Thực
trạng thưởng Tết đối với nhà giáo
RFA
2022.01.18
Ảnh minh họa: Một giáo viên tiểu học ở
Mù Cang Chải - Yên Bái. AFP PHOTO
Thưởng Tết của giáo viên năm 2022 theo ghi nhận
của truyền thông nhà nước giảm nhiều so với năm ngoái, thậm chí nhiều nơi còn
không có đồng nào. Nguyên nhân được cho là do năm nay ảnh hưởng của dịch
COVID-19, học sinh gần như chỉ học trực tuyến, không tổ chức dạy học buổi 2,
bán trú... do đó các trường không có nguồn thu để thường Tết.
Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện
đang giảng dạy tại trường THPT Thường Tín - Hà Nội cho biết RFA biết hôm 18/1 về
thực tế thưởng Tết cho giáo viên:
“Do dịch COVID-19, mà thực ra ngành giáo dục từ trước
đến nay thưởng Tết coi như không có, càng ở vùng sâu vùng xa càng không có...
Đơn giản vì ngành giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước, có chăng thì một số địa
phương có tiền tăng thu nhập ngày Tết bằng những khoản thu thêm trong trường.
Như vậy trường nào có lạm thu thì ngày Tết có thể có thêm. Tại Hà Nội một số
trường có khoản thu dạy thêm, cho thuê địa điểm thì có thể thưởng từ ba đến năm
triệu, hiếm có trường nào cao hơn. Khi tôi qua trường THPT Thường Tín thì như
trường nông thôn, mỗi năm được thưởng một hai triệu thôi. Tôi hỏi một số anh em
ở miền núi thì không được đồng nào, chỉ được gói mì chính hay chai nước mắm.”
Dù vậy vẫn có trường tại TPHCM thưởng Tết
Nguyên đán cho giáo viên hàng chục triệu đồng như Trường Đại học Công nghiệp Thực
phẩm là 20 triệu đồng/người, cao hơn năm ngoái năm triệu đồng/người. Hay Trường
ĐH Luật TP.HCM, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên sẽ nhận dao động từ 10 triệu
đến 45 triệu đồng.
Cá biệt có Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, thu nhập
Tết Nguyên đán của giáo viện thấp nhất là khoảng 30 triệu đồng, còn cao nhất là
70 triệu đồng.
Trong khi một số giáo viên ở Sài Gòn được nhận
tiền thưởng Tết cao, những đồng nghiệp tại nhiều nơi khác không được như vậy.
Cô Bích Ngọc, giáo viên trường Trung học Cơ sở
Thới An - tỉnh Vĩnh Long, khi trả lời RFA hôm 18/1, cho biết thực tế thưởng Tết
ở trường Cô:
“Không có, năm nay dịch nên không có được thưởng nhiều
như mấy năm trước, dịch nên kinh phí phải trả về bớt... Có nghĩa là đầu năm ở
trên khoán kế hoạch tổng phí, người ta gởi về trường theo tổng số giáo viên để
mua sắm... rồi trong mùa dịch xài không nhiều, nghe kế toán nói vậy, chứ không
rõ ràng... Năm nay được có ba triệu, năm trước được 4,8 triệu. Ở quê thì không
thưởng nhiều, chỉ có mấy trường ở thành phố mới thưởng nhiều thôi. Ví dụ như
trường người ta có làm những cái phúc lợi như cho thuê gởi xe hay photo, còn
trường mình ở quê diện tích cũng hẹp, học sinh gởi xe bên ngoài... chỉ có hai
năm trước là có thưởng, còn từ đó đến giờ đi dạy mấy chục năm nhưng không có tiền
thưởng Tết.”
Ảnh chụp màn hình clip khấn cầu lương
tháng 13 của Thầy Ngô Công Tấn.
Chủ yếu nguồn chi cho giáo dục đều từ tiền
ngân sách nhà nước , vậy do đâu lại có tình trạng tiền thưởng tết chênh lệch
như vậy?
Trao đổi với RFA tối ngày 18/1, Phó Giáo
sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm
TP.HCM, giải thích:
“Mức thưởng Tết không thể nói chênh lệch hay không,
đại học cao hơn hay trung học cao hơn... ở Việt Nam phải hiểu là tùy trường.
Chuyện lương và thu nhập không dính với nhau, ví dụ học trò của tôi lương thấp
hơn nhưng thu nhập cao hơn tôi nhiều, dù tôi dạy đại học còn em đó dạy trung học.
Chuyện đó rất khó nói, ngay những trường cùng cấp 3 thì trường này với trường
kia cách nhau một trời một vực về thưởng Tết. Dù là thuộc chính quyền nhưng
không phải tiền nhà nước, vì nếu tiền nhà nước thì trường nào cũng thưởng như
nhau, như thu nhập từng trường khác nhau. Ví dụ có mặt bằng tốt cho thuê thì dĩ
nhiên hơn một trường ở nông thôn. Ngay tại Sài Gòn thì trường ở ngoại thành như
Cần Giờ cũng không bằng trung tâm. Thành ra người ta muốn thưởng thì tiền đâu
mà thưởng?”
Mới đây một thầy giáo bị mời làm việc vì đã
lên mạng xã hội nói lên mong ước được thưởng Tết lương tháng 13.
Đó là trường hợp thầy Ngô Công Tấn, giáo viên
trường THCS Lộc An, Huế. Vào ngày 14/1, Thầy Tấn đã đăng tải lên trang Facebook
cá nhân clip dài 2 phút 37 giây đề cập việc giáo viên bị chậm trả lương tháng
13. Thông điệp được thầy Tấn diễn giải bằng kiểu tụng kinh, hài hước.
Đến ngày 18/1, ông Cao Ngọc Hải, Hiệu trưởng
trường THCS Lộc An đã mời thầy Ngô Công Tấn làm việc với mục đích nhắc nhở tư cách
giáo viên, đồng thời yêu cầu gỡ bài đăng trên mạng xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định
về việc này:
“Ông Hiệu trưởng đó mẫn cán quá, chứ một người hiểu
biết chỉ nên cười xòa thôi. Giáo viên cũng là một người lao động, và ước mong
có thu nhập cao hơn vào ngày Tết, thì chuyện đó cũng bình thường, nên nở một nụ
cười thông cảm hơn là kêu lên giáo dục vớ vẩn. Ông Hiệu trưởng đó một khi mà mời
giáo viên lên để uốn nắn chuyện đó thì quá ‘mẩn cán’, hiểu theo nghĩa tiêu cực.
Một người có đầu óc hài hước, thực tế hơn thì không làm chuyện đó.”
Còn Thầy Đỗ Việt Khoa thì cho rằng, đó là phản
ánh đúng thực trạng nghèo khó quá của giáo viên, kêu la nhà nước nên hỗ trợ, cứu
giáo viên bằng lương tháng 13... Thầy Khoa nói tiếp:
“Đó là quan điểm cá nhân của họ, không vi phạm pháp
luật gì cả. Người nào cũng sẽ kêu gào, nhưng họ nản quá rồi nên im lặng... Ở
các cơ quan khác của cả nước, rất nhiều đơn vị cho nhân viên tháng 13, chuyện
đó không lạ. Riêng ngành giáo dục anh kêu gào có khi chính quyền câu lưu dù không
kết người ta một cái tội nào cả?”
Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, lãnh đạo ngành giáo dục
nên nhớ rằng đó là tiếng kêu nghèo khó của giáo viên và đừng ‘hành hạ’ thêm những
người khốn khó này.
---------------------
Tin, bài liên quan
Minh
chứng “Đạo đức nhà giáo”: Vô ích vì có thể mua được?
Nghịch
lý giáo viên vừa thừa, vừa thiếu
Giáo
viên đứng lớp phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp!
Giáo
viên THPT phải có bằng thạc sĩ: Quy định thái quá!
Việc
bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên được hoan nghênh
No comments:
Post a Comment