Monday, 3 January 2022

NHỮNG SỰ KIỆN QUAN TRỌNG CỦA THẾ GIỚI NĂM 2021 (Việt Dân - Thông Luận)

 


Những sự kiện quan trọng của thế giới năm 2021

Việt Dân  -   

2/01/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23661-nh-ng-s-ki-n-quan-tr-ng-c-a-th-gi-i-nam-2021

 

Đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công nhân loại

Thế giới kết thúc một năm 2021 đầy biến động. Có thể nói, bất cứ bài viết hay cuộc thảo luận nào khi nhìn lại năm qua đều sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến đại dịch Covid-19.

 

Bắt đầu bùng phát từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc cuối 2019, đại dịch Covid-19 đã lây lan ở mức độ toàn cầu, càn quét hết mọi ngóc ngách trên thế giới năm 2020. Sau tất cả những khó khăn và tang thương, năm 2021 nhân loại đối diện với đại dịch Covid-19 trong cả sự thử thách lẫn hy vọng. Tỷ lệ tiêm vaccines cao cũng như sự thích ứng dần trong việc sống chung với đại dịch đã giúp cho thế giới dần khắc phục được khủng hoảng ban đầu.

 

Nhìn từ khu vực Châu Á, vốn dĩ bị ảnh hưởng nặng nề trong nửa đầu năm 2021, thì hiện tại 66% dân số toàn khu vực đã được tiêm một mũi vaccines, trong đó, 55% đã tiêm đủ 2 mũi trở lên. Các chuyên gia và nhà khoa học đã có sự hiểu biết sâu sắc hơn và rút ra những bài học để kịp thích ứng với những biến chủng mới, trong khi gấp rút tìm ra giải pháp ngăn ngừa tận gốc trong tương lai gần. Để dễ hình dung thì tỷ lệ tử vong trong 1 triệu người ở khu vực Châu Á hiện tại chỉ là 0.26, trong khi con số này ở mức 1.22 vào giai đoạn tháng 5-2021.

 

Cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1

Nếu có một sự kiện thu hút quan tâm đặc biệt còn hơn cả đại dịch Covid-19 thì chúng ta có thể quay ngược lại biến cố xảy ra tại nước Mỹ vào đầu năm nay. Ngày 6/1, vụ nổi loạn trên đồi Capitol Hill kéo theo hàng nghìn người tràn vào trong tòa nhà Quốc Hội - Biểu tượng của nền Dân Chủ Mỹ, đã dấy lên sự kinh ngạc, hoảng sợ xen lẫn lo âu về một nguy cơ đảo chính. Rất may mắn, cuộc chuyển giao quyền lực giữa người tiền nhiệm Donald Trump và tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã diễn ra êm đẹp. Donald Trump không phải là một nguyên nhân gây ra tai ương cho nước Mỹ như nhiều người lầm tưởng, mà ông ấy chỉ là một kết quả phản chiếu đậm nét sự mâu thuẫn, chia rẽ đỉnh điểm trong lòng nước Mỹ.

 

Đảo chính quân sự tại Myanmar

Chỉ không lâu sau đó, cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar do phe tướng Ming Aung Hlaing cầm đầu đã đẩy bà Aung San Suu Kyi vào tù, và đưa đất nước Myanmar vào tình trạng nội chiến. Người viết dành một sự quan tâm đặc biệt với tình hình Myanmar và đã dành thời gian thảo luận cùng nhiều anh em thân hữu. Mặc dù phe đối lập dần đạt đến một đồng thuận với nhau rằng để có thể thay đổi đất nước và xây dựng nền móng dân chủ vững chắc, thì không thể chỉ dựa vào một biểu tượng. Nhất là khi bà Aung San Suu Kyi, sau những gì đã làm lúc đương nhiệm thì không thể đại diện cho tính đa nguyên và đa sắc tộc của đất nước Myanmar. Tuy nhiên, sự bi quan vẫn đè nặng lên chính trị Myanmar khi những tiếng nói đối lập đề nghị một chiến lược bất bạo động bài bản, ôn hòa đã không được hưởng ứng trước đa số tìm giải pháp bạo lực. Dù sao chúng ta có quyền lạc quan trong cả sự bi quan. Người Myanmar ngày hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Họ đã hiểu biết về thế giới và không một ai muốn đất nước quay lại thời kỳ đen tối của những thập niên trước. Ngay cả chính phe quân đội đang nắm quyền cũng đã thay đổi và họ đã nhượng bộ so với chính sự thô bạo mà họ đã từng thể hiện trong quá khứ. Tương lai của Myanmar sẽ bước vào một khúc quanh lớn khi truyện thuyết dân chủ đa nguyên đi cùng với chiến lược bất bạo động được hưởng ứng đa số bởi phe đối lập.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51793818671_b62422a5c1.jpg

Đảo chính của giới tướng lĩnh lật đổ chế độ dân chủ nhấn chìm Myanmar vào khủng hoảng

 

Mỹ tháo chạy khỏi Afghanistan

Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ với lời hứa không chỉ hàn gắn nước Mỹ, mà còn mong muốn lãnh đạo thế giới trở lại quỹ đạo dân chủ. Người ta càng có thêm niềm tin khi ông tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh dân chủ toàn cầu vào cuối năm 2021. Thế rồi, nước Mỹ tuyên bố triệt thoái khỏi Afghanistan. Nước Mỹ đã khước từ một cố gắng dù rất nhỏ để bảo vệ người dân Afghan cũng như thiết lập dân chủ bền vững theo đúng khẩu hiệu "tự do mãi mãi" (Enduring Freedom) ngày họ đặt chân vào.

 

Với nhiều người Việt Nam, cảnh những chiếc trực thăng Chinook bay lên khỏi nóc tòa đại sứ chắc chắn gợi lại biến cố không thể quên năm 1975. Quyết định rút quân khỏi Afghanistan một cách đầy vội vã kéo theo sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Kabul, người dân Afghan hoảng loạn, còn lực lượng Taliban với chỉ vài nghìn người trung kiên tiến vào thành phố và lên nắm quyền. Một nốt trầm buồn xảy ra với Afghanistan và có thể sẽ còn tiếp diễn nhiều năm sau nữa. Các nước dân chủ vẫn đang theo dõi phản ứng và những thay đổi của chính quyền Taliban trước khi cân nhắc những bước tiếp theo, nhưng điều cần làm hiện tại là những hành động cứu trợ nhân đạo người dân Afghan khỏi tình trạng đói kém, bệnh tật và sự hỗn loạn.

 

Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP26

Chủ nghĩa tự do phóng khoáng, trong vài thập niên qua đã đưa nhân loại tiến lên, nhưng kéo theo đó là những hệ lụy từ mức chênh lệch giàu nghèo quá đáng và môi sinh bị hủy hoại ở nhiều nơi. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và kết nối vạn vật như hiện nay thì trái đất dần nhỏ lại và đã trở thành mái nhà chung của nhân loại. Rất nhiều học giả, nhà tư tưởng đã từng bày tỏ sự lo ngại khi thời đại chúng ta đang sống đang thiếu đi một truyện thuyết chung để kêu gọi sự hợp tác ở quy mô toàn cầu.

 

Ngày hôm nay, dù là các nước dân chủ hay độc tài, đều không ai phủ nhận tầm quan trọng của việc chống biến đổi khí hậu và quyền được hít thở không khí lành, sạch như một quyền con người. Hội nghị toàn cầu COP26 được tổ chức trong năm nay, với sự đồng thuận tuyệt đối của khối các nước dân chủ mà trong đó, không thể không kể đến hành động hòa giải của Hoa Kỳ, thêm một lần nữa nhắc lại về truyện thuyết chung mà nhân loại cần chia sẻ và đẩy nhanh hơn trước nguy cơ đi đến đà diệt vong đang hiện hữu.

 

Điều chúng ta cần phải nói rõ với nhau là dân chủ và môi trường không bao giờ mâu thuẫn nhau, trái lại còn gắn bó mật thiết với nhau. Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội đúng đắn nhất để thực hiện đầy đủ quyền con người và môi trường lành, sạch cũng là một trong những quyền con người. Chúng ta cần nhắc lại, trong hội nghị COP26, các nước độc tài hay dân túy như Nga, Trung Quốc, Brazil, Philippines, Việt Nam… đã không tham gia hoặc nếu có tham gia cũng chỉ thể hiện một cam kết khiêm tốn trước việc chống biến đổi khí hậu. Điều này dễ hiểu vì các chính quyền độc tài không dành sự tôn trọng đối với quyền con người và xem đất nước, tài nguyên như là tài sản để trục lợi nên họ không có sự ưu tư đầy đủ, cũng như không thể đào tạo ra những người có phẩm chất xứng đáng.

 

Thay đổi chính phủ tại Nhật và Đức

Năm 2021 cũng chứng kiến một sự thay đổi rất lớn trong nền chính trị của hai nước thuộc khối G8 là Đức và Nhật Bản. Đức là đầu tàu kinh tế của Châu Âu trong khi nước Nhật ngày một đóng vai trò quan trọng hơn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Fumio Kishida cũng như tân quốc trưởng Đức Olaf Scholz - Lãnh đạo đảng dân chủ xã hội (SPD), đều nhấn mạnh về sự liên đới trong xã hội, cam kết thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Lần đầu tiên, thế giới bước đầu tìm được đồng thuận về một mức áp thuế tối thiểu ở quy mô toàn cầu để ngăn chặn việc chuyển giá của những tập đoàn đa quốc gia khỏi những thiên đường thuế. Chủ nghĩa tiêu thụ tham lam kết hợp với chủ nghĩa tự do phóng khoáng đang bị xét lại, và càng dứt khoát sau những tang thương mà nhân loại phải gánh chịu trong ba năm sống chung với đại dịch Covid-19.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51792872412_d52dd578c2.jpg

Trung Quốc gây hấn và đe dọa Đài Loan liên tục trong năm 2021

 

Trung Quốc gây hấn với thế giới để co cụm lại

Không thể bỏ qua Trung Quốc trong năm 2021. Bắt đầu từ thông tin phá sản của tập đoàn bất động sản Evergrande trước khoản nợ 300 tỷ USD đáo hạn, tiếp đến là hàng loạt công ty trễ hạn chi trả trái phiếu và mất thanh khoản… Người ta càng ngày càng liên hệ đến kịch bản HNA xảy ra trước đó một năm. Trung Quốc sau những cố gắng tăng trưởng hoang dại bất chấp môi sinh và bất bình đẳng, đang dần xé bỏ đi hợp đồng bất thành văn giữa một bên là Đảng cộng sản Trung Quốc, một bên là tuyệt đại đa số 900 triệu người Trung Quốc sống ở mức nghèo khổ. Ông Ôn Gia Bảo - Thủ tướng Trung Quốc trước đây, đã từng nói rằng nếu không thể duy trì mức tăng trưởng 8%/năm thì xã hội Trung Quốc sẽ dẫn đến bạo loạn. Điều này đang xảy ra trong hiện tại.

 

Trung Quốc đang gánh một khoản nợ quá lớn, hơn 40.000 tỷ USD theo các tổ chức uy tín ước tính, gấp hơn 3 lần GDP của họ. Quyết định gây hấn với thế giới cũng như củng cố quyền lực của Tập Cận Bình, để biến Trung Quốc từ một chế độ đảng trị thành một chế độ toàn trị tôn sùng lãnh đạo như thời Mao Trạch Đông, hay vị hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa Đặng Tiểu Bình chỉ là một logic tự nhiên của con lạc đà đang oằn mình trên lưng một sức nặng, mà có thể chỉ một cọng rơm cũng làm nó gãy lưng. Trung Quốc gây hấn với thế giới, Trung Quốc đe dọa Đài Loan... để co cụm lại với mức sống khá hơn chính họ những năm 60, đó có thể chỉ là một giấc mơ tuyệt vọng của các cấp lãnh đạo xung quanh Tập Cận Bình cũng như chính ông ta.

 

Trung Quốc của thế kỉ 21 đã thay đổi, và thay đổi lớn nhất nằm bên trong chính người dân Trung Quốc. Người Trung Quốc ngày hôm nay, nhờ thông tin và đời sống tăng lên đã ngày một ý thức hơn về sự hiện hữu của chính họ trong lòng chế độ. Ngay cả khi thiếu những Facebook, Google, Youtube thì người dân Trung Quốc vẫn đã hiểu biết hơn nhờ những giao tiếp, trao đổi trong mạng lưới thông tin 1,4 tỷ người của họ. Rất có thể, thái độ của thế giới với Trung Quốc sẽ càng rõ nét hơn trong những năm tới khi viễn cảnh bá quyền của chính quyền Trung Quốc dần nhường chỗ cho việc tìm một giải pháp đưa cuộc khủng hoảng, tan vỡ không thể tránh khỏi tại Trung Quốc vào quỹ đạo hòa bình.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51792873582_04c7be4838.jpg

Putin gây hấn với Ukraine để che đậy những bất ổn nội bộ

 

Chính quyền Putin đang rất bối rối

Nhìn sang Đông Âu, nước Nga và Putin cũng đang có một cuộc ly dị dứt khoát. Tại sao ? Việc đưa quân sát biên giới Nga và Ukraine diễn ra gần đây, nằm trong toan tính của Putin muốn Châu Âu nhượng bộ. Putin đòi phương Tây không được để Ukraine gia nhập NATO và EU. Đây chỉ là một sự tháu cáy vì Putin cũng hiểu rằng trong thời đại hòa bình của ngày hôm nay, vấn đề địa chính trị xem Ukraine như một vùng đệm để tránh âm mưu thôn tính nước Nga trong lịch sử chắc chắn không xảy ra.

 

Liên Hiệp Châu Âu được thành lập không có tiếng súng nào, mà hoàn toàn dựa trên nguyện ước dân chủ và nhân quyền làm nền tảng. Bỏ qua sự nuối tiếc có tính lịch sử khi Ukraine từng là một phần của đế chế Nga rộng lớn dưới triều đại các Sa Hoàng, thì có lẽ điều Putin lo sợ nhất đó chính là văn hóa dân chủ từ Ukraine sẽ tràn vào nước Nga. Trên một biên giới rộng 2.000km thì không có cách nào kiểm soát được luồng giao thương hay những trao đổi qua lại hàng ngày giữa người dân hai nước cả. Có lẽ, chiêu bài kích động chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay gợi nhắc về quá khứ hào hùng của Nga Xô, dù Putin rất thạo nhưng cũng đã trở nên nhàm chán với người dân.

 

Nếu chúng ta đồng ý với nhau tuổi trẻ là tương lai của đất nước, thì sự ly dị dứt khoát giữa người Nga và Putin có thể chứng minh bằng số liệu. Mức độ tín nhiệm của Putin ở Nga hiện tại chỉ còn 30%, trong đó giới trẻ chỉ còn 20%. Cả EU và Mỹ đều dứt khoát bác bỏ những yêu cầu của Putin nhưng cũng rất khéo léo trong ngoại giao để tránh những leo thang căng thẳng có lợi cho Putin. Chế độ độc tài của Putin đang sụp đổ dần từ bên trong và lần này, nền dân chủ của nước Nga sẽ được thiết lập thực sự.

 

Chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu sẽ thay đổi

Kinh tế thế giới trong năm 2021 bao phủ trong những gói kích thích ở quy mô quốc gia. Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và những nước khác… đều tung ra những gói kích thích hàng nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế sau sự suy sụp trước đại dịch Covid-19. Điều đáng chú ý là sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm thích nghi tốt hơn trước những cuộc khủng hoảng. Trước đó, các hoạt động xây dựng chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đều dựa trên tiêu chí quan trọng nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Các nhà máy di dời từ Mỹ, từ EU, Nhật, Hàn… sang Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ hay Việt Nam đã chứng tỏ giới hạn của nó trong bối cảnh đại dịch và thiếu hụt hàng hóa vì mức độ tập trung quá cao nhờ tiền đề "nhân công rẻ". Khái niệm "Khu vực hóa", không tập trung hóa sản xuất vào chỉ một nước, đem lại các nhà máy về nước mình hay các nước lân cận trong khu vực đang được đẩy mạnh. Điều này trong dài hạn sẽ đúng đắn và giảm thiểu mức chênh lệch giàu - nghèo hay sự chia rẽ trong một nước. Điển hình là Hoa Kỳ nếu chúng xem lại những bang ủng hộ Donald Trump nhiều nhất là những bang bị bỏ lại trong quá trình toàn cầu hóa, được thúc đẩy bởi khẩu hiệu "Chỉ làm kinh tế" (Economy, stupid!) của Bill Clinton vào năm 1992, kéo theo hàng loạt nhà máy di dời khỏi Hoa Kỳ.

 

Cuối cùng, là một suy tư cho Việt Nam. Kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nặng nề trong năm 2021 bởi vì những biện pháp chống dịch cực đoan của đảng Cộng sản. Thậm chí, càng trầm trọng hơn vì nhiều dự án đầu tư đã dời lại hoặc quyết định chuyển sang những nước khác thay vì Việt Nam. Thêm một lần nữa, người dân Việt Nam lại nhìn rõ sự tồi dở của đang Cộng sản và mức độ tham nhũng kinh khủng của họ. Những thất vọng và cả sự phẫn nộ khi phải chứng kiến những bản án vô lý đối với những người bất đồng chính kiến và dân oan…làm cho chúng ta thêm thấy rõ đảng Cộng sản cai trị đất nước như là một lực lượng chiếm đóng. Sau khi những xúc động đi qua, những người Việt Nam quan tâm đến đất nước đang tiến đến một đồng thuận căn bản trong lộ trình tranh đấu dân chủ cho đất nước đó là đấu tranh chính trị dứt khoát phải có dự án chính trị và phải tham gia vào một tổ chức chính trị.

 

Năm 2021 đầy biến động và thử thách đã đi qua để mở ra một năm 2022 đầy hy vọng cho nhân loại và đất nước.

 

Việt Dân

(2/1/2022)




No comments:

Post a Comment

View My Stats