Tuesday, 25 January 2022

SAO THAM NHŨNG VẪN CỨ TRƠ TRƠ! (Trần Văn Chánh)

 



Sao Tham Nhũng Vẫn Cứ Trơ Trơ!

Trần Văn Chánh   -   Viet-studies

24/01/2022

https://www.viet-studies.com/kinhte/TranVanChanh_ThamNhungTroTRo.html

 

Hôm 20.1.1922 tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, người chủ trì phiên họp đặt câu hỏi: “Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”.

 

Thừa nhận thất bại mà từ lâu ai cũng trông thấy rõ, chỉ có một mình ông có vẻ chưa rõ, lời phát biểu chân thành nêu trên vừa như tỏ vẻ kinh ngạc vừa như có khẩu khí trách oán thở than, nghe sao mà đứt ruột não lòng! Cho thấy người thốt ra có thể rất tận tâm thiện chí với việc “đốt lò” mà ông đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực chỉ đạo liên tục trong nhiều năm, từ lúc còn khỏe cho đến lúc tuổi già sức yếu, như thể muốn hạ nhiều quyết tâm thêm nữa để đạt được mục tiêu cao cả diệt trừ quốc nạn.

 

Không ít dân chúng bên ngoài mong ông già càng thêm mạnh (lão đương ích tráng) để chăm lo việc nước tới hơi thở cuối cùng.

 

Ông cũng nói:  “Luật [phòng chống tham nhũng tiêu cực] không có chúng ta làm luật, luật là do chúng ta làm chứ!”.

 

Rồi yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

 

Tuy nhiên, những câu phát biểu rất đáng được cảm thông chia sẻ như trên càng cho thấy người phát biểu tuy có thể có nhiệt tâm nhưng lại hiểu biết rất yếu kém về chính trị và bất cận nhân tình về về mặt thực tế đời sống. Chính trị nói ở đây hiểu theo nghĩa một hệ thống tư duy-kiến thức dùng điều khiển quốc gia chứ không phải những thủ thuật/ biện pháp cụ thể chỉ nhằm giải quyết cho những vụ việc cụ thể từng ngày liên tục phát sinh. Nói cách khác, người đứng đầu đất nước ngoài cái tâm còn phải có tầm nhìn sâu rộng, quán xuyến trong mọi vấn đề trị nước, làm cho lòng người tất cả đều quy hướng về mình.

 

Bất cận nhân tình vì không đi sát với dân, mỗi năm ông chỉ xuất hiện một hai lần trong vài giờ gọi là tiếp xúc cử tri để chủ yếu nghe những lời ca tụng. Lại càng không hiểu tâm lý, âm mưu quỷ kế của các thuộc hạ cận thần đã trở thành lũ âm binh bất trị mà người ta thường mô tả là “đông như một bầy sâu”.   

 

Cũng cho thấy nhân vật quan trọng này có lẽ không hề trang bị cho mình điều kiện đầy đủ để trở thành lãnh tụ chính trị, như đọc thật nhiều sách để am hiểu các vấn đề chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, vì bận suốt ngày này qua ngày khác chỉ lo hội họp, báo cáo và nghe báo cáo, sửa đổi câu chữ nghị quyết, đưa ra những văn bản quyết định mới, xử lý những vụ việc rắc rối trong tranh chấp nội bộ này khác... Vì thế lời phát biểu hay bài viết đăng báo chỉ đạo của ông thường rất công thức, giáo điều nghe đến buồn cười mà tội nghiệp, quanh đi quẩn lại chỉ vài câu truyện Kiều, lời dạy Hồ Chủ tịch, và nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị giáo điều hóa theo hướng nặng về đấu tranh giai cấp qua các bậc tiền bối ngoại lai như Stalin, Mao Trạch Đông được Viện Triết học Việt Nam và một số tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương hoặc của Hội đồng Lý luận Trung ương diễn giải.

 

Muốn chống tham nhũng, ngoài đức khiêm khiết ra, cần phải đọc nhiều, học nhiều, cả đông tây kim cổ, tham khảo cách làm của nhiều nước khác trên thế giới, chứ không thể chỉ bắt chước kiểu “đả hổ diệt ruồi”, hoặc chăm bẵm vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vốn phần nhiều đã lạc hậu lắm rồi.

 

Tôi có dịp đọc qua một luận văn của sinh viên cao học thời trước năm 1975 về đề tài tham nhũng, thấy trích dẫn thư tịch thế giới rất phong phú, nhiều kinh nghiệm và vấn nạn được nêu ra để làm sáng tỏ, nhưng theo chỗ tôi được biết, các nhà chính trị CS của Việt Nam chúng ta ít ai chịu nghiên cứu sâu vấn đề tham nhũng, mà họ chỉ biết sơ sơ năm điều ba chuyện không vượt ra ngoài việc triển khai học tập các bản nghị quyết được xây dựng bởi những kẻ giáo điều thành tật.   

 

Đây là tình trạng yếu kém chung của hầu hết nếu không muốn nói tất cả của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất nước. Tuy họ cũng có lập ra những phòng ban chuyên tập hợp sách báo của muôn phương về dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu nhưng nghiên cứu không phải để học hỏi cầu tiến bộ mà chỉ để đối phó với những thứ họ cho là luận điệu xuyên tạc của các thế lực tư sản thù địch!

 

Bi kịch của dân tộc Việt Nam là đang được dẫn dắt bởi một đám mù tịt những kiến thức căn bản về triết học, văn hóa, lịch sử, tâm lý xã hội…, hoặc cũng là những kiến thức cần thiết loại này nhưng đã bị các trường, viện viết ra cho học trong suốt thời kỳ dài tăm tối của chủ nghĩa giáo điều kiểu Mao Chủ tịch.

 

Điều quan trọng hơn nữa là không ai dám tự do suy nghĩ phát biểu chính kiến trung thực, vì sợ bị đồng chí mình rình rập bắt bẻ về quan điểm lập trường tư tưởng, kể cả đối với những cán bộ lãnh đạo cấp rất cao. Đây là một đại bi kịch của mọi thể chế chính trị CS.

 

Trong một bài viết hồi hai năm trước, tôi có kể câu chuyện thật về một ông nguyên là Thường trực Ban Bí thư trung ương. Đại khái ông này không hề đọc theo dõi thông tin trên các trang mạng xã hội, mà hằng ngày chỉ đọc báo Nhân Dân và xem chương trình VTV trên tivi thôi. Nghe nói ông cũng có đọc một hai cuốn sách do “bọn tư sản” viết dự báo về tương lai không mấy sáng sủa của thế giới CS, chủ yếu để tìm cách ngăn ngừa không để cho chế độ bị sụp đổ như ở Liên Xô, Đông Âu.  Thật là quá kém cỏi, trong thời đại bùng nổ thông tin mà ông kém năng động như vậy thì làm sao đủ kiến thức để điều khiển các cấp dưới và quản lý điều hành xã hội (vốn từng bước thay đổi, diễn biến rất nhanh). Ông là đại thần trong triều, mà quan trí của ông tệ hại như vậy, thử hỏi những kẻ cấp dưới làm việc xung quanh ông lúc ông còn đang cầm quyền thì thế nào? (xem “Hiện trạng dân trí, quan trí và dân khí của người Việt”, Viet-studies, 27.12.2020).

 

Thật là rầu! Ông lãnh đạo cấp cao này không có tinh thần học hỏi cầu tiến, chỉ ham thích chức quyền một cách thiếu chính danh, thua rất xa các vua quan thời phong kiến! Chỉ thông cảm tí xíu được với ông ở chỗ ông cũng như các vị đồng liêu khác, trong hệ thống chính trị độc tài toàn trị hiện hữu, tối ngày bắt buộc phải lo hội họp, đọc, viết, nghe báo cáo, xử lý thường vụ… đến tối mắt tối mũi, không còn biết trên trời dưới đất còn có ai, có học thuyết mới nào xuất hiện trên trái đất hay không, dân tình hiện đang sống ra sao, bọn quan tham cấp dưới quậy đến cỡ nào… Có nghĩa chắc cú trăm phần trăm các ông không thể có khả năng đưa ra quyết sách điều hành xã hội hữu hiệu và chống được quốc nạn tham nhũng.

 

Các ông cứ khoe thành tích: Trong năm 2021, đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/ 7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/ 2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là 390 vụ/ 1.011 bị can. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 21 vụ án/ 179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/ 74 bị cáo; khởi tố mới 10 vụ án/ 40 bị can, khởi tố thêm 103 bị can trong 20 vụ án. Điểm nổi bật là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 10 cán bộ diện Trung ương quản lý - Trong nhiệm kỳ XII, có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự).

 

Nhưng còn rất nhiều vụ khác chưa bị lộ thì sao? Hơn thế nữa, lộ hay không lộ trong lúc này cũng còn tùy thuộc phần lớn vào tình trạng đấu đá tranh giành chức quyền vạch mặt nhau giữa các phe nhóm chính trị hay nhóm lợi ích đã chia quyền tham nhũng, bởi nếu không có sự tranh chấp này thì người dân bên ngoài khó biết được những vụ tham nhũng lớn, trong khi hệ thống báo chí công khai thì gặp phải rất nhiều sự cấm đoán từ cơ quan điều khiển chung là Ban Tuyên giáo Trung ương, ai mở miệng “nói bậy” rất dễ bị rút phép thông công, thậm chí ngồi tù vì cho là bị “các thế lực thù địch” chủ mưu xúi giục. Còn dạng tham nhũng cò con phổ biến dưới dạng lót tay, phong bì, bồi dưỡng, quà cáp đã trở thành một dạng văn hóa mới của người Việt, làm cho dân khí hèn đi, thì phải đợi thông qua một công cuộc cải tạo văn hóa giáo dục lâu dài trên cái nền dân chủ hóa toàn diện đời sống xã hội mới hi vọng khắc phục được dần dần.

 

Vì thế chống tham nhũng là rất khó và rất dễ bị lạm dụng để biến thành những cuộc thanh trừng phe phái mạnh được yếu thua gây mất đoàn kết làm cho bộ máy cầm quyền càng trở nên suy yếu đi đến bất lực.    

 

Những điều nói trên cho thấy, như trong thực tế chứng tỏ, nạn tham nhũng càng chống càng tăng về quy mô, tính chất, và biểu hiện dưới những hình thái ngày càng hung hãn, kịch liệt, tinh vi làm cho mọi người chưng hửng nhiều hơn, như chính ông trùm đảng mới đây đã thừa nhận và thở than. Những thứ các ông gọi “nghị quyết đại hội” chẳng qua chỉ là mớ giấy lộn được sửa đi sửa lại chứa đầy những luận điệu cũ rích vô bổ, mà như bậc thầy CS Lênin của các ông đã nói rồi, từ một thế kỷ trước, rằng nếu người ta còn có thể hối lộ được thì người ta cũng không có cái điều kiện tối thiểu để làm chính trị, vì khi đó mọi biện pháp, pháp lệnh, nghị quyết đều sẽ trở thành những tấm giấy lộn và chỉ lơ lửng trên không trung mà  thôi (xem Về chủ nghĩa quan liêu, NXB. Sự Thật, Hà Nội).

 

Dùng một bộ máy mục nát thối ruỗng đến cùng cực để xử lý tình trạng mục nát tức quốc nạn tham nhũng thì về mặt logic là điều không thể, giống như người ta không thể tự nắm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất, hay như một con bệnh yếu nhớt sắp chết không thể tự mình đứng dậy được, mà phải cần đến một ngoại lực: ngoại lực ở đây là phương hướng chữa trị mới, với liều thuốc mới đủ mạnh để vực dậy con bệnh trong cơn hấp hối.

 

Điều này cũng có nghĩa, tất cả những giải pháp nửa vời có tính vá víu do nhà cầm quyền đưa ra gần đây, như đã thấy, và như  mới  bổ sung tại phiên họp thứ 21 nói trên của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực,  dù có xuất phát từ thiện chí, nhưng bản chất không có gì mới mẻ, và đều chắc chắn không thể đạt được hiệu quả tích cực hay mang lại một niềm hi vọng nào cả vì cơ bản vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.   

Bản thân hệ thống đã thối nát đến cùng cực thì tự nó không thể cải thiện được, chống tham nhũng vì vậy thực chất đã bị lạm dụng và chỉ thành công trong việc thanh trừng phe phái, cho dù người “đốt lò” có thật sự có ý xấu này hay không. Bởi dưới trướng ông còn có cả một lũ gian thần hủ nát câu kết liên thông với nhau mà vụ đại án đại ác Việt Á xảy ra trong những ngày gần đây gây bức xúc dư luận toàn quốc là thêm một thí dụ vô cùng sinh động cụ thể khiến ông phải bùi ngùi xót xa thốt ra câu: sao chống mạnh thế mà chúng vẫn cứ trơ ra không biết hổ thẹn là gì!

 

Ở một mặt khác cũng cần xét: chống tham nhũng mà vẫn không thu hồi được tài sản tham nhũng, tiền bạc bí mật chẳng biết lọt vào tay ai. Khi được hỏi ý kiến, có đến  ¾ đại biểu Quốc hội không đồng ý với phương án thu hồi tài sản tham nhũng, điều này dễ hiểu, vì Quốc hội với chính quyền tham nhũng là cũng một nguồn gốc và bản chất hủ nát như nhau…

 

Một số công dân tích cực có hiểu biết dám mạnh dạn phê phán chế độ để chống tham nhũng thì rất dễ bị xử “bỏ túi” vào tù, như nhà báo Phạm Đoan Trang, gia đình bà Cấn Thị Thêu...

 

Suốt năm bàn chuyện chống tham nhũng, chống hoài chống mãi, không có hồi kết, như một bộ phim truyện dài nhiều tập mà người làm phim không cho khán giả biết trước có hết thảy bao nhiêu tập, biến kế hoạch quốc gia tốt đẹp chống tham nhũng to lớn thành một trò hề chính trị với diễn viên là những cán bộ chức quyền trong khi thường dân chỉ được đứng ngoài xem với những cái lắc đầu vô vọng, chán nản!

 

Khó quá, nhiều người liền nghĩ đến chuyện phải kiểm kê tài sản cán bộ, nhưng việc này cũng lại không khả thi trong hiện thực Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội hồi tháng 12.2004: “Khi đề bạt cán bộ thì bắt khai tài sản, nhưng họ rất khôn khi để cho con đứng tên, vợ đứng tên... Thành ra đặt vấn đề thu hồi tài sản bất chính là rất khó”. Phó thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng chắc cũng có kinh nghiệm nhiều về việc này nên mới nói: “Nếu bây giờ kê khai, nhiều công chức đang có sẽ hóa ra không có tài sản, vì họ đã ‘gửi’ cho cháu chắt hết rồi” (dẫn lại của Tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006)

 

Thực tế cho thấy cách kê khai tài sản qua nhiều chỉ thị, nghị định  đã ban hành không phải là biện pháp cơ bản khả thi trong điều kiện nạn tham nhũng đặc biệt ở Việt Nam như hiện nay, mà sự vô hiệu trên thực tế của Nghị định 130/2020/NĐ-CP kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đọc nghe rất mê làm ai cũng tin thật, là một thí dụ rất hùng hồn sinh động.

 

Với những tình trạng được miêu tả như trên, phải thẳng thắn nhận định rằng, nếu vẫn cứ tiếp tục bằng những biện pháp cũ thông thường như học tập nghị quyết, học tập lời dạy của lãnh tụ, phê bình kiểm điểm, thanh tra kiểm tra, cảnh cáo kỷ luật, đình chỉ công tác, thậm chí bắt bớ bỏ tù..., nạn tham nhũng vẫn khó bị đẩy lùi, nếu như cái điều căn bản là toàn bộ hệ thống chính trị-kinh tế do đặc điểm và những khuyết tật bên trong của nó mà tệ nạn tham nhũng phát sinh, không được điều chỉnh một cách đúng mức cần thiết. 

 

Chống tham nhũng cũng khó khăn như chống lại bệnh nghèo khó, nó luôn vướng phải cái vòng luẩn quẩn: muốn làm được việc gì cũng cần phải có một chính phủ lành mạnh, trong khi chính phủ đó đang bị nghiền nát do chính bệnh tham nhũng, và trong số cán bộ lãnh đạo cấp cao ngoài người tốt còn rất ít vẫn có một thành phần khá đông thật ra chẳng muốn cho tình trạng hỗn loạn về các phương diện luật pháp, hành chính sớm được chấm dứt trong chừng mực cho phép là hệ thống chính trị lạc hậu của họ vẫn chưa bị sụp đổ trước khi họ còn có thể lợi dụng kiếm chác được. Một thí dụ cho thấy rất rõ điều này là tình trạng tham nhũng liên quan đất đai xảy ra nặng nhất tại nước ta nhưng luật đất đai sửa đổi lại cứ lần lữa mãi không chịu cho thông qua. Một thí dụ khác nữa đó là luật biểu tình. Số còn lại thì như một bà luật sư nổi tiếng nọ đã từng nói: Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử thì dùng toàn luật rừng!      

 

Muốn chống tham nhũng vì thế phải quyết tâm xoay theo một chiều khác hẳn bằng con đường cải cách hệ thống chính trị theo hướng dân chủ hóa toàn diện đời sống xã hội. Còn cải cách cụ thể như thế nào thì đã có hàng trăm hàng ngàn bậc thức giả trong ngoài nước góp ý rất hay rất đúng rất nhiệt tình rồi, ở đây không cần lặp lại, nhưng đại khái cũng không ra ngoài một số điều cốt lõi như thực hiện quyền ứng cử bầu cử thật sự tự do dân chủ, thể hiện một cách thực chất các quyền về tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình… như Hiến pháp 2013 đã thừa nhận; sửa đổi một vài điều khoản quan trọng trong hiến pháp liên quan nền tảng tư tưởng chính trị (không coi chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng nữa), về quyền sở hữu đất đai, về kinh tế quốc doanh. Đặc biệt cải cách tư pháp, tôn trọng tính độc lập của tòa án, nâng cao vai trò của luật sư…, để không còn những vụ án xét xử thiếu công bằng, những vụ án oan sai, án “bỏ túi”; tuyệt đối cấm tra tấn, ép cung, mớm cung, như luật pháp đã quy định…

 

Trước mắt, như tôi đã nhiều lần đề nghị trong một số bài viết gần đây, nên tái thẩm để phóng thích hầu hết các nhà bất đồng chính kiến, vì tiếng nói phê phán của họ nếu gạn đục khơi trong đều thẳng thắn khách quan, có tác dụng đóng góp, đáng được tham khảo trong quá trình thực hiện cải cách chính trị, trên tinh thần coi “kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta; kẻ nịnh ta là thù địch ta”; ở đây kẻ thù địch nội bộ thật sự chính là đám quan tham lại nhũng hủ nát đông như bầy sâu, bọn họ chỉ khéo biết chiều lòng cấp trên và không bao giờ dám nói lên sự thật.  

 

Trước đây có một số ông lớn coi vậy mà thành thật hơn. Như cố Tổng bí thư Đỗ Mười từng nói: “Như hiện nay, xin đi học, hay vào bệnh viện đều phải có... tí phong bì”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về hiện tượng thoái hóa của cán bộ nhà nước: “Nếu có phát hiện thì... hi sinh đời bố, củng cố đời con!” (dẫn lại của Tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 191, tháng 9.2006).

 

Nhưng có lẽ chính cố Thủ tướng Phan Văn Khải mới nói trúng vào trung tâm của vấn đề đang xét: “Rất nhiều lần tôi nói cả hệ thống chính trị chứ không chỉ hệ thống hành chính của chúng ta có vấn đề, cần phải cải cách, chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực, chống cho được tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu...” (Nt).

 

Ông Đào Đình Bình trước khi rút lui khỏi chức vụ bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thành thật nói lớn lên chân lý này ở trước mặt mọi người tại kỳ họp Quốc hội ngày 15 tháng 6.2006: “Cơ chế hiện nay phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì bộ trưởng nào ngồi vào đây cũng sẽ mắc khuyết điểm. Tôi từ chức rồi, nhưng các đồng chí sau tôi chắc chắn cũng khó vượt qua” (Nt). 

 

Ông TS Lê Đăng Doanh thì lại có lối nói thực tế và bình dân dễ hiểu hơn: “Chỉ trừng phạt thôi thì người này đổ, người khác sẽ lên. Cơ chế nếu không thay đổi thì người mới lên sẽ... tệ không kém, thậm chí còn ‘cáo’ hơn anh trước” (Nt).            

                          

Một số nhà lãnh đạo tiền bối không lâu trước đây đều đã nhận ra vấn đề. Các giới hữu trách từ bấy đến nay cũng đã bàn nát nước mà lối ra dường như vẫn còn thấp thoáng nằm xa xăm mờ mịt ở tận đâu đâu. Ngặt nỗi, dường như chỉ có nhà lãnh đạo cao nhất nước hiện nay là chưa có tầm nhận thức ngang bằng với cố Thủ tướng Phan Văn Khải gần 20 năm trước về nhu cầu cải cách chính trị, nên ông cứ cố bám lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm ngọn đuốc soi đường cho mọi hành động chính trị, nhưng rất tiếc, cả Mác cả Lênin lẫn cụ Hồ trong bối cảnh lịch sử đương thời cũng chưa có kinh nghiệm gì cụ thể để truyền dạy cho ông bài học, đơn giản chỉ vì thời các cụ đó còn sống và hoạt động chưa có một tình trạng tham nhũng tiêu cực nào quá quắt giống như đất nước Việt Nam của chúng ta hiện nay.

 

Thiết tưởng, sắp tới đây các tổ chức trong hệ thống chính trị hiện hữu (như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội nghề nghiệp…) nên định ra một vài kỳ họp bất thường nào đó để thảo luận chuyên về con đường cải cách chính trị, cho phép mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, lấy khẩu hiệu “Sống và hành động theo hiến pháp và pháp luật” làm chủ đề cho những cuộc hội thảo như vậy, nhằm tìm hướng ra thích hợp và thúc đẩy cải cách, thực hiện cuộc cách mạng lần thứ hai trong hòa bình và ổn định.

 

Ở đoạn đầu bài tôi có chê ông lãnh đạo cao nhất nước hiện nay là chẳng có thì giờ đọc sách nên cũng chẳng có kiến thức gì sâu rộng để điều hành đất nước và chống tham nhũng hiệu quả. Khi thẳng thắn đưa ra nhận xét như vậy, trong thâm tâm tôi chẳng có ý gì chê bai theo kiểu  “nói xấu lãnh đạo” để hạ uy tín cá nhân, trái lại tôi còn rất thông cảm và coi ông là trường hợp bi kịch chung của tất cả những cán bộ làm việc trong chế độ CS độc tài toàn trị. Giả định được ở vào địa vị lãnh đạo của ông, nhiều khả năng tôi sẽ còn tệ hơn ông rất nhiều.

 

Tôi chỉ muốn chứng minh và thưa rằng đường lối chống tham nhũng như ông đang làm chắc chắn sẽ không bao giờ đạt hiệu quả như lòng ông mong muốn, và càng chống ông sẽ càng cảm thấy ê chề đau khổ, như ông đã than trong cuộc họp ngày 20.1 vừa qua, “chống mạnh mẽ như thế, nhưng sao tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ”, là điều rất cần tránh, đặc biệt trong lúc tuổi già, để còn được hưởng chút an nhàn trước khi từ giã cái cõi đất Việt rất đáng mến yêu nhưng cũng đầy chuyện phức tạp lộn xộn này.

 

Trong một bài viết gần đây tôi có nói,  «Nếu ông vẫn chưa chịu rút lui thì nên tìm cách ở lại chức vụ để chuyển hướng chính trị bằng cách thực thi rộng rãi nền dân chủ trong nước, thả hết những người có chính kiến khác đang bị cầm tù, mở ra một bầu không khí tươi mới tích cực, đẩy lùi đám nịnh thần thối nát đang bu xung quanh, hầu có thể gây lại mối đoàn kết nhất trí cao để vừa xây dựng đất nước, vừa đủ sức đối phó với một thế lực thù địch rất nguy hiểm đã và đang lăm le gây hại cho đất nước chúng ta. Nếu làm được như vậy, nhân dân Việt Nam sẽ muôn đời nhớ ơn ông, coi ông là một vị thánh sống cứu tinh cho toàn thể dân tộc đang lao đao lận đận vì đám đông quan lại gian tà» (xem «Tản mạn chuyện đông tây kim cổ: do một  người hay do cả hệ thống chính trị», Viet-studies, 28.12.2021).

 

Đang có lời đồn đại rằng ông sắp phải rời khỏi chính trường, như vậy rất tốt cho tuổi già và sức khỏe của ông, vợ con và các cháu ông sẽ rất vui mừng. Nếu tin đồn này không xác thực thì cũng không sao, trong trường hợp sự ở lại chức vụ thêm một thời gian ngắn nào đó của ông là nhằm để góp phần cải cách căn bản thể chế chính trị chứ không phải chỉ để «đốt lò» hoặc thanh trừng phe phái vì những lý do vị kỷ.

                                                                                                                  TVC

                                                                                                                  24.01.2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats