Tiếc
cho dư vang của một quá khứ đẹp
09/01/2022
http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/01/thai-hao-tiec-cho-du-vang-cua-mot-qua.html
Mười năm ở miền Nam, nay về cố hương. Vốn ít khi ra
ngoài, chợ búa mua sắm lại càng lười. Hôm rồi, bất đắc dĩ, hai cha con chở nhau
đi mua đồng hồ báo thức, vì không muốn cho con sở hữu smartphone quá sớm.
Đường quốc lộ cách nhà vài cây số, cửa hàng đồng
hồ lớn, chủ là một thanh niên cao ráo sáng sủa, tầm 25 tuổi. Đồng hồ báo thức
hiếm dần vì nay ai cũng xài điện thoại, chỉ còn một loại này, loại đã từng nhiều
lần mua cho con. Mình đưa tờ 200 nghìn. Cậu chủ cửa hàng lúi húi một lúc rồi lấy
ra 40 nghìn đưa trả lại. Mình ngạc nhiên, “Đồng hồ này 160 nghìn hả em”?
“Vâng 160 nghìn”.
Hai cha con ra về. Ngồi sau xe, thằng nhóc cầm
chiếc đồng hồ trên tay, thắc mắc: “Ba, đồng hồ này trong miền Nam chỉ có 30
nghìn, loại to là 40 nghìn, sao ở đây mắc vậy”? “Tại ba không hỏi giá trước…”.
Thằng nhóc nói to lên, “Ở trong miền Nam có bao giờ phải hỏi giá trước đâu
ba”.
Ừ, về Bắc một năm rồi mà mình vẫn chưa hình
thành được thói quen mới, để lâu lâu ra ngoài lại phải giật mình như thế… Lại
nhớ về cái cảm giác lạ lùng khi đi từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Nội bài, chỉ chưa
đầy 2 tiếng mà như rơi vào một cõi nào đó khác, tựa những cuộc phiêu lưu qua
các vùng đất kỳ lạ trong câu chuyện của Homer.
Trong Nam, đi chợ hay đi đâu mua những món đồ
nho nhỏ, dù cửa hàng quen hay lạ, dường như không bao giờ hỏi giá. Cứ chọn đồ rồi
mang ra tính tiền, và chẳng thấy có khi nào bị “cắt cổ”. Riết rồi nó thành thói
quen, con người không phải cảnh giác với nhau nữa. Phải chăng, đó là chút dư
vang của một quá khứ đẹp còn vẳng lại trong cơn giao thời, để vĩnh viễn đi vào
quên lãng?
Trên đường về, buồn cả một quãng dài. Không phải
vì tiếc tiền, mà tiếc cái văn hóa, tiếc con người; và âu lo cho những ngày đang
tới.
Không biết mai này khi trở lại phương Nam,
mình có lại phải hỏi giá, lại kỳ kèo, lại cảnh giác…?
THÁIHẠO
08.01.2022 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment