Thiền
Sư Thích Nhất Hạnh về với "Đường Xưa Mây Trắng" để lại Làng Mai
Tường
An
2022.01.22
Thiền sư Thích Nhất
Hạnh tại lễ cầu siêu kéo dài ba ngay cho những người đã bỏ mạng trong chiến
tranh Việt Nam. Buổi lễ diễn ra tại một chùa ở ngoại thành Hà Nội hôm
20/4/2007. AFP
Đạo tràng Mai thôn, hay với cái tên mộc mạc, gần
gũi là Làng Mai, nằm cách Paris khoảng 600 km về hướng Tây Nam nước Pháp. Làng
Mai nằm trong thị xã Thenac, thuộc tỉnh Dordogne.
Làng Mai có diện tích khoảng 1 km vuông chia làm nhiều xóm : Xóm Thượng,
Xóm Hạ, Xóm Đoài và Xóm Mới.
Trên con đường vào làng, người ta nhìn thấy những ni cô, những chú tiểu, những
thiền sinh đang làm việc chăm chỉ, họ tự trồng rau, trái để ăn. Tất cả mọi người
đều làm việc trong im lặng.
Làng Mai có ba ngôi chùa : Chùa Pháp
Vân ở Xóm Thượng dành cho các tăng sĩ, Chùa Từ Nghiêm ở Xóm Mới và Chùa Cam Lộ ở
Xóm Hạ dành cho các ni.
Một ni cô đến từ Việt Nam sang tu học chia sẻ cảm giác thích thú trong môi trường
mới:
“Con tu học được ba năm. Chúng con ở đây
thì môi trường nào cũng có sự tu học giống nhau tại vì cùng là con của Thầy,
con của Sư Ông nên ở đâu cũng đi như cùng trên một dòng sông, cũng thực tập ăn
cơm, cũng thực tập đi thiền hành, cũng thực tập chánh niệm như mọi nơi. Nhưng
qua đây thì môi trường khí hậu, thời tiết khác, mát mẻ, thiên nhiên có bốn mùa
thay đổi rõ rệt nên mình thưởng thức mỗi mùa có cái hay riêng.”
Làng Mai là một trung tâm Phật giáo được Thầy
Thích Nhất Hạnh lập ra với mục tiêu tu dưỡng tinh thần, thực hành
tâm linh, và cũng là một trung tâm giảng dạy về Phật giáo Việt Nam, là môi trường
tu, học và sống để mọi người làm quen với đạo Bụt, và nhất là cách sống theo
văn hóa thiền học Việt Nam.
Ngôi làng nhỏ Thenac là một ngôi làng nhỏ với
chỉ chưa tới 2.000 dân. Vào thập niên 80, nhiều nông dân Pháp đã bỏ
thị xả nhỏ bé này để đi nơi khác và vì thế, chính phủ Pháp đã cho phép Thầy
Thích Nhất Hạnh thành lập Đạo tràng Mai thôn với cái tên đầu tiên
là Làng Hồng (vì nơi đây trồng nhiều cây hồng). Đây cũng là nơi đã từng
tiếp đón nhiều thuyền nhân tị nạn cộng sản.
Cho đến nay, Làng Mai đã trở thành một địa điểm
thu hút đông đảo nhiều người đến đây thực hành pháp môn chánh niệm của Thiền học
Phật giáo, học mỉm cười, học tha thứ, học biết ơn, học im lặng…v.v.. Dần dần những
thông điệp hòa bình đã được chia sẻ rộng rãi. Làng Mai có nhiều khóa thiền học
theo mùa, mỗi năm làng Mai tiếp đón hàng ngàn thiền sinh mà đa số là người
Pháp, hoặc những người ngoại quốc đến từ Anh, Ý, Hoa Kỳ…v.v…
Ông Đặng văn Hòa, từ Việt Nam sang Pháp, cho
biết lý do ông vượt hơn 10.000 cây số chỉ với nguyện vọng được đến làng
Mai, ông chia sẻ :
“Mục đích đến Làng Mai là vì bên Việt Nam chúng tôi nghe Làng Mai của Sư Ông
rất nổi tiếng. Người đã dìu dắt bao nhiêu phật tử, bao nhiêu tăng ni đến con đường
giác ngộ. Ngài là một bậc cao tăng nối bước theo đường tu của Phật Thích Ca,
thành ra mình rất kính trọng và quý mến Thầy, muốn đi đến gặp Thầy, đảnh lễ Thầy,
để Thầy ban những phép lành cho tôi.”
Và mặc dù không được diện kiến thiền sư, ông
Hòa cũng rất hài lòng khi tìm được cảm giác an lạc giữa khung cảnh yên bình của
làng Mai.
Thiền sư Thích Nhất
Hạnh đi cùng các em nhỏ đến một chùa ở Làng Mai tại Pháp hôm 6/8/2004. AFP
Những thiền sinh đến đây tham gia các khóa tu
học, ăn uống trong im lặng. Mỗi người tự rửa chén… tất cả đều diễn ra trong
hoàn tĩnh lặng.
Trên các con đường im vắng xuyên qua làng, những người đi dạo trong lặng lẻ,
đây đó, những nhóm thiền sinh cùng học, hát, thỉnh thoảng những tiếng chuông
vang lên để nhắc nhở những giây phút tĩnh lặng.
Một thiền sinh đến từ Toulous tham gia các
khóa tu tập cho biết đến đây, ông tìm được một cảm giác an bình, hạnh
phúc :
“Tôi có một cảm giác hạnh phúc, hạnh phúc của
sự chia sẻ, được hòa nhập vào cộng đồng tại đây để khám phá phương thức để hòa
hợp giữa tinh thần và thế xác và tìm được sự tỉnh lặng trong bản thân mình, được
hiểu thêm về chính mình. Mục tiêu chính là sự chia sẻ với nhau giữa mọi người ở
đây. Đúng vậy, đó là sự hạnh phúc được chia sẻ, là niềm vui. Và đặc biệt là nụ
cười luôn luôn nở trên môi mà ta không tìm thấy được ở bất cứ nơi đâu, thật vậy!”
Từ các xóm nhỏ bé ở Làng Mai, pháp môn của Thiền
sư Thích Nhất Hạnh đã phát triển ra nhiều trung tâm trên thế giới như Đức, Mỹ,
Thái Lan.
Với 1.250 đệ tử xuất gia và hàng triệu đệ tử tại
gia khắp nơi trên thế giới, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mang đạo Bụt,
đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến với Tây Phương.
Mục sư Martin Luther King đã vinh danh Thiền sư như là “một Thánh tông đồ của
hòa bình và bất bạo động” và đề cử Thiền sư cho giải Nobel Hòa bình vào năm
1967.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân
Bảo, sinh năm 1926 tại tỉnh Thừa Thiên, Huế, ra đi lúc 0 giờ (giờ Việt Nam)
ngày 22/1/2022 cũng tại thành phố nơi Thiền sư đã ra đời.
---------------------
Tin, bài liên quan
Thiền
sư Thích Nhất Hạnh trong bài mới trên Time
Thiền
sư Thích Nhất Hạnh về lại Thái Lan
Lãnh
đạo Phật giáo tỉnh Lâm Đồng mong muốn gì trong chuyến trở về của thiền sư Thích
Nhất Hạnh?
Dư
luận sau bài viết về sự kiện “Tu viện Bát Nhã”
12
đề nghị của Thiền sư Nhất Hạnh
No comments:
Post a Comment