Người
Trung Quốc mang mặc cảm tự ti?
03/01/2022
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-trung-quoc-mac-cam-tu-ti/6379849.html
https://gdb.voanews.com/200567B6-3DB2-4603-AA88-C4CAD932AA5E_cx0_cy15_cw0_w650_r1_s.jpg
Thái Nương Nương
lên mạng Weibo hỏi cả làng cả nước: “Bộ mắt tôi nhỏ thì tôi không phải người
Trung Quốc à?” (Hình: Trích xuất từ Yahoo.com)
Bước vào năm 2022, đáng lẽ người Trung Hoa
trong lục địa phải cảm thấy tự tin hơn dân các nước khác mới phải. Bệnh dịch
Covid-19 hoành hành khắp thế giới, trong khi số người bệnh và số người chết ở
Trung Quốc vẫn thấp. Ở Mỹ có thêm nửa triệu người mới mắc bệnh trong một ngày
31 tháng 12, thành phố Tây An bên Trung Quốc mới có 238 ca bệnh mới trong ngày
đó, mà bà Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan phải bay tới thanh tra và thúc đẩy.
Nhưng chỉ vì một cặp “mắt híp” mà dư luận trên
các mạng xã hội cho thấy người dân trong lục địa đầy mặc cảm tự ti.
Đó là cặp mắt của cô Thái Nương Nương (Cai
Niang Niang, 菜孃孃). Nhật báo South China Morning Post đăng tin công ty
thực phẩm Ba Con Sóc (Tam chích tùng thử, 三只松鼠) đã phải rút lại các mẫu quảng cáo mang hình
cô người mẫu này, vì bị dân mạng phản đối. Bài quảng cáo đã chạy trên mạng từ
năm 2019, suốt hai năm không ai nói gì cả. Bỗng dưng, có người vạch ra rằng đôi
mắt của cô Thái Nương Nương đã được trang điểm làm cho chúng nhỏ hơn, trông “có
vẻ Trung Quốc” hơn! Thế là một phong trào bùng lên, phản đối, tố cáo hãng Ba
Con Sóc bêu xấu dân tộc Trung Hoa, hô hào tẩy chay các sản phẩm của họ.
Phong trào này là do nỗi bất bình lâu đời của
người Trung Hoa, khi thấy người Âu Mỹ nuôi thành kiến rằng dân Trung Quốc có
đôi mắt nhỏ quá; các phim hay truyện hoạt họa luôn luôn mô tả bộ mặt người
Trung Quốc như vậy. Dân trên mạng không nói “mắt nhỏ” mà kích thích tự ái chủng
tộc bằng những chữ “mắt him híp, mị mị nhãn” (眯眯眼).
Công ty Ba Con Sóc bị tố cáo là “kỳ thị chủng
tộc,” là cố tình quảng bá một thành kiến của “người da trắng” (bạch nhân) trong
khi mình cũng là dân da vàng. Công ty lên tiếng tự biện hộ, nói rằng đôi mắt cô
Thái Nương Nương vốn tự nhiên nhỏ như thế chứ không ai cố ý trang điểm làm cho
chúng nhỏ hơn. Người ta bèn tung lên mạng những bức hình cô người mẫu lúc bình
thường, tuy cũng nhỏ nhưng không đến mức “him híp” như trong các bài quảng cáo
– nhất là trong bức hình chụp cô đang cúi nhìn xuống thì đôi mắt cô có vẻ nhỏ
hơn thật!
Cuối cùng Ba Con Sóc phải quyết định rút các
bài quảng cáo tai hại. Công ty còn công bố lời xin lỗi về bức hình cô người mẫu
“không thích hợp với quan niệm thẩm mĩ” của mọi người.
Chỉ tội nghiệp cô Thái Nương Nương! Cô phải
lên tiếng, nhưng để cãi chống lại dư luận bất công chứ không để xin lỗi ai cả.
Làm sao mình có thể xin lỗi người khác vì cha mẹ đã sinh ra mình với đôi mắt bị
người ta chê là “him híp?” Cô lên mạng Weibo (Vi Bác, giống như Twitter ở Mỹ) hỏi
cả làng cả nước: “Bộ mắt tôi nhỏ thì tôi không phải người Trung Quốc à?” Cô nói
thẳng: “Ái quốc, tôi đồng ý. Nhưng (lấy cớ ái quốc) đem một chuyện bé xé thành
to thì là bệnh hoạn!”
Bệnh hoạn thật. Có thể nhiều người không xinh
đẹp bằng cô Thái, không kiếm được nhiều tiền như cô, ganh tị nên làm lớn chuyện.
Nhiều người khác cũng hùa theo, vì mang sẵn cái mặc cảm mình thua kém dân da trắng.
Sau khi Trung Cộng mở cửa, mua hàng hóa, coi các quảng cáo và phim ảnh Âu, Mỹ,
họ bắt đầu chịu ảnh hưởng; thấy đàn bà mang nét Âu Mỹ là đẹp. Họ sửng sốt khi một
cô người mẫu mắt him híp, chợt nhớ rằng đó là hình ảnh của người đàn bà Trung
Quốc tiêu biểu trong con mắt người da trắng. Không thể chấp nhận “người mình” bị
bêu riếu như vậy! Thế là nổi cơn thịnh nộ!
Một chuyện tương tự xảy ra trong tháng trước.
Cuộc triển lãm nhiếp ảnh của công ty mỹ phẩm Dior ở Thượng Hải vào tháng 11 vừa
qua đã phải cất đi mấy bức hình vì dư luận đàm tiếu. Nhiếp ảnh gia Trần Mãn (陈漫) người Trung Quốc, nổi
tiếng chụp ảnh thời trang, nhưng bị đả kích là “bêu xấu phụ nữ Á châu.” Nhật
báo Bắc Kinh chỉ trích cô nặng nề, viết rằng cô “làm cho con gái Trung
Quốc xấu xí” và “xuyên tạc văn hóa Trung Hoa.” Chỉ vì nhiều người mẫu trong các
bức hình của cô không cười, “trông như ma,” mắt híp, và da không trắng trẻo!
Hùa theo tờ báo đảng cộng sản, nhiều người lên
mạng đả kích Dior và Trần Mãn. Có người viết trên Weibo: “Họ (Dior) dùng hình ảnh
miệt thị dân Á châu để chứng tỏ nhãn hiệu của họ thuuộc hàng thượng lưu!” Có
người còn đặt vấn đề chủng tộc: “Dân thủ đô các nước Tây phương không bao giờ
coi dân Á châu là những con người!”
Chỉ vì mấy bức hình không vừa mắt mà suy nghĩ
như vậy, phải là những đầu óc chứa đầy mặc cảm tự ti!
Năm 2019 dân mạng trong lục địa đã phản đối ồn
ào khi công ty Dolce & Gabbana quảng cáo với hình ảnh cô người mẫu đang ăn
spaghetti bằng đôi đũa! Chắc công ty thời trang này tưởng rằng ai coi hình ảnh
đó cũng cười, thế là đủ cho họ nhớ nhãn hiệu của mình. Không ngờ họ bị lên án
là “bất kính,” là “làm thấp phẩm giá” phụ nữ Trung Hoa! Dolce & Gabbana đã
phải đóng cửa cuộc triển lãm.
Những lời lên án các công ty Dolce &
Gabbana, Dior, Ba Con Sóc và buộc tội cô Thái Nương Nương là phản ứng của những
tâm hồn đầy mặc cảm tự ti. Những kẻ thiếu tự tin quá đáng nên nhìn đâu cũng thấy
người khác khinh mình, nghi họ muốn bêu xấu và chế nhạo mình!
Nhưng không phải ai cũng tự ti như vậy. Một
người đã bênh vực Thái Nương Nương, “Tôi thấy cô ấy rất đẹp, và cái hình quảng
cáo này chẳng có gì là không ái quốc.” Và đặt câu hỏi: “Nền văn hóa của chúng ta
có thể bao dung và tự tin hay không?”
Không thiếu gì người Trung Hoa rất tự tin vào
giá trị văn hóa của họ. Ông Bá Dương đã nổi tiếng với cuốn sách “Người Trung Quốc
xấu xí,” kể ra đủ các thói hư tật xấu của đồng bào ông. Ông được độc giả hoan
nghênh, ở Đài Loan nơi ông sống và khắp các nước tự do có người gốc Hoa cư ngụ.
Có thể tin rằng số người trong lục địa chứa đầy
mặc cảm tự ti không đông lắm. Họ trở nên ồn ào nhờ các mạng xã hội, núp dưới
tình tự dân tộc và tự ái chủng tộc, không khác gì những nhóm “Da trắng thượng đỉnh”
ở nước Mỹ. Nhóm người tự ti này được guồng máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản
nuôi dưỡng và tẩm bổ với những luận điệu đề cao “Trung Quốc Mộng” và hô hoán về
các “mối đe dọa, chèn ép” của các nước Âu Mỹ. Dân Trung Hoa ở Đài Loan không bị
ảnh hưởng nên họ tự tin, đọc ông Bá Dương, vỗ bụng cười khoái trá.
Một người Trung Quốc đủ tự tin, dù sống trong
chế độ cộng sản, là ông Vương Tiểu Đông (Wang Xiaodong, 王小东). Ông là một trong 5 tác
giả cuốn “Trung Quốc Bất Cao Hứng” (bản dịch tiếng Anh là Unhappy
China) xuất bản năm 2009. Cuốn sách được coi là tiêu biểu cho tinh thần ái
quốc của người Trung Hoa. Hiện chương mục của ông trên mạng Weibo có hơn 2 triệu
500 ngàn người theo dõi.
Nhật báo South China Morning Post,
ngày 27 tháng 12, loan tin ông Vương Tiểu Đông mới viết trên mạng Weibo rằng
Trung Quốc không nên tiếp tục đường lối chống Mỹ, mà có thể nhượng bộ trước các
áp lực của Mỹ. Ông lạnh lùng nhận xét rằng chủ trương “đoạn tuyệt” với nước Mỹ
là hoàn toàn thiếu thực tế. Ông nghĩ Trung Quốc bị cô lập sẽ không thể nào đuổi
kịp Mỹ, về kinh tế cũng như về kỹ thuật. Ông báo động nước Mỹ có thể lôi kéo được
tất cả các nước khác trên thế giới đẩy Trung Quốc ra bên lề, Ông khuyên chính
quyền không nên để cho cả nước Mỹ đồng ý với nhau là phải chống Trung Quốc. Lời
khuyến cáo mạnh nhất của Vương Tiểu Đông nói thẳng rằng nếu Trung Quốc phải trả
một cái giá để tránh tình trạng đó, thì phải chấp nhận, dù cái giá đó là bị mất
mặt.
Ông Vương Tiểu Đông cho biết trước khi viết đã
tham khảo ý kiến của nhiều người, gồm các nhà nghiên cứu, các viên chức chính
phủ, và cả trong quân đội. Bài viết trên Weibo của ông chưa bị kiểm duyệt;
nhưng ông đã bị rất nhiều người đả kích.
Phải là một người rất tự tin mới dám viết thẳng
thắn, tự đem thân ra chống chọi với dư luận xã hội đang bị mị hoặc như vậy. Cô
Thái Nương Nương cũng đầy đủ tự tin mới dám thách thức hàng trăm ngàn người
đang chỉ trích mình. Coi hình ông trên báo thì thấy đôi mắt cũng chỉ lớn hơn mắt
cô người mẫu chút đỉnh.
Nếu một người Việt nghe ai chê người Á châu “mắt
híp” họ sẽ trả lời: Thế thì có sao không? Mắt “lá răm” đẹp hay xấu? Còn “mắt ốc
nhồi” đẹp hay xấu?
No comments:
Post a Comment