Tản
mạn về thi sĩ - thiền sư Thích Nhất Hạnh
22/01/2022
http://vanviet.info/van/tan-man-ve-thi-si-thien-su-thch-nhat-hanh/
Sáng nay nhà thơ-văn Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng
gọi cho tôi qua messenger nói chuyện về Thầy Thích Nhất Hạnh. Ngay sau đó,
có điện thoại Viber của nhà ngữ học Hoàng Dũng nói tôi viết mấy dòng về Thầy
cho Văn Việt.
Sự ra đi của Thầy là cái tin lan truyền
khắp FB và báo chí Việt Nam và thế giới. Tôi cũng vừa đưa lên FB bài viết
tức thời của báo New York Times về sự kiện này. Tôi không muốn nói
nhiều về việc ấy. Vì từ lâu tôi đã thấm nhuần tư tưởng cốt
yếu của Thầy: “Không chết, không sợ hãi”, “Không sinh, không diệt”.
Tình cờ, hai người gọi cho tôi đều khiến tôi
nghĩ đến câu chuyện một Thích Nhất Hạnh-Thơ, nhà thơ Thích Nhất Hạnh,
người yêu thơ và nặng lòng với thơ Việt Thích Nhất Hạnh.
Ngay từ những năm 1970 sống ở miền
Bắc, tôi đã biết đến một thi sĩ với những vần thơ tự do khá mới
mẻ “chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện” bên cạnh
những bản dịch tuyệt bích thơ tứ tuyệt Lý Trần.
Lần đầu tiên diện kiến, vào năm 2005 khi Thầy
đưa tăng đoàn về Việt Nam, là trong buổi pháp thoại của Thầy ở Viện
Goethe. Ấn tượng này đã được ghi lại gần như tức thời qua bài
thơ “Bậc thầy” (bài này đã in trong tập Hành trình,
NXB Hội Nhà văn, HN 2005, bản tiếng Anh “The Master” in trong
chapbook “Hoang Hung, Poetry & Memoirs” do International
Poetry Library of San Francisco xuất bản, và đọc trong đêm thơ-văn
“Echoes of Vietnam” tháng 3 năm 2012 ở Santa Cruz. Người cùng tôi dịch
sang tiếng Anh và người đọc bản tiếng Anh trong đêm ấy là nhà
thơ Ellen Bass, hiện đang là Đồng Chủ tịch Hội các nhà
Thơ Mĩ (Co-chanceller, Academy of American Poets):
BẬC THẦY
Kính gửi Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thầy vào như hơi gió
Tăng đoàn rạng rỡ tuệ quang
An tịnh – mỉm cười
Đã về – đã tới
Bây giờ – ở đây
Tự do ngay phút này – hoặc không bao giờ nữa
Quả thực hình ảnh khinh khoái hiếm
thấy của một thiền sư và ánh sáng trên gương mặt các học trò của Thầy chinh
phục tôi nhiều hơn những lời thuyết giáo.
Năm 2012, được mời sang dự Kỉ niệm
30 năm Làng Mai, vợ chồng tôi đang đi vơ vẩn trên đồi thì Thầy từ thiền
đường đi ra. Tôi vừa cúi chào, Thầy đã tiến tới tươi cười: “Nhà thơ đã làm
được bài thơ nào chưa?” Làm sao Thầy biết khi chưa từng gặp mình ngoài đời?
Chưa kịp định thần thì Thầy đã mời vào trong cốc.Tôi hồn nhiên thưa:
“Thưa Thầy, tôi không quy y, không là Phật tử”. Thầy mỉm
cười: “Phật tử đâu ở cái tướng?”. Tôi lại nói: “Thưa Thầy, tôi
tiếc là mình không được gặp Thầy sớm hơn, nếu không chắc tôi
đã đi theo Thầy. Bây giờ thì muộn rồi, thôi chắc xin hẹn Thầy kiếp
sau!” (trong một bài thơ viết trên sông Hằng, tôi chả có lời nguyện “cho
tôi chết giữa dòng để hóa thân thành nhà thơ hay thiền sư lang bạt” đó
sao?). Thầy mỉm cười, bảo: “Làm Thơ cũng Tu được mà!”.
Biết tôi có biết tiếng Pháp, thầy (qua
sư cô Chân Không) nhờ tôi xem lại bản dịch cuốn sách “Bình thơ” tập họp
những bài bình thơ mỗi dịp đầu Xuân của Thầy, do một người Pháp gốc Việt
chuyển. Thầy yêu thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận,
Hoàng Cầm… đến thế! Nhưng chuyển thơ Việt sang tiếng Pháp thì quả thật
là khó!
Lòng yêu thơ Việt, nhạc Việt của Thầy
cũng là lòng liên tài! Nhiều năm sau 1975, Thầy gửi quà giúp các nhà thơ, nhạc
sĩ Việt Nam như Hoàng Cầm, Lê Thương… Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chính
là người đem những bài thơ Hoàng Cầm sang Pháp cho Thầy qua cô “Cần Thơ”
(tức sư cô Chân Không – người thay mặt Thầy liên lạc với nhà thơ). Từ đó
dẫn đến vụ án oan “Về Kinh Bắc”. Thầy cũng là người tác động đến các trí thức
Pháp nổi tiếng viết thư cho ông Lê Đức Thọ đề nghị trả tự do cho Hoàng Cầm!
Câu cuối cùng Thầy cầm tay
tôi nói sau buổi sáng dắt tay tôi đi thiền hành trên đồi táo của Viện Phật học ứng
dụng mà thầy mới lập ở Đức: “Hưng nhớ nhé, Thơ đi bằng hai
chân: chánh niệm và hơi thở”. Một công án! Tôi sẽ phải giải công án này
trong phần còn lại của đời mình.
Khi từ trên đồi táo xuống, tôi nhìn thấy
ánh mắt “ghen tị” của nhiều đệ tử đã theo thầy lâu năm qua bao nhiêu
gian khó. Tôi vội giải thích: “Thầy đến với tôi vì có cái duyên Thơ”.
Tôi đọc được cái bản nguyên Thi sĩ trong
vị Cao Tăng.
***
Trong buổi gặp ở Làng Mai 2012, Thầy cho tôi
cuốn Thơ của Thầy.
Xin ghi nhanh vài ấn tượng, nhận xét về Thơ
Thích Nhất Hạnh.
Những bài thơ đầu tiên trong tập CHO BỒ
CÂU TRẮNG HIỆN đầy cảm xúc, cảm giác của một tâm hồn thi sĩ đối với đất
nước, dân tộc, nhân dân trong thời kì đau thương khốc liệt nhất, không giấu nổi
nỗi đau và sự căm giận cái ác đang gieo chết chóc và tàn phá trên quê hương
(đúng với tinh thần Phật giáo “dấn thân”, “nhập thế”); đồng thời đã sáng lên
ánh sáng minh triết về hạnh phúc, về nụ cười, về hiện hữu:
… Bàn chông
Hầm sụp
Đoàn xe lửa giật mình
Tan hoang khu làng bom dội
Tầm vông nhọn – tiếng trực thăng đè trên ngực lép
Mây xám mùa trăng loạn, đã từ hôm nao xẩy cảnh
trẻ con đầu nát, thiếu phụ thây tan?
Đất sụp dưới chân anh, anh ngồi đó được sao?
Ôi tiếng kêu thương! tiếng kêu thương hai mươi năm của
vết thương sâu trên thân hình Việt Nam nhức nhối
Chủ nghĩa và nhân danh
Những sợi dây nghiệp báo ai đem về ràng buộc lấy
thân hình dân tộc?
(Sài Gòn ơi đập tan đi ảo ảnh)
… Gió mang tiếng ca. Ngày ra đi em dặn:
“Nếu ngày về thấy khung trời đổ nát,
thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh”.
Tôi đã về. Có tiếng hát ca, bàn tay trên liếp cửa
Hỏi rằng: “Có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì?”
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười,
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch?
Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
Tôi tìm em.
(Như đêm dông tố loạn cuồng
Rừng sâu đen tối
Những cành cây sờ soạng
Đợi ánh chớp lòe ngắn ngủi
Thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu
Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.
(Bướm bay vườn cải hoa vàng)
Ý thơ của Thích Nhất Hạnh đã được chuyển
thành “Tâm ca” của Phạm Duy, thể hiện rõ nhận thức minh mẫn của thiền
sư về “Kẻ thù” đích thực của dân tộc Việt Nam:
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta
Thơ cuối đời của Thiền sư ở Pháp, đẫm chất Thơ
và Thiên nhiên, Thiền vị đầy hương Việt:
Thơ đi theo mưa, về trên từng đọt Lá
Nắng thành mầu Xanh, thơ mầu Hồng
Nắng chở trên cánh Ong tới trút Ấm lên đài hoa
Thơ theo nắng về rừng xa uống Mật
Tưng bừng, xôn xao, bướm ong về chật đất
Nắng làm nên khúc Múa, thơ làm nên lời Ca
Mồ hôi giọt xuống đất khô, thơ bay trên luống cày
Cán cuốc trên vai, thơ vào ra theo nhịp thở
Nắng rụng bên Sông, bóng Chiều ngập ngừng bỡ ngỡ
Thơ đi về chân trời, nơi vầng Sáng đang đắp chân mây
Mặt trời xanh rờn một rổ rau tươi
Mặt trời dẻo thơm trong bát cơm gạo Tám
Thơ trong ánh mắt em thơ, thơ trong mầu da nắng sạm
Thơ nơi từng cái Nhìn chăm chú
Thơ nơi từng bàn tay vun xới miền đồng chua nước mặn
xa xăm
Mặt trời cười tươi trên bông hướng dương
Mặt trời trĩu nặng nơi trái đào Tiên tháng tám
Thơ nơi từng bước chân thiền quán
Thơ nơi từng dòng chữ
Thơ nơi từng nắp hộp kín đáo nuôi tình Thương.
(Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt)
Những triết lý về tiểu ngã-đại ngã, chuyển hoá
luân hồi, không phân biệt… được chuyển tải đầy cảm xúc lãng mạn trong Thơ,
không giống chút nào thứ Thơ-Thiền truyền thống.
Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
Hãy ngắm tôi thoát hình trong từng phút từng giây
Làm đọt lá trên cành xuân
Làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp
vui mừng trong tổ mới
Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá.
Tôi còn tới để khóc để cười
Để ước mong để lo sợ
Sự xuất nhập của tôi là hơi thở
Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần
của hàng triệu trái tim.
Tôi là con phù du thoát hình trên mặt nước
Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt
phù du
Tôi là con ếch bơi trong hồ thu
Và cũng là con rắn nước trườn đi
Tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái
Tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn đều
lộ ra,
hai bàn chân bằng hai ống sậy
Tôi cũng là người chế tạo bom đạn
Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á phi.
Tôi là em bé mười hai
Bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim
chưa biết nhìn biết cảm
Tôi là người đảng viên cao cấp, cầm quyền sinh sát
trong tay
Và cũng là kẻ bị coi là có nợ máu nhân dân đang chết
dần mòn
trong trại tập trung cải tạo
Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân,
ấm áp cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt,
ngập về bốn đại dương sâu.
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng
tôi khóc tôi cười
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ
Cánh cửa Xót Thương.
(Hãy gọi đúng tên tôi)
Lại có những bài dí dỏm, màu sắc hiện đại:
Phi
cóc tính
Quả vị đầu tiên mà ta tu chứng
Là quả vị phi cóc tính
Nếu bạn bỏ cóc vào đĩa
Chỉ trong vài giây
Cóc sẽ nhảy ra.
Nếu bạn bắt cóc bỏ vào đĩa trở lại
Trong vài giây
Cóc lại sẽ nhảy ra
Giữ cóc trong đĩa
Thật là rất khó.
Bạn và tôi
Chúng ta đều có Phật tánh trong tâm
Đó thật là một niềm an ủi
Nhưng bạn và tôi
Chúng ta cũng có cóc tánh trong tâm
Vì vậy cho nên
Quả vị tu chứng đầu tiên của chúng ta
Là đạt tới
Phi cóc tính.
Hay những bài mang hình thức “Kệ” hay “Thiền
ca” giản dị, rất “đời thường” mà sâu sắc, có sức hấp dẫn tuổi trẻ và người
phương Tây:
Giận
nhau
Giận nhau trong tích môn
Thở nhìn bản môn cười
Trò ghét thương đắp đổi
Sông nước cứ đầy vơi
Giận nhau trong tích môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Em đâu và ta đâu?
Nằm
chơi
Nằm chơi trong bản môn
Gối đầu trên núi tuyết
Hai tay ôm mây hồng
Thành núi đồi trùng điệp
Đổ
rác
Đổ rác chốn bản môn
Nhìn cái nhìn bất nhị
Gửi gắm về tương lai
Bông hoa đầu thế kỷ.
Cô
đơn
Cô đơn trong tích môn
Hãy ôm niềm hờn tủi
Ru nhẹ lời ca dao
Tuyết hoa rơi đầy núi.
(Tích môn bản môn)
Xin kết thúc với một bài thơ “Thiền” mà
tôi thật sự tâm đắc:
Ngồi đây lắng tiếng chim bay
Ba ngàn thế giới không đầy tấc gang
Phương tây vừa khuất quạ vàng
Phương đông thỏ ngọc đã ngang đỉnh đồi
Trước sau có một mình tôi
Nghe như có tiếng đất trời gọi nhau
Xuất thiền lặng lẽ giây lâu
Lá xanh rèm liếp bên lầu sáng trăng
Sông xưa giờ đã thuận dòng
Gió theo tám hướng lòng không bận về
(Lòng không bận về)
Cùng một cảm xúc vũ trụ của bậc hành
giả, nhưng Không Lộ thiền sư mười thế kỷ trước muốn hét lên
một tiếng lạnh cả thái hư “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”,
còn Nhất Hạnh thiền sư hôm nay lại lặng lẽ nghe tiếng đất trời gọi
nhau; người trước gửi chí vào câu thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán, người
nay trải lòng qua nhịp lục bát Việt dịu mềm. Một bài thơ Thiền thật sự Việt
Nam!
------------------------------------------------
Thơ
Nhất Hạnh: những hóa thân mầu nhiệm
23 Tháng Một, 2022
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tho-nhat-hanh-nhung-ha-thn-mau-nhiem/
.
Cuộc đời của
thiền sư Thích Nhất Hạnh
22 Tháng Một, 2022
http://vanviet.info/van/cuoc-doi-cua-thien-su-thch-nhat-hanh/
.
Thích
Nhất Hạnh (1926-2022): Người đánh khẽ tiếng chuông tỉnh thức cho thế giới
22 Tháng Một, 2022
http://vanviet.info/van/thch-nhat-hanh-1926-2022-nguoi-dnh-khe-tieng-chung-tinh-thuc-cho-the-gioi/
No comments:
Post a Comment