung tổng quát, tổng hợp, tích hợp và hợp nhất, trong đó rất nhiều công trình khoa học riêng biệt được định vị, định hướng và nhận được ý nghĩa.

 

Quan niệm này đòi hỏi phải đặt lại vấn đề về 1) tổ chức tập thể của sự phân công lao động để làm cho sự tồn tại của các tác phẩm tổng hợp tích hợp và hợp nhất cũng như các tác phẩm “đầu tay” không những khả thi và thậm chí còn cần thiết nữa và về 2) khoa học luận mang tính tương đối, duy danh hay kiến ​​tạo một cách quá đáng của đại đa số các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, bằng cách phục hồi các ý niệm về tính tích lũy khoa học và quy luật xã hội.

 

Lao động tổng hợp lý thuyết-thực nghiệm không chỉ có thể mà còn phải được thực hiện để tiết kiệm thời gian cho các thế hệ nghiên cứu tương lai và nâng cao kiến ​​thức khoa học về thế giới xã hội, một cách tổng quát, có ý thức và chặt chẽ hơn. Việc tìm kiếm các vấn đề chung, các sự kiện chính, các quá trình hoặc cơ chế làm nền tảng cho nhiều phân tích đặc thù đã được thực hành một cách rất có ý thức trong các lĩnh vực kiến ​​thức khoa học khác bởi một số nhà toán học vĩ đại (Alexander Grothendieck và các nhà toán học của “nhóm Bourbaki” chẳng hạn), các nhà vật lý (Newton, Maxwel, Einstein, Schrödinger, v.v.) hoặc các nhà sinh vật học (Darwin). Đây cũng là điều mà nhiều nhà khoa học xã hội vĩ đại đã làm theo cách riêng của họ, mặc dù thường ít rõ ràng và ít mang tính hệ thống hơn.

 

Và ngay cả khi đây không phải là mục tiêu ban đầu nhắm đến, một bước tiến như vậy sẽ có những hệ quả giáo dục đáng kể. Nếu điều quan trọng là chỉ ra rằng trong sự phát triển đa dạng của các khoa học xã hội, có một số ít định luật (nguyên lý, vấn đề, quy trình hoặc cơ chế cơ bản) ẩn náu, thì đó cũng là vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy kiến thức nền tảng của các khoa học này. Bởi vì có thể dạy những điểm mấu chốt cơ bản, kể cả ở cấp độ trẻ em hoặc thanh thiếu niên, giả định rằng một lao động trừu tượng và tổng hợp đáng kể được thực hiện ở thượng nguồn.

 

Một sự xét lại khoa học luận

 

Nhận thức về sự tồn tại của các vấn đề lớn, các quá trình và cơ chế cơ bản không ngừng hoạt động trong nghiên cứu khoa học xã hội dẫn đến việc xét lại khoa học luận mang tính tương đối và duy danh được chấp nhận rộng rãi trong các khoa học xã hội. Chúng ta phải đặt khái niệm về tính tích lũy khoa học và về định luật (về những bất biến, những hằng số hoặc những đều đặn) trở lại trung tâm của những suy tư của chúng ta, bằng cách huy động công trình của các tác giả, từ Émile Durkheim đến Alain Testart, bao gồm Pierre Bourdieu, Maurice Godelier và Françoise Héritier[14].

 

Trái ngược với những gì có thể được hàm chứa trong một quan niệm chỉ thấm đậm tính kiến​​tạo và tương đối, vốn chỉ thấy trong các công trình khoa học những quan điểm không thể dung hòa, thay đổi theo thời đại và theo bối cảnh khoa học hoặc ngoại khoa học, không thể thực sự giao tiếp với nhau và do đó trở thành chủ đề tranh luận và kết nối, những vấn đề mà các khoa học xã hội xử lý, và đã được nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trong lịch sử cố gắng giải đáp, đều rất thực tế và dai dẳng.

 

Cho dù chúng ta có xem xét vấn đề về sự phân hóa xã hội của các hoạt động hoặc chức năng, của mối quan hệ thống trị, của sự xã hội hóa và các quá trình sáp nhập thế giới xã hội, của sự truyền tải văn hóa các tri thức hay của sự sản xuất các đồ tạo tác đủ loại, để chỉ lấy một số ví dụ, chúng ta có thể nói rằng tính vĩnh cửu của các vấn đề lớn trong các công trình khoa học đa dạng nhất không phải do nhận thức hay thế giới quan mà là do chính cấu trúc của thực tế xã hội.

 

Một khi họ đồng ý đối đầu với các vấn đề trên, các nhà nghiên cứu nhất thiết vấp phải một số vấn đề hạn chế vì chúng liên quan đến các đặc tính khách quan của thực tại. Họ có thể, tùy thuộc vào tình trạng của ngành của họ và văn hóa khoa học cá nhân của họ, đặt ra những vấn đề này một cách khác, hoặc thậm chí phát hiện ra những vấn đề khác, nhưng sẽ quá đáng nếu nói rằng họ hoàn toàn “phát minh” hoặc “tạo ra” những vấn đề này. Và khi họ giải quyết được một số vấn đề hoặc khi họ thành công trong việc tích hợp một nhóm vấn đề vào một lý thuyết chặt chẽ, họ đã thực hiện được cái có thể gọi là tiến bộ khoa học.

 

Mà, đối với tôi, điều đặc biệt quan trọng là phải khẳng định lại khả năng của một tiến bộ khoa học ở một thời đại đã làm cho cụm từ này trở thành điều cấm kỵ. Bởi vì không còn “tin” vào sự tiến bộ của khoa học, là ức chế mọi ham muốn tìm kiếm trong lịch sử của các khoa học xã hội các điểm tựa để có thể rút ra những quy luật và tiến bước về mặt khoa học một cách chắc chắn hơn.

 

Xây dựng các quy luật

 

Do đó, các khoa học xã hội nên hoàn toàn đảm nhận việc sử dụng thuật ngữ “quy luật” (hoặc những gì có thể được biểu hiện ở nơi khác dưới dạng những thuật ngữ như “bất biến”, “nguyên lý”, “nền tảng” hoặc “hằng số”), bằng cách chấp nhận một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không phải là không thể thực hiện, nhiệm vụ xây dựng các quy luật hoặc các cơ chế xã hội chính trên cơ sở của nhiều nghiên cứu được thực hiện trong các khoa học xã hội trong khoảng một thế kỷ rưỡi qua. Tham vọng này, hiện diện từ những bước đầu của ngành (với Comte và Durkheim), phần lớn đã bị bỏ rơi sau đó[15].

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là các công trình được tích lũy từ cuối thế kỷ 19 không chứa đựng nhiều cơ chế tổng quát hoặc các bất biến bất thành văn, không được trình bày, hoặc được trình bày trong một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ thực tế hơn của quy luật. Thật vậy, không thể nào có được sự phân tích hay diễn giải nếu những người đã phát triển chúng lại không có trong tâm trí của họ những khung tương đối tổng quát và ổn định cho phép họ không chỉ hiểu một sự kiện nhất định, vào một thời điểm và ở một nơi nhất định, mà còn hiểu cả nhiều sự kiện khác, vào những thời điểm khác và ở những nơi khác.

 

Ở đầu thế kỷ 21, một nhà nghiên cứu sẽ dễ dàng nói đến khái niệm, lý thuyết hoặc mô hình, nhưng rất hiếm khi nói đến “quy luật” hoặc “cơ chế tổng quát, do đó gây ấn tượng rằng những gì đã được chinh phục ở đây, về một xã hội, một thời kỳ, một nhóm hoặc một lĩnh vực các thực tiễn nhất định sẽ không nhất thiết phải đúng ở nơi khác, và khi đó, giống như trong huyền thoại về Sisyphus, có một nhiệm vụ phải được thực hiện đi thực hiện lại, vì sự phân tích tùy thuộc vào quan điểm và sự khéo léo của nhà nghiên cứu hơn là vào các đặc tính của các sự kiện được nghiên cứu. Trong các khoa học mà câu hỏi về tất định luận vẫn thường xuyên được tranh luận[16], ý tưởng về việc xây dựng các quy luật còn lâu mới là hiển nhiên.

 

Nếu vật lý hoặc sinh học tiến hành theo cách này, chúng sẽ không bao giờ có thể phát hiện những lực chính, những nguyên lý hay những quy luật vĩ đại chi phối vật chất và sự sống và do đó sẽ không thể tự cấu thành như là những khoa học có tính tích lũy thực sự, với những kết quả được chúng ta công nhận từ nay. Và người ta sẽ nhầm lẫn nghiêm trọng khi nghĩ rằng, đối với Newton hay Darwin, thao tác đó sẽ đơn giản hơn đối với các nhà xã hội học, nhân học hay sử học ngày nay, vì bản chất của đối tượng của chúng. Một sự tham khảo đơn giản lịch sử các khoa học cho phép chúng ta thấy rằng những kháng cự hoặc bác bỏ những phương pháp tiếp cận mang tính hợp nhất này đã từng có đối với những đối tượng hoàn toàn khác với các đối tượng xã hội.

 

Các vấn đề lớn được lặp đi lặp lại mà các khoa học xã hội xử lý có thể được giải thích bởi việc là chính bản thân thực tại áp đặt một số đường nét chính mà các lý thuyết cố gắng trình bày, một cách ít nhiều thích đáng. Ngay cả khi không phải tất cả các nhà khoa học xã hội cũng luôn biết trình bày rõ ràng những vấn đề cơ bản tạo cơ sở cho nghiên cứu của họ là gì – đã có bao nhiêu luận án có kết quả phong phú hơn những gì người đã thực hiện chúng nói! - ta có thể nói rằng những vấn đề này luôn được thể hiện, ngầm ẩn hoặc rõ ràng, trong các nghiên cứu được đề cập.

 

Tuy nhiên, một số tác giả đã liều lĩnh hơn khi bất chấp các điều cấm chỉ chống chủ nghĩa thực chứng. Tuy chưa bao giờ phát triển những vấn đề này trong các văn bản khoa học luận, một tác giả như Pierre Bourdieu đôi khi đã sử dụng khái niệm “quy luật[17]”. Tương tự như vậy, Françoise Héritier đặt trọng tâm nghiên cứu của mình trong việc “tìm cái chung dưới cái riêng” và “cố gắng tìm ra các quy luật[18]”. Và ta cũng có thể nêu bật đóng góp của Maurice Godelier về “các nền tảng của đời sống xã hội[19]” hoặc của Alain Testart là người rõ ràng tìm kiếm quy luật[20].

 

Trường hợp của tác giả sau, một nhà nhân học xã hội nhưng đã đặt sự nghiệp của mình vào xu hướng của xã hội học so sánh tổng quát, là điều đặc biệt thú vị. Được đào tạo như một kỹ sư (tốt nghiệp trường École des Mines/Trường Mỏ) trước khi trở thành nhà nhân học, ông có đủ kiến ​​thức về các khoa học về vật chất để biết rằng chúng đã có thể tổ chức bên trong chúng một cực lý thuyết tổng hợp và một cực phân tích lý thuyết-thực nghiệm đặc thù hơn về nhiều hiện tượng vật lý có thể quan sát được.

 

Là một người có học thức uyên thâm tiếp nối những Marx, Morgan, Durkheim, Weber, Fustel de Coulanges và Marc Bloch, thông thạo một khối lượng đáng kể các dữ liệu lý thuyết-thực nghiệm “thứ yếu”, và hầu như không tự mình thực hiện nghiên cứu điền dã (tuy nhiên, sau một điều tra thực địa được thực hiện về các thổ dân Úc), ông bảo vệ ý tưởng rằng cần phải lấy toàn bộ các xã hội có dữ liệu được tiền sử học, khảo cổ học, sử học, dân tộc học và xã hội học ghi lại để có thể rút ra các quy luật, và do đó chấp nhận “sự phân công lao động đã có hiệu lực từ lâu trong nhiều bộ môn khác và đã từng mang lại kết quả[21]”.

 

Chúng ta sẽ rất khôn ngoan nếu học bài học này và cùng nhau tiến thêm một bước nữa để hướng tới một ngành khoa học xã hội xứng đáng với tên gọi. Điều này đòi hỏi một niềm tin khoa học mạnh hơn một chút, một sự tin tưởng hơn một chút vào sự phong phú của các công trình được tích lũy trên phạm vi quốc tế trong hơn một thế kỷ rưỡi, và ít tranh cãi vô bổ hơn, nửa khoa học nửa chính trị, vốn chỉ biết tiếp thêm sức mạnh cho những diễn ngôn vừa mang tính thù hận và vừa ngu ngốc về bản chất ý thức hệ được cho là của khoa học này.

 

Phạm Như Hồ dịch

 

Nguồn: “Manifeste pour la science socialeAOC, 9.01.2021.




 

Chú thích:

 

[*] Nhà xã hội học, giáo sư xã hội học tại Trường sư phạm cao cấp ở Lyon (Trung tâm Max Weber).

 

[1] Tôi xin được cám ơn Laure Flandrin và Francis Sanseigne đã bỏ công đọc lại văn bản.

 

[2] Mà tôi sẽ gọi một cách ngắn gọn là “các khoa học xã hội” trong phần còn lại của văn bản này, ý thức rõ rằng những từ “nhân văn” và “xã hội” ẩn chứa những quan niệm rất khác nhau về bản chất và mục tiêu của các khoa học được đề cập, và thậm chí cả một sự lưỡng lự về tính chất khoa học thực sự của kiến thức được tạo ra. Tôi cũng sẽ không đề cập đến việc một số nhà kinh tế về phần mình, ngược lại với mọi logic, đặt ngành của họ - vì tính ưu việt của nó - bên ngoài các khoa học xã hội.

 

[3] Xem Bernard Lahire, Thế giới số nhiều. Tư duy sự thống nhất của các khoa học xã hội/Monde pluriel. Penser l’unité des sciences sociales, Paris, Seuil, Couleur des idées, 2012. Tuy nhiên, quá trình chuyên môn hóa này, được quan sát trong tất cả các lĩnh vực khoa học không phải là “được quản lý” hay “được tổ chức” theo cùng một cách trong tất cả các bộ môn. Ví dụ, vật lý học tiếp đón bên trong nó nhiều nhà vật lý thực nghiệm cũng như các nhà vật lý lý thuyết, những tổng hợp được các nhà vật lý lý thuyết đảm nhận tuy họ không bao giờ được giải phóng khỏi yêu cầu tạo ra các khung lý thuyết thích hợp với tất cả các kết quả thực nghiệm có sẵn.

 

[4] Thư Marx viết cho Engels đề ngày 19 tháng 12 năm 1860.

 

[5] Xem Lawrence Krader (chủ biên), Sổ tay dân tộc học của Karl Marx, Các nghiên cứu của Morgan, Phear, Maine, Lubbock, được ghi lại và hiệu đính/The Ethnological notebooks of Karl Marx, Studies of Morgan, Phear, Maine, Lubbock, transcribed and edited, với phần giới thiệu của Lawrence Krader, Van Gorcum & Comp. B. V., Assen, 1974; Michael Krätke, “Marx cuối cùng và Tư bản luận/Le dernier Marx et le CapitalActuel Marx, số 37, 2005, tr. 145-160 và Kolja Lindner, Le Dernier Marx, Toulouse, Éditions de l’Asymétrie, Réverberation, 2019.

 

[6] Xem Alain Testart, “Lịch sử toàn cầu có thể bỏ qua bộ tộc Nambikwara không? Một sự biện hộ cho dân tộc học sử học/L’histoire globale peut-elle ignorer les Nambikwara? Plaidoyer pour l’ethnohistoireLe Débat, 2009/2, n ° 154, tr. 109-118, và đặc biệt là phần đầu tiên của tác phẩm cuối cùng của ông chưa xuất bản: Các nguyên lý xã hội học tổng quát/Principes de sociologie générale, Tập I.

 

[7] Ngay cả khi chúng dường như chỉ nói đến những động vật không phải con người, các công trình tập tính học vẫn liên tục so sánh, một cách ngầm ẩn hoặc rõ ràng, ngôn ngữ, quá trình học tập, cách sử dụng đồ tạo tác, hành vi và tổ chức xã hội của con người và không phải là con người. Do đó, chúng luôn cho chúng ta hiểu biết cả về các đặc tính của xã hội và hành vi của con người cũng như về các xã hội và hành vi của các loài động vật không phải con người.

 

[8] Với sự hỗ trợ nhiệt tình của Stéphanie Chevrier (Giám đốc điều hành của La Découverte) và Bruno Auerbach (Giám đốc văn học).

 

[9] Được tạo ra từ sự đảo chữ tên của một người hợp nhất nổi tiếng. Nhóm “Edgar Theonick” có những buổi họp hàng tháng kể từ tháng 6 năm 2020.

 

[10] Một chủ nghĩa nghiệp đoàn vẫn duy trì quyền tự do cho các công trình được xem là cởi mở hơn đối với cuộc đối thoại liên ngành (đặc biệt với khoa học về nhận thức) nhưng trên thực tế lại mang tính phá hoại nhất đối với logic riêng biêt của các khoa học xã hội.

 

[11] Yves Winkin, “Erving Goffman: chân dung của nhà xã hội học thời thanh niên/Erving Goffman: portrait du sociologue en jeune homme, trong Erving Goffman, Các thời khắc và các con người/Les Moments et leurs hommes, Paris, Seuil / Minuit, 1988, tr. 87.

 

[12] Đề nghị tham khảo phần khai triển mà tôi đã dành cho điểm then chốt này trong Đầu tay/Première main” và thứ yếu/seconde main: những trở ngại cho sự tích lũy khoa học/““Première main” et “seconde main”: les obstacles à la cumulativité scientifique (La Part révée. Sự giải thích xã hội học của những giấc mơ. 2, Paris, La Discovery, Laboratoire des khoa học xã hội, 2021, tr. 11-16).

 

[13] Đó là những gì tôi đã cố gắng thể hiện trong một tác phẩm gần đây về sức mạnh biểu tượng và phép thuật xã hội. Xem Đây không chỉ là một bức tranh. Tiểu luận về nghệ thuật, sự thống trị, ma thuật và sự thiêng liêng/Ceci n’est pas qu’un tableau. Essai sur l’art, la domination, la magie et le sacré, Paris, La Découverte, Poche, 2020.

 

[14] Bernard Lahire, “Sự khốn cùng của tương đối luận và sự tiến bộ trong các khoa học xã hội/Misère du relativisme et progrès dans les sciences socialesLa Pensée, số 408, quý 4 năm 2021, sắp xuất bản.

 

[15] Charles-Henri Cuin, “Cách tiếp cận hợp nhất trong xã hội học (có quy luật xã hội học không/La démarche nomologique en sociologie (y a-t-il des lois sociologiques)?Swiss Journal of Sociology, 32 (1), 2006, tr. 91-118.

 

[16] Bernard Lahire, “Chương 10: Quyết định luận xã hội học và tự do của chủ thể/Chapitre 10: Déterminisme sociologique et liberté du sujet, trong Daniel Mercure và Marie-Pierre Bourdages-Sylvain (ed.), Xã hội và tính chủ quan. Những biến đổi đương đại/Société et subjectivité. Transformations contemporaines, Nhà xuất bản Đại học Laval, Quebec, 2021, tr. 157-170.

 

[17] Trong Vấn đề xã hội học/Questions de sociologie (Paris, Minuit, 1980, trang 45), nhà xã hội học nói về “quy luật” trong khi thừa nhận trước mặt người đối thoại rằng việc sử dụng nó có thể “nguy hiểm”, đặc biệt khi nó được xem “như một định mệnh/destin, một số mệnh/fatalité được khắc trong bản chất xã hội, tức là “quy luật vĩnh cửu” chứ không phải là một “quy luật lịch sử tồn tại chỉ khi nào nó có điều kiện để được triển khai”. Trong bài giảng đầu tiên của mình tại Collège de France, ông cũng phát biểu về “quy luật xã hội […] xác định rằng vốn văn hóa sẽ hướng đến vốn văn hóa”. Pierre Bourdieu, Bài giảng về bài giảng/Leçon sur la leçon, Paris, Minuit, 1982, tr. 19-20.

 

[18] Françoise Héritier, “Một nhà nhân học trong thành phố. Phỏng vấn/Une anthropologue dans la cité. Entretien”, L’Autre, Cliniques, cultures et sociétés, 2008, Vol. 9, n° 1, p. 12.

 

[19] Maurice Godelier, Các nguyên lý cơ bản của đời sống xã hội/ Fondamentaux de la vie sociale, Paris, NXB CNRS, Các con đường nghiên cứu chính, 2019.

 

[20] Pierre Le Roux, “Nhà nghiên cứu quy luật không mệt mỏi. Lòng kính trọng đối với Alain Testart. (1945-2013)/L’inlassable chercheur de lois. Hommage à Alain Testart. (1945-2013)”, Études rurales, 193, 2014, tr. 9-12. Xem thêm bài đánh giá của tôi về Các Nguyên lý Xã hội học Tổng quát của ông sẽ xuất hiện trên Le Monde des Livres ngày 10 tháng 9 năm 2021.

 

[21] http://www.alaintestart.com/biographie.htm





No comments:

Post a Comment

View My Stats