Tập
Cận Bình sẽ độc tôn thiên hạ ?
Thụy My - RFI
Đăng
ngày: 03/01/2022 - 17:40
Tác giả
Nicolas Baverez trên trang Ý kiến của Le Figaro hôm nay đặt vấn
đề « Liệu Tập Cận Bình sẽ có được quyền lực tuyệt đối hay
không ? »
Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa. AP - Andy Wong
Tập hoàng đế trước những thách thức
Năm 2022
chừng như mở ra cả một đại lộ thênh thang cho ông Tập. Đại hội Đảng lần thứ 20
vào mùa thu sẽ phá lệ, giao cho ông một nhiệm kỳ thứ ba. Nghị quyết được Hội
nghị trung ương thông qua tháng 11/2021 vẽ lại lịch sử Trung Quốc theo cách
nhìn của ông Tập. Chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số bảo đảm kiểm soát xã hội, đại
dịch Covid giúp xuất khẩu tăng vọt, nhất là vật liệu y tế và máy tính. Hồng
Kông đã bị khống chế, gọng kềm siết lại với Đài Loan, và Trung Quốc khởi đầu
năm mới bằng cách phô trương sức mạnh toàn cầu nhân Thế vận hội mùa đông Bắc
Kinh.
Tuy nhiên
sự đời không đơn giản. Tập Cận Bình sẽ tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, nhưng không
thể nắm trong tay tất cả quyền lực, và sẽ phải có những thỏa hiệp để vượt qua
những khó khăn chồng chất. Hồi kết của « bốn mươi năm huy hoàng » tạo
ra tâm trạng lo âu ở Hoa lục, tham vọng bành trướng của Tập Cận Bình khiến quốc
tế phải tìm cách ngăn chận.
Sự sụp đổ
của Evergrand (Hằng Đại) hôm 09/12/2021 và tiếp theo là nhiều tập đoàn địa ốc
khác cho thấy khủng hoảng trầm trọng của thị trường bất động sản và mô hình tăng
trưởng dựa trên tín dụng. Địa ốc chiếm 30% GDP và 40% tài sản các gia đình. Giá
nhà tăng gấp 6 lần, phải 40 năm lương trung bình mới mua được một căn hộ ở các
tòa nhà có tuổi thọ chỉ 30 năm.
Hiện nay
có đến 3 tỉ mét vuông nhà chưa bán được, với món nợ lên đến 4.700 tỉ đô la, là
nguy cơ cho ổn định tài chánh và khởi đầu quá trình đi xuống của chu kỳ siêu
tăng trưởng. Bong bóng địa ốc bị vỡ sẽ làm túi tiền người dân vơi đi, khiến
tiêu dùng nội địa giảm sút. Kỹ nghệ không đi cùng với mục tiêu giảm khí thải
carbone năm 2060, chưa kể việc áp đặt ý thức hệ và siết lại lãnh vực tư nhân.
Tăng trưởng đạt 10,4% những năm 2000 sẽ chỉ còn khoảng 4% từ 2025 đến 2030.
Trung Quốc bị chống đối ở nhiều nước
Sự hung
hăng ngoại giao và quân sự của Trung Quốc đã tạo ra cú sốc quật ngược trở lại.
Đại dịch Covid được tiếp tục che giấu nguồn gốc chứng tỏ không thể nào tin tưởng
nổi Bắc Kinh. Hình ảnh trên trường quốc tế trở nên thảm hại với việc đàn áp người
Duy Ngô Nhĩ, vụ Bành Súy, cũng như việc xé cam kết về Hồng Kông, chiếm các đảo ở
Biển Đông, hà hiếp Úc…Con đường tơ lụa với bẫy nợ gây ra các vụ nổi dậy chống đối
Trung Quốc ở Pakistan, Nepal, Ethiopia, Zambia, Hy Lạp, Montenegro. Cuối cùng,
tiến bộ công nghệ của quân đội Trung Quốc rất ấn tượng, nhưng hiệu quả vẫn chưa
rõ ràng vì không có kinh nghiệm chiến đấu, sau thất bại cay đắng trước Việt Nam
năm 1979.
Việc mở ra
thời kỳ đối đầu với Hoa Kỳ trên toàn cầu - được cho là đang xuống dốc vì các cuộc
chiến từ 2001, khủng hoảng 2008, đại dịch - có phần vội vã. Trong cuộc họp
video với Joe Biden hôm 15/11, Tập Cận Bình dùng giọng điệu ôn hòa hơn, tuy
nhiên rủi ro xung đột vẫn cao, vì Đài Loan là trọng tâm của nhiệm kỳ thứ ba.
Trung Quốc mang trong mình những nghịch lý, nhưng vẫn tin vào « thiên mệnh »
làm bá chủ thiên hạ. Thế nên theo tác giả, ngoài việc bắt tay ngăn chận, các nền
dân chủ còn phải củng cố các giá trị tự do đã làm nên thành công của mình.
Trung Quốc, hình mẫu chống Covid ?
Trên
lãnh vực dịch tễ, Libération đặt
câu hỏi « Một mô hình Trung Quốc về Covid, bạn có chắc hay
không ? ». Tờ báo cho rằng những ai ca ngợi « hiệu
quả » của chiến lược zero Covid của Bắc Kinh nên tỉnh táo nhìn kỹ
lại tình hình, cũng như lắng nghe các nhà khoa học ngay tại Hoa lục.
Hôm thứ
Năm tuần trước, giáo sư Enrique Casalino, trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Bichat
nói rằng tuy người Trung Quốc bị mất tự do nhưng ít tử vong hơn và kinh tế phát
triển trở lại. Libération nhắc nhở, cần nhớ rằng vào cuối
tháng 12/2019, tám bác sĩ Vũ Hán báo động về sự xuất hiện của con virus
SARS-CoV-2 đã bị bắt giam. Rằng hôm 20/01/2020, khi các bệnh viện Vũ Hán đầy
người bệnh, chính quyền cộng sản đã tổ chức một buổi tiệc siêu lây nhiễm với
40.000 gia đình nhằm đạt kỷ lục. Rằng dòng người đông đảo vẫn được phép về quê
ăn Tết tuy biết rằng dịch đang lây lan. Bắc Kinh để người Trung Quốc thoải mái
mang con virus ra nước ngoài và phản đối việc các nước ngưng đường bay đến Hoa
lục, trước khi tự đóng cửa.
Từ đó đến
nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đắc chí trước việc Covid tàn phá những nước
dân chủ, đóng vai người cứu độ nhân loại vì bán khẩu trang và vật liệu y tế,
nhưng kịch liệt chống lại việc mở điều tra độc lập về nguồn gốc con virus. Các
nhà báo công dân thông tin về tình hình Vũ Hán bị mất tích hoặc kết án, mọi chỉ
trích về chính sách chống dịch bị cấm. Tỉ phú địa ốc thân cận với chính quyền,
Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) tháng 2/2020 phê phán đảng cộng sản trốn tránh
trách nhiệm, đã bị bắt và lãnh án 18 năm tù.
Zero Covid bằng mọi giá, virus vẫn lây lan
Dù xuất hiện
các biến thể và những đợt dịch, Tập Cận Bình vẫn lao vào « cuộc chiến chống
Covid » bằng mọi giá, bất chấp lời kêu gọi của các nhà khoa học.
Trương Hồng Vệ (Zhang Weihong), được mệnh danh là « Anthony Fauci
Trung Quốc » mùa hè rồi nhận định nên chấm dứt « zero Covid ».
Ông cho rằng điều khó khăn nhất là khôn ngoan tìm cách chung sống lâu dài với
con virus. Lập tức nhà khoa học trở thành mục tiêu tấn công của một làn sóng
dân tộc chủ nghĩa, bị gọi là « kẻ phản bội », và trường
đại học mở đìều tra về bằng cấp của ông.
Giờ đây chỉ
còn có Quản Dật (Guan Yi), nhà virus học nổi tiếng ở Hồng Kông với các nghiên cứu
về virus SARS và MERS, còn dám cảnh báo nguy cơ kinh tế sụp đổ nếu các địa
phương cố tiêu diệt mọi dấu vết của Covid. Ông nói : « Chẳng
ích lợi gì khi xét nghiệm đại trà, cách ly, đo nhiệt độ tất cả mọi người ở bất
cứ đâu ; thay vào đó nên xác định mức độ bảo vệ của chương trình tiêm chủng
hàng loạt, loại ra những vac-xin không còn hiệu quả ». Đã có 75% dân số
Trung Quốc được chích ngừa, nhưng năm loại vac-xin nội địa chỉ hiệu lực 50 đến
82% so với phương Tây.
Bêu riếu như thời Cách mạng Văn hóa
Bên cạnh số
liệu thiếu minh bạch như thường lệ, là một loạt biện pháp cực đoan đến vô lý của
các quan chức địa phương. Có thể kể : đóng cửa với người ngoại tỉnh, cách
ly liên miên, quản thúc và buộc người châu Phi sống ở Quảng Đông đi xét nghiệm,
phun thuốc tiệt trùng đường phố, thưởng 13.500 euro cho ai tố cáo các ổ dịch ở
Hắc Hà (Heihe) gần biên giới Nga, buộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương dùng một
loại thức uống kỳ lạ…
Chính quyền
buộc sơ tán 34.000 khách tham quan Disneyland Thượng Hải sau khi phát hiện một
ca dương tính duy nhất, hàng ngàn hành khách trên một chuyến tàu bị chận lại vì
một trường hợp tiếp xúc (đôi khi do cách người bị nhiễm dưới 800 mét). Các hãng
hàng không ngoại quốc bị cho vào danh sách đen, niêm phong cửa nhà người dân
không cho ra ngoài. Thứ Tư tuần trước ở Tĩnh Tây (Jingxi), bốn người bị cáo buộc
đưa người nhập cư trái phép từ Việt Nam đã bị đeo bảng tên bêu ra trước công
chúng như thời Cách mạng Văn hóa.
Mười ba
triệu dân Tây An (Xi’an) bị phong tỏa, thiếu thốn thực phẩm, hàng hóa nhưng hôm
31/12 được khuyến khích hát những bài ca ái quốc mừng năm mới. Nhiều sinh viên
đang ở ký túc xá bị tống vào một khách sạn bỏ trống trên núi, không được sưởi ấm
trong khi bên ngoài âm 10°C. Le Monde cho biết người dân Tây
An chỉ được phép ra ngoài để xét nghiệm PCR, thành phố đã lập ra 12.000 trạm
xét nghiệm, huy động 160.000 nhân viên. Một số người không còn thức ăn phải lên
mạng kêu cứu, sẵn sàng trả bằng mọi giá. Một giáo viên đăng tin : « Có
ai cần dạy kèm không ? Tôi phụ đạo ba tiếng đồng hồ, đổi lấy ba củ khoai
tây ». Hashtag « Khó mua đồ ăn ở Tây An » đã
được xem hơn 300 triệu lần trên Weibo, và tệ hơn nữa là ít nhất 6 bệnh viện
không còn nhận bệnh nhân.
Putin muốn lấn lướt NATO và châu Âu
Tại Nga, đồng
minh cơ hội của ông Tập là Putin « muốn NATO và châu Âu phải quy
phục », theo Le Figaro. Bằng việc duy trì áp lực
quân sự lên Ukraina, ông chủ điện Kremlin mơ làm tái sinh đế quốc Liên Xô cũ.
Ngược với
Gruzia – phong trào nổi dậy đã yếu hẳn sau vụ can thiệp quân sự của Nga năm
2008, hay Belarus – đành phải quỳ gối trước áp lực kinh tế và quân sự của điện
Kremlin, Ukraina dù đã bị chiếm mất Crimée và vùng Donbass bị quấy rối, vẫn tỏ
ra gắn bó với phương Tây và giá trị dân chủ, ngày càng gõ cửa NATO và Liên Hiệp
Châu Âu mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên đối với Vladimir Putin, đây là lằn ranh đỏ.
« Tối
hậu thư » của Nga không chỉ liên quan đến Ukraina, mà còn đòi không mở rộng
NATO, đóng băng hoạt động của các căn cứ tại những nước thuộc Liên Xô cũ, rút
vũ khí nguyên tử Mỹ khỏi châu Âu… tức gián tiếp buộc Mỹ triệt thoái khỏi Đông
Âu. Nhà sử học Françoise Thom nhận định « Vladimir Putin muốn xóa
nhòa việc Liên Xô sụp đổ. Ông ta cho rằng tương quan sức mạnh giờ đây đã thay đổi,
nghiêng về các lực lượng chống phương Tây ».
Không thể nhượng bộ Nga quá nhiều
Nhưng nếu
nhượng bộ Matxcơva mãi, Mỹ sẽ mất thêm uy tín, sau khi Obama nuốt lời hứa với
Pháp, từ chối tấn công Syria năm 2013. Về phía châu Âu đã bác bỏ việc thương lượng
vào ngày 10/01. Putin vốn không coi trọng một châu Âu hay chia rẽ, áp đặt một
cuộc đối thoại tay đôi với Hoa Kỳ như thời chiến tranh lạnh. Lần đầu tiên ngoại
trưởng Liên Hiệp Châu Âu Josep Borell tỏ ra cứng rắn hơn cả Nhà Trắng, tuyên bố
các yêu sách của Nga « không thể chấp nhận được », nguyên
tắc toàn vẹn lãnh thổ của một Nhà nước có chủ quyền là « không thể
thương lượng ». Còn với Ukraina, hy vọng gia nhập NATO ngày một
xa dần.
Chuyên gia
Françoise Thom cảnh báo : « Sau Munich năm 1938, phương Tây
đáng xấu hổ khi để cho Tiệp Khắc rơi vào móng vuốt của Hitler. Ngày nay chúng
ta đang bỏ rơi Ukraina một cách hèn nhát, mà không ý thức được nỗi nhục và những
tai hại khi nhường bước trước một kẻ xâm lăng ».
Cũng về
châu Âu, cây bút bình luận Dominique Moisi trên Les Echos cho
rằng Ba Lan đã phạm sai lầm lịch sử khi có thái độ khiêu khích Đức, thách thức
EU về luật pháp. Sau khi Anh ra đi, « Câu lạc bộ ba nước » được hình
thành gồm Pháp, Đức, Ý, đây là cơ hội duy nhất cho Ba Lan để chuyển đổi thành
« Câu lạc bộ bốn nước ». Ba Lan là thành viên mới quan trọng nhất của
EU, nhưng thủ tướng Kaczynski lại cáo buộc « Đức muốn biến Liên Hiệp
Châu Âu thành Đệ tứ quốc xã », một thái độ dối trá mà theo tác giả
không khác gì Putin.
Pháp : Covid đe dọa đời sống thường nhật
và cuộc bầu cử tổng thống
Cuộc chiến
chống Covid và cuộc chạy đua vào điện Elysée là hai chủ đề lớn chiếm trang nhất
các báo Pháp trong ngày đầu năm mới 03/01/2022. Libération kể
ra : giáo dục, giao thông, bệnh viện, chiến dịch tranh cử tổng thống…tất cả
đều bị ảnh hưởng bởi biến thể Omicron, có nguy cơ gây rối loạn. La
Croix chạy tựa trang nhất « Covid, làm thế nào tránh được
sự hỗn loạn » khi doanh nghiệp và dịch vụ công thiếu người làm việc
vì virus lây nhiễm quá nhanh. Le Monde nhận định chủ trương mở
cửa trường học của bộ trưởng Giáo Dục đang gặp thử thách. Le Figaro chú
ý đến « Cuộc chiến tranh cử tổng thống đã được khởi động »,
riêng Les Echos quan tâm đến việc châu Âu bật đèn xanh cho
năng lượng nguyên tử.
Le
Figaro than thở
Covid thống trị mọi thứ, xâm nhập khắp nơi. Phong tỏa, giới nghiêm, hộ chiếu dịch
tễ, liều vac-xin thứ hai rồi thứ ba, đợt dịch thứ tư, thứ năm…Từ hai năm qua,
chính quyền bối rối, người dân bị hạn chế bớt tự do, có cảm giác như tình trạng
này không bao giờ kết thúc. Bên cạnh đó là lời cảnh báo « Nước
Pháp đang lệ thuộc vào Trung Quốc về các loại hàng thiết yếu, vào công nghệ Mỹ
và bảo đảm tín dụng của Đức ». Les Echos nhận thấy đối
với các ứng cử viên tổng thống, các cuộc mít-tinh hết sức cần thiết để huy động
lực lượng nên khó thể giảm thiểu tối đa ; tuy nhiên không ai muốn cuộc tập
hợp của mình biến thành ổ dịch.
La
Croix ghi nhận,
từ bệnh viện đến lực lượng cứu hộ, từ phân phối lưu thông đến ngân hàng, các
lãnh vực thiết yếu cho người dân Pháp đang được tổ chức lại để có thể hoạt động
cả trong tình huống nhiều nhân viên bị lây nhiễm phải tạm nghỉ việc. Một tia hy
vọng đến từ Luân Đôn : dù có đến 1,7 triệu trường hợp dương tính trong
vòng hai tuần lễ, hệ thống y tế nước Anh vẫn chống chọi được trước làn sóng
Omicron.
No comments:
Post a Comment